Em bé hay vặn mình là triệu chứng bình thường

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Em bé hay vặn mình là triệu chứng bình thường

06/07/2015 12:00 AM
240

Hay gồng mình vặn người, quấy khóc, mất ngủ, thở khò khè, bị lác sữa... là những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, nếu hiểu được nguyên nhân của những triệu chứng này các mẹ sẽ biết cách xử lý khi gặp phải, dù là lần đầu sinh con.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ SỨC KHỎE THƯỜNG GẶP Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHŨ NHI 3 THÁNG ĐẦU

1. Gồng mình và vặn người
 

trẻ sơ sinh 1.jpg 
Trong 3 tháng đầu tiên sau sinh, trẻ sơ sinh có dấu hiệu sinh lý gồng người và vặn mình đến đỏ mặt.​


Trong khoảng 3 tháng đầu tiên sau sinh, trẻ sơ sinh có dấu hiệu sinh lý gồng người và vặn mình đến đỏ mặt đỏ mày trong vài ba phút và tự khỏi. 

Nếu bé vẫn ăn ngủ tốt và tăng cân đều thì không có vấn đề. 

Nếu trong cơn vặn mình kèm theo các dấu hiệu: khó ngủ và ngủ ít (không thể đạt ít nhất 15 tiếng/ ngày), giật mình thức giấc vào ban đêm, đổ nhiều mồ hôi, chậm tăng cân, tóc rụng vành khăn và rất khó tăng cân trong 3 tháng đầu (< 88gr/tháng) thì rất có thể trẻ đã bị thiếu hụt vitamin D. Trong trường hợp này, bé cần chỉ định của bác sĩ để bổ sung thêm vitamin D từ bên ngoài.
 

2. Mất ngủ

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh không sâu và khá ngắn. Trung bình trong 3 tháng đầu trẻ sẽ ngủ từ 16-20 tiếng. Nếu trẻ ngủ ít hơn thời lượng này nhưng vẫn tăng cần đều thì bình thường. Nhưng nếu trẻ có giấc ngủ đêm khó khăn, trằn trọc nhiều, đổ mồ hôi trộm rất có thể trẻ bị thiếu Vitamin D. 

Ngoài nguyên nhân này ra những nguyên nhân khách quan khác như tiếng ồn, ánh sáng... có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Vì thế, trong không gian phòng ngủ của trẻ phải yên tĩnh hoặc dùng đến "tiếng động trắng" như tiếng quạt máy để bé có được cảm giác an toàn. Vào giấc ngủ đêm, không nên để điện quá sáng để giúp trẻ được ngon giấc hơn.

3. Quấy khóc
 

trẻ sơ sinh8.jpg 
Trẻ sơ sinh chỉ có thể dùng tiếng khóc như ngôn ngữ đầu tiên của mình để phản ánh các đòi hỏi cho những nhu cầu sinh lý.​


Do lúc này, hệ thần kinh của bé đang tiếp tục được hoàn thiện nên sự bất ổn định có thể khiến trẻ dễ bị giật mình bởi một số tiếng động đột ngột. Bên cạnh đó, trẻ chỉ có thể dùng tiếng khóc như ngôn ngữ đầu tiên của mình để phản ánh các đòi hỏi cho những nhu cầu sinh lý ăn, bú, thay tã…và biểu hiện sự khó chịu khi bị kích ứng da hoặc gặp phải một số tình trạng bệnh lý khác. Một số trẻ khóc vật vã và vặn đỏ mình nhưng thật ra đều không có vấn đề gì đáng ngại. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan rằng mọi trường hợp đều như nhau.

Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh khi chào đời, tiếng khóc còn là một cơ chế giúp mở rộng phổi để sẵn sàng cho hoạt động hô hấp độc lập. Bên cạnh đó, tiếng khóc kết hợp với cử động tay chân còn giúp điều hòa thân nhiệt khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. 

Do đó, hiểu được tiếng khóc của trẻ qua từng giai đoạn còn đòi hỏi sự khăng khít trong mối dây liên kết giữa mẹ và con. 

4. Liên tục nấc cụt

Sở dĩ trẻ sơ sinh thường nấc cụt là do hiện tượng xung truyền thần kinh giữa não bộ và cơ hoành chưa có sự ổn định gây ra. Sau khi trẻ lớn hơn, nấc cụt cũng sẽ tự động biến mất. 

Nếu nấc cụt thường xuất hiện kèm theo nôn trớ, giật nảy mình, khó ngủ, sụt cân… mẹ cân mẹ nên nghĩ đến khả năng thiếu hụt vitamin D. 

5. Lác sữa và rôm sảy

Một số hormone thai kỳ của mẹ vẫn còn trong cơ thể của trẻ sơ sinh nên bé có thể bị nổi mụn trong vài ba tháng đầu và sẽ tự hết sau đó. Do đó, mẹ không nên tùy tiện bôi thuốc để tránh làm tình trạng mụn từ vô hại trở nên nguy hại. Tốt nhất mẹ chỉ nên dùng dầu dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh và thoa đều lên da bé từ 1-2 lần trong ngày. 

6. Đi ị nhiều lần 
 

trẻ sơ sinh4.jpg 
Trẻ sơ sinh càng đi ị nhiều với phân tốt càng chứng tỏ bé bú khỏe và tiêu hóa tốt. ​


Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh càng đi ị nhiều với phân tốt càng chứng tỏ bé bú khỏe và tiêu hóa tốt. Nếu bé đi ị nhiều mà không kèm theo nôn trớ, lẫn máu trong phân, và ăn nghỉ, vui chơi bình thường thì điều này không đáng lo ngại. Ngược lại, nếu trong phân có máu, trẻ ngủ li bì do mệt mỏi, quấy khóc nhiều và bỏ ăn cần đi khám để biết nguyên nhân chính xác.

Nếu bé đã qua 3 tháng mà dấu hiệu đi ị nhiều lần trong ngày vẫn tiếp diễn, mẹ có thể xem xét lại chế độ ăn của mình.​

Trường hợp bé đi ị quá nhiều, để cầm, mẹ có thể cho uống BIOVITAL 2 gói/ ngày và liên tục trong 1 tuần. Khi triệu chứng giảm mẹ có thể ngưng. Cần lưu ý, luôn bổ sung nước đầy đủ cho bé trong trường hợp tiêu chảy nhiều. 

Tuy nhiên, để cận thận hơn, mẹ vẫn nên đưa trẻ đi khám khi cơ thể bé mất nước nhiều và dẫn đến mất sức.

7. Khò khè

Tiếng khò khè trong lúc thở là tình trạng phổ biến rất bình thường của gần 80% trẻ sơ sinh trong giai đoạn 3 tháng đầu nếu không kèm theo ho, sốt hay sổ mũi. 

Thông thường các dịch nhầy trong nước ối trẻ nuốt phải sẽ được co thắt tự nhiên trong quá trình mẹ rặn đẻ để được tống ra ngoài giúp phổi hô hấp độc lập một cách tự nhiên sau sinh đứa trẻ chào đời. Những trẻ được sinh bằng phương pháp mổ hoặc sinh thường nhưng cơn đau đẻ của mẹ quá ngắn, ít cơn gò hay trẻ còn non tháng không thể tự tống đẩy những dịch nhờn này ra ngoài nên trẻ thường bị khò khè. 

Bài thuốc dân gian dùng hạt chanh chưng đường phèn có thể giúp bé hết nhanh triệu chứng này hoặc mẹ có thể để trẻ tự khỏi. 

8. Nhảy mũi 
 

trẻ sơ sinh6.jpg 
Trẻ sơ sinh bị nhảy mũi liên tục.​


Do mũi của trẻ sơn sinh thường rất nhỏ và rất nhạy nên chỉ cần những kích ứng nhỏ từ bên ngoài như bụi phấn rôm, bụi từ vải vóc hay bụi trong không khí cũng có thể khiến nhảy mũi liên tục khi xuất hiện các xung huyết. Hiện tượng này sẽ mất hẳn khi bé dần thích nghi với môi trường và phát triển hoàn thiện hơn. 

9. Táo bón

Trẻ bú mẹ thường tiêu hóa và đi phân tốt hơn trẻ bú sữa công thức. Trẻ táo bón trong thời gian đầu có thể không quá nguy hại ngoài việc khiến bé khó chịu. Tuy nhiên, nếu để lâu dài, bé có thể phải chịu những hệ lụy như mắc bệnh trĩ, hấp thu dinh dưỡng kém… 

Do vậy, nếu còn trong giai đoạn cho con bú, mẹ nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, trái cây. 

Nếu trẻ bú sữa bình bị táo bón nặng, có thể cho bé uống thêm nước. Tuy nhiên, lượng nước cũng phải vừa chừng.

Hoặc, bạn có thể áp dụng bài thuốc trị táo bón trong dân gian nếu trẻ đã trên 2 tháng:

Dùng lá diếp cá tươi ngâm nước muối cho thật sạch. Sau đó giã nát lấy nước cho bé uống. Mỗi lần chỉ uống khoảng 1 muỗng cà phê. 

Ngoài ra, theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn nên kích thích nhu động ruột cho bé bằng cách xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ khoảng 5 phút vào mỗi sáng sớm sau khi bé vừa thức dậy.

Lưu ý, không nên để trẻ bón lâu quá 4 ngày. 

10. Nôn trớ
 

trẻ sơ sinh7.jpg 
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị nôn trớ.​


Khi thức ăn từ dạ dạy bị trào ngược lên thực quản và ra miệng người ta gọi là nôn trớ. Điều này là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dạ dày còn nằm ngang và men tiêu hóa chưa tiết đủ. Để giảm tình trạng này, mẹ nên:

- Khum bàn tay vỗ lưng bé 3-5 cái sau mỗi cữ bú để bé được ợ hơi.

- Bé trẻ trong khoảng 15 phút trước khi đặt nằm xuống trở lại.

- Mỗi cữ bú nên chia nhỏ với lượng sữa ít hơn. Nếu trẻ bú bình, mỗi lần chỉ cho bú từ 30 - 45ml và cách quãng cữ bú trong khoảng 1,5 tiếng. Dần dà, lượng sữa có thể tăng dần đều đến khi bé làm quen.

- Nên cho trẻ bú đúng tư thế.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ SỨC KHỎE THƯỜNG GẶP Ở TRẺ TRÊN 3 THÁNG - 1 TUỔI

11. Sốt
 

trẻ sơ sinh 9.jpg 
Thông thường ở trẻ nhỏ, sốt thường do viêm đường hô hấp và nhiễm siêu vi. ​


Khi trẻ bị sốt là cơ thể trẻ đã bị nhiễm khuẩn hoặc siêu vi. Thông thường ở trẻ nhỏ, sốt thường do viêm đường hô hấp và nhiễm siêu vi. Ngoài ra, trẻ có thể sốt do mọc răng, rối loạn tiêu hóa, cảm lạnh, do tiêm phòng…

Trẻ chỉ được coi là sốt khi thân nhiện từ 38 độ trở lên. Sốt cao nhất có thể lên đến 40 độ. Khi muốn cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, trước hết phải đo thân nhiệt. Nếu trẻ số dưới 38,5 độ, chỉ cần dùng các biện pháp hạ nhiệt như chườm khăn nóng tại 4 điểm: trán, hai bên nách và hai bên bẹn; cởi bớt đồ cho trẻ và mặc thoáng. Khi những cách này không có tác dụng, bạn hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc dùng viên nhét hậu môn. Việc lạm dụng thuốc sốt có chứa thành phần paracetamol sẽ làm cản trở khả năng chuyển hóa và gây hại đến gan.

Liều lượng dùng thuốc sốt cho bé 10 kg trở lên: 100mg liều thông thường và 150mg liều tối đa (1kg từ 10-15mg). Cần ít nhất 4 tiếng để có thể bắt đầu uống liều kế tiếp.

Các mức độ sốt:

- Sốt nhẹ: 37 – 38 độ C

- Sốt vừa: 38.5 – 39.5 độ C

- Sốt cao: > 39.5 độ C

Khi trẻ sốt cao từ 40 độ rất nguy hiểm và được xem là trường hợp cấp cứu. Nếu không hạ sốt kịp thời dẫn đến co giật, trẻ có thể mắc các biến chứng nguy hiểm như hôn mê, suy thận, phù phổi… có thể dẫn đến bại liệt hoặc tử vong.

Chăm sóc trẻ sốt:
 

trẻ sơ sinh12.jpg 
Khi trẻ đang sốt, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước và mặc thoáng.​


- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước và mặc thoáng.

- Ở phòng thoáng mát không quá kín.

- Tránh cho trẻ ăn trứng vì có thể làm cản trợ nỗ lực hạ sốt

- Liên tục chườm khăn ấm cho trẻ trong thời gian chờ đợi thuốc phát huy tác dụng.

12. Nhiễm virus

Cúm gây ra bởi siêu vi hay các bệnh có nguyên nhân từ virus như tay chân miệng, viêm màng não, sởi, sốt xuất huyết… thường tấn công trẻ nhỏ do hệ miễn dịch của các bé còn non yếu.

Nếu vài ngày đầu bé sốt cao không rõ nguyên nhân, các bác sĩ thường chẩn đoán là sốt siêu vi. Do đó, những ngày tiếp theo luôn có lịch hẹn tái khám. Mẹ cần tuân theo lịch này để theo dõi sát tình trạng bệnh của bé. Nếu là sốt siêu vi, trẻ sẽ tự khỏi trong khoảng 5-10 ngày mà không cần dùng thuốc điều trị. Trường hợp trẻ có sức đề kháng quá kém hoặc cơ thể quá yếu, các biến chứng nặng hơn mới có khả năng xảy ra.

Các trường hợp nhiễm virus khác có thể đe dọa cả tính mạng nếu để xảy ra các biến chứng. Vì thế trong quá trình chăm sóc bé mẹ luôn phải tuân theo chỉ dẫn của các bác sĩ.

13. Viêm đường hô hấp
 

trẻ sơ sinh10.jpg 
Có đến 90% trẻ bị nhỏ dưới 1 tuổi mắc phải các vấn đề về đường hô hấp.​


Có đến 90% trẻ bị nhỏ dưới 1 tuổi mắc phải các vấn đề về đường hô hấp một phần do hệ hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện, một phần do hệ miễn dịch đã phần nào kém đi sau 6 tháng đầu bú mẹ hoàn toàn.

Nếu bé chỉ mới biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, húng hắng ho, mẹ hãy để trẻ tự sinh ra sức đề kháng để chống chọi lại bệnh. Song song đó, mẹ có thể dùng các bài thuốc trị cảm ho hiệu quả từ thảo dược tự nhiên như:

Dùng 15 lá húng quế đem giã nát cho vào ít nước sôi và lọc lấy nước trong cho bé uống ngày 2-3 lần để giảm sổ mũi.

Với những bé chỉ vừa húng hắng ho, hoặc chỉ mới xuất hiện dấu hiệu cảm, mẹ nên dùng ít dầu thoa vào gang bàn chân bé và sau đó mang vớ vào. Thực hiện cách này mỗi tối trước lúc đi ngủ để giúp trẻ mau khỏe.

Cách khác, bạn có thể dùng lá húng chanh bỏ vào trong 10ml nước sôi. Khi thấy lá thấm, chắt lấy nước cho bé uống ngày 2 lần. Hoặc bạn có thể dùng lá húng chanh này đem hấp cách thủy và cho bé dùng liên tục trong 2 ngày.

Sau khi thử áp dụng những cách thức mang tính tự nhiên này vẫn không thấy bé khỏi, mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện nhi.

14. Trẻ ăn dặm nôn trớ
 

trẻ sơ sinh14.jpg 
Cho bé ăn dặm quá sớm sẽ khiến bé bị dễ bị trào ngược.​


Sang đến giai đoạn ăn dặm, một số bé vẫn có biểu hiện nôn trớ, trào ngược thức ăn.

Nguyên nhân có thể do mẹ cho ăn quá mức, nằm ngay sau khi ăn, bé được cho ăn dặm quá sớm, cấu trúc dạng thực phẩm không phù hợp, ăn liên tục nhiều món mới hoặc ăn lệch về một loại thực phẩm… Ngoài ra, một số trẻ biếng ăn kéo dài đã hình thành nên phản xạ “chối bỏ thức ăn” và như thế cứ hễ thức ăn vào lại nôn hết ra ngoài. Lâu dần tình trạng này sẽ trở thành bệnh lý biếng ăn nguy hại.

Nếu bé chỉ thỉnh thoảng nôn trớ, vẫn có thể chơi đùa, ngủ tốt sau khi nôn trớ thì mẹ chỉ cần: thay đổi chế độ ăn cho bé; vỗ lưng sau mỗi lần cho ăn; không cho bé nằm hoặc tắm ngay sau khi ăn no, ăn thức ăn từ dạng lỏng, đặc, lợn cợn đến miếng và cho ăn dặm đúng thời điểm.

Nếu nôn trớ diễn ra đều đặn sau mỗi bữa ăn và kéo dài trong một khoảng thời gian có thể hệ tiêu hóa của trẻ đang gặp vấn đề. Bạn cần đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. 

15. Rối loạn tiêu hóa
 

trẻ sơ sinh13.jpg 
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ có những triệu chứng đặc trưng: đi ị phân sống nhiều lần trong ngày, phân lỏng có nước và hạt lợn cợn, màu phân vàng xanh hoặc thẫm xanh. ​


Trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ có những triệu chứng đặc trưng: đi ị phân sống nhiều lần trong ngày, phân lỏng có nước và hạt lợn cợn, màu phân vàng xanh hoặc thẫm xanh. Điều này có thể do cách cho ăn dặm của mẹ. Cụ thể, mẹ cho bé ăn dặm quá sớm hoặc ăn quá nhiều; cho ăn không tuân theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều; cho bé ăn quá sớm những thực phẩm dinh dưỡng như váng sữa, phomai,…

Bên cạnh đó thức ăn không đảm bảo vệ sinh, đường ruột bị đóng cặn hay vi khuẩn cũng là những nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Thông thường phải mất ít nhất một tuần để hệ tiêu hóa mới có thể trở về hoạt động bình thường. Trong thời gian này, hệ miễn dịch của bé sẽ chống chọi để phản kháng lại sự tấn công của những nguy hại. Vì thế, bạn không nên tùy tiện dùng thuốc cho bé uống mà cần đến bác sĩ để có được lời khuyên tốt nhất.

Như vậy, với bài tổng hợp này bạn đã biết được các vấn đề thường gặp đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hy vọng, chúng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình làm quen với vai trò người mẹ và cách chăm sóc con. 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý