Những cảnh đẹp ở Chùa Hương để đắm mình trong thiên nhiên

seminoon seminoon @seminoon

Những cảnh đẹp ở Chùa Hương để đắm mình trong thiên nhiên

19/04/2015 01:01 PM
1,406

Những cảnh đẹp ở Chùa Hương để đắm mình trong thiên nhiên. Đã bao giờ bạn nghĩ sẽ đi Chùa Hương vào mùa không lễ hội? Có lẽ do tâm lý  nên nhiều người cứ vào mùa lễ hội Chùa Hương lại nô nức kéo nhau đi. Khoảng thời gian từ tết đến hết tháng 3 âm lịch thì Chùa Hương lúc nào cũng đông đúc, giá cả đắt đỏ và lại không được phục vụ nhiệt tình.



Ngoài những ngày này ra thì rất ít người đi Chùa Hương (từ tháng 4 đến cuối năm, trừ các ngày mồng 1 và ngày rằm). Nhưng chúng tôi- những người ưa khám phá, lại thích cái khác người ấy. 


Không khí thanh tịnh ở thắng cảnh Hương Sơn 

Chùa Hương mùa không hội vắng vẻ và yên ả. Không ồn ào, xô bồ, chen lấn giữa biển người, khung cảnh lúc đó mới thật là “bầu trời cảnh bụt” như Chu Mạnh Trinh từng tả. Bạn sẽ được thong dong ngắm mênh mông trời đất, tận hưởng cái bình yên vốn có nơi cửa chùa.

Từ Hà Nội, thẳng đường Hà Đông, Ba La, chừng hơn một giờ đồng hồ là bạn đã đến địa phận huyện Mỹ Đức. Hành lý bạn mang theo cho chuyến đi này chỉ nhẹ nhàng với đồ ăn trưa và nước uống. Cách Chùa Hương khoảng 2km chúng tôi đã “được” săn đón bởi vài người nhà thuyền, với lời mời gọi lo trọn gói, chỉ việc đưa tiền cho họ sau khi kết thúc hành trình.

Nhưng từ chối lời mời của họ, chúng tôi thẳng tiến đến bến thuyền bên sông Yến, mua vé trực tiếp từ ban quản lý và thoải mái chọn một chiếc thuyền để đi.  Vì đi vào mùa không lễ hội nên cái không khí và cảm giác đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến bến thuyền thật khác lạ so với những lần đi Chùa Hương vào mùa hội. Không đông đúc, ngột ngạt khó chịu, thay vào đó là một không gian thoáng đãng, thưa vắng. Có 6 người đi nên chúng tôi chọn thuyền nhỏ và chắc chắn để đảm bảo độ an toàn khi đi trên sông. Đặc biệt là chị lái đò vui tính, nhiệt tình, không kì kèo, chèo kéo khách. Mùa hội thì hầu hết du khách sẽ đi tuyến chính: tuyến Hương Tích: đền Trình - chùa Thiên Trù - động Tiên Sơn - chùa Giải Oan - đền Trần Song - động Hương Tích. Nhưng vì đi vào dịp này nên chúng tôi đã chọn đi thêm tuyến phụ khác: tuyến Thanh Sơn: chùa Thanh Sơn - động Hương Đài và tuyến Tuyết Sơn: chùa Bảo Đài - động Chùa Cá - động Tuyết Sơn.

Tuyến đi Thanh Sơn xưa nay vốn không quá nhiều thuyền bè qua lại, cộng thêm mùa không hội nên suối dày đặc rong. Chúng tôi cũng không vội, cứ để thuyền chậm chạp mà đi. Đường lên động Hương Đài khá quanh co, thuyền phải đi sâu vào trong các hẻm núi, theo những lối mòn, leo qua khoảng hơn trăm bậc đá thì tới cửa động. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng thắng cảnh Hương Sơn trùng điệp núi non. Trên vách núi, những gốc mơ cổ thụ bám chặt vào đá, khung cảnh nơi này hoang sơ khác hẳn với hai bên bờ suối Yến. Nghỉ ngơi ăn trưa, 6 người chúng tôi tiếp tục rong ruổi đi Tuyết Sơn - Bảo Đài. Đây cũng là một trong những điểm di tích ít người đi.

Phàm là người dân sống ở Hà Nội, hẳn sẽ có một lần bạn đến với chùa Hương, nhưng khi đến với thắng cảnh này, chưa chắc bạn đã đến chùa Bảo Đài. Những người có mặt trong chuyến hành trình hôm đó đã sững sờ trước vẻ đẹp của ngôi chùa cổ nằm sâu trong các dãy núi điệp trùng.

Chùa Bảo Đài là chặng cuối cùng trong hành trình khám phá danh thắng Hương Sơn. Dọc đường trở ra, chiều đã buông trên dòng Yến Vĩ. Chỉ mất một ngày chúng tôi đã khám phá được 3 tuyến tham quan khu du lịch Chùa Hương và mỗi tuyến lại có một vẻ đẹp và bí ẩn riêng. Chị lái đò, bạn đồng hành, cũng là hướng dẫn viên hẹn, khi nào trở lại, chị sẽ đưa chúng tôi đi thăm tuyến: chùa Long Vân - động Long Vân - hang Sũng Sàm…Chúng tôi hẹn chị trở lại vào mùa không lễ hội năm sau.

 

Chùa Hương mùa hoa gạo rực đỏ


Không còn cảnh chen chúc như những ngày hội chính, chùa Hương ngày đầu tháng 4 có sự thư thả, bình lặng hơn giữa mùa hoa gạo đỏ rực bên suối Yến...

Cây hoa gạo cạnh bến Đục đã nở đỏ rực xua bớt đi cái âm u của những ngày miền Bắc lạnh tăng cường. Cả cây hoa rực cháy trên nền trời xanh thẫm. Mỗi bông hoa gạo như những đốm lửa nhảy nhót trên cành cây.

Muốn vào chùa Hương, du khách chỉ có một con đường “độc đạo” là đi thuyền trên suối Yến. Bến Đục thuyền vào, bến Trò thuyền ra. Có người hỏi rằng: sao không làm đường bộ vào thẳng chùa có nhanh hơn không?

Thế nhưng, chính dòng suối Yến hiền hòa, quanh co giữa những dãy núi đá vôi đã làm nên nét rất riêng của thắng cảnh chùa Hương mà không phải nơi nào cũng có được.

Trên dòng, nước xanh trong veo, du khách có thể soi mình hay buông những cánh tay trần xuống nước để mặc cho chúng vuốt ve âu yếm. Thuyền đủng đỉnh khua mái chèo trên suối Yến, giữa cảnh mây trời non nước hữu tình, ngắm hoa gạo nở bên vách núi đem lại cho du khách cảm giác thư thả, bình yên đến lạ kỳ

Trên đường vào chùa Hương còn có đỉnh núi cột cờ nơi ghi dấu ấn bắn rơi máy bay Mỹ của các cụ phụ lão ngày xưa.

Chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình. Đầu tiên là đền Trình, thuyền ghé vào để khách hành hương "trình diện" tâm ý với sơn thần sở tại trước khi đặt chân lên cõi Phật. Đền nằm dưới chân một quả núi dựng lên năm ngọn nên được đặt tên là Ngũ Nhạc. Đền còn có tên Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng.





Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Sắm một mâm lễ có vài nhành hoa bưởi thơm ngát tỏ lòng thành tâm trước đức Phật.

 






 

Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Con đường lên động Hương Tích quanh co theo sườn núi khiến cho không ít du khách nản chí nhưng khi lên tới động lại thấy lòng thanh thản, bình an như đã vượt qua một hành trình tìm về đất Phật. Vách trước cửa động có năm chữ Hán: Nam thiên đệ nhất động khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương - Trịnh Sâm.
 







Chùa Hương là nguồn gợi hứng cho nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam, trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài hát nói "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu Mạnh Trinh, làm từ thế kỷ 19, xưa nay rất được ca ngợi:

"Bầu trời cảnh bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non, nước nước, mây mây

"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!

Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh..."



Quần thể thắng cảnh chùa Hương bao gồm mười tám đền, chùa, hang, động nằm rải rác ở bốn thôn: Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.

Các chùa, động ở đây phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Đa số dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những nơi có địa thế đẹp để kiến tạo.

Mười tám điểm được chia thành bốn khu như sau:

1- Khu Hương Thiên có tám di tích là: Động Hương Tích, Chùa Thiên Trù, Đền Trình Ngũ Nhạc, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng, Chùa Tiên Sơn, Chùa Hinh Bồng và Động Đại Binh.

2- Khu Thanh Hương gồm Chùa Thanh Sơn và Động Hương Đài.

3- Khu Long Vân gồm bốn điểm: Chùa Long Vân, Động Long Vân, Động Cây Khế, Hang Thánh Hóa.

4- Khu Tuyết Sơn gồm bốn di tích: Chùa Bảo Đài, Động Ngọc Long, Chùa Ngư Trì (Chùa Cá), và Đền Trình Phú Yên.

Nếu có đủ thời gian quý khách phải đi trọn ba ngày mới hết.

<>Chùa Thiên Trù


Được khởi dựng từ thời Lê Thánh Tông, năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận, thứ 8 đến niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1686), Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang tái thiết. Đến năm 1942 thì toàn bộ công trình hoàn chỉnh trở thành một lâu đài tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”.

Trong kháng chiến chống Pháp, thực dân đã tàn phá ba lần vào những năm 1947, 1948, 1950. Ngày 11 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1989), Ban Xây dựng Chùa Hương khởi công xây dựng lại. Đến ngày 11 tháng Giêng năm Tân Mùi (1991) thì khánh thành.

Hiện nay, với quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng khiến Thiên Trù trở thành trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn.

<>Chùa Giải oan


Chùa Giải oan nằm trên sườn núi, phía trái đường đi Hương Tích do sư tổ Thông Dụng khai sáng vào thời Lê Thuần Tông năm Ất Mão (1735), niên hiệu Long Đức thứ 4 ở trên núi Long Tuyền. Đầu năm 1928, Đại sư Thanh Tích tôn tạo lại theo thế “Ỷ bích sơn”.

Năm 1955, Ban Xây dựng Chùa Hương trùng tu. Quanh chùa có am Phật tích động Tuyết Kình, am Từ vân. Đặc biệt trong chùa còn có giếng thiên nhiên Thanh Trì nước trong suốt và không bao giờ cạn. Tương truyền Phật Bà Quán Âm đã tắm ở giếng này để tẩy bụi trần, nghỉ ngơi tọa thiền trước khi vào cõi Phật.

<>Động Hương Tích


Động này vốn có từ thời kỳ vận động tạo sơn, được phát hiện vào thế kỷ XI và đưa vào thờ Phật năm 1687. Phật thoại truyền rằng: đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng thân làm công chúa Diệu Thiện, con vua Diệu trang Vương ở nước Hưng Lâm, tu hành 9 năm và thành đạo quả ở động này nên đặt tên là Hương Tích (dấu vết thơm tho).

Đặc biệt ở đây có pho tượng Phật Bà Quán Âm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đã nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ. Thuyết phong thủy cho rằng động Hương Tích là con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Đây là điểm chính của thắng cảnh thường gọi là chùa chính.

<>Chùa Tiên Sơn

<>


Chùa Tiên Sơn có từ trước từ thời Lê – Trịnh. Năm Canh Dần (1770) Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã đề một bài thơ bát cú ca ngợi cảnh đẹp của động này. Sau đó động bị đất đá và cây rừng che lấp. Năm Qúy Mão (1903) Hội Thiện thôn Yến Vỹ tìm thấy và mở lại.

Năm Giáp Thìn (1904) đục thêm cửa đá lối vào bên phải. Năm Đinh Mùi (1907) tạc ba pho tượng đá trắng như bạch ngọc và đến năm Tân Hợi (1911) tạc thêm hai pho nữa. Về sau một số công trình nhân tạo bị giặc Pháp tàn phá.

Năm 1962, Hội Thiện này đã cúng về nhà chùa sát nhập vào danh mục khu di tích để quản lý. Năm 1994 đến năm 1996, Ban Xây dựng Chùa Hương phục hồi và tôn tạo Tổ đường, Bảo điện và Tả Hữu vu. Trong động thờ Phật và thân quyến đức Chúa Ba (dựa theo truyện Phật Bà chùa Hương).

<>Đền Cửa Võng


Đền Cửa Võng còn gọi là Đền Trấn Song, Vân Song do Đại sư Thanh Tích khai sáng vào năm 1908 ở thế giá mắc võng cửa sơn xuyên, trước mặt có dãy núi “rồng chầu mặt nguyệt”. Năm 1993 và 1995 Ban Xây dựng Chùa Hương trùng tu lại và mở rộng sân đền.

Nơi đây thờ Thanh Y công chúa, tục gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn, ý là: Sơn Tinh Triều Mường công chúa Lê Mại Đại vương và 12 thị nữ tiên cô là người dân tộc thiểu số. Đền này còn là nơi ở của các tiên nữ thường xuyên mang tin tức từ chùa ngoài vào chùa trong.

<>Động Đại Binh


Động Đại Binh còn gọi là Thần Binh được khai sáng vào ngày mùng 2 tháng 3 Tân Mùi (1991) do ông Nguyễn Văn Bạo và ông Bùi Văn Xế chủ trương. Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993) hai cư sỹ nói trên viết đơn cúng cho nhà chùa và sát nhập vào khu di tích của Giáo hội Phật giáo.

Động này vốn có từ lâu, lưu dấu tích một đạo quân người dân tộc thiểu số do hai ông Đinh Công Tráng và Đinh Công Vân khởi nghĩa chống Pháp, sau bị vây hãm và tuẫn tiết ở nơi này. Ông đã cho khắc hai chữ “Đại Binh” lên cửa động để ghi dấu. Cho nên cũng có tên là hang Nghĩa Quân.

<>Động Hinh Bồng


Năm Nhâm Thân (1932), Hội Thiện thôn Yến Vỹ khai sơn một tòa động nhỏ trên ngọn núi cao ở thung lũng Cây Gạo gọi là động Hinh Bồng với sự tài trợ của bà Hải Khoát, Phật tử thuần thành ở Hải Phòng. Năm sau tạc tượng Phật bằng đá trắng để phụng sự.

Năm Giáp Tuất (1934 ) thỉnh Ni sư Đàm Tuyết về trụ trì. Ngày 18 tháng 7 năm Quý Dậu (1993) xây dựng thêm chùa Bồng Doanh ở bên cạnh duy trì khu thánh tích này./. 




Kinh nghiệm phượt Chùa Hương trong 1 ngày
Kinh nghiệm du lịch chùa Hương
Kinh nghiệm du lịch Chùa Hương
Cách sắm lễ đi chùa
Kinh nghiệm du lịch chùa Bái Đính



(st)

 


 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý