Các loại bánh ngon ở Sài Gòn

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Các loại bánh ngon ở Sài Gòn

19/04/2015 01:30 PM
848
Cái vị béo, mằn mặn và ngọt của bánh tằm bì Bạc Liêu hay hương thơm ngọt ngào của bánh ống Sóc Trăng là những món ăn đậm chất miền Tây.




BÁNH NGON Ở SÀI GÒN

Bánh củ cải

Bánh củ cải, cái tên còn xa lạ đối với nhiều người dân Sài Gòn nhưng với những người con ở mảnh đất nổi tiếng với câu chuyện chàng công tử Bạc Liêu "đốt tiền nấu trứng" thì đây là một món ăn bình dị, đơn giản và thân quen. Có nguồn gốc của người Hoa, đơn giản với phần vỏ bánh và nhân tôm thịt bên trong, bánh củ cải là món ăn đặc sản mà ai đã được ăn một lần sẽ không thể nào quên.

Chiếc bánh hấp chín có màu trắng, vỏ bánh mỏng để lộ phần nhân có màu đỏ và thơm mùi củ cải. Ảnh: Khánh Hòa.



Vỏ bánh được làm từ bột mì và bột củ cải, nhân tôm thịt, một ít củ cải và cà rốt thái sợi mỏng. Đun chín nước sôi, cho hỗn hợp bột trên vào một cái mâm, chế nước sôi vào và trộn đều, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn. Tôm bỏ vỏ, giã hơi dập, trộn đều với thịt lợn nạc được băm nhuyễn, xào chín và nêm gia vị vừa ăn. Bột được chia thành từng phần nhỏ, cán mỏng, cho phần nhân vào giữa, thêm một ít sợi củ cải và cà rốt, ép kín lại theo hình bán nguyệt rồi đem hấp chín.

Chiếc bánh hấp chín có màu trắng, vỏ bánh mỏng để lộ phần nhân có màu đỏ và thơm mùi củ cải. Khi ăn bánh, người ta cho vào một ít nước chấm thơm ngon, có vị hơi ngọt đặc trưng được làm từ nước mắm, chanh, đường và tỏi ớt.

Bánh tằm bì

Bánh tằm bì là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích tại miền Tây Nam bộ. Nhiều người cho rằng đây là món ăn đặc sản của dân Bạc Liêu, đi khắp các tỉnh miền Tây hay ở giữa Sài Gòn bạn cũng có thể thưởng thức.

Sợi bì vừa giòn vừa bùi, thịt lợn được rán chín đến, thái mỏng, nước cốt dừa béo nhưng không ngấy. Ảnh: Khánh Hòa.

Món ăn đơn giản, không có gì là cao lương mỹ vị với sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo. Bì thái thành từng sợi nhỏ cùng thịt lợn thái mỏng, thêm một ít rau thơm, dưa leo, giá sống và nước cốt dừa lại có sức hấp dẫn rất riêng đối với nhiều người.

Điều quyết định của món ăn là sợi bánh, được làm từ gạo xay nhuyễn và đem hấp, người bán thái thành từng sợi nhỏ, mảnh, mềm nhưng dai và không đứt khi kéo dài. Sợi bì vừa giòn vừa bùi, thịt lợn được rán chín đến, thái mỏng, nước cốt dừa béo nhưng không ngấy. Tất cả các yếu tố đó giúp đĩa bánh tằm bì luôn thơm ngon và hấp dẫn.

Bánh ống Sóc Trăng

Bánh ống là món ăn vặt quen thuộc của người Khmer. Không phổ biến như các loại bánh khác của người miền Tây, bánh ống vẫn tồn tại trong đời sống hằng ngày của người dân ở đây. Bánh ống có thể dùng làm bữa ăn sáng hoặc món ăn vặt vào buổi chiều.

Khi chín, bánh có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Ảnh: Khánh Hòa.

Khuôn bánh đơn giản với một cái ống hình trụ thường được làm bằng nhôm, dài khoảng 15 cm. Ở giữa khuôn có một que tre, một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn dùng làm đáy. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có chứa nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy, khoảng 2 phút là bánh đã chín.

Khi chín, bánh có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng. Bánh ống phải ăn khi nóng mới thưởng thức được hết vị đậm đà, thơm ngon của nó.

Bánh tai yến

Chiếc bánh tai yến là thứ quà bình dân để ăn chơi hay chống đói… Không phải người thành phố nào cũng cảm nhận hết cái vị ngọt ngọt, mát mát mà chiếc bánh mang lại.

Bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Ảnh: Khánh Hòa.

Sở dĩ bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón. Nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa. Các nguyên liệu được trộn đều với nhau, bánh được làm chín bằng cách chiên trong chảo dầu sôi.

Chiếc bánh tai yến đạt yêu cầu và làm người thưởng thức thấy ngon miệng là khi viền bánh giòn uốn cúp vào mà không nhíu lại, chính giữa bánh mềm dai. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.

Bánh pía

Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…

Bánh pía quyến rũ người ăn bởi hương thơm đặc trưng của sầu riêng. Ảnh: Khánh Hòa.

Nguyên liệu chính của bánh là bột mì được đưa vào máy và trộn đều với đường cát trắng. Cho vào một ít chất phụ gia vào bột, chia ra làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối hình vuông, được dùng làm vỏ bánh bên trong.

Nhân bánh ngoài thịt và đậu xanh còn được chế biến thêm nhiều loại nhân như khoai, hột vịt muối… và một nguyên liệu quan trọng giúp chiếc bánh trở thành đặc sản của vùng Nam bộ là sầu riêng.

Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, có thể ăn lai rai không biết ngán. Những người khách phương xa đến đây, khi về ai cũng mua một ít bánh làm quà cho người ở nhà. Chiếc bánh nhỏ bé nhưng ẩn trong đó là hương thơm đậm đà của vùng đất Nam Bộ.

Bánh xèo miền Tây

Ở miền Tây, bánh xèo thường được tráng trong chảo lớn trên bếp củi hoặc bếp than. Bánh có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm... Khi bánh chín, gập đôi bánh lại, đặt trên một cái đĩa được lót lá chuối.

Bánh xèo chảo là đặc trưng của bánh xèo miền Tây. Ảnh: Khánh Hòa.

Nước chấm đóng vai trò quan trọng của món ăn, có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường... Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm..


MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Những tiệm bánh kem ngon có tiếng ở Sài Gòn

1.Kinh Đô Barkery
Có lẽ người Sài Gòn không ai xa lạ với bánh kem Kinh Đô, một thương hiệu Việt lớn với chất lượng không hề thua kém một thương hiệu bánh nước ngoài nào.Với đôi bàn tay tinh xảo, điêu luyện của các thợ làm bánh đầy tâm huyết, Kinh Đô Bakery đã cho ra đời  những chiếc bánh kem thơm ngon từ các hương vị truyền thống như bông lan sữa tươi và chocolate.
 
 

Những chiếc bánh kem cao cấp với kiểu dáng đơn giản, ấn tượng, bắt mắt bên ngoài hòa lẫn với hương vị thơm ngon bên trong đã thực sự thu hút khách hàng từ cái nhìn đầu tiên, mang đến những cảm nhận điều tuyệt vời nhất từ chiếc bánh kem thơm ngon Kinh Đô.
2.Brodard - Hương vị đặc trưng của bánh kem Pháp

Brodard không phải là một cái tên xa lạ đối với những tín đồ của bánh kem kiểu Tây. Có mặt ở Sài Gòn hơn 30 năm, các loại bánh kem mang đậm hương vị Pháp của Brodard đã khẳng định được vị trí của mình trong vô số các tiệm bánh kem có mặt tại Việt Nam.
 


Có lẽ điều khó khăn nhất khi đến Brodard đó là sự phân vân khi đứng trước vô vàn các loại bánh kem với những mùi hương hấp dẫn mà gần như không khách hàng nào kháng cự lại.
Nhắc đến Brodard là phải nhắc đến sự đa dạng và phong phú của các loại bánh ở đây. Những loại bánh đặc trưng có thể kể đến như: bánh mì Baguette, các loại bánh kem và Cookies... được chăm chút từ hình thức cho đến chất lượng.
3.Hương Việt Bakery
Hương Việt Bakery là một thương hiệu bánh kem Việt Nam đã nổi tiếng trong lòng thực khách với sự phá cách trong từng chiếc bánh. Sự kết hợp mới lạ giữa hương vị Đông - Tây đã mang đến cho thực khách những chiếc bánh kem không những ngọt ngào mà còn ấn tượng trong thiết kế để dành tặng những người yêu thương.
 

 


Loại bánh ngon nhất ở đây phải kể đến bánh kem Capuchino được làm từ kem Cappuccino thơm ngon kết hợp kem sữa tươi dịu mát, không quá ngọt và lành lạnh ở đầu lưỡi, cùng lớp trái cây ngọt thanh rất vừa miệng.
Với nguyên liệu cao cấp cùng một công thức chế biến độc đáo, Hương Việt đã cho ra đời những chiếc bánh kem thơm ngon, mát lạnh với hương vị Capuchino để bạn thưởng thức trong những ngày hè nắng nóng.
4.Tous Les Jours – Bánh kem phong cách Pháp hương vị Hàn
 

 


Mới chỉ có mặt ở Việt Nam hơn 4 năm, tiệm bánh kem Tous Les Jours đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu thích các loại bánh ngọt, bánh kem kiểu Pháp nhưng mang phong cách Hàn.
Bánh kem ở Tous Les Jours ngon không chỉ ở mùi vị của bánh mà còn giữ được độ tươi, khi ăn vào mới cảm nhận được đúng hương vị bánh, thuần chất châu Á.
5.Tiệm bánh kem Givral
Với 60 năm gắn bó, có thể nói Givral là tiệm bánh kem kiểu Pháp lâu đời nhất trên đất Sài Thành, làm say mê biết bao tâm hồn Việt bởi nét tinh tế của nền ẩm thực Pháp chỉ đơn thuần qua những chiếc bánh kem ngọt ngào.
Ở Givral, bạn tha hồ được thưởng thức nhiều loại bánh tươi như bánh kem, bánh ngọt các loại, bánh cưới, bánh trung thu, bánh Noel và nhiều loại bánh mì khác, tất cả đều được làm từ nguyên liệu cao cấp, công đoạn làm bánh khép kín đảm bảo sức khỏe.
 
Đặc biệt nhất ở đây chắc phải kể đến những kiểu bánh kem cưới được tạo hình khá đơn giản, nhưng về chất lượng thì có thể đảm bảo hài lòng ngay cả những thực khách khó tính.

Những quán Huế ngon ở Sài Gòn


com-hen-9169-1378783616.jpg

Cơm hến là món ăn nổi tiếng của xứ Huế được bán nhiều ở Sài Gòn. Ảnh: H.P.

1. Quán Rất Huế - 28/2D Thanh Đa, phường 25, quận Bình Thạnh. Quán có các món nổi tiếng như cơm hến, bún hến, bánh lọc... với mức giá khoảng 15.000 đồng.

2. Quán O Xuân 2 - 22A Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1. Đến đây bạn có thể ăn món bánh canh, bún bò ngon đúng chất Huế.

3. Quán Quê Tui - 47 Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình - quán ăn được nhiều thực khách nhận xét là tốt về chất lượng món ăn cũng như mức giá phù hợp.

4. Quán Hương Giang - 50 Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình. Thực đơn ở quán có hầu như đầy đủ các món ăn của xứ Huế với mức giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

5. Quán Bích Liên - 386/71D Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3. Tuy nằm giữa quận trung tâm nhưng các món ăn ở quán có mức giá tương đối rẻ với 1.500 đồng cho một bánh bèo chén.

6. Quán Góc Huế - 59 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. Ở đây có món cơm trộn cung đình rất hấp dẫn và ngon miệng.

va-tron-7877-1378783616.jpg
Vả trộn, một món ăn bình dị trong bữa cơm của người Huế trở thành món đặc sản ở Sài Gòn. Ảnh: H.P.



7. Quán Mạ ơi - 61 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1. Món ăn được thực khách ưa thích nhất khi đến đây là bún bò Huế và tré.

8. Quán Ngự Bình - 82 cư xá Nguyễn Văn Trỗi, phường 17, quận Phú Nhuận. Đây là quán ăn được nhiều thực khách đánh giá là mang đậm hương vị Huế nhất.

9. Quán Huế Hương Giang - 129 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3. Quán có món thịt luộc tôm chua rất ngon.

10. Quán Ruốc - 38/26 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận. Món ram Huế và món vả trộn ở quán rất nổi tiếng.

11. Quán Huế Xưa - 1074 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh.

12. Quán Bến Ngự - 77 Huỳnh Tịnh Của, phường 8, quận 3.

13. Quán Vỹ Dạ - 1N Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình. Quán mở cửa từ 7h đến 22h hằng ngày. Món ăn ở quán có mức giá từ 15.000 đồng.

14. Quán Hương Bình - 88 Trần Huy Liệu, phường 15, quận Phú Nhuận. Quán thu hút thực khách với những món ăn Huế vừa tinh tế vừa đa dạng như bánh nậm; bánh lọc, bánh khoái...

15. Quán Mi Tau - 6/33 phường Bến Thành, quận 1.

16. Quán Hương Ngự - 83 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1. Quán có món cơm âm phủ rất nổi tiếng của xứ Huế.

17. Quán Ngon Rứa Hè - 92 đường số 7, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

18. Quán Ái Mỹ - 1163 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh. Quán có món cơm hến, vả trộn rất ngon miệng.

19. Quán bánh bèo chén Thanh Nga - 45C Kỳ Đồng, phường 9, quận 3.

20. Quán Hỷ - 15 - 17 - 19 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1. Nằm giữa trung tâm Sài Gòn nên quán là địa chỉ quen thuộc của du khách nước ngoài khi muốn thưởng thức món ăn Huế.



Cách làm bánh cay thơm ngon đặc sản Sài Gòn

Bánh cóng ở Sài Gòn
Những món ăn vặt ngon ở Sài Gòn làm mê mẩn du khách
Hướng dẫn làm món bánh tráng nướng
Cách làm bánh da lợn thơm ngon
Kinh nghiệm ăn uống ở Sài Gòn


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý