Hướng dẫn học hệ điều hành Linux

seminoon seminoon @seminoon

Hướng dẫn học hệ điều hành Linux

19/04/2015 01:31 PM
245
Cùng tham khảo những hướng dẫn học hệ điều hành Linux nhé. Hiện nay, Windows vẫn là hệ điều hành được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là ở Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng Linux cũng đang trở nên phổ biến mà nếu là một "IT Pro" thì chắc hẳn bạn cũng đã từng cài đặt và sử dụng Linux.


8 điểm lưu ý khi sử dụng hệ điều hành Linux

8 diem luu y khi su dung he dieu hanh Linux
Ảnh: linux.it

Nền quản lý máy tính nguồn mở này có thể cài đặt song song với Windows trên một PC. Khi muốn sử dụng, người dùng cần lưu ý chọn bộ cài đặt thích hợp, phần mềm tương ứng vì không phải chương trình nào cũng chạy được trên hệ điều hành này.

1. Bộ cài đặt

Khi bắt đầu tìm hiểu Linux , không ít người phải bối rối vì có quá nhiều phiên bản Linux của các tổ chức phân phối khác nhau (đến hơn 400 bản). Người dùng nên đọc các bài viết so sánh, nhận xét để quyết định chọn bộ cài nào. Ví dụ, bạn có thể dựa trên một số tiêu chí như: mức độ chuyên dụng (dùng cho mục đích chung cả server và client), số máy cài được (x86, x86_64 ...), số người sử dụng và phát triển, số phần mềm hỗ trợ trực tiếp (có bộ cài trực tiếp không cần biên soạn mã nguồn), thông tin trợ giúp, khả năng cập nhật và mức độ miễn phí. Nhưng dù dùng phiên bản nào thì bạn cũng có thể tự tùy biến và chạy phần mềm trên các phiên bản khác. Nếu là lần đầu, tốt nhất bạn nên chọn phiên bản nào dễ dùng nhất, ví dụ như Fedora Core.

2. Cài đặt

Bạn có thể cài phiên bản SuSE, Fedora Core 5 hay Fedora Core 6... Về cơ bản, giao diện hướng dẫn cài đặt rất thân thiện, có thể so sánh tương đương với Windows XP. Các bước chọn đường dẫn, partition, format có thể gây bối rối một chút vì bạn đã quen với các định dạng và cách tổ chức thư mục của Windows. Nhưng mọi thứ đều dễ dàng vượt qua sau một lúc mày mò.

Khi việc cài đặt kết thúc, khởi động lại máy tính có thể bạn chỉ thấy một màn hình đen sì. Đó là do lỗi bản cài Linux không nhận dạng đúng độ phân giải và tần số quét của màn hình và phải chuyển sang chế độ khởi động dạng text mode để chỉnh sửa lại file cấu hình bằng tay.

3. Giao diện sử dụng

Khi chọn trình quản lý desktop GNOME, bạn sẽ thấy Linux không khác gì Windows XP nếu so sánh về giao diện đồ hoạ, các icon, menu, cửa sổ...Khả năng tùy biến giao diện rất tốt vì bạn có thể tự do lựa chọn số thanh taskbar cũng như các kiểu shortcut đặt trên nó, các hiệu ứng trong suốt... Đồng thời, người dùng có thể chuyển qua lại giữa nhiều màn hình desktop trong một phiên làm việc. Tính năng này rất tiện khi số cửa sổ mở ra quá nhiều khiến thanh taskbar không còn chỗ chứa.

4. Phần mềm cơ bản

Bản Linux Fedora Core 6 có các phần mềm cơ bản tương đương với Windows XP từ trình quản lý file, cửa sổ command, trình duyệt web, trình quản lý e-mail, Calendar, Project... đến các tiện ích nhỏ như Calculator, Character Map, Paint, Notepad, Remote Desktop...

Trong đó, nổi bật là trình soạn thảo text cơ bản đi kèm là Gedit, như Notepad của Windows XP nhưng nhiều tính năng hơn và có thể tương đương với Notepad++. Về trình duyệt web, khác với Windows XP, trong bộ cài Linux có rất nhiều trình duyệt web đi kèm, thậm chí có cả trình duyệt ở chế độ text mode tiện lợi trong trường hợp cần debug (gỡ lỗi) ở chế độ text mà vẫn cần vào web. Bạn có thể chọn FireFox làm trình duyệt chính vì nó được dùng nhiều và khá an toàn.

Trong bộ cài đi kèm rất nhiều phần mềm nghe nhạc và xem phim nhưng tất cả đều không hỗ trợ nghe mp3 và một số định dạng phim thường gặp. Fedora Core chỉ bao gồm các phần mềm mã nguồn mở, không có các phần mềm miễn phí nhưng không có mã nguồn hoặc bị ràng buộc một số điều kiện bản quyền. Với tư cách là người sử dụng, bạn có thể tìm trình nghe nhạc mp3 và xem các định dạng phim phổ biến là Realplayer và VLC.

Về phần mềm chat, trên Linux có Gain, một chương trình mã mở chạy trên nhiều giao thức phổ biến hiện nay như Yahoo, ICQ, MSN ... và có thể chat nhiều nick trên cùng giao thức hay trên các giao thức khác nhau. Giao diện chương trình đẹp, dễ sử dụng, khá nhiều tính năng tiện dụng. Nhược điểm của Gain là chưa cho phép chat voice hay webcam. Hiện Yahoo và Skype cũng có phiên bản cho Linux nhưng so với phiên bản trên Windows thì còn thiếu nhiều chức năng.

Về phần mềm nén và giải nén, trên Linux cũng có một chương trình cho phép nén và giải nén các định dạng .zip, .tar ...với giao diện đồ họa dễ dùng. Nhưng trình giải nén của Linux không giải nén được file .rar. Hiện có bản Winrar cho Linux nhưng làm việc ở chế độ command, khó sử dụng và bất tiện. Bạn có thể tìm hiểu để biến nó thành một dạng như plugin cho trình giải nén của Linux và có thể dễ dàng nén/giải nén/xem nội dung file .rar thông qua giao diện đồ họa và chuột.

Phần mềm soạn thảo văn bản, bảng tính và trình chiếu trên Linux có OpenOffice, tương đương với OfficeXP của Microsoft nhưng chưa bằng được Office 2003 ở một số tính năng nhưng cũng có một số chức năng mạnh như VBScript và Javascript cho phép lập trình. Các file .doc, .xsl, .ppt được soạn bằng Office 2003 và font Arial và .VNTime có thể xem và chỉnh sửa tốt nhưng gặp phải vấn đề về font chữ. Linux sử dụng True Type Font và có sẵn một số font Unicode nhưng tên font khác với Windows khiến các file thử nghiệm không hiển thị đúng. Vấn đề được giải quyết đơn giản bằng việc copy các file font trên Windows vào thư mục font của Linux. Nhưng OpenOffice Writer (tương đương với Word) vẫn gặp phải lỗi chữ "ư" với font TCVN3, các file .xsl và .ppt thì không bị lỗi này.

Phần mềm gõ tiếng Việt: Trên Linux có một số phần mềm cho phép gõ tiếng Việt như x-Unikey và một số phần mềm khác. X-Unikey khi sử dụng gặp phải rất nhiều lỗi, có lúc không gõ được tiếng Việt, có lúc còn làm hệ thống không thể input được ký tự nào. Bạn có thể tìm hiểu Scim-m17n, chương trình mã mở cho phép gõ tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, mỗi phương thức gõ cần một file cấu hình. Người dùng thường quen gõ tiếng Việt theo kiểu TELEX nhưng file cấu hình để gõ TELEX cho Scim chỉ có thể bỏ dấu ngay sau nguyên âm và nếu gõ sai dấu thì không thể gõ lại dấu khác mà phải xóa đi gõ lại. Scim có thể gõ tốt trên nhiều chương trình như Gedit, OpenOffice, Firefox và bạn có thể tìm hiểu để soạn lại file cấu hình cho phù hợp, cho phép bỏ dấu ở bất cứ đâu của từ và có thể chuyển sang dấu khác mà không cần gõ lại từ.

Ngoài ra, có một số phần mềm giả lập môi trường Windows trên Linux để cho phép cài các phần mềm Windows trên Linux. Ví dụ CrossOver, một phần mềm giả lập dựa trên phần mềm mã mở Wine. Người dùng sẽ cài được Flashget (trình hỗ trợ download trên Windows) và DUMeter (trình đo lưu lượng mạng trên Windows) nhưng có thể không cài được Winrar, GifMovieGear...

5. Bảo mật

Hiện tại có rất ít phần mềm diệt virus cho Linux vì mã độc tấn công Linux chưa phổ biến. Nhìn chung, cả Linux và Windows đều không thể hoàn toàn chống lại các tấn công về bảo mật cũng như virus nhưng hiện tại các tấn công nhằm vào Linux còn rất ít, không đáng kể nên người dùng Linux hầu như không cần lo lắng nhiều đến vấn đề bảo mật cũng như virus, ít ra cũng không "dính" mấy virus Yahoo Messenger một cách ngớ ngẩn.

6. Lập trình

Người dùng có thể cài được môi trường Java và phần mềm soạn mã Java (IntelliJ), server JBoss, Tomcat trên Linux không khó khăn gì vì J2SDK và các phần mềm soạn Java thường có phiên bản hỗ trợ cho nhiều hệ điều hành. Ngoài ra là Oracle 10g với một ít "mẹo" và MySQL.

Còn với .NET, trên Linux có Mono Framework, một khung thay thế .NET Framework của Microsoft. Mục tiêu của Mono là thi hành tất cả các hàm và lớp của .NET Framework do đó các chương trình viết bằng Visual Studio .NET của Microsoft, sau khi biên dịch sang file .exe có thể chuyển sang Linux và chạy thông qua Mono, các file ASP.NET cũng có thể chạy được trên Linux thông qua Mono. Mục tiêu là vậy nhưng hiện tại Mono chưa thi hành được đầy đủ .NET Framework nên một số chương trình viết bằng Visual Studio vẫn không thể chạy trên mono. Do đó nếu phải làm dự án liên quan đến .NET thì bạn vẫn phải chuyển sang dùng Windows và Visual Studio 2005.

7. Phần cứng

Có lẽ đây vẫn còn là điểm yếu của Linux. Các hãng phần cứng lớn thường có driver cho cả Windows và Linux nên nếu trong bộ cài Linux không có sẵn driver thì có thể lên trang web của nhà sản xuất phần cứng để down về. Nhưng các hãng phần cứng nhỏ hơn thường mới chỉ viết driver cho Windows và khó có thể nhận dạng được các thiết bị này trên Linux. Ví dụ, người dùng không cài được webcam vì đĩa CD đi kèm chỉ có driver cho Windows.

8. Kết luận

Với nhiều mục đích sử dụng, Linux hoàn toàn có thể thay thế Windows. Với nhân viên văn phòng, những người chỉ cần làm việc với Word, Excel, PowerPoint và duyệt web, chat ... mà không cần phần mềm quản lý chuyên dụng viết cho Windows hay các thiết bị ngoại vi chưa được hỗ trợ trên Linux thì hoàn toàn có thể chuyển sang dùng Linux.




10 điều cần biết về Linux


Trong bài viết này, VietNamNet cung cấp 10 điều cần biết căn bản về Linux giúp bạn làm quen với hệ điều hành đầy hứa hẹn này.
1. Cấu trúc thư mục
Cấu trúc thư mục không giống như trong Windows và các hệ điều hành khác, hệ thống tập tin trong Linux là một cây rất lớn (big tree). Thư mục Root ( / ) là thư mục gốc, các tập tin và các ổ đĩa khác chỉ là nhánh của Root.
Ví dụ: nếu bạn có 2 đĩa cứng a và b, một đĩa mềm và một ổ CD-ROM. Hãy giả sử rằng ổ đĩa thứ nhất có 2 phân vùng (partition) là a1 và a2, ổ đĩa thứ 2 chỉ có một phân vùng là b. 
Trong Windows

  • ổ cứng a, phân vùng a1 (hda1): ổ đĩa C
  • ổ cứng a, phân vùng a2 (hda2): ổ đĩa D
  • ổ cứng b, một phân vùng b1 (hdb1): ổ đĩa E
  • ổ đĩa mềm: ổ A
  • ổ đĩa CD-ROM: ổ F

Ngược lại, trong Linux, mỗi ổ đĩa sẽ được gắn kết (mount) vào trong cây thư mục (Tree Directory) giống như là một thư mục bình thường:

  • hda1: / (Root)
  • hda2: /home
  • hdb1: /home/user/music
  • ổ đĩa mềm: /mnt/floppy
  • ổ CD-ROM: /mnt/cdrom
filestructure
So sánh cấu trúc hệ thống tập tin giữa Linux và Windows

2. Hệ thống theo modul
Trong Windows 98/2000/XP hay Mac OS X… mỗi hệ điều hành đều có một giao diện đồ hoạ GUI không giống nhau.Trong Linux, mỗi modul trong hệ thống là hoàn toàn độc lập với nhau, vì vậy người sử dụng có thể trộn lẫn và tự tạo ra hệ điều hành cho riêng mình.
Không giống như hệ điều hành Windows của Microsoft, mọi thành phần đều kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Ngược lại, Linux lại cung cấp khả năng các chương trình làm việc độc lập với nhau, nếu chương trình này được gỡ bỏ thì các chương trình khác vẫn hoạt động tốt mà không gây ảnh hưởng gì. Chính vì khả năng phân chia modul như vậy mà HĐH Linux được phân phối bởi những người sử dụng hay các công ty lớn như RedHat, Xandros, Simply MEPIS và Suse… đều có thể tương thích với nhau. 
Trong Linux, các chương trình cũng có thể thay đổi lẫn nhau, mà giao diện đồ hoạ GUI cũng không phải là ngoại lệ. Muốn có giao diện giống với Windows XP? Hãy sử dụng FVWM với theme XP. Muốn nhanh hơn? Hãy dùng IceWM. Muốn có đầy đủ tính năng? GNOME hoặc KDE sẽ là thích hợp nhất. Tất cả những gói phần mềm về giao diện GUI đều có những thuận lợi và yếu điểm riêng, nhưng chúng cũng đều hỗ trợ người dùng tương tác tốt với chuột.
3. Hỗ trợ phần cứng, phần mềm
Phần cứng, phần mềm và mọi thứ trong Linux cũng mới chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây. Với thời gian chỉ bằng một nửa so với Windows, nhưng các phần mềm cho Linux mạnh mẽ hơn, ổn định hơn, "ngốn" ít tài nguyên hơn, và chi phí thì rẻ hơn so với nền tảng Windows.
Hỗ trợ phần mềm
Tuy nhiên, điều mà Linux cần phải quan tâm là hiện nay chưa có nhiều nhà cung cấp phần mềm hỗ trợ Linux. Ví dụ nếu muốn sử dụng QuickBook của Intuit trên Linux, thì không thể. Mặc dù, cũng có nhiều dự án cho phép các ứng dụng Windows có thể chạy trên Linux, như CrossOver Office (cho phép chạy Office trên Linux) và Wine (giả lập môi trường Windows và các ứng dụng Windows có thể chạy trên Linux). Nhưng các phần mềm này không thể chạy tốt và ổn định như trong môi trường thực của nó, người sử dụng cần phải chờ đợi khi các hãng cung cấp phần mềm chính thức chuyển sang Linux thì mới có thể sử dụng tốt được.
Hiện nay, cộng đồng mã nguồn mở đưa ra danh sách 15 000 chương trình hoạt động tốt trên Linux. Các phần mềm này đều miễn phí, chất lượng thì có thể khác nhau, nhưng hầu hết các chương trình đều viết rất tuyệt vời và có sự cải tiến đáng chú ý. Những phần mềm này có thể nhập và xuất các tập tin từ các định dạng của những phần mềm quen thuộc. Chẳng hạn, GNUCash có thể đọc các định dạng của QuickBook rất tốt, và OpenOffice.org có thể đọc tốt các định dạng tài liệu của bộ Micrsoft Office…
Hỗ trợ phần cứng
Để cài đặt phần cứng trên các máy tính Apple không đơn giản như trên Windows, và điều này cũng tương tự với Linux. Hầu hết các phần cứng ổ cứng, RAM, USB Flash, bo mạch chủ, card mạng và máy ảnh số đều làm việc tốt, nhưng một số phần cứng mới hoặc không được hỗ trợ thì rất khó cài đặt. 
Các trình điều khiển làm việc với phần cứng được viết cho Linux đều phải được cung cấp miễn phí cho các cộng đồng người sử dụng Linux, mà điều này các hãng sản xuất phần cứng không muốn. Do đó, có thể đây là một điểm yếu so với Windows bởi các công ty phần cứng có thể làm việc trực tiếp với Microsoft về tính tương thích, và có xu hướng để Linux tự tìm cách hỗ trợ các thiết bị đó bởi họ muốn giữ bản quyền về công nghệ của riêng mình. Một thông tin tốt là các nhà cung cấp phần cứng cho Linux cũng như phần mềm đều đang có chuyển biến tích cực và nhiều công ty cũng đang dần hỗ trợ Linux.
Kết hợp giữa phần cứng, phần mềm trong các máy tính Linux là nhân hệ điều hành (kernel). Nhân hệ điều hành (HĐH) kết nối phần cứng và phần mềm, và những cập nhật mới nhất đều có sẵn trên Internet. Nếu đang sử dụng phần cứng mới và nhân HĐH cũ chưa hỗ trợ , hãy sử dụng phiên bản mới, đây cũng là một giải pháp sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn. Để cài đặt nhân HĐH mới cũng không phải là quá phức tạp, tuy nhiên sử dụng trình quản lý các gói cài đặt sẽ đem lại sự đơn giản hơn.
4. Trình quản lý gói cài đặt
Thực ra có rất nhiều cách để cài đặt các chương trình Linux, nhưng cách dễ nhất là sử dụng trình quản lý cài đặt PM (Package Manager). PM đảm bảo chắc chắn rằng những tập tin bị mất đều được cài đặt lại và chương trình có thể chạy hoàn toàn chính xác, đúng yêu cầu. 
Các hãng cung cấp Linux thường sử dụng các kho dữ liệu trực tuyến để lưu trữ các chương trình. Cài đặt các ứng dụng cũng dễ dàng, chỉ cần tìm kiếm các chương trình trong kho dữ liệu và nhấn chuột vào Install là xong. Không thể tìm IceWM hoặc MPlayer trong danh sách cài đặt? Cũng có những cách khác để cài đặt một khi dữ liệu cho những chương trình mà bạn không tìm thấy, hãy truy cập vào các kho dữ liệu trực tuyến như Synaptic cho Debian, Yum cho RedHat, YaST2 cho SuSE và Emerge cho Gentoo.
5. Quyền truy cập (Permission)
Linux được thiết kế cho nhiều người sử dụng, những người sử dụng này lại được chia thành nhiều nhóm. Mỗi người sử dụng đều có quyền đọc (Read), ghi (Write), hoạc thực thi (Execute) cho những tập tin của riêng họ, và quyền hạn để chuyển đổi quyền truy cập. Bởi Linux được thiết kế cho nhiều người sử dụng, mỗi người sử dụng đều có mật khẩu riêng, và giới hạn quyền truy cập của người sử dụng (User Permissions).

Một người dùng thuộc về một nhóm hoặc nhiều nhóm khác nhau, và mỗi người sử dụng có thể đặt quyền truy cập các tập tin/thư mục của họ có quyền đọc nhưng không thể ghi, hoặc kết hợp các R/W/X…
Người dùng quản trị root, cũng giống như Administrator trong Windows, có quyền truy cập vào tất cả những tập tin và chỉ những người sử dụng có quyền hạn mới được phép thay đổi những thiết lập hệ thống. Điều này giúp những người sử dụng thông thường không thể cài đặt những phần mềm gián điệp vào hệ thống và xoá những tập tin quan trọng.
6. Thư mục người dùng
Trong Windows có My Documents, nhưng bạn thường "quăng" những tài liệu ở chỗ nào? Rất nhiều người sử dụng lưu chúng ngay trên Desktop của Windows. Linux cũng có thể làm như vậy, nhưng mỗi người sử dụng đều cho một thư người dùng riêng, thường đặt tại /home/user. Trong thư mục người dùng bạn có thể lưu các tài liệu trong thư mục Documents (/home/user/documents), các liên kết tới chương trình, âm nhạc (/home/user/Music), hoặc bất cứ những gì nếu muốn. Bạn có thể tạo các tập tin hoặc các thư mục ở đó, tổ chức chúng theo cách mà mình thích.
7. Cài đặt mặc định
Sự khác biệt giữa các bản Linux từ các hãng phân phối như: các tập tin cũng được lưu vào các đường dẫn khác nhau và các ứng dụng cài đặt cho mỗi bản Linux cũng khác nhau… Nếu so sách các tập tin hệ thống giữa Redhat và SuSE cũng có sự khác biệt rất lớn. Hầu hết người sử dụng đều không cần phải biết nhiều tới sự khác biệt này, nhưng những nhà sản xuất phần mềm cần phải nhận biết rõ điều này. Vì vậy, khi nhờ sự giúp đỡ, hãy cho người khác biết rõ bạn đang sử dụng Linux từ nhà cung cấp nào. Nếu gặp không phải những rắc rối, và không quan tâm về sự khác biệt giữa những cài đặt mặc định này, bạn cứ yên tâm sử dụng, đó là cách tốt nhất để tránh "nhức đầu".
8 Giao diện dòng lệnh
Giao diện dòng lệnh trong Linux CLI (Command Line Interface), cũng giống như DOS của Windows. Nhưng khả năng của CLI lại mạnh mẽ và rất hữu ích khi giải quyết những sự cố máy tính. Nếu cần trợ giúp từ Internet hoặc hỏi ai đó, bạn có thể sử dụng giao diện dòng lênh để giúp bạn mà không cần phải nạp các trình quản lý GUI.
9.Tổ hợp Ctrl-Alt-Escape
Nhấn tổ hợp phím Ctrl-Alt-Escape, biểu tượng con trỏ chuột sẽ thay đổi hình dáng thành biểu tượng X, hoặc một biểu tượng nào đó. Trong chế độ này, chỉ cần nhấn vào cửa sổ chương trình bị lỗi hoặc treo, lập tức ứng dụng đó sẽ bị "giết". Tổ hợp phím này cũng tương tự như khi sử dụng Task Manager trong Windows. Khi đổi ý, bạn chỉ cần nhấn Esc để thoát khỏi chế độ này. Cũng giống sử dụng Task Manager của Windows, khi sử dụng sai, rất có thể những lỗi nghiêm trọng sẽ xảy ra và khởi động lại máy là không thể tránh khỏi.
10. Internet là người bạn thân
Sử dụng Linux cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, "không biết thì phải hỏi", rất nhiều câu hỏi được đưa ra trên các diễn đàn (Forum) về cách sử dụng Linux, và những câu trả lời, những mánh lới… đều có sẵn cho bạn. Một địa chỉ hấp dân mà bạn hãy ghé qua như: www.LinuxQuestions.org là một trang Web lớn cung cấp cho bạn một kho dữ liệu vô giá về Linux. 
Lưu ý, trước khi đưa bất cứ một câu hỏi nào lên trang Web này hãy tìm kiếm các câu hỏi trong trang Web bởi rất có thể sẽ không phải đợi lâu, câu trả lời đã có sẵn ở đâu đó. Bạn cũng nên đọc qua những câu hỏi về một vấn đề hoặc một giải pháp khác nào đó, rất có thể chúng sẽ giúp ích cho vấn đề mà bạn đang gặp phải.


Hướng dẫn học trình chiếu PowerPoint
Hướng dẫn học hệ quản trị cơ sở dữ liệu
Hướng dẫn học đánh văn bản trên Word cực nhanh
Hướng dẫn học Paint cơ bản
Hướng dẫn học tiếng Hàn Quốc cơ bản

(St)



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý