Tiến trình phát triển

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Tiến trình phát triển

18/04/2015 10:40 AM
174
 

Tiến trình phát triển của bé mang tính liên tục, dù có những lúc sự phát triển của con bạn có vẻ rất chậm. Tuy nhiên, mỗi em bé có tốc độ và khả năng tiếp thu khác nhau đối với từng kỹ năng và bạn chẳng nên lo lắng nếu con bạn chậm phát triển hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác trong một số lãnh vực.

Mặc dù bạn có thể tác động lên tốc độ phát triển của con bạn nhờ cho cháu sự kích thích đúng cách vào đúng lúc cần thiết, các giai đoạn phát triển vẫn diễn ra theo một trình tự hoàn toàn bất di bất dịch.

PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

Có một vài nguyên tắc tổng quát áp dụng cho tiến trình phát triển thể chất ở mọi em bé. Các giai đoạn phát triển, hay còn gọi là “mốc thời gian”, bao giờ cũng theo cùng một thứ tự, dù cho thời gian cần để học được các kỹ năng sẽ khác nhau tuỳ vào từng bé.

Nhiều khi một kỹ năng đã học được trước đây có thể dường như bị quên mất khi em bé đang tập trung vào việc học tập một kỹ năng mới. Đôi khi một hoạt động có tính tổng quát đưa tới một hoạt động chuyên biệt hơn: khi được 6 tháng tuổi, em bé có thể thực hiện được những cử động chân khá là ngẫu nhiên giống như đang bước đi, nhưng những cử động này khác hẳn những động tác em bé sẽ làm được khi thực sự khởi đầu biết đi vàokhoảng 1 tuổi.

Một cột mốc quan trọng về thể chất sẽ là lúc em bé bắt đầu mọc răng. Mặc dù sự việc này có thể không có vẻ giống một bước phát triển, răng là sự phát triển thiết yếu để con bạn tập nhai thức ăn đặc và tập nói.

VẬN ĐỘNG

Có thể bạn sẽ thấy bất ngờ khi thấy rằng mọi động tác vận động- như đi hay chạy chẳng hạn - chỉ bắt đầu khi em bé có khả năng điều khiển được cái đầu. Con bạn không thể nào ngồi dậy, đứng dậy hay biết bò mà không có khả năng kiểm soát được, vị thế đầu mình. Tiến trình phát triển của bất cứ hoạt động nào đều diễn ra từ đầu xuống tới ngón chân.

Thoạt tiên các cử động của em bé có vẻ ngẫu nhiên, và không có mục đích cụ thể; một bé sơ sinh có thể cử động cánh tay, chân, đầu, bàn tay và bàn chân trong khi tất cả những gì cháu muốn làm chỉ là … mỉm cười. Dần dần trong ba năm kế tiếp, các cử động của cháu khéo léo hơn, ngày càng trở nên chuyên biệt hơn cho phù hợp với điều bé muốn làm.

Bò, dù có giỏi, cũng mới chỉ là biết di chuyển kém hiệu quả và vụng về, nhưng nó cho thấy rằng con bạn đã học được cách giữ thăng bằng và phối hợp động tác, và có được sự tự tin trước khi bắt đầu tập điều khiển cơ thể mình tốt hơn.

Vận dụng bàn tay

Phản xạ nắm ban sơ ở trẻ sơ sinh thường biến mất trước khi em bé có thể nắm chủ định đuợc một đồ vật. Thoạt tiên em bé sử dụng miệng mình làm cơ quan chính cho xúc giác; các đầu ngón tay chỉ có thể thay thế cho miệng khi em bé học được cách sử dụng bàn tay của mình. Cháu sẽ làm cho khả năng nắm cầm các đồ vật của mình tinh tế hơn, thoạt đầu nắm bằng gan bàn tay và cuối cùng mới học được cách sử dụng ngón trỏ và ngón cái. Dần dần cháu sẽ học cách buông cũng như nắm lấy đồ vật hiệu quả hơn.

Nghe và nhìn

Khả năng nghe của con bạn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của khả năng nói, và bạn có thể quan sát một số biểu hiện sớm của bé để chắc chắn rằng bé sẽ phát triển khả năng nghe bình thường, thí dụ như cháu xoay về phía một nguồn âm thanh, hay cháu đáp ứng lại giọng nói của bạn bằng cách xoay lại hay mỉm cười.

Khả năng nhìn của em bé hoàn thiện mau trong những tuần lễ đầu đời, và mặc dù cháu chưa thể nhìn xa được, cháu có thể tập trung vào gương mặt bạn ngay từ lúc lọt lòng, miễn là mặt bạn chỉ cách mặt bé chừng 20-25 cm thôi.

PHÁT TRIỂN TRI THỨC

Não bộ em bé tăng gấp đôi trọng lượng trong năm đầu không phải là do tăng số lượng tế bào não mà là do các mối kết nối giữa các tế bào này. Các mối kết nối này chỉ bắt đầu hình thành khi em bé phải suy nghĩ về một cái gì đó. Tiếp xúc với những cảnh tượng, âm thanh, mùi vị và cảm giác xúc giác làm cho em bé suy nghĩ, và chính vì thế mà sự kích thích là điều cần thiết ngay từ lúc lọt lòng để giúp bé phát triển.

Để hiểu được cái gì đang xảy ra xung quanh mình, em bé phải sử dụng các giác quan, tri thức và cơ thể của mình để hình thành các mạch kết nối trong trí óc, từ đó hiểu được một món đồ chơi ưa thích, em bé phải nhìn thấy nó, nhớ lại rằng mình thích nó, rồi nhặt nó lên.

Các kỹ năng trí tuệ của em bé sẽ tiến bộ tùy theo quá trình kích thích và dạy dỗ, nên sự tham gia của bạn có vai trò quan trọng trong suốt thời gian này, đặc biệt khi não trải qua những giai đoạn bộc phát trong các năm thứ nhất và thứ ba. Bạn là người thầy đầu tiên và là người thầy quan trọng nhất của con mình.

KHẢ NĂNG GIAO TIẾP XÃ HỘI

Bạn có trách nhiệm đem lại cho con mình ý chí và năng lực hình thành những mối quan hệ với người khác khi cháu lớn lên. Các em bé khi sinh ra đời đều có khả năng cho và đón nhận tình thương, nên chúng ta phải đáp lại cả các đòi hỏi về tình thương lẫn đáp ứng nhu cầu được thương yêu của các bé.

Các em bé hình thành các quan hệ xã hội bằng cách bắt chước chúng ta và sẽ đáp ứng lại giọng nói con người ngay từ lúc lọt lòng, nên bạn cần nói chuyện với con mình ngay từ khi cháu chào đời. Nhân cách và các kỹ năng giao tiếp của con bạn có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển. Một đứa trẻ tự lập và kiên quyết sẽ thử làm những động tác mới sớm hơn một đứa trẻ nhút nhát, và một đứa trẻ thích giao tiếp sẽ tìm cách trao đổi với người khác và phát triển khả năng nói sớm hơn các bạn bè cùng lứa.

Nhân cách của con bạn có ba thành phần cấu tạo nên: khả năng giao tiếp (mức độ tìm kiếm và sự thích thú khi tiếp xúc với người khác), khả năng hoạt động (tính thành thạo và sự thích thú trong các hoạt động), và cảm xúc (khuynh hướng thay đổi tâm trạng). Trong trường hợp có bất cứ đặc điểm nào thể hiện rõ nét ở con bạn, bạn nên cố gắng điều tiết, đồng thời khuyến khích sự phát triển của hai phẩm chất kia.

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý