Hướng dẫn học tốt môn Địa Lý

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Hướng dẫn học tốt môn Địa Lý

19/04/2015 01:29 PM
469
Cùng tham khảo những hướng dẫn học tốt môn Địa Lý trong trường phổ thông cũng như khi đi thi đại học khối C nhé các bạn.


Học cách nhớ lâu và làm bài thi môn Địa lý

Những số con số nhằng nhịt hoặc dãy số liệu dài lê thê khiến không ít teen “hãi” môn Địa lý. Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Bích Liên, nếu có phương pháp học hiệu quả, việc nhớ và đoạt điểm cao môn Địa lý không khó.

Cô Trần Thị Bích Liên, giáo viên Địa lý, PTTH chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, việc ôn tập sẽ thực sự khó khăn nếu học sinh coi Địa là môn học thuộc lòng. “Lối tư duy và suy luận logic, kỹ năng khái quát kiến thức, khai thác mối quan hệ các đối tượng địa lý… và quan trọng nhất là có phương pháp học hiệu quả sẽ giúp học sinh đạt kết quả tốt môn Địa lý”, cô Liên chia sẻ.

Nắm vững kiến thức cơ bản bằng sơ đồ hình xương cá

Không chỉ riêng môn Địa lý mà ở tất cả các môn học khác, việc nắm vững kiến thức cơ bản là vô cùng quan trọng. Nhưng với lượng kiến thức lớn nếu chỉ học thuộc lòng không ít học sinh rơi vào tình trạng “học trước quên sau”.

Học cách nhớ lâu và làm bài thi môn Địa lý

Có phương pháp học, việc ôn thi môn Địa lý sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ảnh minh họa

Một phương pháp giúp học sinh dễ nhớ hơn là dùng sơ đồ hình xương cá nhằm hệ thống, khái quát kiến thức cơ bản. Cụ thể, chúng ta có ba phần chính là: Địa lý tự nhiên và dân cư; Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý vùng kinh tế. Trong mỗi phần này lại chia ra từng bài, trong từng bài lại có từng ý lớn. Như vậy, sau khi đã có được khung của toàn chương trình, học sinh đã có được một hình dung về những nội dung cơ bản mà mình cần ôn tập để “đắp thịt” vào.

Khi làm bài thi, sơ đồ hình xương cá sẽ giúp học sinh nhớ nhanh và triển khai ý mạch lạc hơn nhiều. Sau khi đọc đề, thí sinh chỉ cần dành ra vài phút để vạch lại sơ đồ, từ đó các ý lớn, ý nhỏ được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc theo các đề mục. Chỉ cần thêm các dẫn chứng chi tiết là có một câu trả lời hoàn chỉnh.

Một điều nữa mà học sinh thường “sợ” ở môn Địa lý đó là việc có quá nhiều các con số, hoặc một dãy số liệu quá dài. Tuy nhiên, một mẹo nhỏ là các bạn không nhất thiết phải nhớ chính xác các con số. Trong một số trường hợp có thể chỉ cần đưa ra những con số tương đối.

Học sinh cũng không nhất thiết phải nhớ hết cả một dãy số liệu quá dài nhưng nhất thiết phải nhớ được những số liệu cơ bản làm dẫn chứng cho bài viết. Ví dụ: dẫn chứng về tốc độ gia tăng dân số nước ta thì cần nắm được những mốc quan trọng, thường là đầu – cuối hoặc những năm có sự biến động lớn như tăng, giảm đột ngột....

Học cách nhận dạng nhanh để làm biểu đồ

Phần vẽ biểu đồ hoặc phân tích bảng số liệu hầu như đề thi nào cũng có. Phần này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng nhận dạng để có cách làm bài nhanh nhất. Học sinh có thể dựa vào một số gợi ý sau đây để có cách lựa chọn các dạng biểu đồ cho phù hợp:

- Biểu đồ tròn: Thể hiện quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỷ lệ % tương đối)

- Biểu đồ cột chồng: Thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỷ lệ % tuyệt đối)

- Biểu đồ cột đơn: Thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm

- Biểu đồ cột kép: Thể hiện sự so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị quan một số năm

- Biểu đồ đường: Thể hiện sự diễn biên của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm

- Biểu đồ đường kết hợp với cột: các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc so sánh các đối tượng với cùng một đối tượng chung

- Biểu đồ miền kết hợp với đường: Thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỷ lệ xuất và nhập, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ lệ sinh tử…

Trong việc phân tích biểu đồ nhiều khi phải đổi số liệu tuyệt đối sang số liệu tương đối. Bước này tuy rất đơn giản nhưng lại dễ nhầm lẫn. Vì thế, nên kiểm tra lại sau khi viết kết quả vào bài thi.

Ngược lại, khi phân tích bảng số liệu phải dựa vào số liệu tuyệt đối. Chú ý các mốc đột biến như tăng vượt bậc hay giảm mạnh. Khi viết phân tích cần có cái nhìn tổng thể sau đó đi từng bộ phận. Vì thế, nên có một câu mở đầu tóm lược ý ngắn gọn nhất của đề bài trước khi nhận xét từng đối tượng cụ thể.

Sử dụng Atlat hiệu quả và vận dụng kiến thức thực tế để tạo dấu ấn cho bài thi

Tôi thấy rằng, phần lớn học sinh đều chưa biết cách vận dụng tối đa tính năng của Atlat. Atlat có thể là công cụ hữu hiệu để nhớ nhanh các dẫn chứng cho bài thi mà không cần phải học thuộc lòng. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể sử dụng Atlat như một nguồn số liệu (thay vì phải nhớ rất nhiều số liệu từ SGK). Ví dụ, số liệu về dân số Việt Nam qua các năm hay tên của các đô thị, các trung tâm công nghiệp, các bãi biển du lịch...

Ngoài ra, một điều không kém phần quan trọng giúp bài thi của học sinh có chiều sâu và chiều rộng đó là vận dụng những kiến thức ngoài SGK. Các bạn có thể đọc các sách hướng dẫn tham khảo, theo dõi tin tức sự kiện thực tiễn để làm dẫn chứng thuyết phục trong bài. "Tôi thường đánh giá cao những bài viết có như sự thể hiện dấu ấn cá nhân của học sinh như thế", cô Liên nói.

 

Môn địa: Bí quyết để nhớ bài

ThS Vũ Thị Bắc, giáo viên môn địa lý Trường phổ thông Năng khiếu(ĐH Quốc gia TP.HCM) hướng dẫn thí sinh cách học ôn, làm bài thi môn địa lý sao cho hiệu quả nhất.
 

Thí sinh ở TP.HCM tranh thủ xem bài trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2012 -  Ảnh: H.Hương

Thứ nhất về phần lý thuyết, học sinh nên chọn cho mình một cách học phù hợp nhất để nhớ bài. Sau đây là một số cách:

Nhìn tổng thể SGK Địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Trước tiên, cần có kiến thức nền trong phần tự nhiên, dân cư, kinh tế và cuối cùng là tổng hợp trong Địa lí vùng kinh tế. Có thể hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy, bằng sơ đồ hình cây, bằng bảng hệ thống… Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống hóa lại bài học.

Sau khi đã hệ thống các bài, có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại, cũng là một cách để nhớ, mà không nhất thiết phải cầm cả cuốn SGK để học, vừa không gây cảm giác nặng nề mà còn giúp hệ thống bài học.

Đối với môn Địa lí, thường các em sợ nhất chính là số liệu. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhớ hết số liệu, mỗi ý chúng ta chỉ cần một dẫn chứng, nếu có hai số liệu (phần trăm hoặc số liệu thực tế), có thể chọn một trong hai. Nếu không thể nhớ chính xác các số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo kiểu khoảng, gần bằng, lớn hơn... Ví dụ như nước ta có 2.360 con sông dài trên 10km thì các em có thể nhớ là hơn 2.000 con sông…

Nếu đã học xong phần kiến thức trong phần tự nhiên, dân cư và kinh tế thì phần cuối cùng Địa lí vùng kinh tế, các em sẽ thấy học rất đơn giản bởi trong phần này có sự lặp lại của phần kiến thức chung. Trong phần kinh tế vùng này tổng hợp nội dung của 7 vùng vào một bảng hệ thống theo kiểu so sánh để dễ nhớ, dễ thuộc mà không bị nhầm lẫn.

Trong những năm gần đây, đề thi ĐH thường cập nhật thêm một số nội dung mang tính thời sự, ngoài việc học thuộc lý thuyết, nên tìm hiểu thêm một số vấn đề mang tính thời sự như biển đảo, kinh tế qua sách báo, Internet để phần làm bài có tính thuyết phục hơn.

Thứ hai, đối với phần thực hành vẽ biểu đồ: phần này thường chiếm 3 điểm trong bài thi đại học. Nếu biết cách làm thì có thể lấy điểm phần này một cách dễ dàng. Có thể tổng kết phần biểu đồ thành 6 dạng sau:

- Biểu đồ tròn: khi đề bài yêu cầu thể hiện cơ cấu, tỉ lệ, tỉ trọng (%) của đối tượng mà dưới 2 năm. Ví dụ thể hiện cơ cấu của ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam năm 2012...

- Biểu đồ cột (đơn, đôi...): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị trong một năm. Ví dụ thể hiện sự biến động dân số, diện tích đất đai...

- Biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm. Ví dụ thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số…

- Biểu đồ kết hợp giữa đường và cột: khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ. Ví dụ thể hiện sản lượng khai thác, nuôi trồng và giá trị sản xuất của Việt Nam thì vẽ cột thể hiện sản lượng khai thác và nuôi trồng, đường thể hiện giá trị sản xuất...

- Biểu đồ miền: khi đề bài yêu cầu thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên. Ví dụ thể hiện cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam hoặc cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ từ năm 1990 - 2005.

- Biểu đồ cột chồng: khi đề bài yêu cầu thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối).

- Ngoài ra có dạng biểu đồ miền kết hợp với đường: thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử, tỉ lệ gia tăng tự nhiên…

Đối với phần nhận xét biểu đồ: cũng theo 3 phần là nhận xét chung, nhận xét từng phần rồi tổng kết lại. Câu nhận xét chung thường là: nhìn chung, tổng quan thì giá trị tăng hay giảm. Tùy theo số liệu có thể nhận xét tăng (giảm) liên tục hoặc tăng (giảm) không đều... Sau đó đi vào nhận xét từng phần, chú ý đến các giai đoạn có sự tăng giảm đột biến để nhận xét kỹ hơn (nhớ kèm theo số liệu). Cuối cùng, có thể tổng kết lại bằng cách nhận định xu hướng phát triển hoặc giải thích (tùy theo đề bài yêu cầu). Nếu không yêu cầu giải thích thì không làm.

Để sử dụng Atlat trả lời cho các câu hỏi trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp, HS cần lưu ý các vấn đề sau:

1. Nắm chắc các ký hiệu:

HS cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp... ở trang 3 của quyển Atlat, vì một số bản đồ trong Atlat không in chú thích kèm theo bản đồ như bản đồ khoáng sản trang 8, bản đồ công nghiệp chung trang 21, nông - lâm nghiệp trang 18, 19...

2. Biết rõ câu hỏi để có thể dùng Atlat:

 Tất cả các câu hỏi có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, HS cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat.

3. Biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat:

 Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông-lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, HS cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.

4. Biết sử dụng đủ số bản đồ trong Atlat cho một câu hỏi:

 Trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, HS có thể xác định những trang bản đồ trong Atlat cần thiết dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31).

- Những câu hỏi chỉ cần sử dụng một trang bản đồ của Atlat để trả lời như:

“Hãy trình bày nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ta”. Với câu hỏi này chỉ sử dụng bản đồ "Địa chất-khoáng sản” ở trang 8 là đủ. “Hãy nhận xét tình hình phân bố dân cư nước ta?”. Trong trường hợp này, chỉ cần dùng 1 bản đồ “Dân số” ở trang 15 là đủ.

- Những câu hỏi cần dùng nhiều trang bản đồ trong Atlat để trả lời như:

• Những câu hỏi đánh giá tiềm năng (thế mạnh) của một ngành như:

 Khi đánh giá tiềm năng của ngành công nghiệp năng lượng, HS không những chỉ sử dụng bản đồ khoáng sản để thấy khả năng phát triển các ngành công nghiệp này mà còn sử dụng bản đồ công nghiệp để thấy vai trò của ngành này với các ngành công nghiệp khác, sử dụng bản đồ sông ngòi để thấy tiềm năng phát triển thủy điện...

• Những câu hỏi tiềm năng (thế mạnh) của 1 vùng kinh tế như:

Khi  phân tích các thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng, HS cần dựa vào bản đồ vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng trang 26 để xác định giới hạn của vùng, phân tích những khó khăn và thuận lợi về vị trí vùng. Đồng thời HS phải biết đối chiếu giữa bản đồ vùng kinh tế với các bản đồ khác (như đất, khí hậu, sông ngòi, dân cư...) nhằm xác định được đầy đủ các thế mạnh về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng.

- Loại bỏ những bản đồ không phù hợp với câu hỏi:

 - Khi đánh giá tiềm năng phát triển cây công nghiệp, HS có thể sử dụng bản đồ: đất, địa hình, khí hậu, dân cư... nhưng không cần sử dụng bản đồ khoáng sản.

 - Khi đánh giá tiềm năng công nghiệp có thể sử dụng bản đồ khoáng sản nhưng không cần sử dụng bản đồ đất, nhiều khi không sử dụng bản đồ khí hậu... 

Cuối cùng, qua quá trình chấm thi, tôi đúc kết lại một số lỗi các em hay mắc phải khi làm bài thi:

- Làm lạc đề: do không đọc kỹ đề nên trả lời dễ lạc đề hoặc trả lời không đúng trọng tâm. Vì vậy, các em cần đọc thật kỹ đề để xác định xem câu hỏi đó thuộc dạng nào (trình bày, chứng minh, phân tích, so sánh hay giải thích).

Sau khi đã phân loại được các dạng bài, có thể phác nhanh dàn bài cho từng câu ra nháp (dàn bài theo dạng sơ đồ hệ thống). Cách viết theo dàn bài này sẽ giúp các em không quên ý, bài viết sẽ mạch lạc và dễ bổ sung các ý còn thiếu.

- Thời gian: các em thường phân bố thời gian không hợp lý, dành quá nhiều thời gian cho một câu, trong khi không đủ thời gian làm những câu còn lại, phải làm sơ sài, bỏ ý, bỏ câu, mất số điểm lớn. Đề thi đại học thông thường gồm có 4 câu lớn và trong đó có 6,7 câu nhỏ. Các em cần làm đều cả 4 câu, không thiên lệch câu nào. Từng câu đã quy định số điểm. Việc phân bổ thời gian làm bài chủ yếu dựa vào số điểm này. Làm bài theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau” để lấy được điểm các phần mình chắc ăn.

Những lỗi thông thường khác cần tránh khi vẽ biểu đồ là thiếu tên biểu đồ, thiếu chú giải, không điền những số liệu cần thiết vào biểu đồ, chia khoảng cách thời gian sai, không ghi đơn vị tính. Các lỗi này sẽ làm các em mất từ 0,25 - 0,75 trên tổng số điểm.

Như vậy, việc làm bài thi môn Địa lí thực chất không quá khó nếu các em đã nắm vững một số nguyên tắc khi học và làm bài. Môn Địa lí là môn đòi hỏi sự tổng hợp, có tính logic, không hoàn toàn là môn thuộc bài.

 

Bí quyết học giỏi môn Địa của giải Nhì quốc gia môn Địa lý

Ngoài việc học kỹ các kiến thức cơ bản, phải tích cực xem tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật thông tin thời sự, xã hội ở các vùng, miền, quốc gia - em Nguyễn Thúy An-giải Nhì quốc gia môn Địa lý chia sẻ bí quyết học tốt môn này.

Em Nguyễn Thúy An (SN 1995, ở xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới), là học sinh lớp 12 chuyên Sử, Địa trường THPT Chuyên Quảng Bình. Với thành tích đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, em được tuyển thẳng vào Đại học.

Lần đầu tiên gặp An, chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng bởi ngoài dáng người nhỏ nhắn, luôn nở nụ cười rất duyên, An còn khiến mọi người phải ngỡ ngàng bởi sự thông minh vốn có, nhanh nhẹn và rất tự tin trước mọi tình huống.

Đối với An, môn Địa lý luôn khơi gợi cho em sự hứng thú, ham tìm tòi, khám phá. An cho biết, từ nhỏ em đã cảm thấy “bén duyên” với môn Địa lý. Em luôn mơ ước khi lớn lên sẽ được đi khắp mọi nơi để tìm hiểu về cuộc sống, thiên nhiên và con người, được khám phá những vùng đất mới và những điều bí ẩn xung quanh mình. Chính nhờ niềm đam mê lớn lao đó đã giúp em có thêm niềm tin để phấn đấu trong học tập.

Những thành tích có được là động lực giúp An phấn đấu trong học tập
Những thành tích có được là động lực giúp An phấn đấu trong học tập

Dường như niềm say mê như “ngấm” vào máu của cô học trò nhỏ. Dù bất cứ nơi đâu, làm gì, hay cả trong khi ăn em cũng suy nghĩ về những kiến thức liên quan đến Địa lý. Càng học An cảm thấy càng say, càng muốn khám phá. Mỗi khi tiếp cận một vấn đề, em luôn đặt câu hỏi: Tại sao lại phát triển theo hướng này mà không phải là hướng khác? Nó có phù hợp hay không?…

Trong những năm học lớp 8, 9, An đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của thành phố. Nhưng niềm đam mê của em thực sự “cháy bỏng” khi em bước vào học lớp 10 chuyên Sử, Địa. Từ đây, Thúy An có thêm điều kiện để thực hiện ước mơ chính đáng của bản thân. Khi được chọn vào ôn luyện trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, An đã khẳng định được mình khi giành giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh (lớp 11), và giải Nhất (lớp 12) môn Địa.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, An cho biết: “Để học tốt các môn xã hội thì trước hết phải chăm chỉ học tập, lắng nghe thầy, cô giảng bài, theo đó cần xác định các phương pháp học đúng đắn, phù hợp với lực học của mình. Bên cạnh đó, rèn luyện kỹ năng tổng hợp kiến thức cơ bản từ SGK, và những kiến thức nâng cao do thầy cô cung cấp. Riêng môn Địa lý, ngoài việc học kỹ các kiến thức cơ bản, nắm chắc các phương pháp xử lý số liệu để giải các bài tập thì phải tích cực xem tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng như: ti vi, sách, báo, các tài liệu nâng cao… để cập nhật các thông tin thời sự, xã hội ở các vùng, miền, quốc gia”.

Nhờ những cố gắng không mệt mỏi, An luôn giành được giải cao trong các kỳ thi. Thành tích học tập của An thật đáng nể: 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bên cạnh đó, em còn có 1 giải Nhì vượt cấp lớp 12, 1 giải Nhì học sinh giỏi tỉnh lớp 11, 1 giải Nhất học sinh giỏi lớp 12, và mới đây là giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Địa Lý. Dù luôn đạt được nhiều thành tích nhưng Thúy An luôn tỏ ra khiêm tốn, em không bao giờ cho phép mình thỏa mãn với kết quả vừa đạt được. An nói mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, thành tích của ngày hôm nay là động lực để giúp em phấn đấu trong tương lai.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, An được tổng cộng 54 điểm và là một trong số những học sinh có điểm thi tốt nghiệp khá cao của trường. Ngoài số điểm 9,5 ở môn Địa lý được xem là sở trường thì điểm các môn tự nhiên cũng rất cao: môn Sinh 10 điểm, Toán 9 điểm. Trả lời suy nghĩ của mình về câu hỏi liên quan đến việc tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo của đề thi tốt nghiệp môn Địa lý vừa qua, An cho rằng đây là một câu hỏi khá hay nhằm khơi gợi sự hiểu biết của thí sinh về tình hình biển Đông hiện nay. Trong bài thi của mình, An có đề cập đến việc tăng cường liên kết giữa các nước láng giềng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn các thế lực thù địch đang nhòm ngó nước khác; Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước có chung lãnh thổ trên biển Đông; Việc liên kết sẽ đem lại hiệu kinh tế cao, cùng nhau bảo vệ môi trường biển, hợp tác khai thác tài nguyên biển một cách bền vững; Giúp củng cố hệ thống chủ quyền đất liền.

Những thành tích có được là động lực giúp An phấn đấu trong học tập
Ba mẹ luôn là niềm động viên tinh thần giúp An yên tâm trong học tập. Chị Nguyễn Thị Thao (mẹ của An) cho biết: "An tự biết thu xếp lịch học của mình cho phù hợp, nên vợ chồng tôi cũng tạo mọi điều kiện để giúp con yên tâm học tập".

Có được những thành tích đáng tự hào như hôm nay là nhờ ba, mẹ, thầy, cô, bạn bè luôn sát cánh quan tâm, động viên em cố gắng phấn đấu trong học tập. An tâm sự: “Ba, mẹ em luôn chăm lo về sức khỏe, tinh thần trong từng miếng ăn, giấc ngủ để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, khuyến khích em sắp xếp lịch học hợp lý để giành thời gian thư giãn nhằm tạo sự hưng phấn trong học tập. Bên cạnh đó, thầy cô là những người giúp đỡ trực tiếp cho em trong việc học, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho em. Thầy, cô luôn dõi theo từng bước đi của học trò để uốn nắn, nâng đỡ giúp học sinh tiến bộ. Những vấn đề nào chưa hiểu thì thầy, cô kịp thời giải đáp, hướng dẫn cho học sinh phương pháp tiếp cận mới, khoa học hơn. Ngoài ra những người bạn cùng lớp thân thiết của em luôn có sự đoàn kết, trao đổi với nhau những kiến thức chưa nắm chắc, giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ”.

Dù được tuyển thẳng vào Đại học, ngành Sư phạm nhưng những ngày qua, An đang gấp rút ôn luyện để thử sức mình trong kỳ thi Đại học sắp tới. An cho biết, em rất thích ngành Sư phạm, từ nhỏ em đã từng nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Khi đã được tuyển thẳng vào Đại học, em cũng tự nhủ sẽ phấn đấu học tập thật tốt để sau này quay trở về truyền lại những kiến thức đó cho thế hệ sau. Nhưng em cũng muốn thử sức mình trong kỳ thi quan trọng này và đã nộp hồ sơ thi vào Học viện An Ninh.

“Việc được tuyển thẳng vào Đại học đã giúp em có đủ tự tin để đối mặt với những thử thách mới. Chính vì vậy, em đã nộp hồ sơ thi vào Học viện An Ninh là một phần hoàn thành ước nguyện của ba, mẹ muốn có một người con làm trong ngành công an. Bên cạnh đó, môi trường quân đội, công an sẽ rèn luyện cho học viên ý thức tổ chức, kỷ luật rất cao; bản lĩnh trong cuộc sống để ngăn ngừa tội phạm, trau dồi sự chín chắn, nhân cách của người lính và được học võ, một môn học em rất thích. Em sẽ cố gắng ôn luyện và hoàn thành bài thi thật tốt để trở thành học viên của trường này” - An tự tin cho biết.

 

Kinh nghiệm học môn địa lý để nắm chắc kiến thức
Kinh nghiệm thi đại học môn Văn
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Kinh nghiệm học khối C đúng cách
Kinh nghiệm học môn Lịch sử nhanh thuộc, nhớ lâu

(St)


 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý