Các loại nước mắm ngon, không thể thiếu trong bữa ăn

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Các loại nước mắm ngon, không thể thiếu trong bữa ăn

19/04/2015 01:21 PM
208


Nước mắm Việt Nam làm từ cá biển đã vang danh với mùi vị đặc trưng mà bây giờ một số sách, báo nước ngoài viết bằng tiếng Anh, Pháp, đặc biệt là sách dạy nấu ăn bắt đầu sử dụng nguyên văn "sauce nuoc mam" chứ không xài "fish sauce" hay "la saumure" nữa.





Nước mắm truyền thống

1/ Cách sản xuất nước mắm : 
          Nước mắm là sản phẩm truyền thống có từ lâu đời. Nước mắm được sản xuất bằng cách trộn cá cơm tươi với muối rồi cho vào các thùng gỗ lớn hoặc các bể xi măng và ủ trong thời gian 8 – 12 tháng. Sau thời gian này, ta sẽ rút nước mắm từ các thùng này ra gọi là nước mắm nhĩ. Nước mắm nhĩ có độ đạm trong khoảng 35 – 40 độ.
          Sau khi đã rút hết nước mắm nhĩ ra, tiếp tục cho nước muối (hoặc nước mắm thấp đạm) vào các thùng ngâm ủ tiếp, ta thu được nước mắm lần thứ 2, nước mắm này có độ đạm khoảng 25- 30 độ.
          Và tiếp tục cho nước muối vào ngâm ủ, ta thu được nước mắm có độ đạm khoảng 10- 20 độ.

2/ Phân loại nước mắm:
           Việc phân loại nước mắm ngon hay dở chủ yếu là dựa vào độ đạm trong nước mắm.
           Độ đạm càng cao thì nước mắm càng ngon và ngon nhất là nước mắm nhĩ. Nguyên nhân là vì : 
                Thứ nhất: độ đạm cao sẽ tạo ra vị ngọt đậm đà của nước mắm.
                Thứ hai: Nước mắm cao đạm có hương rất thơm và màu sắc rất đẹp (đặc biệt là nước mắm nhĩ), nước mắm thấp đạm là những nước mắm lần thứ 2, 3, 4… nên hương sẽ giảm theo. Cũng giống như nấu rượu, hay pha cà phê, nước thứ nhất là nước ngon nhất, các nước lần sau chỉ là nước giảo.
           Hiện nay, các nhà sản xuất vẫn có thể làm ra các loại nước mắm 50, 60 hay 70 độ đạm bằng cách cô đặc (nấu) các loại nước mắm thấp đạm. Các loại nước mắm cao đạm này có vị ngon hơn vì độ đạm cao tuy nhiên lại có nhược điểm là hương không thơm bằng nước mắm tự nhiên, nghe có mùi khét và nhanh bị hư hơn nước mắm tự nhiên.

3/ Sự khác biệt giữa Nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết.
          Sản xuất nước mắm ở Phan Thiết (nguồn tuoitre.vn)
Ơ Việt Nam, các vùng sản xuất nước mắm nổi tiếng nhất là Phú Quốc và Phan Thiết. Nước mắm mỗi vùng đều có những nét riêng đặc trưng của vùng đó, giống như nét đặc trưng của người miền Trung và miền Nam.
          Nét khác nhau chủ yếu giữa 2 loại nước mắm này là hương và màu của nước mắm: Nước mắm Phú Quốc có màu nâu cánh gián, hương thơm ngọt còn nước mắm Phan Thiết có màu vàng rơm và mùi thơm bốc.
          Bên cạnh đó, một điểm khác nhau nữa là Nước mắm nhĩ Phú Quốc có độ đạm lên tới 40 độ, trong khi nước mắm nhĩ Phan Thiết có độ đạm chỉ khoảng 30-35 độ.
         Nguyên nhân của sự khác biệt trên là do:
         - Cá cơm Phan Thiết và cá cơm Phú Quốc sống ở các vùng biển khác nhau nên cơ chất của chúng khác nhau vì vậy khi làm nước mắm sẽ tạo ra nước mắm có mùi và màu khác nhau.
         - Ở Phan Thiết, đa số sản xuất theo phương pháp đánh khuấy, nên thời gian ngâm ủ ra nước mắm chỉ khoảng 3- 6 tháng. Ở Phú Quốc, đa số sản xuất theo phương pháp gài nén, nên thời gian ngâm ủ ra nước mắm từ 8-12 tháng. Vì vậy nước mắm nhĩ Phú Quốc có độ đạm cao hơn.
         Do có những nét riêng như vậy nên có người thì thích nước mắm Phú Quốc, có người thì thích nước mắm Phan Thiết.

4/ Cách sử dụng nước mắm theo mục đích sử dụng:
         Do có nhiều loại nước mắm khác nhau, phân biệt với nhau bằng độ đạm cho nên tùy vào mục đích và túi tiền mà chúng ta có thể lựa chọn như sau:
        - Khi sử dụng nước mắm vào mục đích kho, xào, nấu thì để tiết kiệm tiền ta nên chọn những loại nước mắm có độ đạm thấp từ 10 -20 đạm. Vì khi kho, nấu, xào chúng ta sử dụng nhiều gia vị nên độ ngọt của nước mắm không quan trọng. Thứ hai nữa là khi kho nấu xào, nhiệt độ sẽ làm thay đổi mùi của nước mắm, nên nếu sử dụng nước mắm cao đạm thì sau khi nấu, kho xào, mùi của nước mắm cũng không còn nhiều.
        - Khi sử dụng nước mắm cho mục đích chấm , ăn sống, pha loãng để ăn các món như bún, bánh xèo…thì nên chọn những loại nước mắm cao đạm từ 30- 40 độ. Vị ngọt và hương thơm của nước mắm cao đạm sẽ làm cho món ăn của chúng ta trở nên ngon hơn.

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Bí quyết chọn nước mắm ngon

PGS Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục An toàn chất lượng Thủy sản cho biết, chọn nước mắm ngon phải chú ý đến ba yếu tố: độ đạm, màu sắc và mùi vị.

Độ đạm

Khi xem nhãn chai nước mắm, độ đạm tổng số bao giờ cũng là chỉ số dễ nhìn thấy nhất. Nhà sản xuất sẽ trưng nhãn ở một góc thật ấn tượng để gây sự chú ý với khách hàng. Nhưng đó không phải là chỉ số người mua cần quan tâm.

Về độ đạm, tổng số trong nước mắm gồm ba loại cấu thành: đạm thối (NH3); amin (đạm tốt) và đạm chưa phân hủy (protit thô). Khi tỷ lệ độ đạm amin/đạm tổng số vượt trên ngưỡng 30% mới là nước mắm ngon.

Nếu tỷ lệ của đạm amin/đạm không vượt được ngưỡng trên mà đạm tổng số vẫn cao, nước mắm đó có thể được nhà sản xuất sử dụng phân đạm để kích thích độ đạm tổng số lên cao, nhưng đạm thực sự có lợi thì rất ít, rất nguy hiểm.

Nếu nhãn mác của sản phẩm không ghi rõ chỉ số amin, khách hàng kiên quyết tẩy chay vì, theo quy định về ghi nhãn hàng hóa, bắt buộc phải có chỉ số này. Nhà sản xuất không tuân thủ là vi phạm quy định nhãn hàng và có hành vi gian lận ở đây.

Về màu sắc

Kiểm tra màu sắc của nước mắm hoàn toàn có thể nhìn bằng mắt thường và qua vỏ chai. Nếu thấy màu nước mắm từ vàng-vàng rơm-cánh gián, có thể yên tâm. Nhưng nếu chai nước mắm có màu xanh xám của nước rau luộc thì coi chừng.

Muốn kiểm tra thật chuẩn màu của nước mắm, nên để chai nước mắm đối diện với nguồn sáng. Khi kiểm tra, nên lắc chai mạnh, sau đó dốc ngược, để đối diện nguồn sáng, nếu thấy có những cục lởn vởn từ đáy chai rơi xuống, nghĩa là có dấu hiệu kết tủa, tuyệt đối không dùng.

Các chất kết tủa này có thể là muối và một số phụ gia khác nhà sản xuất cho thêm trong quá trình đóng gói.

Nước mắm đảm bảo phải có độ trong suốt và màu sắc đặc trưng, không kèm theo bất cứ tạp chất nào.

Mùi vị

Nước mắm ngon, khi mở nút chai ra, có mùi thơm dịu, ngọt, bùi.

Mở chai nước mắm, lấy một chiếc đũa hoặc quy sạch chấm để nếm thử. Nếu thấy ngay lập tức có vị mặn, loại nước mắm đó độ đạm kém. Ngay lập tức thấy vị chát ở đầu lưỡi, chắc chắn nước mắm đó có sử dụng phụ gia không tốt.

Trong trường hợp, thấy mùi thơm đặc trưng, ngọt đậm, dịu xuống cổ họng, chắn chắn đây là nước mắm có độ đạm tốt. Nước mắm có độ đạm 15 trở lên bắt buộc phải có những yếu tố nêu trên.


Cách dùng và bảo quản nước mắm

Nước mắm là sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người Việt, nhưng liệu bạn đã biết cách dùng vả bảo quản chưa?

1. Cách dùng
Chỉ nên cho nước mắm vào món ăn khi đã nấu chín để giữ được độ đạm và các vitamin vốn có.
Với nướcmắm, nên nêm vào món ăn khi đã chín rồi bắc ra ngay vì đun lâu quá sẽ mất hết chất bổ có trong nước mắm.
Đặc biệt là khi nấu canh chua, làm như thế mới giữ được chất đạm vitamin A, D và B12 có trong nước mắm.
Canh chua dứt khoát phải ăn với nước mắm y, có khi cho chút chanh ,ớt ,nếu dùng bất kỳ thứ nước chấm nào khác cũng đều hỏng.
Bánh cuốn ,chả giò,bánh xèo,cơm tấm phải ăn với nước chấm pha chua ngọt.
Nước mắm ngò, nước mắm cà,nước mắm thơm xem ra có duyên nợ với cá biển,mực ,ốc vì nó làm tăng hương vị hải sản lại dễ tiêu hóa.
Món cá thì lại khác,mỗi loại cá đều có một loại nước mắm khác nhau.Cá trê nướng thì có nước mắm gừng,cá rô thì nên ăn bằng nước mắm xoài,hay nước mắm me thì chuyên trị các món lươn…
Tùy theo mỗi món ăn mà người ta pha chế các loại nước chấm có độ đậm ,nhạt khác nhau. Do đó ,bạn chỉ cần dùng loại nước mắm khoảng 25 độ đạm để pha chế nước chấm đảm bảo thơm ngon.
2. Cách bảo quản
Luôn bảo quản nước mắm nơi thoáng mát và vặn chặt nắp khi đang sử dụng để tránh côn trùng xâm nhập.
Kiểm tra màu sắc của nước mắm hoàn toàn có thể nhìn bằng mắt thường và qua vỏ chai.
Nếu thấy màu nước mắm từ vàng – vàng rơm – cánh gián trong suốt, có thể yên tâm sử dụng.
Nếu chai nước mắm có màu xanh xám hoặc đậm đen thì coi chừng đã hỏng.
Muốn kiểm tra thật chuẩn màu của chai nước mắm, nên để chai đối diện với nguồn sáng. Lắc chai mạnh, sau đó dốc ngược, để đối diện với nguồn sáng, nếu thấy có những cợn nổi lập lờ , nghĩa là có dấu hiệu kết tủa. Các chất kết tủa này theo chúng tôi có thể là tự nhiên phát xuất từ xương cốt của con cá thuộc từng vùng biển nguyên liệu , mùa vụ ..hoặc lỗi ở khâu chế biến .
Nếu đúng vậy chỉ cần dùng khăn vải dày lược lại - Mắm vẫn trong , không có mùi lạ thì yên tâm sử dụng .Xong cũng không loại trừ một số không nhiều cơ cở đã thêm phụ gia khác trong quá trình chế biến.


Bí quyết pha chế các loại nước mắm ngon

Trong nhiều trường hợp, món ăn có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào loại nước chấm kèm theo.

Chấm gà luộc

Cách 1:
Nước chấm từ nước mắm gồm các nguyên liệu sau: Một muôi nước mắm ngon, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa hạt tiêu, vài lát ớt mỏng, một ít tiết gà luộc.

Loại nước chấm bằng nước mắm này rất phù hợp để ăn cùng cơm hoặc xôi trắng.

Cách 2: Chấm bằng bột canh, gồm các nguyên liệu: Một thìa bột canh, nửa thìa hạt tiêu, ớt tươi, nửa quả chanh, một ít tiết gà luộc.

Loại chấm này để chấm thịt gà luộc hoặc thịt gà nướng, có thể cho thêm chút lá chanh thái chỉ.

Đặc biệt có thể cho thêm hành khô thái lát mỏng và một ít tiết gà luộc.

Nước chấm nem, bún chả

Nguyên liệu:
Một thìa nước mắm ngon, một thìa đường, một thìa dấm ngon, 5 thìa nước lọc.

Cách làm:
- Pha các nguyên liệu với tỉ lệ trên. Tỉ lệ này có thể điều chỉnh tuỳ theo khẩu vị và loại nước mắm, dấm cụ thể mà bạn dùng vì độ mặn, chua của các loại nước mắm, dấm không giống nhau. Sau khi hoà tan hỗn hợp này và nếm vừa ăn, ta mới cho tỏi ớt băm nhỏ vào.
- Lưu ý tỏi băm nhỏ và có thể ép dập một chút. Chắc chắn tỏi sẽ nổi trên mặt nước chấm trông đẹp mắt. Cuối cùng cho thêm một chút hạt tiêu là ta đã có một bát nước chấm nem hoặc bún chả hoàn chỉnh. Loại nước chấm này cũng có thể dùng cho các loại nem cuốn tươi Nam Bộ.


Nước chấm nem.


- Lỗi thường gặp trong khi pha loại nước chấm này là cho tỏi ớt vào quá sớm khiến người làm bị lẫn vị, khó điều chỉnh độ chua ngọt mặn hợp lý. Ngoài ra có thể do tỏi bị băm hơi to khiến tỏi nặng quá bị chìm, khiến bát nước chấm kém hấp dẫn. Nếu ăn bún chả, thông thường phần nước chấm được giữ ấm, khi ăn mới cho thêm tỏi ớt vào.


Nước chấm các loại cá hấp, cá luộc


Nguyên liệu: Một thìa nước mắm ngon, một thìa dấm ngon, một thìa đường, 3 thìa nước lọc, tỏi, ớt, gừng, thì là.

Cách làm:


Tỏi, ớt, gừng, rau thì là băm nhỏ. Pha nước mắm, dấm, đường, nước, điều chỉnh vị vừa ăn rồi mới cho tỏi, ớt, gừng, thìa là vào.
So với nước chấm nem, nước chấm cá luộc mặn hơn vì cá hấp và luộc vị nhạt nên cần nước chấm đậm, cũng có thể dùng vị chua của chanh để nước chấm thơm tự nhiên.

Nước mắm lèo

Đây là một cách pha nước chấm khá độc đáo sử dụng lòng cá. Nước chấm này phù hợp chấm các loại cá hấp, cá luộc, cá nướng, hoặc lẩu cá. Phần ruột cá được rửa sạch, sau đó băm nhỏ vừa. Hành tỏi gừng, ớt được băm nhỏ phi thơm, sau đó cho lòng cá băm nhỏ vào xào thơm, lưu ý để nhiệt lớn sẽ giúp lòng cá không bị chảy nước gây ra mùi tanh.

Khi cá gần cạn cho thêm một muôi tương bần, một thìa nước mắm, nửa thìa mì chính và nửa thìa hạt tiêu và một thìa dấm, vẫn đảo mắm lèo liên tục và cho nhỏ lửa đun tiếp tới khi cạn. Thành phần của loại mắm lèo này còn có một thìa đường, nhưng đường chỉ cho vào sau khi nước lèo đã chế biến gần xong, nếu cho đường vào sớm, đường ngả màu có thể làm nước có màu quá tối không đẹp.

Loại nước chấm này phù hợp để chấm các món cuốn như cá nướng, trạch nướng cuộn cùng các loại rau ghém, chuối xanh, khế... còn để ăn cơm có thể dùng để chấm các loại rau củ luộc hoặc ăn cùng rau sống rất ngon miệng.

Nước chấm các món lẩu

Lẩu là món ăn quen thuộc trong Nam ngoài Bắc, 3 cách pha nước chấm lẩu sau đây sẽ là cách cơ bản nhất, ngoài ra các bạn có thể điều chỉnh tùy theo khẩu vị của mình.

Về cơ bản, nước chấm lẩu giúp ăn ngon miệng nên chúng ta thường dùng vị nước chấm hơi chua để kích thích ăn ngon và đỡ ngán.

Loại thứ nhất rất phù hợp để chấm hải sản gồm có những nguyên liệu sau: nửa thìa gia vị, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa muối trắng, mù tạt xanh, một chút hạt tiêu bột, chanh tươi, ớt tươi.

Loại nước chấm các món lẩu thứ 2 sử dụng nước mắm làm nguyên liệu chính, bao gồm: 2 thìa nước mắm, nửa thìa đường, 1/4 thìa sa tế, ớt tươi, tỏi thái lát, 1/2 quả chanh vắt lấy nước.

Loại thứ 3 phù hợp để chấm lẩu thập cẩm hoặc lẩu thịt bò.

Những nguyên liệu cơ bản gồm có: 4 thìa xì dầu, nửa thìa đường, 1/4 thìa mì chính, tỏi ớt thái lát, hạt tiêu.

Nếu chúng ta không muốn vị tỏi quá nổi làm át mùi thơm của món ăn, tỏi chỉ nên thái lát thay vì băm nhỏ.



Cách làm nước mắm ngon
Cách làm nước mắm gừng ngon
Cách làm nước mắm tỏi ớt chấm cực đã
Cách làm nước mắm tỏi ớt chấm cực đã
Cách pha nước mắm chay ngon
Sườn heo chiên nước mắm đậm đà ngon cơm
Cánh gà chiên nước mắm ngon hết chê



(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý