Chè xanh chữa bệnh

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Chè xanh chữa bệnh

18/04/2015 11:06 AM
885
I. Tác dụng chữa bệnh của lá chè xanh

Uống chè xanh chữa bệnh gì?

- Cảm mạo: Dùng 3g lá chè, 1g muối ăn, hãm nước sôi uống 4-6 lần trong một ngày, hợp với những người bị cảm sốt, ho có đờm vàng, đau họng.

Nếu cảm sợ lạnh, ho có đờm trắng thì dùng 3g lá chè, 3 miếng gừng đem hãm với nước sôi uống.

- Phong nhiệt, đau đầu: Đau đầu, thậm chí đau như búa bổ, mặt đỏ, mắt đỏ, miệng khát, nước tiểu vàng, dùng 6g lá chè, 10g hoa cúc, hãm với nước sôi, ngày uống 2-3 lần.

- Trúng nắng (cảm nắng): 6g lá chè, 6g đạm trúc diệp, hãm với nước sôi, một lúc sau uống nóng, mỗi ngày 2-3 lần, dùng cho người bị chứng bệnh thử nhiệt tân phiền, miệng khát thích uống nước, đi tiểu ít, nước tiểu vàng.

- Đi tả dài ngày: Đi tả lâu chưa khỏi, dùng 6g lá chè, 2 quả ô mai, 15g đường đỏ, hãm với nước sôi đậy kín nắp sau 15 phút thì uống, mỗi ngày 2-3 lần, liên tục trong 3 ngày.

- Ăn không tiêu: Lấy 10g lá chè, 10g bột sơn trà đã sao, 10g đường đỏ, đổ nước sôi vào hãm, 10 phút sau uống, có thể hỗ trợ trị bệnh ăn không tiêu, đầy, đau bụng, ợ chua, ăn kém.

- Hen suyễn: Những người bị hen suyễn lâu ngày chữa không khỏi, có thể dùng 3g mộc nhĩ trắng, 10g hạnh đào, 30g đường phèn, đổ nước vào đun cho đến khi mộc nhĩ chín nhừ, đổ vào nước chè đã hãm (30g lá chè), ngày uống một lần, uống liên tục 7-10 ngày.

- Bệnh lao hạch: Lấy 3-5g lá chè xanh, hãm uống một lần, ngày hai lần, uống kiên trì thường xuyên sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị.

- Bệnh viêm gan vàng da, vàng mắt cấp tính: Lấy một nắm chè, hãm với nước sôi uống ngày nhiều lần, chè có tác dụng lợi tiểu, trừ thấp làm cho bệnh vàng da vàng mắt lui dần.

- Bệnh cholesterol trong máu cao: Lấy một nắm chè hãm với nước sôi uống, ngày uống 2-3 lần.

- Bệnh béo phì: 3g lá chè, 10g quyết minh tử hãm uống hoặc đun lên uống.

- Viêm đường tiết niệu: Lá chè có tác dụng lợi tiểu, kiềm chế vi khuẩn, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, do đó uống nước chè vừa phải có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm nhiễm hệ tiết niệu. Có thể dùng kết hợp với kim tiền thảo có tác dụng lợi thủy thông niệu, mỗi lần 6g, hãm với nước sôi uống, có hiệu quả cao.

- Phụ nữ đau bụng kinh: 3g lá chè, 2 miếng gừng, 10g đường đỏ, hãm với nước sôi 5 phút, uống sau bữa ăn.

- Đau bụng, đau răng: 3g lá chè hãm với nước sôi 5 phút sau rót lấy nước rồi đổ vào 3g giấm đã làm lâu, đảo đều rồi uống, ngày 3 lần.

Lá chè xanh chữa bệnh ngoài da

- Bị bỏng: Lấy nước chè nguội ngâm vết bỏng hoặc dùng vải mỏng nhúng vào nước chè nguội rồi đắp vào chỗ bỏng hoặc vẩy nước chè đặc nguội vào chỗ bỏng, sẽ giảm đau đớn, phòng ngừa bị phồng da, giúp vết bỏng mau lên da non.

- Bị ong đốt: Lấy một ít bã chè đã hãm một lần, xát vào chỗ bị ong đốt, hoặc lấy lá chè giã nát đắp vào chỗ đau.

- Bệnh đậu mùa, thủy đậu, mẩn ngứa, mụn nhọt: Đem lá chè nghiền thành bột, hòa với nước chè đặc đắp vào chỗ đau hoặc thường xuyên dùng nước chè đặc để tắm, rửa chỗ đau.

- Viêm da do lội ruộng (nước ăn chân): 400g lá chè già, 60g phèn chua, đổ vào nước đun thành nước đặc, để nguội bôi vào chỗ đau.

- Da bị nẻ: Trước khi đi ngủ lấy một dúm chè nhỏ nhai nát, nhuyễn thì đắp vào chỗ nẻ, rồi lấy băng buộc vào, sáng hôm sau thì bỏ ra.

- Da bị lở loét: Dùng chè vụn đun lấy nước rửa lúc nước chè còn ấm, hoặc dùng lá chè vụn đắp vào chỗ đau.

- Da bị cháy nắng: Dùng nước chè lạnh rửa lên chỗ da bị cháy nắng. Nếu da bị cháy nắng nhiều có thể cho nước chè đặc vào nước tắm. Ngâm chỗ da bị cháy nắng vào nước đó, mấy phút sau thì lau khô rồi bôi giấm vào sẽ thấy hiệu quả.

- Tóc thưa: thường xuyên dùng bàn chải chấm vào nước chè để qua đêm rồi chải lên lông mày hoặc chỗ tóc thưa.

- Viêm kết mạc cấp tính: Dùng 5-10g lá chè, sau khi đun sôi thì xông hơi vào mắt bị viêm, ngày 2-3 lần.

- Đau răng, nhiệt miệng: Thường xuyên dùng nước chè súc miệng, triệt để lợi dụng tác dụng diệt khuẩn tiêu viêm, sinh cơ của lá chè để trị bệnh đau răng và nhiệt miệng.

- Lỗ đeo khuyên tai bị viêm (còn gọi nên tổ kén): Bỏ khuyên tai ra, dùng cồn hoặc nước muối nhạt rửa sạch, lấy cuộng lá chè to vừa lỗ khuyên tai xuyên thay khuyên tai, chứng viêm ngứa hôm sau sẽ khỏi.


II. Chè xanh có tác dụng chữa bệnh viêm khớp


Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Hệ thống Y tế Michigan, chè xanh chứa một hợp chất có thể có tác dụng chữa bệnh viêm khớp.

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được công bố tại cuộc hội thảo về sinh học thử nghiệm năm 2007 tổ chức cuối tháng 4 vừa qua tại thủ đô Washington.

Tiến sỹ Salah-uddin Ahmed, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của dự án, cho biết trong chè xanh có một hợp chất gọi là epigallocatechin-3-gallat (EGCG), có khả năng chống được viêm loét, ngăn chặn sự sinh sản của một số phân tử trong hệ thống miễn dịch thường gây ra hiện tượng viêm nhiễm và phá hủy các khớp xương ở những người bị bệnh viêm khớp.

Hợp chất có trong chè xanh này cũng có khả năng ngăn chặn các chất gây nhiễm trong các mô liên kết của những người bị bệnh viêm khớp.


(Theo TTXVN)


III. Dùng trà xanh phòng tránh bệnh phụ khoa


Đã có những con số cụ thể cho thấy, cứ 10 phụ nữ thì có hơn 8 người mắc bệnh phụ khoa! Bộ Y tế cũng cho biết, mỗi năm, số người mắc bệnh phụ khoa tăng thêm 15-27%.

“Đừng nghĩ con số đó là do phụ nữ… ở bẩn” - Thạc sĩ Tô Minh Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khẳng định như vậy. Bệnh phụ khoa có rất nhiều, từ nhẹ đến nặng và thủ phạm là do cả hai giới, chứ không riêng gì phụ nữ, đặc biệt là những căn bệnh lây qua đường tình dục.

Chỉ có một số loại bệnh như viêm âm hộ, viêm âm đạo cổ tử cung do nấm, nhiễm khuẩn âm đạo, viêm tử cung, viêm phần phụ, lộ tuyến tử cung... thì phần lớn nguyên nhân mới bắt đầu từ phụ nữ. Có những trường hợp phụ nữ hoàn toàn vô can, ví dụ như mắc bệnh phụ khoa do tác động của các thuốc sau nạo hút thai.

Theo TS Tô Minh Hương, để tránh mắc bệnh phụ khoa, điều quan trọng là phụ nữ cần thay đổi một số thói quen cố hữu.

Thứ nhất là thói quen dùng vải xô sau khi làm vệ sinh, bởi chỉ cần không được làm sạch và khô ráo, vải xô sẽ trở thành môi trường dẫn nấm vào cơ thể.

Thứ hai là thói quen ngâm rửa. Chị em thường lầm tưởng là càng ngâm rửa thì càng tốt, nhưng thật ra, đó lại là cách làm phản khoa học. Những vi khuẩn đường ruột có ở hậu môn sẽ xâm nhập vào đường âm đạo và gây bệnh.

Thứ ba, chị em cũng lầm tưởng nước muối là loại nước lý tưởng dùng để vệ sinh, nhưng thực ra không phải. Muối ở đây là muối natri cacbonat, chứ không phải muối ăn thông thường. Nước pha với muối ăn thông thường chẳng có giá trị gì trong chuyện vệ sinh phụ nữ. Ngoài ra còn nhiều thói quen khác cần thay đổi như không nên mặc quần lót quá chật, mặc quần làm bằng chất liệu nilon...

Chị em nên tìm mua các các loại nước vệ sinh phụ nữ được bán ở các hiệu thuốc với giá rẻ, phù hợp cả với phụ nữ nông thôn. Nên dùng các loại băng vệ sinh phù hợp, nếu sau khi dùng thấy bất thường thì phải bỏ ngay.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, nên dùng nước chè xanh để làm vệ sinh bởi chè xanh là sự lựa chọn lý tưởng để tránh các bệnh phụ khoa. Cần chú ý, một số bệnh phụ khoa, ngoài gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày còn có thể để lại hậu quả nguy hiểm như gây tắc vòi trứng, gây vô sinh, gây bệnh ác tính... Vì thế, nếu thấy bất thường, nên đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm.


(Theo GĐ & XH)


IV. Cách dùng chè xanh chữa bệnh


Theo Đông y, chè xanh tính hàn, có vị chát, ngọt, đắng, hơi chua, không độc. Vào tâm, can, tỳ, phế, thận. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, trừ phong th���p, làm bền mạch máu, trị hoại huyết, sát khuẩn, làm lành những thương tổn. Sau đây là một số cách dùng chè xanh chữa bệnh:

Trà ích mẫu: hạt cây ích mẫu và chè xanh mỗi thứ 6-9g, đun sôi với 600ml còn 1/2 hoặc để sôi 20 phút. Uống nóng ngày 2 lần. Có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt, thông tiểu (chữa tiểu đục, đỏ sẻn), tiểu tiện khó khăn, rát buốt do huyết ứ gây nên. Còn có tác dụng điều hoà kinh nguyệt.

Trà mễ tiêu thực: gạo tẻ 100g, chè 6g. Hãm chè bằng nước sôi 15-20 phút, lọc lấy nước nấu cháo. Uống nóng ngày 1 lần. Có tác dụng kiện tỳ, hòa vị, tiêu thực. Chữa kém ăn, ăn không tiêu. Ở Nhật phổ cập lấy nước chè cho vào cơm, cháo, rau để ăn.

Chữa béo phì: lá chè với hạt thảo quyết minh mỗi vị 6g hâm nước sôi uống hằng ngày. Đặc biệt thích hợp với táo bón, miệng khô (không để qua đêm vì hạt thảo quyết minh tạo chất nhầy).

Tiêu chảy thấp nhiệt mùa hè: lá chè và lá sen mỗi vị 10g. Hãm nước sôi uống nóng.

Ho sốt, viêm đường hô hấp, tiết niệu trong mùa hè: trà xanh 3g, kim ngân hoa 5g. Hãm nước sôi 150ml. Chia 2-3 lần uống.

Trúng thử phát sốt, khát nước, đái ít: trà xanh 3-5g, mướp đắng 1 quả cắt ngang moi hết ruột, nhồi trà xanh, treo đầu gió cho khô héo đem thái nhỏ. Lấy khoảng 10g hãm nước sôi già, uống nóng.

Viêm gan, túi mật cấp, vàng da, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu: trà xanh 3-5g, uất kim 10g. Nước 300ml sôi già hãm để uống nước.

Cách dùng chè xanh chữa bệnh, Sức khỏe đời sống, suc khoe, tra xanh, cam cum, chay mau cam, uat kim

Lá chè xanh


Trà xanh hoa quả giải nhiệt mùa hè, chống khát, mệt mỏi: trà xanh 3-5g, lá sen 3g, ruột đỏ dưa hấu 100g, nước 400ml. Nấu dưa hấu lá sen sôi 10-15 phút, tắt bếp cho trà xanh vào hãm uống.


Giải khát, trừ nôn, lợi tiểu: trà xanh 3-5g, xoài chín tươi 1 quả. Nấu xoài với 200ml lấy nước để hãm trà.

Có thể hãm trà xanh với nhiều trái cây, lá, hoa khác để uống giải khát, trừ phiền như lá tre, quả nho, các loại hạt đậu, sắn dây, cùi nhãn, lá diếp cá, lá bạc hà...


Uống chè xanh như thế nào là tốt?


- Chè xanh để tự nhiên tốt hơn chè đã qua chế biến.

- Uống chè nóng tốt hơn chè lạnh (chè đá): uống nóng vào mùa hè sẽ đỡ khát và đỡ mệt hơn, dễ tiêu hoá vì mùa hè trời nóng, mạch ngoại biên giãn, mạch phủ tạng co lại bù trừ, do đó ăn uống lạnh sẽ bị khó tiêu, ậm ạch khó chịu. Tuy nhiên không nên uống quá nóng, nhiệt độ thích hợp là dưới 55oC.

- Không uống trà pha quá đặc, pha qua đêm, đã pha 2 nước (trừ trà thuốc); không uống trà sau 16 giờ gây mất ngủ và lúc đói gây cồn ruột; không dùng để chiêu thuốc; không uống ngay sau bữa ăn.

Kiêng kỵ: không nên uống khi đói, viêm loét dạ dày, bị bệnh mất ngủ, táo bón, đang sốt cao. Mọi lứa tuổi đều uống được nhưng với trẻ em phải pha loãng, phụ nữ có thai, táo bón nên thận trọng khi dùng.


Theo BS. Phó Thuần Hương (Sức khỏe & Đời sống)


V. Trà xanh trị viêm họng


Trà xanh chứa 20% tanin có khả năng sát khuẩn mạnh, dùng để súc họng chữa viêm họng mạn tính. Đặc biệt, thành phần này còn có tác dụng như vitamin P, rất hiệu quả trong điều trị các bệnh herpes gây viêm loét họng và miệng.



Bài thuốc với trà xanh chữa viêm họng thông thường gồm: trà xanh 100 g, cam thảo 10 g, nước 100 ml. Đun trà và cam thảo ngập nước trong nửa giờ, sau đó lọc chắt lấy nước một. Tiếp tục cho thêm nước vào phần bã và đun thêm nửa giờ, rồi chắt lọc nước hai. Gộp cả hai nước, tiếp tục đun cho đến khi chỉ còn khoảng 100 ml là dùng được. Cần uống 4 lần/ngày, mỗi lần 5-10 ml. Mỗi đợt điều trị cần kéo dài từ 3-5 ngày sẽ có hiệu quả.

Ngoài tác dụng sát khuẩn, trà xanh còn chứa cafein, vitamin B, B2, C có tác dụng là săn da, chống lão hóa, đặc biệt tăng cuờng sức đề kháng của cơ thể.

Thạc sĩ Phạm Bích Đào, Sức Khỏe & Đời Sống



VI. Ích lợi của trà xanh đối với các quý ông


Lâu nay bạn vẫn biết đến công dụng của trà xanh đối với sức khoẻ con người. Nhưng một nghiên cứu mới đây đã cho hay trà xanh đặc biệt đem lại những hữu ích bất ngờ đối với sức khoẻ của nam giới. Chúng ta cùng kháp phá nhé.



Có khả năng chống lại oxy hóa hữu hiệu


Các nhà khoa học đã tìm thấy, trong trà xanh có chứa một lượng lớn axit fenola và catechin - chống oxy hoá. Các chất này tham gia tích cực vào việc ngăn ngừa các tế bào gây ung thư, “khống chế” hàm lượng cholesterol xấu, hạn chế các bệnh tim mạch và huyết áp cao, bảo vệ gan và khớp.


Đem lại trạng thái thăng bằng và tỉnh táo


Trà xanh không chỉ có khả năng ngăn ngừa đối với những căn bệnh gây ung thư chết người, mà còn có tác dụng giữ bình tĩnh, cũng như trạng thái cân bằng.

Chưa hết, chất tanin có trong trà xanh còn đem lại cho bạn sự tỉnh táo, minh mẫn và nhanh nhẹn. Tuy nhiên, đặc tính trà xanh lại không giống với các tác nhân gây hại cho sức khoẻ có trong các chất kích thích khác và cafein trong cafe.


Tiêu hao calo và chất béo dư thừa


Nhiều công trình nghiên cứu công phu đã đi đến kết luận: Trà xanh là một “công cụ” rất hữu hiệu đối với các đấng mày râu trong việc tiêu hao và cắt giảm lượng mỡ dư thừa.

Trà xanh chính là “xúc tác” tạo điều kiện thuận lợi giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất, đồng nghĩa với việc đốt cháy năng lượng dư thừa. Cho nên, nếu muốn giảm cân, không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp giảm cân quá công phu và phức tạp, đơn giản hãy uống trà xanh mỗi ngày cũng đem lại hiệu như mong muốn.


Làm sạch và sát khuẩn


Từ hơn 5.000 năm trước đây, người dân châu Á đã biết sử dụng trà xanh vào việc sát khuẩn và làm sạch vết thương để tránh nhiễm trùng.

Đây cũng là lý do tại sao các chị em phụ nữ thường dùng trà xanh thay thế cho các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi công dụng vốn có của nó và nhất là không gây nên bất cứ sự kích ứng da nào. Phù hợp cho mọi đối tượng.


(Theo dantri.com.vn)



VII. Cách pha trà xanh chữa bệnh


Dùng nước sôi 70 – 80% hãm chè, không nên đậy nắp: Làm như vậy có thể giữ được hương vị chè tốt, sẽ không làm cho nước thứ 2, 3 bị nhạt, đồng thời có thể tránh được nhiệt độ cao phá hủy những thành phần có ích trong chè.

Uống chè không nên uống cạn một lần: Có những người uống chè thường uống cạn một lần rồi mới đổ thêm nước sôi vào, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hương vị của cốc thứ 2, 3. Cách làm tốt hơn là: Khi hãm được nước đầu uống còn khoảng 1/3 thì đổ thêm nước sôi vào, sau khi uống hết 2/3 lại đổ nước sôi vào hãm.


Chè không nên hãm quá nhiều lần: Thông thường chỉ hãm 3 – 4 lần là được. Hãm nước đầu trà có thể hòa tan 30% chất hòa tan trong trà,  hãm nước thứ hai là 50%, hãm nước thứ ba là 10%,  đến lần thứ tư chỉ còn 5%. Tục ngữ có câu; “Nước đầu đắng, nước thứ hai bổ, nước thứ ba thuần, nước thứ tư hết vị”. Một ấm trà hãm nhiều lần, một số chất có hại trong lá chè sẽ hòa tan vào trong nước chè, không có lợi cho sức khỏe.
Không nên uống nước chè để qua đêm: Nước chè để sau 8 tiếng thì thành phần bất lợi trong nước chè sẽ tăng lên, đặc biệt khi trời nóng, nhiệt độ cao, vi khuẩn dễ dàng phát riển, uống vào gây bất lợi cho sức khỏe.
Ăn cơm xong không nên uống nước chè ngay: Ăn cơm xong nếu uống nước chè ngay sẽ làm cho dịch vị bị hòa loãng ra không có lợi cho việc tiêu hóa thức ăn, thậm chí còn kích thích niêm mạc dạ dày sinh ra viêm, vì vậy thông thường sau khi ăn cơm khoảng 1 giờ mới uống nước chè là tốt nhất.

Nồng độ nước chè phải phù hợp: Nếu pha ít chè quá nước sẽ nhạt, vô vị, nhưng cũng không nên thường xuyên uống nước chè quá đặc có hại cho sức khỏe. Trong nước chè đặc hàm lượng cafein quá cao, nếu thường xuyên uống nước chè đặc sẽ làm cho lượng triglyxerin trong máu cao, làm cho động mạch bị xơ vữa, tim bị đau nhói. Một số axit trong nước chè đặc sẽ làm lắng đọng protein và vitamin, cản trở việc bài tiết dịch vị, kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, gây nên hiện tượng mất thăng bằng chức năng của dạ dày và ruột, gây tiêu hóa kém, đại tiện táo, không có lợi đối với những người bị hư nhược chức năng dạ dày, ruột. Ngoài ra một số axit trong nước chè đặc có thể cùng với một số chất trong thức ăn hình thành chất cặn lắng đọng không hòa tan, ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt của cơ thể, lâu dài có thể gây thiếu máu thiếu sắt.
Không nên dùng chè đặc để giải rượu: Sau khi uống rượu say thì tim đập nhanh, loạn nhịp, đau đầu, chóng mặt, chân tay rã rời, gây hưng phấn tinh thần, mà nước chè đặc cũng có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, nếu dùng chè đặc để giải rượu thì khác nào “lửa đổ thêm dầu”. Đồng thời chất kiềm chứa trong nước trà đặc sẽ khống chế khả năng tái hấp thu của thận, mà có tác dụng lợi tiểu nhanh. Sau khi uống rượu nếu uống nước trà đặc ngay sẽ làm cho chất độc trong rượu chưa được phân giải ngấm vào thận quá sớm,gây tổn hại chức năng thận.
Người đại tiện táo không nên uống nhiều chè: Trong nước chè có chứa nhiều axit không những làm giảm sự co bóp của ruột mà còn làm lắng đọng protein, các peptit, chất sắt, ion kim loại, làm cho phân khô gây chứng táo bón  hoặc khiến cho người vốn bị táo bón lại bị nặng thêm. Cần chú ý rằng, lá chè đun hãm càng lâu thì tanin tách ra càng nhiều, càng bất lợi cho người bị táo bón.
Dụng cụ hãm và uống chè cần làm sạch cặn chè: Uống chè có lợi cho sức khỏe nhưng cáu chè bám ở thành ấm và đáy cốc thì hại cho sức khỏe. Cặn chè là do chất polyphenol trong chè bị ôxy hóa trong nước mà thành, có màu lá cọ, do đó còn gọi là rỉ chè. Trong cáu chè có chứa nhiều kim loại như chì, sắt, thạch tín... cùng với nước chè những chất này thâm nhập vào cơ thể kết hợp với  những chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin, hình thành chất lắng cặn khó hòa tan làm ảnh hưởng đến sự tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể, ngoài ra chất lắng cặn này một khi đã được cơ thể hấp thu dẫn đến sự rối loạn chức năng của một số cơ quan như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa... Vì vậy người uống chè phải thường xuyên rửa ấm chén, kịp  thời cọ rửa cáu chè bám ở thành trong của ấm. Quan điểm “cáu chè càng dày hãm chè càng thơm, càng giàu dinh dưỡng” là không khoa học.


(Theo thanhtra.info)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Tra xanh co tac dung nhu the nao voi nguoi bi mac benh gan
hơn 1 tháng trước - Thích (2) - Trả lời
che xanh chua benh cao huyet ap nhu the nao???
hơn 1 tháng trước - Thích (16) - Trả lời
TOI BI DAU DA DAY CO NEN UONG CHE XANH KHONG?
hơn 1 tháng trước - Thích (9) - Trả lời
tôi bị dau dạ dày, đại tràng co uống che xanh không?
hơn 1 tháng trước - Thích (19) - Trả lời
Cho e hoi e da di khan phu khoa bac si noi e bi viem nhe moi chom e da su ly vs dua bang nuoc tre xanh nhung cang dua e thay cang co ngua ngay cho e hoi tre xanh co dua dk ve xinh k
hơn 1 tháng trước - Thích (4) - Trả lời
e nen ra tiem thuoc tay hoi mua nuoc muoi sinh ly la phu hop nhay
Cho em hỏi là em pha trà xanh rồi cho thêm đường bỏ vào chai sau đó cho vào tử lạnh uống dần thì có bị sao ko a? tại em nge người ta nói uống như vậy có thể dẫn đến ung thư???
hơn 1 tháng trước - Thích (14) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý