Cách rèn luyện sự tập trung giúp mọi việc trở nên dễ dàng

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Cách rèn luyện sự tập trung giúp mọi việc trở nên dễ dàng

19/04/2015 12:51 PM
379


Những điều phiền toái có mặt ở khắp mọi nơi khiến việc tập trung vào công việc trở nên khó khăn. Tuy nhiên, cải thiện khả năng tập trung hoàn toàn thực hiện được nếu bạn kiên trì.



 

CÁCH RÈN LUYỆN SỰ TẬP TRUNG

Và các bước dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện sự tập trung.

1. Lựa chọn môi trường

Môi trường đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện sự tập trung của bạn. Môi trường thoải mái và yên tĩnh giúp bạn dễ dàng tập trung cao độ khi làm việc. Khi lựa chọn môi trường, càng ít phiền nhiễu xung quanh thì bạn càng tập trung làm việc tốt hơn.

2. Kiểm soát suy nghĩ

Bí kíp đạt được sự tập trung là không để tâm trí bạn sao nhãng đến những suy nghĩ bất chợt khác. Khi những ý nghĩ khác len lỏi vào tâm trí, bạn không quan tâm tới chúng và chủ động tập trung vào công việc cần hoàn thành.

3. Lập kế hoạch làm việc

Bạn nên lập kế hoạch để hoàn thành công việc. Hãy phân bổ thời gian hợp lý đối với những việc quan trọng, đồng thời duy trì thời gian nghỉ ngơi.

4. Tránh bi quan

Bạn không nên cho rằng mình không thể tập trung được; điều đó sẽ khiến bạn khó tập trung hơn vì bạn có thể buộc tâm trí mình tập trung và chú ý trong một thời gian ngắn.

5. Tránh chồng chéo công việc

Công việc chồng chéo khiến bạn không thể tập trung xử lý từng việc một. Bạn hãy chú tâm hoàn thiện từng việc trước khi chuyển sang công việc khác.

6. Giảm tiếng ồn

Giảm tiếng ồn là rất quan trọng vì bạn không thể tập trung với đầy dãy tiếng ồn xung quanh. Cho dù là tín hiệu thư điện tử, nhận và trả lời tin nhắn,.. cũng sẽ làm gián đoạn sự tập trung của bạn.

7. Chế độ ăn và tập luyện

Sự tập trung phụ thuộc phần lớn chế độ ăn cân bằng và kế hoạch tập luyện. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể gây mệt mỏi và thờ ơ với công việc. Hãy đảm bảo sự tập trung của bạn nhờ chế độ ăn dồi dào quả hạch và trái cây chứa vitamin E, và tuân thủ lịch tập luyện đều đặn.

8. Nắm bắt công việc

Sẽ khó tập trung làm việc nếu bạn không hiểu rõ nhiệm vụ phải làm hoặc thấy nhiệm vụ đó quá rối ren. Mỗi khi thấy công việc khó khăn, đầu óc thường tìm kiếm những điều dễ thực hiện hơn, do vậy bạn hãy cố gắng vạch ra cái nhìn tổng quan, đưa ra khái niệm và mô hình cơ bản trước khi thực hiện một nhiệm vụ.

9. Chiến thắng sự trì hoãn

Sự trì hoãn hình thành khi bạn không thể tập trung và muốn gác lại công việc. Tuy nhiên, bạn không nên trì hoãn công việc, hãy quyết tâm làm việc cho đến khi công việc nặng nề đã hoàn thành.

10. Phát hiện thời điểm tập trung cao độ

Mọi người đều có những thời điểm tập trung cao độ trong cả ngày, tuy nhiên, “thời điểm vàng” của mỗi người rất khác nhau. Bạn hãy tìm hiểu thời điểm vàng của mình và sử dụng khéo léo để gói gọn những công việc phức tạp.

11. Lạc quan

Bất cứ khi nào bạn cần tập trung, hãy thuyết phục bản thân rằng bạn có thể tập trung được và điều này giúp bạn dễ dàng thể hiện tài năng của mình.

12. Phân chia công việc

Những công việc không rõ thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc sẽ cản trở sự tập trung của bạn. Nếu bạn có một dự án lớn cần phải làm, hãy tập trung xác định lộ trình cụ thể để bắt tay vào giải quyết công việc.

13. Tập luyện sự tập trung

Luyện tập phục hồi sự mất tập trung bằng cách cải thiện sự kết hợp giữa thể chất và tinh thần. Việc tập trung liên quan chặt chẽ với các bài tập duy trì trí nhớ như đảo đồng xu, đảo ghế - giúp cải thiện sự tập trung của bạn.

14. Ngồi thiền

Ngồi thiền không phải là phương pháp điều trị, nhưng nếu tập luyện bền bỉ và học cách kiểm soát tinh thần, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt và cải thiện dần dần sự tập trung của bạn.

15. Thực hiện từng bước

Rèn luyện bản thân cũng như sử dụng thời gian hiệu quả là rất quan trọng. Bạn nên bắt đầu từ việc nhỏ, nhưng cần kiên trì nếu bạn không dễ tập trung.

16. Rèn luyện não bộ

Để cải thiện sự tập trung, bạn cần rèn luyện não bộ. Khi bạn không thể tập trung vào một chủ đề trong vài giây, nhưng nếu kiên trì, bạn có thể tập trung suy nghĩ về một thứ gì đó trong khoảng thời gian lâu hơn.

17. Xác định hạn chót

Hãy xác định hạn chót công việc khi bạn muốn tăng cường sự tập trung. Hạn chót khiến bạn dễ dàng gác lại những việc riêng và tăng tốc cho thời gian làm việc của bạn.

18. Ngủ đủ

Bạn hãy cố định thời gian đi ngủ. Sự nhàm chán, mệt mỏi và ngủ đêm không đủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất tập trung.

19. Tiến bộ dần dần

Nếu bạn cảm thấy rất khó tập trung, mỗi tuần hãy tạo ra một số cải thiện nhỏ. Nếu bạn bị phân tâm mất nửa thời gian, mỗi tuần hãy cố gắng để thời gian bị phân tâm ít hơn.

20. Kiểm soát nhu cầu

Hãy chắc chắn là bạn đã sắp xếp mọi nhu cầu trước khi bắt đầu một công việc. Điều này giúp bạn tránh bị phân tâm không cần thiết và làm việc tập trung.

Để tâm vào công việc là một yêu cầu trong bất kỳ trường hợp nào, kết hợp thái độ tích cực sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự. Khi bạn cảm thấy yêu thích công việc, hiểu rõ công việc, bạn sẽ muốn tập trung để giải quyết công việc nhanh và tốt hơn.


MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Rèn luyện sự tập trung cho trẻ

Có rất nhiều cách rất thú vị và hiệu quả để giúp bạn rèn luyện sự tập trung cho trẻ mà không nhất thiết phải liên quan tới học tập. Bạn chỉ cần dành thời gian cho một số hoạt động đòi hỏi chú ý đến chi tiết và chỉ mất một vài bước để thực hiện.

Đối với trẻ mẫu giáo, hãy khởi động bằng những công việc mà bạn biết chắc chắn trẻ có thể hoàn thành, sau đó bắt đầu tăng dần độ khó lên. Sau đây là một số gợi ý có thể hữu ích cho bạn:

Những trò chơi và hoạt động đòi hỏi sự tập trung

• Chơi ghi nhớ với các lá bài. Hãy bắt đầu với 10 lá bài, sau đó tăng dần lên thành 12, 14, 16 lá bài…

• Ghép đường ray tàu hỏa. Trẻ sẽ phát triển được năng lực tập trung khi cố gắng ghép các đường ray một cách chính xác, ngoài ra trẻ cũng sẽ nâng cao được kỹ năng toán học.

• Chơi ghép hình. Bắt đầu bằng 24 mảnh ghép, sau đó nâng lên 48 mảnh ghép và nhiều hơn…

• Xâu các chuỗi hạt. Bắt đầu bằng một số hạt có màu sắc khác nhau, sau đó tạo ra quy luật cho các hạt, ví dụ như xâu các màu đỏ, vàng, xanh, tím theo thứ tự, yêu cầu bé lặp lại 5 đến 6 lần.

• Nghe radio hoặc những quyển sách dạng nói. Những hoạt động này sẽ đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn rất nhiều so với việc xem tivi. Trên tivi, hình ảnh và âm thanh thường được thay đổi cứ 5 đến 10 giây một lần để giữ sự hấp dẫn cho khán giả. Nhưng với những quyển sách dạng nói, bé sẽ cần ngồi thật yên lặng và tập trung nghe hết tất cả những chi tiết của câu chuyện.

• Chơi phân loại. Hãy mua những chiếc hộp bao gồm 100 chiếc cúc áo với nhiều loại cúc khác nhau. Để bé phân loại và sắp xếp những chiếc cúc giống nhau vào cùng một nhóm, có thể là theo màu sắc, số lỗ trên cúc, kích thước của cúc..

• Học các bài hát hoặc thơ thiếu nhi cùng với con. Bạn có thể đọc từng dòng và bé sẽ nhắc lại. Làm lần lượt cho đến khi bé học thuộc cả bài. Bạn có thể mua những tập thơ có bao gồm cả hình ảnh để giúp bé nhớ nhanh hơn.

• Đọc to cho bé nghe. Được nghe bố mẹ đọc với thời lượng tăng dần sẽ là cách rất tuyệt để giúp bé phát triển khả năng tập trung.

Những điều cần nhớ để giúp phát triển sự tập trung cho trẻ

Hiểu con bạn

Nếu con bạn là một đứa trẻ hiếu động bẩm sinh, đừng ép buộc bé phải ngồi học thuộc thơ để rèn luyện sự tập trung. Thay vào đó, có thể đăng ký cho bé một khóa học phát triển kỹ năng thể thao. Nếu bé có hứng thú với nghệ thuật, hãy thử cho bé học vẽ tranh.

Hạn chế thời gian xem tivi và chơi điện tử.

Tivi và trò chơi điện tử sẽ làm giảm khả năng tập trung tự nhiên của bé, bởi luôn có những thay đổi diễn ra liên tục trong các chương trình và trò chơi. Nếu con bạn hay bị xao nhãng , hãy để bé thực hiện nhiều hoạt động giúp nâng cao sự tập trung và hạn chế xem tivi hơn.

Khuyến khích bé hoàn thành mọi công việc

Hãy động viên bé tô màu xong bức tranh hoặc ghép xong bức hình còn đang dang dở trước khi làm việc khác. Thực hiện một nhiệm vụ cho đến cuối cùng là điều rất quan trọng để phát triển sức tập trung của bé.

Hạn chế làm nhiều việc cùng một lúc

Trẻ thường thích nói chuyện điện thoại, chơi điện tử hoặc xem tivi cùng một lúc. Hãy lên kế hoạch mỗi ngày để bé thực hiện những hoạt động cần sự tập trung, đồng thời hạn chế thói quen làm nhiều việc cùng một lúc của bé.

Tránh để bé bị làm phiền

Nếu bạn thấy bé đang tập trung ghép hình hoặc chơi logo, đừng ngắt quãng bé chỉ để hỏi xem bé muốn ăn gì hôm nay. Hãy đề nghị tương tự với các thành viên trong gia đình.

Việc tự đặt ra những thử thách, kích thích và luyện tập hiệu quả cả 5 nhóm chức năng của bộ não sẽ giúp sống khỏe, minh mẫn ngay cả khi tuổi tác đã nhiều

Ghi nhớ

Ghi nhớ đóng vai trò thiết yếu hơn cả trong nhóm các chức năng tri giác, nó có trong những việc đọc, lập luận, tính toán.

Để duy trì trí nhớ tốt, bạn cần phải rèn luyện, và điều này đơn giản hơn bạn tưởng: Nghe nhạc rõ ràng là hoạt động rất thú vị, và nếu bạn chọn một bài hát không biết hoặc không nhớ lời, bạn sẽ tự làm tăng lượng acetylcholine, một chất hóa học giúp kiến tạo thêm cho não, nâng cao khả năng ghi nhớ cho não bộ.

Hãy tự tạo ra thử thách cho mình bằng cách tắm hoặc mặc quần áo trong bóng tối, hoặc dùng tay trái đánh răng. Tất cả những hoạt động như vậy sẽ giúp tạo ra những kết nối mới giữa các tế bào thần kinh khác nhau trong bộ não.

Sự tập trung

Khả năng tập trung là yếu tố rất cần thiết gần như trong mọi hoạt động hàng ngày của con người. Biết tập trung tốt sẽ giúp bạn có thể duy trì sự chú ý ngay cả khi xung quanh rất ồn ào và liên tục bị ngắt quãng để hoàn thành nhiều hoạt động trong cùng một thời điểm.

Ta có thể cải thiện năng lực tập trung bằng cách đơn giản là thay đổi những thói quen hàng ngày. Chẳng hạn, bạn có thể thay đổi đường đi tới công ty hay sắp xếp lại bàn làm việc, cả hai cách đó đều sẽ bắt trí óc bạn phải tỉnh táo hơn để thoát khỏi những thói quen.

Khi tuổi tác nhiều hơn, sức chú ý của chúng ta cũng giảm dần, điều này khiến ta dễ bị phân tán hơn và khả năng kết hợp nhiều hoạt động cùng lúc cũng giảm hiệu quả. Bằng cách kết hợp các hoạt động như vừa nghe một cuốn sách nói vừa chạy bộ, hay làm toán trong khi lái xe có thể khiến não bạn hoạt động nhiều hơn trong cùng một thời điểm.

Ngôn ngữ

Các hoạt động ngôn ngữ sẽ buộc chúng ta phải nhận diện, ghi nhớ và hiểu ý nghĩa các từ vựng. Chúng cũng sẽ giúp ta rèn luyện kỹ năng ngữ pháp, sự trôi chảy trong khi nói, viết và tăng lượng từ vựng.

Với bài tập hàng ngày, bạn có thể mở rộng kho từ mới và dễ dàng nhận diện các từ ngữ quen thuộc. Chẳng hạn, nếu bạn chỉ thường xuyên đọc những bản tin thể thao thì bây giờ, hãy thử đọc những bài báo viết về thương mại một cách kỹ lưỡng.

Bạn sẽ tiếp cận với những từ mới, tuy nhiên, chúng sẽ dễ hiểu hơn khi đọc trong một văn cảnh nhất định và thậm chí, nếu bạn chưa hiểu được, bạn có thể tra cứu bằng từ điển. Hãy dành thời gian để hiểu những từ mới đó ngay trong ngữ cảnh văn bản, điều này sẽ giúp bạn xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và dễ dàng vận dụng những từ ngữ mới trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc.

Nhận thức thị giác

Chúng ta đang sống trong một thế giới 3 chiều đầy màu sắc. Việc phân tích các thông tin về mặt thị giác là điều cần thiết và có thể được thực hiện ngay trong môi trường sống của bạn.

Để luyện tập chức năng tri giác này, bạn hãy đi vào một căn phòng, chọn tìm 5 đồ vật và ghi nhớ vị trí của chúng. Khi ra khỏi phòng, hãy cố gắng nhớ lại 5 vật đã chọn đó cùng vị trí của chúng. Bạn thấy điều này quá đơn giản ư? Hãy chờ qua 2 giờ đồng hồ sau đó, và nhớ lại những vật này cùng vị trí của chúng.

Hãy nhìn về phía trước và ghi lại mọi điều bạn có thể thấy trước mặt và hai bên tầm nhìn của bạn. Hãy bắt mình nhớ lại mọi điều và ghi ra. Cách làm này sẽ buộc bạn phải sử dụng trí nhớ và rèn luyện cho trí não khả năng tập trung vào những điều xung quanh bạn.

Chức năng hành động

Mặc dù có thể không nhận ra, nhưng bạn đang sử dụng kỹ năng logic và lập luận hàng ngày để đưa ra những quyết định, xây dựng các giả thuyết và xem xét những kết quả có thể diễn ra trong những hành động của mình. Các hoạt động trong đó bạn phải xác định chiến lược để đạt được kết quả mong muốn và tính toán những hành động thích hợp để tìm ra giải pháp trong thời gian ngắn nhất có thể chính là những hoạt động yêu thích bạn làm mỗi ngày, giống như các hoạt động tương tác xã hội và các trò game chẳng hạn.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với một người bạn có thể kích thích hoạt động trí tuệ vì bạn sẽ phải cân nhắc những lời đối đáp có thể và những kết quả mong muốn. Các trò game đòi hỏi người chơi phải có chiến lược và kỹ năng giải quyết những khó khăn để đạt được mục đích tốt nhất.

Luyện tập trí óc

Cùng với tuổi tác, việc rèn luyện trí óc cũng quan trọng như luyện tập cơ thể. Và bây giờ, bạn đã biết 5 nhóm chức năng tri giác của não và cách thức luyện tập chúng, thế nên bạn sẽ nhận thấy dễ dàng hơn những hoạt động hàng ngày có thể giúp mình rèn luyện trí óc và não bộ ra sao.

Luyện khả năng tập trung khi học

ngugat1.jpg











 

"Quay lại ngay bây giờ”

Phương pháp này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại là cách khá hữu hiệu.

Khi bạn nhận thấy rằng những gì bạn đang nghĩ bị phân tán, hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”. Rồi nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang suy nghĩ.

Chẳng hạn như: Bạn đang học và bạn chợt nhớ tới một buổi hò hẹn, hay là bạn nhớ ra rằng mình đang đói hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”

Quay trở lại với công việc bạn đang làm và tập trung vào công việc đó lâu nhất có thể. Khi bạn lại cảm thấy mất tập trung, hãy nhắc lại: ”Quay lại ngay bây giờ”. Rồi lại một lần nữa nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang suy nghĩ.

Hãy cố gắng rèn luyện lặp đi lặp lại. Bạn sẽ đạt được hiệu quả! Thay vì cố gắng để xua đuổi ý nghĩ về một cái gì đó, hãy chỉ đơn giản “quay lại” nghĩ về việc bạn đang làm.

Bạn có thể tập làm việc này cả trăm lần trong một tuần. Và cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng, bạn càng ít bị mất tập trung hơn sau mỗi tuần. Vì vậy hãy kiên trì. Bạn sẽ nhận thấy những tiến bộ rõ rệt.

Đừng đòi hỏi quá nhiều ở bản thân mà hãy cứ thoải mái trong tập luyện. Việc đó đã là quá đủ để chứng minh rằng bạn đang cố gắng, và rằng bạn đang đi đúng hướng. Sau những lần thành công và dĩ nhiên là cả thất bại, rốt cuộc thì việc luyện tập của bạn cũng sẽ đạt được kết quả.

Những khoảng thờì gian để suy nghĩ

Khoa học đã chứng minh những người giành ra một khoảng thời gian xác định để suy nghĩ thì những lo âu trong đầu sẽ giảm được tới 35% sau 4 tuần. Cho nên, mỗi ngày hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định để nghĩ về những điều cứ vấn vương trong đầu bạn và chen ngang vào những khi bạn cần tập trung.

Khi bạn nhận thấy mình bị phân tán vì những suy nghĩ đó, hãy tự nhắc nhở rằng bạn sẽ dành một khoảng thời gian riêng để lo nghĩ về nó sau khi đã hoàn tất công việc hiện tại. Và rồi sau đó, hãy giữ đúng hẹn, để lo nghĩ về những vấn đề vẫn hay làm bạn sao nhãng.

Tận dụng một cách đúng đắn năng lượng của bạn.

Bạn cảm thấy sung sức nhất khi nào? Bạn cảm thấy trùng xuống nhất là lúc nào? Hãy học những môn học hoặc làm những việc mà theo bạn là khó vào những lúc bạn thấy khỏe khoắn nhất. Còn vào những lúc bạn trùng xuống? Hãy học những môn học hoặc làm những việc thấy hứng thú nhất vào lúc đó.

Phần lớn học sinh, sinh viên thường hoãn những môn khó học nhất tới tận chiều muộn, hoặc công chức thì hoãn những việc khó đến cuối ngày. Lúc đó thì khó ai có thể tập trung được sau một ngày dài. Hãy làm ngược lại quy trình đó. Dành khoảng thời gian sung sức nhất của bạn để giải quyết những vấn đề khó nhất, và dành những việc dễ dàng thú vị cho những lúc bạn trùng xuống. Chỉ riêng việc thực hiện “đúng giờ đúng việc” như thế cũng đã giúp bạn tập trung hơn.


Thiếu tập trung
Cách giúp trẻ tập trung để thông minh và học giỏi hơn
Thiền và tập trung tư tưởng
Sự thật khó tin về trẻ sơ sinh
Lấy lại sự tự tin trong công việc nhanh nhất
Thói quen tốt cho trí nhớ



(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý