Các loại trà ngon của Việt Nam xưa và nay

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Các loại trà ngon của Việt Nam xưa và nay

19/04/2015 01:31 PM
355

Hiện nay quê hương chúng ta có rất nhiều trà ( chè) đa dạng về chủng loại, phong phú về chất lượng. Mỗi loại trà (chè) có một hương vị đặc trưng riêng gắn liền với khẩu vị của mỗi người dân Việt nam.



Các loại trà ngon

Trà (chè) là một thức uống tao nhã và truyền thống của người Việt.


 

 



Chè tươi:
nguyên liệu gồm lá chè non và già, to nhỏ, xanh tươi, không qua chế biến, hái về rửa sạch vò nhầu lá bằng tay rồi cho vào nồi hoặc ấm đun nước loại to cho thêm vài lát gừng tươi đun cho đến sôi, chắt ra bát, chén uống ngay hoặc cho vào ấm tích ủ nóng để uống dần trong ngày, màu nước xanh tươi màu lục diệp. Vùng chè Xuân Mai – Hà Đông hái từng lá, gồm lá già bánh tẻ, dày ròn, nhỏ, vàng, mép lá ít răng cưa ; vùng chè Gay - Nghệ An cắt cả cành dài 30-40 cm, gồm búp, lá to, nhỏ, xanh lụcdiệp, mềm mép lá răng cưa sâu.

Chè nụ: (nụ hoa chè): nụ còn non (nụ hạt tiêu), hái trong tháng 10-11 dương lịch, hái về phơi trong bóng râm, cho đến khô màu xanh, nếu phơi nắng thì chóng khô, nhưng nụ màu đỏ, chất lượng kém. Cafein thấp: 2,00%, ít kích thích, được phụ nữ và người già ưa dùng, Pha nước sôi lâu ngấm, nên chè nụ đãi chủ mà không đãi khách. Có khi ướp thêm hoa cúc, có mùi thơm dễ chịu. Sản xuất nhiều ở các tỉnh Nghệ An, Hà Sơn Bình Việt Nam.

Chè Bạng: gồm lá chè già là chủ yếu, giã nát, hay làm băm nhỏ thành mẩu dài như nhau, 2 mm-1cm, màu xanh đen và hơi đỏ. Lá chè không chế biến, hình như chỉ sấy đơn giản bằng phơi hong, không có lông tuyết. Chè Bạng có tỷ lệ lớn nhất về chất béo: 7.14%, Tanin: 5.25%, tro tổng số: 4.30%, tro hoà tan: 1.40%, Cafein 2.00%, chất hoà tan: 19,10%, đạm: 1,25%, chất béo 7,14%. Chè Bạng được chế biến từ xa xưa tại làng Vân Tra, giáp Bạng thượng – Thanh Hoá. Trà Huế sản xuất tại Truồi - Thừa thiên cũng chế biến từ lá già, cuỗng chè, cành chè non, băm giã, chế biến đơn giản, ủ rồi phơi nắng

Chè mạn Hà Giang ( chè bánh, chè chi ): chè truyền thống vùng chè cổ miền núi phía Bắc Việt nam, nguyên liệu non, một tôm 2,3 lá non,, giống chè Tuyết (Shan), cuống dài, chế biến đơn giản, thủ công. Búp chè hái về, sao nhanh trong chảo gang, rồi vò bằng tay xong, tãi ra phơi nắng đến khô; chè bán thành phẩm nhồi vào ống bương to đặt trên gác bếp để bảo quản gọi là Chè Lam. Mặt chè thô, búp có tuyết trắng, chất lượng rất tốt. Mẫu chè Tuyết Lu (Bắc Hà – Lào Cai) có tanin: 10,10%, Cafein 3,00%, chất hoà tan 33,00%. Mẫu chè Tuyết Hà giang số 95 có tanin 10,54%, Cafein 3,10%, chất hoà tan 34,30%. Nước chè màu đỏ, vị dịu, mát , thuần hoà không chát mạnh như chè xanh, chè lục. Chè rời cánh thô, ít xoăn, lồng cồng. Chè chilà chè mạn ép thành bánh tròn, gói bẹ diễn, đóng thành cối gồm 10-12 bánh. Chế → biến theo quy trình: chè nguyên liệu hấp nóng → ép bánh → làm khô → đóng cối. Chè ruột gồm chè già, chè vụn; chè mặt gồm chè non, búp nhỏ, mịn. Khi uống, từng miếng chè. Pha chè nước màu đỏ, vị chát dịu, mát được mọi người ưa chuộng.

Chè ô long: Trước đây được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc (Phúc Kiến Quảng Đông) và Đài Loan; còn gọi là thanh trà. Công nghệ: chè nguyên liệu → làm héo và lên men kết hợp→ sao và vò kết hợp sấy khô→ bán thành phẩm. Nước chè màu vàng kim óng ánh, vị đậm mạnh, hương thơm đặc biệt. Các danh trà Ô long như Thiết quan âm, Thuỷ tiên, Đại hồng bào, Kỳ chủng, Sắc chủng, bao chủng… là chè Ô long dùng nguyên liệu của từng giống chè đã chọn lọc để chế biến.

Chè đen: chiếm phần trăm lớn nhất trên thị trường buôn bán chè thế giới, theo quy trình công nghệ OTD: chè nguyên liệu tươi→ làm héo→ vò →lên men →sấy khô→ sàng phân loại. Nước chè đen có màu nâu đỏ tươi, vị dịu, hương thơm nhẹ.
Sau khi sàng sẩy, phân loại (trong quá trình tinh chế) chia ra nhiều loại như: OP, P, BOP, BP , FBOP, PS , F, D chất lượng từ cao đến thấp theo kích thước của cánh chè.

Chè xanh (xưa gọi là chè lục): Sản xuát nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam theo quy trình: chè nguyên liệu tươi → diệt men → làm nguội → vò →sấy khô→ sàng phân loại thành phẩm. Nước xanh vàng, tươi sáng, vị chát mạnh, có hậu, hương thơm nồng mùi cốm. Diệt men bằng sao chảo gang hoặc máy diệt men có nhiệt độ 230 đến 250oC (chè sao), hấp hơi nước nóng hay hơi nước nóng (chè hấp), hay nhúng nhanh vào nước sôi (chè chần). Sấy khô bằng hơi nóng, sao chảo (sao suốt), sấy than hoa , sấy lửa củi (chè lửa), hay phơi nắng kết hợp sấy than (chè nắng), chất lượng rất khác

Trải qua hàng ngàn năm người Việt đã tạo ra hàng chục loại danh trà đi cùng năm tháng thăng trầm của đất nước. Nhiều danh trà ngon đặc sắc đã tạo lên huyền thoại trong lòng người Việt.

Trà truyền thống của người Việt xưa

Danh trà truyền thống của người Việt xưa

Danh trà truyền thống của người Việt xưa


Trà Tước Thiệt:
Dấu ấn loại danh trà thất truyền đầu tiên phải kể đến hiệu trà Tước thiệt (mỏ sẻ). Đây là loại trà búp, sau chế biến khô quăn thanh nhỏ như lưỡi chim sẻ. Trà Tước Thiệt là loại danh trà xưa của Đại Việt rất thơm ngon từng được biết đến và ghi nhận trong cuốn Anam Vũ Cống của Nguyễn Trãi: “Tước Thiệt trà cánh nhỏ mà cong như lưỡi con chim sẻ là một trong vài loại trà nổi danh kim cổ”. Hay trong tác phẩm của Dương Văn An cuốn Ô châu cận lục có vài dòng ghi rõ về danh trà này: “Trà ở huyện Kim Trà nay là Hương Trà Huế tên gọi lưỡi sẽ (tước thiệt) trồng tại những đồi núi An Cưu, giải thoát, trừ phiến, chữa thủy đứng đầu trăm loại thảo dược, tính linh diệu”.

Trà Hồng Mai: Trà Hồng Mai được Nguyễn Trãi nhắc đến ở bài Ngôn Chí trong Ức Trai thi tập:

… Cõi tục chè thường pha nước tuyết

Tìm thanh trong vắt tịn chè mai

Trà Hồng Mai là loại trà được chọn chế biến từ những gốc mai già, cắt khúc chẻ răm nhỏ pha nước sôi có sắc hồng nhạt đem sao, vị thanh đậm, ngọt hậu rất đặc biệt. Thường dân gian còn gọi với cái tên là “lão mai trà”. Đây là một loại thiền trà phổ biến ở các chùa miền Bắc. Trong thơ Thúy Kiều thi hào Nguyễn Du đã dùng chén trà thiền để giúp nàng Kiều bình tĩnh lại, bỗng chốc tỉnh táo và trở nên cao thượng bỏ qua cho họ Thúc:

Thiền trà cạn nước Hồng Mai

Thong dong nối góc thư trai cùng về.

Trà Mạn Hảo: Loại danh trà thất truyền. Cũng mới đây thôi, danh trà Mạn Hảo còn được ví như là một trong ba món quốc túy của đấng nam nhi Việt Nam thế kỷ 19-20.

“Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều

Trà Mạn Hảo là một danh trà quý và đắt tiền của tầng lớp quý tộc trong xã hội Việt Nam đương thời. Sau này dân gian gọi chung là chè Mạn vừa có ý nghĩa là chè Mạn Hảo vừa mang ý nghĩa là chè mạn ngược vùng Tây Bắc Việt Nam. Chè Mạn ngược là loại chè rừng, thân thuộc vùng Hà Giang-Lai Châu-Yên Bái được đóng thành những bánh gói giấy đỏ giữa có đóng nhãn đề năm sản xuất. Trà thường được chọn những búp non, lá trà bánh tẻ rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi đóng bánh, phơi khô, họ cho trà vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3 – 4 năm cho trà phong hóa bớt chất cát hết mùi ngái, có độ xốp mới đem ra dùng.

Trà Trinh nữ: Trà Trinh nữ còn gọi là trà Tố nữ rất thịnh hành ở vương triều Lê-Trịnh và đạt tới thời điểm cực thịnh của Trà Việt.

 Ngự trà Cam Khổ:  Ở vùng Kim Sơn, Vạn Hội, Lạc Phụng núi Chúa thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định có hai loại trà mọc hoang dã trên đồi gò, ven chân núi, rất quý hiếm, cho đến nay không dễ ai thuần hóa đem về trồng trong vườn nhà được. Một loại là trà Cam, và trà Khổ. Trong sách Nước non Bình Định của Quách Tấn có ghi lại rằng: “Ngày xưa, Cam Khổ là loại trà quý, là vật dụng tiến của các chúa Nguyễn. Người ta dùng cả hai loại trà Cam và Khổ để tiến vua”.

Tên trà Cam Khổ là cả một câu chuyện. Có hai cách lý giải: người thì bảo là do vị trà ngòn ngọt đăng đắng mà thành danh, lại có người bảo rằng do nghề phu trà chịu nhiều khổ ai mà ghi dấu thành tên.

Trà Cam lá thường nhỏ, thoảng vị đường phèn thanh ngọt, nên mới gọi là cam (ngọt), đây chính là chè Vằng ở Định Sơn, Cam Lộ – Quảng Trị.

Trà Khổ lá to, xanh, dày và cứng, đọt non nhân nhẩm đắng, hãm nước uống vị rất đắng. Bởi thế nó mới có tên là Khổ (đắng). Người xưa thường dùng rễ trà Cam để hồi sức cho phụ nữ sau khi “khai hoa nở nhụy” và dùng trà Khổ để chống say, tỉnh rượu. Trà Cam Khổ được cổ nhân chế biến theo công thức 2 ngọt 1 đắng mà thành. Trà Cam Khổ còn phản ánh hàm ý nghĩa về sự quý hiếm, phải vất vả gian khổ, phải “nếm mật nằm gai” băng rừng, vượt núi mới kiếm được thứ trà này.

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Văn hóa thưởng trà của người Việt xưa và nay.



























Uống trà là nét văn hóa thưởng trà lâu đời của người Việt Nam. Ngày xưa trà chỉ được dùng trong lớp quyền qúy cao sang. Tác phong mời trà một cách cung kính, nâng tách trà bằng hai tay tỏ ra rất thanh tao lịch lãm. Qua cung cách này người được mời có thể thấy được phần nào cốt cách sống và hiểu phần nào chịu ảnh hưởng gia phong của người mời trà. Trước khi uống người ta nhẹ nhàng đưa tách trà lên thưởng thức hương trà rồi từ tốn nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức vị ngon của trà. Từ chất lượng của tách trà người uống sẽ thấy được cái tâm, cái tình của người đã pha chung trà .
Trà không chỉ là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa mà có gía trị liệu pháp, giúp cho máu huyết lưu thông, lợi tiểu, có khả năng chống ung thư, tiêu độc, điều hòa huyết áp…Trước đây trà chỉ phổ biến ở một số nước Châu á như ở Ấn Độ, Srilanca chỗ nào cũng trồng trà để cung cấp cho người bản địa và cả cho xuất khẩu. Sau này được lan rộng ra các nước Trung Á như một số nước thuộc khối “Udơbêch” của các nước cộng hòa Liên Xô cũ, đặc biệt những nước này không trồng trà, nhưng ở nơi nào cũng uống trà. Trên “con đường tơ lụa” trà dần dần có mặt ở các nước Châu Âu .

Ở Việt Nam, có thể nói trà có mặt trong mọi hoạt động của xã hội, từ trong gia đình ra ngoài phố, từ nhà hàng, quán chợ cho đến những nơi tiếp khách sang trọng. Từ tế lễ, cưới hỏi, sinh nhật, ma chay, cúng giỗ…

Nếu trà dùng khi nhất ẩm (uống trà một mình) là lúc người đó đang nhâm nhi lẩm nhẩm thi thơ ôn luyện, nếu song ẩm (hai người uống trà) thì cùng cởi mở văn bài tiêu dao, thậm chí hưng phấn cùng cầm kỳ thi họa và cùng nhau thưởng thức tiếng oanh nỉ non ngoài vườn. Trà cũng như người bạn tâm giao của con người khi có tâm sự, giúp cho người ta nhớ đến tri ân tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về mình, về nhân tình thế thái những năm tháng qua. Khi giận dữ không ai tự pha được ấm trà ngon, chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi uống trà như một cách thiền “chánh niệm” vậy

 



Phong cách uống trà của người Việt Nam rất đa dạng không theo chuẩn mực nào, biểu hiện đầy đủ khía cạnh ngôn ngữ sâu xa trong văn hóa ứng xử đầy tính sáng tạo của người pha trà và người được mời uống trà đã được nâng lên bậc nghệ thuật pha trà và văn hóa uống trà. Những người hiểu biết về văn hóa uống trà, nghệ thuật pha trà của người Việt Nam thì không bao giờ chịu ảnh hưởng chút nào của người Trung Quốc, Hàn Quốc, càng không giống trà đạo của người Nhật Bản. Có thể khẳng định ở Việt Nam không có trà đạo mà chỉ có nghệ thuật uống trà.

Người trong Hoàng cung trước kia khi pha trà cho các ông vua, bà hoàng rất cầu kỳ và công phu, phải hứng từng giọt sương trên búp sen vào lúc chưa có ánh nắng. Còn các cụ xưa thường dùng nước mưa sẽ giúp cho nước trà tăng thêm vị ngọt, sau khi uống sẽ thấy vị ngọt lưu lại nơi cổ họng.Kỹ năng pha trà tùy theo kinh nghiệm bí quyết của mỗi người, tùy vào chất lượng và hương vị của mỗi loại trà nên pha loại ấm nào. Trước khi pha trà phải tráng ấm bằng nuớc sôi cho nóng trước rồi cho trà vào, khi pha xong đậy nắp kín tiếp tục rót nước sôi từ trên nắp xuống như tắm ấm để giữ nhiệt độ nóng trong ấm giúp cho các cánh trà được thấm đều.

 



Ngày tết hay trong sinh hoạt thường nhật, đến bất cứ gia đình nào hay cơ quan nào chỉ cần nhìn cung cách chủ nhà pha trà, rót trà, mời trà là có thể thấy được người đó có sành văn hóa uống trà hay không, chưa nói đến nghệ thuật pha trà. Thế nhưng, dù con người đang ở bất cứ trạng thái nào khi có tách trà trên tay cũng giúp cho người ta thấy lịch lãm thư thái. Chính vì vậy trà không chỉ là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống mà còn được các nhà làm nghệ thuật sân khấu và điện ảnh thường sử dụng như một đạo cụ, một phương tiện để các nhân vật giao lưu giúp cho diễn viên nâng cao trình độ diễn xuất. Mới đây Cục điện ảnh chủ trương không đưa thuốc lá lên phim thì văn hóa uống trà của dân tộc ta càng được nâng cao gía trị trên màn bạc và trong cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam.



Tác dụng chữa bệnh của cây chè đắng
Công dụng của cây chè dây
Tác dụng chữa bệnh của cây chè vằng
Chè xanh chữa bệnh phụ khoa
Cách uống trà xanh giảm cân nhanh rất tốt cho sức khỏe



(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý