Những cảnh đẹp ở Bắc Ninh truyền thống, ấn tượng

seminoon seminoon @seminoon

Những cảnh đẹp ở Bắc Ninh truyền thống, ấn tượng

19/04/2015 01:01 PM
1,410

Những cảnh đẹp ở Bắc Ninh truyền thống, ấn tượng. Bắc Ninh là tỉnh nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng, thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vị trí địa lý nằm trong phạm vi từ 20o 58’ đến 21o 16’ vĩ độ Bắc và 105o 54’ đến 106o 19’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang; Phía Đông và Đông Nam giáp với tỉnh Hải Dương; Phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên; Phía Tây giáp thành phố Hà Nội.


Bắc Ninh ở vị tri thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không. Các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn, Hà Nội- Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc Việt Nam, với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước.

Tỉnh có đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A chạy xuyên qua. Từ thành phố Bắc Ninh theo quốc lộ 38 tới Cẩm Giàng (Hải Dương). Thành phố Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30km, Bắc Giang 20km, theo quốc lộ 1A.

Ăn gì?

Bánh tẻ làng Chờ


Những ngày lễ tết ở vùng Yên Phong đã đành, nay thì ở hội Lim (Tiên Du), hội Đền Đô (Từ Sơn)... các nhà hàng khách sạn ở Bắc Ninh, Hà Nội rồi đến những ngày khánh thành, lễ cưới sang trọng đều thấy có bánh tẻ làng Chờ. Đang lúc rượu ngà ngà các món cao lương ngũ vị cũng đã ngán cả rồi thì thứ bánh tẻ quê mùa vừa dẻo vừa dai, vừa giòn vừa thơm, vừa thanh vừa mát làm cho người thêm tỉnh táo, lại chắc cái dạ thì thật là tuyệt



Gọi là bánh tẻ làng Chờ là cách gọi dân dã cho dễ nhớ dễ thuộc. Phương ngôn có câu:  Ba làng Mịn, bảy làng Chờ Một làng Ô Cách chơ vơ giữa đồng.

Chờ là tên gọi chung của 7 làng: Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Trung Bạn, Ngân Cầu (thị trấn Chờ), Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu (xã Trung Nghĩa) thuộc tổng Chờ xưa, kết nghĩa với nhau tổ chức ngày hội “thất thôn giao liệt” từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm. Bánh tẻ ngon nhất lại là của các làng Chờ: Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu, Nghiêm Xá. Có lẽ đây là những làng nhiều đồng chiêm cấy được những giống lúa có gạo thơm ngon.
 

Trầu têm cánh phượng


Miếng trầu gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc. Truyện Trầu cau, qua truyền miệng thêm bớt của nhiều thế hệ, những tình tiết “nguyên thủy” đã được khoác cái áo của lễ giáo cho phù hợp với đạo Khổng-Mạnh. Đến nay, chủ đề của Trầu cau lại trở thành câu chuyện luân lý, đạo đức, khuyên con người xích lại gần nhau hơn, vị tha hơn để sống chan hòa, nhân ái trong cuộc sống hội nhập.

Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu-một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ “cũng là đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay... đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian.

Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu. Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:

“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
... Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!...”.


(Sự tích Trầu cau-Hồng Quang)

Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu rất quen thuộc, dễ kiếm. Trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa. Giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có, từ Bắc chí Nam. Ăn trầu là một phong tục truyền thống, nhưng cách têm trầu thì lại mang rõ dấu ấn văn hóa của vùng miền.

Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện Tấm Cám không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực. Miếng trầu têm cánh phượng đã bước từ cổ tích ra ngoài cuộc sống. Rất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang quyến rũ, vẫn tồn tại qua thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống một vùng quê.
 

Bánh khúc làng Diềm thắm đượm tình quê quan họ


Làng Viêm Xá (TX. Bắc Ninh) không chỉ níu chân du khách gần xa bằng những làn điệu quan họ mượt mà đằm thắm của quê hương thuỷ tổ quan họ mà còn bởi món quà quê dân dã, mộc mạc: Bánh khúc. Không biết có phải bánh khúc tượng trưng cho tình nghĩa thuỷ chung của người Quan họ mà sao đậm đà đến vậy. Những ai đã đến làng Diềm (tên Nôm của làng Viêm Xá) nghe Quan họ và ăn bánh khúc một lần, hẳn không thể quên được món quà quê mộc mạc mà đượm tình này.

Bánh khúc làng Diềm mang trong mình mùi  thơm nồng của xôi, vị bùi bùi của đậu xanh, mùi vị đặc trưng của rau Khúc. Để làm bánh khúc, ngoài rau khúc, các nguyên liệu khác cũng phải lựa chọn kỹ càng. Bột làm bánh khúc là gạo nếp và gạo tỷ với tỷ lệ 8 phần nếp, 2 phần gạo tẻ. Gạo tẻ sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ được vo, đãi thật sạch đem giã nhuyễn cùng với lá khúc tạo nên vỏ bánh. Tỷ lệ gạo và lá để làm bánh khúc cũng là một bí quyết làm nên món bánh ngon. Vỏ bánh phải dát mỏng mà không để lộ nhân được làm theo hình tròn hoặc hình tai voi.



Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị béo của thịt và vị thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành thì có cái thơm của hành khô, hạt tiêu, răm, cộng với cái giòn mộc nhĩ, cái ngậy béo của thịt ba chỉ băm nhỏ. Sau khi làm nhân xong và bọc vỏ bánh bên ngoài, dùng gạo nếp rắc lên vỏ bánh và cho bánh lên hấp như đồ xôi. Bánh khúc ăn lúc nóng là ngon nhất có thể chấm thêm một chút muối vừng hoặc muối lạc.

Gà Hồ - Sản phẩm độc đáo về văn hóa và ẩm thực của người Kinh Bắc


Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Hội trưởng “Hội gà Hồ” ở thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, giống gà Hồ được nuôi dưỡng từ bao giờ ở địa phương này thì chẳng ai biết rõ. Người ta chỉ biết rằng, gà Hồ đã xuất hiện trong những bức tranh gà ở làng tranh dân gian Đông Hồ. Mà lịch sử xuất hiện của dòng tranh dân gian này cũng đã có mấy trăm năm nay rồi.

Dưới góc độ ẩm thực thì thịt gà Hồ là một món ăn ngon. Thịt thơm, giòn, ngọt, ăn một lần là nhớ mãi. Vì là loại gà giống to nên gà muốn ăn thịt được phải từ 2,5-3 kg trở lên. Vì thế thời gian nuôi một con gà thịt kéo dài đến 7-8 tháng. Số lượng gà được bán làm thực phẩm chưa nhiều. Hiện nay những người nuôi gà Hồ ở thôn Lạc Thổ chủ yếu là nhân giống, phát triển đàn gà là chính. Tổng đàn gà hàng năm cũng chưa tăng mạnh. Nguyên nhân là còn khó khăn trong việc nhân giống. Các hội viên của hội gà Hồ đã tìm mọi cách tăng số lượng gà nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Lí do cũng nhiều nhưng chủ yếu là việc chăn nuôi gà Hồ vẫn theo hình thức nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Cả 22 hội viên của hội gà Hồ hiện tại cũng chỉ có khoảng trên 1000 con gà vừa để nhân giống vừa để nuôi thương phẩm. Vì số lượng ít cho nên giá gà Hồ thương phẩm cũng cao hơn nhiều giá gà thường, trên 300.000 đồng/kg.



Nếu có dịp về Thuận Thành, Bắc Ninh vào ngày Xuân, bạn hãy đến với chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương, Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp, thăm quê nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, làng tranh Đông Hồ và đến thôn Lạc Thổ, quê hương của thi sỹ Hoàng Cầm, nơi ấy có một sản phẩm văn hóa, ẩm thực độc đáo của người Kinh Bắc: gà Hồ.
 

Cơm Quan họ


Cơm Quan họ bao giờ cũng phải là “mâm đan, bát đàn” nghĩa là mâm tròn bằng gỗ, sơn đỏ, bát tiện bằng gỗ cây bạch đàn . Các món ăn bắt buộc phải có giò lụa, thịt gà, ngoài ra là các thức ăn khác tùy ý. Ăn xong mà có hát canh thì không được uống rượu. Trong bữa, khách ăn trước, chủ ngồi cạnh ca cho khách nghe. Khách xơi cơm xong, chủ mới ngồi vào mâm của mình, đến lượt khách ngồi cạnh ca cho chủ nghe.



Xưa kia, mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc có chung đặc điểm là 3 tầng, đều được bày trên mâm đan, bát đàn nhưng mỗi làng lại có những món ăn đặc trưng, riêng biệt và tầng trên cùng thường dành để bày những món ăn riêng có của làng mình. Chỉ một số món đựng bằng bát lớn, khó chồng lên trên thì mới phải đặt ở tầng dưới, như: cháo cái Đào Xá, bún riêu Đương Xá.
 

Cháo Thái


Đình Tổ không chỉ nổi tiếng với tương mà còn được biết đến với món ăn đặc sản địa phương: cháo thái. Cháo thái cũng gắn liền với sự tích trạng nguyên Lê Văn Thịnh về thăm Đình Tổ. Vì vậy, cháo thái có mặt đời sống sinh hoạt của người dân Đình Tổ. Nó góp mặt trong những dịp lễ lớn của làng như hội đình với tục nướng cá tế thần và nấu cháo thái dâng cúng thần hoàng làng. Cháo thái còn có trong bữa cơm thường nhật của người dân địa phương.



Bát cháo thái có sự hoà quyện giữa màu trắng ngần của gạo nếp, màu xanh của hành, vàng nhạt của nước dùng gà. Tất cả thu hút khách khi thưởng thức món ăn dân dã, mộc mạc này ngay từ lần đầu tiên. Khi nồi cháo thái vừa bắc khỏi bếp và từ từ thưởng thức từng thìa cháo thái ta sẽ cảm nhận được cái mịn của hạt gạo, độ chín nhừ của gạo, thơm béo của nước gà, vị cay nồng của hạt tiêu. 

Thưởng thức cháo thái khi còn nóng là tốt nhất, khi đó có thể cảm nhận hết cái ngon, cái ngậy, cái bùi kết tinh trong bát cháo. Khi ăn sẽ cảm nhận hương vị của cháo, độ ngọt mát của bột gạo, độ giòn của thịt gà, và giò lụa, thịt lợn băm có độ bùi, béo, vị thơm cay của hồ tiêu, vị thơm của hành tươi và nước mắm, làm cho khách cảm nhận món ăn ẩm thực “Cháo Thái” của Đình Tổ ngon và bổ dưỡng thật tuyệt vời, ăn một lần nhớ lâu mong có dịp quay trở lại để thưởng thức món ăn ẩm thực cháo thái.
 

Món bánh Tro


Trong không gian tĩnh lặng của Chùa Bút Tháp, du khách sẽ càng cảm nhận rõ hơn vị dẻo thơm của hạt gạo mới xen chút hương nồng nồng của nước tro rơm nếp quyện lẫn vị ngọt dịu, thanh mát của đường, mật mía và cả nét tài hoa ẩn chứa trong cách thức làm nên món bánh Tro độc đáo của người dân Đình Tổ.

Nguyên liệu để làm bánh tro rất đơn giản, gồm: gạo nếp, nước tro của những sợi rơm nếp sạch, chút vôi, lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Nguyên liệu quen thuộc,đơn giản, chiếc bánh nuột nà, ngọt thơm hoàn toàn phụ thuộc vào tài nghệ chế biến của người làm bánh. Tỉ mỉ, kỹ càng từ chọn loại nếp đều hạt, thơm và cách gạn nước tro đuợc đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch rồi gói, luộc bánh …Để có thứ nước tro trong, thơm thoang thoảng, người làm bánh phải lấy rơm nếp sạch đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa thêm chút vôi để nước tro lắng lại, chắt lấy phần nước trong, bỏ cặn. Gạo nếp sau khi được vo, đãi sạch sẽ được ngâm trong nước tro khoảng 3-4 tiếng đồng hồ và vớt ra, để ráo nước, đợi được gói. Lá chuối hoặc lá dong cũng được rửa sạch, hấp cách thủy cho mềm và đảm bảo vệ sinh rồi mới đem lau khô, gói bánh.



Đến với Đình Tổ và thưởng thức bánh tro, du khách luôn tự hỏi rằng, phải chăng, chính bởi vị thanh mát, ngọt ngào và cả dáng hình nhỏ xinh, mềm mại của chiếc bánh Tro cổ truyền như luôn khiến người thưởng thức nhớ về vùng làng quê nơi thôn dã đầm ấm, thân thương này.
 

Bánh đúc lạc


Dân gian có câu: “Bánh đúc, cá kho bán bò trả nợ”, thế mới thấy sức hấp dẫn của món bánh dân dã này. Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết, “Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rõ và kêu gào ầm ĩ”. Chỉ một câu đó cũng đủ nói lên vị rất riêng của bánh đúc. Chính vì vẻ thâm trầm và hiền lành đó mà khi ăn bánh đúc phải ngồi ở nơi có không khí dân dã, còn ngồi điều hòa và bàn ghế sang trọng mà ăn bánh đúc sẽ không thấy hết cái ngon.

Có thể nói, bánh đúc là một món quà dân dã và rẻ nhất trong số các loại quà quê, vì chỉ với dăm ba nghìn là đã có thể no bụng. Tuy nhiên, công sức bỏ ra để làm được một tấm bánh đúc lại không hề ít chút nào. Có rất nhiều biến thể trong cách làm bánh đúc nhưng cơ bản khi làm bánh đúc trải qua 3 công đoạn cơ bản là: ngâm gạo với nước vôi trong hoặc nước tro, chuẩn bị bột và đun bánh. Người ta chọn gạo tẻ loại ngon, ngâm trong khoảng 10 giờ đồng hồ, có những nơi ngâm đến 3 ngày đêm, mỗi ngày thay một lượt nước đến khi bóp gạo tan thành bột thì đem hòa với nước vôi trong hoặc nước tro.



Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất trong làm bánh đúc vẫn là khâu quấy bánh. Người ta cần chuẩn bị một chiếc nồi được tráng mỡ, đoạn đổ bột vào, bắc lên bếp, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, phải quấy thật đều tay, nếu không sẽ bị vón cục ngay.

Bánh đúc Đình Tổ được chấm với tương của Đình Tổ, đó là một sự kết hợp tuyệt hảo và du khách sẽ cảm nhận được độ mát của bột gạo, độ bùi, béo của lạc rang, mùi tương, tất cả quyện vào nhau, làm cho món ăn ẩm thực bánh đúc có hương vị rất quê và ngon miệng.
 

Tương Đình Tổ


Tương là loại nước chấm truyền thống của Việt Nam, chắt lọc những gì tinh tuý từ hạt gạo, hạt ngô. Dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị đã tạo nên sản phẩm đặc trưng không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Sản phẩm gắn liền với địa danh nổi tiếng như Tương Bần (Hưng Yên), Cự Đà (Hà Tây cũ), tương Nam Đàn (Nghệ An)...Tuy nhiên, loại tương đặc biệt nhất phải kể đến tương Đình Tổ (Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh).
Tương truyền nghề làm tương ở Đình Tổ có từ lâu đời gắn với truyền thuyết về vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt, Lê Văn Thịnh. Chuyện kể rằng khi qua Đình Tổ khi về đến làng, Ngài bị ốm thèm ăn bát cháo Thái, một khúc cá nướng chấm tương. Người dân Đình Tổ lấy mốc thời gian đó là thời gian ra đời của nghề làm tương và nấu cháo Thái.

Về cảm quan bên ngoài, tương Đình Tổ có màu đỏ nâu, đặc sánh, mùi thơm vị ngọt bùi, ngậy béo đặc trưng của gạo nếp, của ngô. Tương Đình Tổ có độ ngọt tự nhiên do quá trình lên men của ngô, của đỗ tương được ngâm trong môi trường nước chín, có độ mặn vừa đủ của muối. Tất cả tạo cho tương ăn có giá trị dinh dưỡng riêng, dùng chấm rau luộc, thịt lợn, thịt bò, cá nướng, bánh đúc, bánh tẻ, bún, dùng kho cá, kho thịt...

Quy trình làm tương cầu kỳ, tỷ mẩn yêu cầu cao nhất là ở khâu thanh trùng, đảm bảo sản phẩm. Tương của làng Đình Tổ có một qui trình sản xuất riêng, không để cơm lên mem mốc xanh, mà để cơm lên mem trong điều kiện yếm khí. Kỹ thuật làm tương, công thức, tỷ lệ gạo, hoặc ngô, nước, muối, dụng cụ chứa đựng nước tương, là cả một bí truyền của người làng nghề truyền thống làm tương của Đình Tổ.
 

Bánh phu thê Đình Bảng


Phu thê là loại bánh không thể thiếu trong các lễ vật cưới hỏi cổ truyền của dân tộc ta. Trong chiếc bánh đơn sơ ấy chất chứa bao nhiêu những nét đẹp văn hóa của người dân Việt.

Bánh phu thê là một đặc sản của vùng quê Đình Bảng – Bắc Ninh. Ngày xưa, loại bánh này được xem như món quà quý và sang trọng của các gia đình giàu có, là sản vật tiến vua, thường được làm vào những dịp lễ, Tết. Theo truyền thuyết, tên bánh phu thê bắt nguồn từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà nhớ thương chồng đã làm bánh này để gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên bánh là bánh phu thê.

Chế biến nhân bánh phu thê khá dễ: đậu xanh nấu chín, sau đó nghiền mịn, thắng với đường, trộn thêm một chút dừa nạo, một chút vừng và mứt sen. Cầu kỳ hơn, người ta có thể trộn chung vào bánh một chút đu đủ xanh nạo, để bánh được đậm đà hơn.

Bánh phu thê được hấp trong khuôn hình vuông. Người ta dàn một lớp bột vỏ bánh vào trong khuôn, sau đó xếp nhân vào và cuối cùng lại đặt một lớp bột nữa lên trên rồi đem đi hấp. Đợi khi bánh nguội, người ta bắt đầu gói bánh. Bánh được gói bằng 2 lớp: lớp bên trong là lá chuối, bên ngoài cùng là lá dong và buộc bằng dây lạt màu hồng.

Vị ngon của bánh phu thê đến từ cái nhìn: bạn sẽ luôn luôn thích thú với sự hòa trộn màu sắc của chiếc bánh. Đó là một màu vàng hổ phách trong suốt, màu xanh mát mắt của lớp lá, màu đen của vừng, màu trắng của cơm dừa, màu đỏ của lạt buộc.

Cắn miếng bánh phu thê, bạn sẽ  cảm nhận được độ dẻo của nếp, chút bùi bùi của đậu xanh, mùi thơm của vừng, chút béo của dừa, tất cả hòa quyện lại tạo thành vị ngon ngọt lành. 
 

Đi đâu?

Làng Đình Bảng


Làng Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20km về phía bắc. Làng Đình Bảng có mười lăm xóm họp lại thành một làng, cả làng thành một xã.



Theo chiều dài lịch sử, Đình Bảng là một làng trù phú, kinh tế văn hoá phát triển, thuận lợi giao thông thủy và bộ. Nằm ở vị trí tiếp giáp, nối liền miền đồi núi đông bắc với đồng bằng phía nam cho nên Đình Bảng là nơi hội tụ và đón nhận ảnh hưởng của cả phương bắc, phương nam, phía đông và phía tây.


Bước chân vào làng Đình Bảng, ta như vào một đô thị sầm uất, nhộn nhịp nhưng vẫn thấy cái riêng của một làng quê có truyền thống lịch sử và văn hoá. Mỗi tên xóm, tên thôn, tên đất đều mang một dấu ấn lịch sử. Đình Bảng là đặc trưng tiêu biểu của làng xã Việt Nam vừa mang đậm tính dân tộc, vừa có vóc dáng của làng xã văn minh hiện đại.


 

Chùa Dâu


Chùa Dâu thuộc thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam, được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ 3.

Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ 4, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng thuyết pháp tại chùa, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Cừu đá

Chùa được ông Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ tiếp theo. Hiện nay ở sân chùa có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m. Trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18. Ngoài ra, còn có tượng Bà Pháp Vân, tượng Kim Ðồng và Ngọc Nữ.


 

Chùa Bút Tháp


Chùa Bút Tháp tọa lạc ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Bút Tháp có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý.



Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến chùa Bút Tháp. Ðây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó.



Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự" được xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện - gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc.

Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá...

Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay ở Chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - 1 trong 3 cổ vật đặc sắc được đề nghị công nhận là báu vật quốc gia.

Ðáng chú ý là những chim, hươu, khỉ, rồng,... đều rất sinh động, thần tình. Bên trong có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Những cái tên, những kiểu kiến trúc gợi nên một vẻ hoang sơ độc đáo mà hấp dẫn, một nét đẹp rêu phong cổ kính. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ. Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung.

Nối giữa Thượng điện và Tích thiện là chiếc cầu đá cong mà ngồi ở đó, ta có thế ngắm những nét đẹp riêng của cảnh chùa. Cầu được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà. Ðấy là chưa kể đến một công trình nghệ thuật độc đáo của chùa: toà "Cửu phẩm Liên Hoa". Toà bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh. Ðiều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ!.

Ðến với chùa là đến với một điểm du lịch mang tính nhân văn cao. Trong chùa, có nhiều cổ vật quý, nhiều tháp to, nhỏ rất đẹp là nơi đặt xá lị của các thiền sư xưa. Tháp Báo Nghiêm, trên đỉnh có hình nậm rượu, 5 tầng, 8 mặt, cao 13m, là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết; tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.
 

Đình làng Đình Bảng


Đình làng Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính và nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc.

Là quê hương của Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) người lập ra triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long (năm 1010).

Đình Bảng có cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử, có tầm cỡ quốc gia, đủ cả: Đình, đền, chùa, lăng, tẩm,... đặc trưng của một văn hóa làng Việt Nam.

Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành, do công đầu của của quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng và bà vợ rất đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng, xây dựng ngôi đình có thế trường tồn. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).

Toà Bái Đường của đình có hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m, chia làm bảy gian, hai chái nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp. Vẻ đồ sộ của đình thể hiện qua phần mái toả rộng và những cột lim hiếm thấy ở những ngôi đình khác. Có khoảng 60 cột lim lớn nhỏ có đường kính từ 0,55 - 0,65m.

Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, chau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút: Bức Bát mã quần phi, tám con ngựa nhởn nhơ chơi trên đồng cỏ, đất nước thanh bình, con vật cũng vui. Bức lưỡng nghê phục chầu, con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: Long vân đại hội, Ngũ long tranh châu, Lục long ngự thiên... từng bức, từng bức gợi tả bao điều.

Làng tranh Đông Hồ


Làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Là làng nghề vẽ tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam.



Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.


Ðông Hồ - một cái tên làng quen thuộc, xinh xắn, nằm bên bờ sông Ðuống, từ lâu, đã đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà sắc thái dân tộc.

Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.



Giấy dùng in tranh là loại giấy gió mịn mặt. Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh lấy từ vỏ con sò, con hến đã tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Ðông Hồ.

Ý hài hoà một cách tự nhiên. Các màu đã hoà quyện in tranh thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen người ta phải đốt lá tre rồi lấy than của nó; màu xanh lấy từ vỏ và lá tràm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi, màu trắng là điệp...Những năm gần đây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hoá chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu sắc nét như tranh làm truyền thống. Ðã thế, chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc bị phai nhạt.

Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.

Không chỉ có người Hà Nội và dân một số tỉnh thành trong nước sành điệu, yêu thích tranh dân gian Tết Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội hoạ, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của làng Hồ.
 

Đền Đô


Đền Đô nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Di tích lịch sử văn hoá đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn hoá Thông tin - Thể thao và Du lịch.



Là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 - 1028); Lý Thái Tông (1028 - 1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông (1072 - 1128); Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210) và Lý Huệ Tông (1210 - 1224).

Đền Đô - còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.

Đền được dựng trên nền đất. Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.

Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình... Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.

Khu vực nội thành có diện tích 4.320m² , bố trí theo kiểu “Nội công ngoại quốc” bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất.

Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- Nơi đặt ngai và bài vị thờ Tám vị vua Nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu,... tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo.

Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (đền thờ Lý Chiêu Hoàng)

Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca

“ Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”


Chùa Phật Tích


Chùa Phật Tích nằm ở sườn núi Lạn Kha (Rìu Mục), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích xưa kia là nơi có nhiều nhà tu hành tu luyện. Theo sử sách để lại thì chùa Phật Tích chính là nơi Phật ngự.

Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Chùa được hoàn chỉnh vào triều Lý Thánh Tông (1057) và tu bổ khang trang vào năm 1686. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp báu và đúc pho tượng Phật mình vàng.



Chùa được xây dựng đại qui mô vào thế kỷ thứ 17. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1991, chùa được xây dựng dần theo qui mô kiến trúc cổ.



Hiện tại di vật của chùa còn lại là bức tượng Phật A-di-đà bằng đá, ngồi thiền định trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là cao 3m). Chân cột chùa chạm trổ hoa sen và dàn nhạc, các nghệ nhân chơi sáo, tiêu, nhị, đàn tranh, đàn bầu, trống cơm,...
 

Địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở Bắc Ninh

Không thật sự đa dạng như Hà Nội, nhưng vẫn có nhiều địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở Bắc Ninh. Những vườn hoa cải vàng ruộm hay những cánh đồng cỏ xanh rì vẫn là không gian chụp ảnh đáng mơ ước của các cặp đôi.

địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở bắc ninh

Những cặp đôi muốn lựa chọn những địa điểm chụp ảnh cưới đẹp bên ngoại ô thủ đô thường tìm đến với đất trời vùng Kinh bắc. Đặc biệt, từ tháng 11 đến đầu tháng 1, khi sắc hoa cải vàng rực rỡ cũng là lúc những cặp đôi cô dâu, chú rể đến đây chụp ảnh cưới. Sắc trắng tinh khôi của những bộ váy cưới càng nổi bật hơn giữa nền hoa vàng, tạo nên một phông nền hoàn hảo và lãng mạn, đầy ấn tượng như một bản tình ca ngọt ngào. 

địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở bắc ninh

địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở bắc ninh

địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở bắc ninh

Hay trải lòng, tràn ngập trong sắc trắng tinh khôi bên cầu sông Đuống.

địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở bắc ninh

Bên cạnh đó, những làng nghề, kiến trúc chùa cổ đa dạng ở Bắc Ninh cũng là địa điểm lý tưởng cho những bộ ảnh cưới đẹp và độc đáo nhé!



Món ăn ngon ở Bắc Ninh khiến ai cũng thích mê
Kinh nghiệm du lịch bụi Ninh Bình
Kinh nghiệm du lịch rừng Cúc Phương 2013
Kinh nghiệm du lịch Nam Ninh Trung Quốc
Kinh nghiệm du lịch bụi Quan Lạn
Kinh nghiệm du lịch Tam Cốc Bích Động 2013




(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý