Các loại hoa ăn được

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Các loại hoa ăn được

19/04/2015 01:20 PM
781

Rất nhiều loại hoa có thể ăn được như bông bí, hoa chuối, bông điên điển, bông lục bình, hoa sen, hoa thiên lý, hoa ban... Mỗi vùng miền lại có cách chế biến độc đáo.




Những loại hoa có thể... ăn được

Vô vàn món ngon từ hoa ban
Loài hoa bừng sáng núi rừng Tây Bắc những ngày xuân không chỉ tô đẹp cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây mà còn là dịp để những người mẹ, người chị dân tộc Thái trổ tài nấu các món ăn ngon từ lá và bông hoa ban tuyệt đẹp.
Món phổ biến nhất hoa ban hấp. Những người phụ nữ Thái chọn bông hoa ban mới nở, rửa sạch bằng nước trong khe suối, rồi mang hấp cách thủy. Chỉ khoảng 15-20 phút là xôi hoa ban chín. Món này châm với chéo-một món chấm truyền thống của người Thái gồm muối trắng giã nhuyễn trộn với hạt dổi, mắc khén, mùi tàu, tỏi, ớt.
Món hoa ban xào có vị rất đặc biệt, bùi bùi của những chiếc lá bánh tẻ, ngọt thanh của bông hoa chớm nở. Người Thái xào món hoa ban như xào rau cải, cho ít mỡ lợn, đun nhỏ lửa, xào vừa chín tới, không nên cho thêm gừng để không mất vị thơm tự nhiên của hoa.
Hấp dẫn thực khách khi ghé qua Tây Bắc mùa hoa ban nhất chính là món nộm. Vẫn dùng cả hoa và những chiếc lá bánh tẻ, nhưng món nộm được làm rất cầu kỳ. Đầu tiên, hoa ban và lá cũng được hấp cách thủy, sau đó trộn với gia vị chính là chéo cho vừa miệng ăn. Nêm chút giấm tự nhiên hoặc chanh cho vị thanh mát. Món này ai ai cũng ưa bởi hương vị quyến rũ của lá, quyện cùng với gia vị tự nhiên của núi rừng. Đặc biệt, với những người thích nhậu, món ăn này đủ làm bạn "say" dù mới chỉ uống vài chén rượu...
Trong mâm cỗ đãi khách của người Thái, món canh hoa ban chiếm một vị trí khá quan trọng. Cũng giống như món xào, canh hoa ban được xào sơ qua, thêm nước vừa sôi là được.
Bạn có thể đặt những món ăn từ hoa ban tại các khách sạn, nhà hàng tại Điện Biên, Sơn La. Hoặc nếu ghé qua những bản người Thái, bạn sẽ được thưởng thức những món ngon từ hoa ban đậm đà hương vị dân tộc.
Đậm đà hoa chuối
Không lạ như hoa ban, hoa chuối là món ăn rất phổ biến và có từ lâu đời ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hoa chuối hay được dùng để chế biến các món gỏi, nấu canh chua, hoặc dùng làm rau ăn kèm bún bò cũng rất ngon.

Món nộm hoa chuối có lẽ là thân quen nhất với nhiều người. Tùy từng nơi mà món nộm này được gia giảm thêm thịt gà, thịt bò khô hay hải sản.
Nhiều người còn rán hoa chuối lên để dùng như một món chay. Trong hoa chuối chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và lợi tiểu.
Hoa thiên lý
Hoa thiên lý còn gọi là Dạ ly hương, không chỉ là nguyên liệu để chế biến món ăn dinh dưỡng mà còn được xem là một bài thuốc. Có rất nhiều món ăn từ hoa thiên lý. Vị ngọt của hoa thiên lý rất hợp để nấu các món canh đơn giản với thịt  lợn, xương hay hầm với giò lợn rất ngon. 
Mùa hè, bạn cũng có thể cho thêm vào nồi canh cua nấu với rau đay, mồng tơi để tăng thêm vị ngọt. Hoa thiên lý nấu cua cũng là một món ăn khá lạ miệng. Ngoài ra, hoa thiên lý xào thịt bò hay dùng chung với các món lẩu cũng rất đặc sắc.
Hoa hẹ
Phổ biến ở trong miền nam, vừa để trang trí, vừa làm món xào với hương vị hấp dẫn. Hoa hẹ có màu trắng, món ăn ngon và dễ chế biến nhất hoa hẹ nấu đậu phụ, thêm ít thịt nạc băm, ăn mát và giải nhiệt trong ngày nóng bức.
Hoa Atisô
Là một món ăn "đặc sản" và khá đắt khi bạn ghé thăm thành phố mộng mơ Đà Lạt. Khi nhắc đến Atiso, mọi người thường nghĩ ngay đến đấy là một vị thuốc, một loại trà thanh nhiệt, giải độc. Hoa Atisô khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, kích thích tiêu hóa, làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ (khi hầm với chân giò).
Hoa bí
Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Hoa bí có thể ăn được là hoa bí đực của cây bí rợ, không ra quả. Bông bí lớn, màu vàng tươi rất vui mắt. Bông bí được cắt chừa cuống dài, bó thành bó nhỏ đem ra chợ bán. Tuy nhiên, mùa hè, bông bí mới có nhiều.
Người miền Bắc thường luộc hoa bí vì có vị ngọt thanh, phần cuối bí có vị giòn dai, ăn rất thú vị. Món canh mùa hè cũng thường được nấu cùng với hoa bí, nêm thêm ít vị chua, cùng với thịt băm.
Riêng ở miền Nam, bông bí cũng như các loại bông khác như điên điển, bông so đũa làm thành món "lẩu hoa" đầy màu sắc và ngon miệng. Người miền Nam luộc bông bí chấm nước kho cá, kho thịt hay tương dầm ớt. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu…xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn giòn.
Món đặc sắc nhất của bông bí là “bông bí dồn thịt chiên“ hay còn gọi là chả bông bí. Muốn bông bí ngon, phải hái ngay từ khi bông mới chớm nở, tước sơ qua ở cuống, rửa qua nước để ráo. Sau đó, các thứ như tôm, mực, thịt nạc vai heo quết nhuyễn, trộn tiêu hành, mắm muối, bột năng làm nhân. Để những bông hoa không bị nát khi chiên, bẻ gập các cánh hoa úp đè lên nhau, nhẹ tay bỏ vào chiên với lửa nhỏ để bông bí còn màu vàng tươi, không bị cháy xém.
Ngoài ra, ở Huế còn có món chả bông bí beo béo, thơm thơm, chấm nước tương dầm ớt. Món ăn này thường được làm trong những ngày giỗ, tết của gia đình hay tụ họp
Bông điên điển
Hoa điên điển còn được người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ  gọi bằng cái tên rất dân dã: hoa mùa lũ, hoa cứu đói. Loại hoa này nở theo mùa nước lũ tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Mùa lũ cũng là mùa đói của nhiều người dân ở đây, lúc này ngoài cá thì các loại rau củ quả khá hiếm hoi. Giữa mênh mông nước, chỉ có bông điên điển nở rực. Với nhiều người, bông điên điển có thể làm món dưa chua, món canh, món nộm, kho cùng với cá linh...

Ngoài ra, để có thêm thu nhập, nhiều người dân đã đi hái điên điển để bán cho nhà hàng làm món ăn, đổi gạo với những người khác...
Bông lẻ bạn
Cây lẻ bạn có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, được trồng rộng rãi ở Việt Nam. Cây trồng trong chậu làm cây cảnh, trồng ngoài vườn để làm thuốc. Cây có thân rất ngắn, lá mọc gần như sát đất.

Lá không cứng, có bẹ, đầu thuôn dài, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu đỏ tím. Cụm hoa nhỏ, mọc ở nách lá, ngoài có hai mo úp vào nhau, giống như vỏ con sò, nên còn được gọi là bông sò huyết (oyster plant). Hoa màu trắng, dùng làm thuốc trị ho, hay nấu canh với xương heo ăn cho mát, bồi bổ cơ thể suy nhược.
Bông so đũa
Cây so đũa hoặc mọc hoang, hoặc được trồng nhiều ở các vùng bờ quanh ruộng của đồng bằng sông Cửu Long. Cây so đũa thon cao, thẳng, vỏ nham nhám, xù xì, nứt nẻ. Trái so đũa nhỏ dài, hình dáng như chiếc đũa.
Bông so đũa mọc ở trên cao, kết thành từng chùm, có 2 màu: trắng và tím. Bông so đũa có vị nhân nhẫn đắng, nhưng ngọt hậu. Đầu tháng 10 âm lịch trở đi, cây so đũa đồng loạt ra hoa, cùng lúc với mùa cá linh để có món ăn nức tiếng là cá linh nấu canh chua bông so đũa. 
Cũng gần giống với điên điển, bông so đũa được hái xuống, rửa sạch. Bông so đũa khá "mong manh", vì vậy, khi nấu hay xào, kho, cũng chỉ cho vào một lúc, vài phút rồi bỏ ra thì mới giữ được vì giòn giòn của hoa.
Còn có một vài món ngon khác phải kể tới đó là món canh chua so đũa với tôm he hoặc tôm nõn, món cá lóc bọc bông so đũa hấp cách thủy... cũng dậy hương vị đồng quê, dân dã, thơm ngon khó tả!.

Bò cuộn hoa kim châm: Chọn thịt bò thăn cho mềm, cắt miếng mỏng và bản lớn để dễ cuộn, ướp thịt bò với hạt nêm, tỏi hành băm nhuyễn và tiêu. Hoa kim châm tươi nhặt sạch nhụy, rửa trong nước muối pha loãng, để ráo. Hành lá chần sơ, cắt riêng đầu hành. Trải thịt bò ra, cuộn hoa kim châm và đầu hành lá vào rồi cuốn chặt tay. Buộc cuốn lại bằng cọng hành lá. Bắc chảo dầu lên, cho ít bơ vào rồi thả cuốn thịt bò vào chiên vàng, xếp ra đĩa. Làm nước xốt: đun nóng bơ, cho bột mì vào trộn đều, nhấc xuống. Dùng chảo khác phi thơm hành tỏi rồi cho nước dùng bò vào nấu sôi, nêm hạt nêm, ít bột ngọt, cho bơ và bột mì vào khuấy đều cho nước xốt sệt lại rồi rưới lên cuốn thịt bò đã chiên vàng, rắc thêm tiêu, dùng nóng.

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

16 loại hoa đẹp nhưng nguy hiểm chỉ nên ngắm từ xa

1. Hoa lan và hoa bách hợp

Đây là những loài hoa có toả hương vào ban đêm, dễ làm cho con người hưng phấn quá độ. Do đó chúng ta không nên đặt những loại hoa này trong phòng ngủ để tránh mất ngủ.


2. Hoa hồng

Mùi hương nồng đậm do hoa hồng toả ra có thể làm cho một số người cảm thấy khó chịu, làm quá trình hô hấp bị cản trở.


3. Các loại hoa tùng bách

Mùi hương của những hoa tùng bách có tác dụng kích thích dạ dày và đường ruột rất mạnh, chúng không những làm ảnh hưởng đến việc ăn uống mà còn có thể làm cho phụ nữ đang mang thai cảm thấy tâm phiền, ý loạn, tức ngực, buồn nôn.


4. Đậu tía

Đậu tía là một loài cây thân leo họ đậu thường được trồng ở hàng rào hoặc giàn cao với những chùm hoa màu tím rất lãng mạn. Những việc nếm thử chúng có thể khiến bạn bị nôn mửa và tiêu chảy.

Nếm thử hoa đậu tía có thể khiến bạn bị nôn mửa và tiêu chảy.

5. Mao địa hoàng

Đây là một loài hoa đẹp với những chùm hoa chĩa thẳng lên trời như một ngọn tháp. Loài hoa này cũng là nguyên liệu để bào chế thuốc chữa bệnh tim và một số bệnh thường gặp khác như thiếu máu và táo bón. Nhưng nếu ăn tươi, chúng có thể gây rối loạn nhịp tim và đau bụng dữ dội.


6. Hoa cẩm tú cầu

Hoa mọc thành những chùm hình tròn như quả cầu là cây hoa được trồng phổ biến trong sân vườn. Nhưng nếu ăn những bông hoa này, bạn sẽ bị đau bụng trong nhiều giờ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê và co giật.

Những hạt phấn nhỏ do hoa cẩm tú cầu phát tán ra tiếp xúc với người sẽ làm cho da của người bị dị ứng.


7. Hoa dạ hương

Hoa dạ hương trong đêm sẽ phát tán ra rất nhiều các hạt nhỏ có tác dụng kích thích khứu giác. Nếu ngửi quá nhiều và quá lâu thì sẽ làm cho những người bị cao huyết áp và người bị bệnh tim cảm thấy chóng mặt hoa mắt, khó chịu, thậm chí còn có thể làm cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.

Loại hoa này có chứa một loại chất kiềm độc, nếu tiếp xúc với hoa quá lâu sẽ làm cho tóc bị rụng nhanh. 

Hoa dạ hương khiến người ngửi lâu đau đầu chóng mặt.

8. Hoa chuông

Hoa chuông có hình dáng rất đáng yêu, nhưng tiếc thay đây cũng là một loài hoa độc. Nếu ăn chúng bạn sẽ bị đau bụng, tiêu chảy và đau cơ bắp. Rối loạn nhịp tim cũng có thể là một triệu chứng đi kèm.


9. Hồng môn

Tất cả lá và cành của cây hoa hồng môn, một loài hoa có hình dáng kỳ lạ, đều có nhiều độc tố. Ăn phải cây hoa này, miệng bạn đau rát và sưng tấy, giọng nói có thể bị khàn.


10. Hoa hiệp trúc

Ở hoa hiệp trúc có thể tiết ra một dịch thể, nếu tiếp xúc với dịch thể này lâu thì sẽ bị trúng độc, gây nên tình trạng mê mệt, trí lực bị giảm sút.

11. Hoa uất kim hương (hay còn gọi là hoa tulip)
 
Nhụy của loại hoa này có chứa chất một loại chất độc. Khi chúng ta tiếp xúc với nó lâu có thể gây ra chứng rụng tóc.


12. Hoa cúc

Thường được gắn với mùa thu và là một loài hoa phổ biến nhất, nhưng hoa cúc không hoàn toàn vô hại. Nhụy của loài hoa này có thể gây mẩn ngứa cho một số người.

13. Trúc đào

Trúc đào là một loài cây cảnh được trồng phổ biến trên đường phố. Tuy vậy, cây này rất độc, có khả năng gây chết người nếu hấp thụ quá nhiều vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay niêm mạc. Thậm chí, việc hít phải khói từ cây trúc đào cháy cũng có thể rối loạn nhịp tim.


14. Đỗ quyên

Hoa đỗ quyên thường mọc thành chùm lớn rực rỡ vào mùa xuân và thu hút được nhiều loài ong đến hút mật. Nhưng nếu ăn loại mật ong làm từ loài hoa này hoặc ăn lá của chúng, bạn có thể bị phồng rộp miệng, nôn mửa, tiêu chảy và ngứa ngáy trong da cho đến nhức đầu, đau cơ, mờ mắt. Ăn với lượng lớn có thể dẫn đến chậm nhịp tim, co giật, hôn mê và tử vong.


15. Thủy tiên

Với vẻ đẹp nõn nà và hương thơm quyến rũ, hoa thủy tiên là một trong những biểu tượng của mùa xuân. Nhưng nếu ăn củ của chúng, bạn có thể nôn mửa và tiêu chảy.


16. Anh túc

Anh túc là loài hoa có nhiều màu sắc đẹp, được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng nó còn một tên khác: hoa thuốc phiện. Chúng chính là nguyên liệu để bào chế thuốc phiện và nhiều loại ma túy khác.


Nấu ăn với hoa Atiso vừa ngon vừa chữa bệnh
Bí quyết ăn hoa quả
Cách ăn hoa quả
Ăn hoa quả gì tốt cho sức khỏe
Khi nào cho bé ăn hoa quả



(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý