Viêm răng khôn

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Viêm răng khôn

18/04/2015 12:33 PM
942
Vì sao răng khôn hay gây đau?

Răng khôn là răng mọc sau cùng trên cung hàm. Sự có mặt của nó gây phiền toái cho rất nhiều người, là thủ phạm của những cơn đau có thể rất ghê gớm. Nhiều khi, bác sĩ phải ra quyết định nhổ bỏ.

Răng khôn (còn gọi là răng hàm lớn thứ ba) thường bắt đầu mọc từ tuổi 17 trở lên, nếu còn đủ chỗ sau răng số 7. Mỗi người có bốn răng khôn ở bốn góc hàm; tuy nhiên cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm.

Do mọc sau cùng nên răng khôn hàm dưới có thể bị thiếu chỗ để mọc một cách bình thường, dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm. Những trường hợp này gọi chung là mọc kẹt, nghĩa là cái răng đó không có đủ chỗ để mọc lên bình thường hoặc hướng mọc bị nghiêng nên không trồi lên được.

Khi răng khôn hàm dưới mọc ngầm, có thể sẽ có nang thân răng bao quanh và gây viêm nhiễm. Răng khôn mọc lệch sẽ dễ gây kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng miệng, dẫn đến viêm nhiễm. Răng khôn hàm trên nếu thiếu chỗ thường mọc chếch ra phía má và phía sau. Trong lúc ăn nhai, bệnh nhân dễ cắn phải má. Nói chung, răng khôn hàm dưới thường gây biến chứng nhiều hơn và nặng hơn hàm trên.

Biến chứng thường gặp khi răng khôn hàm dưới mọc lệch là viêm túi quanh răng khôn rồi lan ra mô mềm xung quanh. Mủ có thể chảy ra mặt ngoài xương hàm dưới, xuống vùng thành bên họng rồi xuống cổ.

Khi có sưng đau và hạn chế há miệng ở vùng răng khôn, bệnh nhân cần được dùng kháng sinh và các thuốc giảm đau chống viêm. Nên uống kháng sinh phổ rộng và dùng nước súc miệng thường xuyên vì trong túi lợi răng khôn thường có vi khuẩn kỵ khí.

Nếu mủ tụ lại thành ổ áp xe thì cần được chích rạch và dẫn lưu. Sau khi bệnh nhân hết sưng đau thì cần được nhổ răng khôn. Bệnh nhân được tiêm thuốc tê để mất cảm giác hoàn toàn ở quanh vùng răng khôn; một số trường hợp có thể gây mê nếu răng khôn kẹt hoàn toàn trong xương hàm (bệnh nhân không được ăn trong vòng 6 giờ trước khi gây mê).

Bác sĩ rạch lợi, lấy ra chiếc răng khôn nguyên vẹn hoặc phải cắt nó làm nhiều phần nếu bị kẹt vào răng số 7. Sau đó, cần làm nhẵn rìa xương ổ răng khôn, rửa sạch, sát trùng rồi khâu đóng vạt lợi. Nếu dùng chỉ không tiêu thì sau 5 ngày, bệnh nhân cần quay lại để cắt chỉ.

Điều trị khi mọc răng khôn.

Đau đầu, sưng lợi, khó nhai,… là hệ quả do việc mọc răng khôn đem lại. Để giảm bớt những phiền toái này, bạn hãy tham khảo gợi ý dưới đây để xử lý hiệu quả khi mọc răng khôn.

1. Giữ sạch vùng khoang miệng

- Khi mọc răng khôn, lợi sẽ bị đỏ và sưng và đây là thời điểm rất dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, bạn phải thường xuyên xúc miệng bằng nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%), đặc biệt là sau khi ăn.

- Sử dụng nước sát trùng: Dùng bông thấm nước sát trùng tra vào chỗ răng mọc, giữ nguyên từ 15 – 20 phút, làm 2 lần/ ngày.

2. Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau

- Trong trường hợp có triệu chứng sưng đau, sốt bạn hãy dùng kháng sinh Spiramycin, liều dùng ngày uống thành 3 lần, 2 viên/lần. Kết hợp với uống thuốc giảm đau Pẩcetamol, mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 3 lần. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần hỏi ý kiến bác sỹ.

3. Giảm đau bằng bấm huyệt

- Mọc răng khiến lợi sưng to và ảnh hưởng đến thần kinh gây đau nhức đầu. Ngoài việc uống thuốc giảm đau, bạn có thể bấm huyệt thương dương.

- Huyệt thương dương nằm ở đầu ngón tay trỏ (vị trí tiếp giáp giữa da gan ngón tay và mu ngón tay). Sử dụng hai ngón tay của tay đối diện day vào huyệt thương dương. Lưu ý: Đau răng bên nào thì bấm huyệt bên tay đó. Thực hiện động tác này liên tục sẽ giúp giảm đau hiệu quả.


4. Giảm đau bằng thảo mộc

- Dùng tỏi: Bốc 1 nhánh tỏi sau đó nghiền nát cho vào 1 chén nước nhỏ, bỏ thêm một chút muối khuấy đều. Dùng bông thấm hỗn hợp nước vào chỗ đau. Tỏi chứa chất gây tê tự nhiên, có tác dụng giảm đau rất tốt.

- Dùng lá lốt: Theo Đông y, lá lốt có tác dụng ôn trung, hạ khí và giảm đau hiệu quả. Lấy khoảng hai nắm cành và lá lốt đem rửa sạch, sau đó cho vào sắc đặc với 01 bát nước và ngậm thường xuyên.

5. Mẹo vặt giảm đau

- Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Canada đã chứng minh, tác động vào các dây thần kinh nhỏ ở khu vực mu bàn tay sẽ gây kích thích một vùng của não, ngăn chặn cơn đau. Vì vậy, chỉ cần dùng đá lạnh xoa nhẹ trên mu bàn tay, chỗ tạo thành hình chữ V giữa ngón cái và ngón trỏ sẽ giúp hạn chế cơn đau răng.

6. Lưu ý

- Trong trường hợp, bạn bị sốt cao, đau nhức kéo dài hoặc răng mọc xiên, lệch, bạn cần đến bác sỹ nha khoa, để được tư vấn về cách xử trí hợp lý. Bác sỹ sẽ chụp Xquang và cho bạn lời khuyên về việc phải trích mủ, cắt lợi trùm hay nhổ răng.

- Các phương pháp giảm đau bằng bấm huyệt, bằng thảo mộc và mẹo vặt rất có ích trong trường hợp bệnh nhân là bà bầu mọc răng khôn mà không được uống thuốc giảm đau.

(ST)



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý