Hướng dẫn trồng hoa địa lan chuẩn nhất

seminoon seminoon @seminoon

Hướng dẫn trồng hoa địa lan chuẩn nhất

12/08/2015 12:00 AM
400

ƯA ẨM NHƯNG KHÔNG CHỊU ÚNG
ƯA SÁNG NHƯNG KHÔNG CHỊU NẮNG
ƯA THOÁNG NHƯNG KO CHỊU GIÓ
ƯA XỐP NHƯNG KO CHỊU BÍ

Địa lan có tới vài trăm loài, mà hiện vẫn chưa có thống kê đầy đủ. Có loại có sắc đẹp nhưng không có hương; Một số khác có hương, nhưng hoa ngắn thấp lẫn vào lá mà người xưa gọi là cỏ rả, hoặc một số loại lá lại quá to, thân cây thô cứng, nên những loại ấy đều không được coi trọng và không được xếp vào hàng quý hiếm.

Chơi Địa lan cần phải biết giá trị các loại lan khác nhau. Những loại lan quý, hoa phải cao vượt trên lá, hoa to và có sắc thì càng quý; hoa lâu tàn, hương lan xa; lá nhỏ, ngắn và mềm mại; dò hoa vươn lên uyển chuyển, thanh cao.

Các loại lan quý hiếm thường phải có hương và đặc biệt phải nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Thông thường, một chậu Địa lan dưới mười cành có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy loại. Có thể kể một số lớn Địa lan được ưa chuộng như: Thanh Lan, Mạc Lan, Hoàng Vũ, Cầm Tố, Hoàng Điểm, Đại Hoàng, Ngân Biên, Bạch Ngọc, Trần Mộng, Đông Lan, Tứ Thời…

Địa lan có hai loại: hoa lớn (standard) và hoa nhỏ (miniature). Sau này đã ghép ra loại hoa vừa (novelty) được ghép từ hoa lớn với hoa nhỏ, và những loại hoa rũ buông thõng (pendulous) được ghép ra hầu hết từ giống địa lan Gấm Ngũ Hổ (devonianum) hay cây Lộ Hồi (aloifolium).

Hình dáng địa lan đều giống nhau, lá dài, bẹ củ, dò hoa mọc ở dưới gốc lên, nhiều giống một củ ra hai dò hoa hay nhiều hơn, và có loại ra dò hoa hai năm liên tiếp cùng một củ. Mỗi sự tăng trưởng là một giả hành mà nó được tách ra từ các bẹ hoặc củ của cây mẹ. Mỗi giả hành đều có một bộ rễ độc lập.

Đa số địa lan nở hoa vào mùa đông, xuân, nhưng sau này có nhiều loại được làm ra nở hoa vào mùa hè hoặc cuối hè.

Người xưa có câu “cửu nguyệt phân lan”, tức là tháng chín tách lan để trồng và thay đất. Tuy nhiên, nếu cứ tháng chín đưa lan ra để tách thì sẽ mắc sai lầm, vì có những loại lan vào thời điểm ấy đang ra hoa hoặc mầm đang nẩy, nếu ta tách lan, phân lan để trồng sẽ bị thui chột hoa và mầm.

Về nguyên tắc chung khi tách lan, trồng lan là phải chơi hết rồi mới tách nên chơi một dò hoa khoảng hai tuần là vừa phải. Nếu tách cây phải xem xét kỹ sức của lan và mầm nhú lan khỏe, mầm vươn dài khoảng 10cm mới tách. Tháng chín âm lịch là vào cuối thu, tiết trời mát dịu, vào thời điểm này các loại lan nở vào mùa hè như: Bạch Ngọc, Ngân Biên, Kim Biên, Tứ Thời… hoa đã tàn, mầm đã già có thể tách, san tỉa, sang chậu được thuận lợi.

Với các loại lan nở vào dịp Tết Nguyên đán như: Thanh Lan, Mạc Lan, Cầm Tố, Hoàng Lan,… thì đây là lúc cây đang ươm nụ, thậm chí có dò chăm bón tốt nụ đã trổ dài tới năm mười phân; vì vậy không nên phân lan mà chỉ cho thêm đất và bón cho chúng. Cần chú ý tuyệt đối không tưới nước tiểu thời điểm này vì mầm còn non sẽ bị xót, ắt sẽ dễ thui.

Khi trồng Địa lan không để bí đất, úng nước hoặc bị sâu rệp, lan sẽ còi cọc không phát triển hoặc thối chết. Đất càng nhẹ, làm càng kỹ càng tốt. Lớp đất trên cùng có thể to hơn các lớp đất dưới. Phần đất ấp sát củ cao trên miệng chậu để sau một thời gian tưới, đất tụt xuống dần là vừa. Nếu đất tụt xuống dưới miệng chậu, cần xếp thêm đất cho rễ và củ được mát. Chọn chậu cần chọn các chậu thoát nước, giữ được mát cho gốc cây.

Muốn cho lan tốt, khi trồng cần làm vệ sinh, bỏ hết các rễ thân thối, luôn nhặt các lá rụng phủ ở các gốc để tránh không bị rệp trú ẩn, tách bỏ các dò bị vàng lá; dùng đất bùn ao phơi khô tẩm đạm, nước tiểu hoặc nhào đất với bùn, với phân ủ rồi mới phơi khô. Hàng tuần tưới cho lan một – hai lần bằng nước gạo, nước tiểu pha loãng, hoặc lấy nước trong từ ốc, cá ngâm không có mùi ôi thối; cần có thuốc chống sâu rệp, tránh nắng hướng tây rọi vào làm táp lá.

I/. CÁC DÒNG ĐỊA LAN

1/. Thanh Lan: Thường nở vào dịp Tết Nguyên đán. Có ba loại:

Đại Thanh là loại có màu xanh trong như ngọc, dò hoa to có đường kính gần 1cm, dài 80cm đến 1m, có nhiều hoa trên một dò, nở từng bông một từ dưới lên trên, kéo dài ba tuần mới tàn. Cây Đại Thanh có lá dài trên 60 cm, xanh biếc, cây uốn cong mềm mại, hương thoảng và lan xa.

Trường Thanh có lá dài tương tự Đại Thanh nhưng mỏng hơn chút ít, nhìn kỹ cũng không xanh biếc bằng Đại Thanh, hoa dầy và nhỏ hơn Đại Thanh, hương thơm; dò hoa có đường kính khoảng 0,8cm, cao 70-80cm.

Đoản Thanh hoa và lá đều ngắn nhỏ hơn hai loại Đại Thanh và Trường Thanh; lá dài 40cm màu diệp lục nhạt hơn Trường Thanh, dò hoa chỉ cao khoảng trên dưới 40cm; hương tỏa lan xa.

2/. Mạc Lan: Các loại Mạc Lan đều nở vào dịp Tết Nguyên đán và có hương đậm, lan xa. Có hai loại chính là Đại Mạc và Mạc Biên, ngoài ra còn có vài loại mọc trên núi, có hương, lá dài hơn hai loại hoa trên.

Đại Mạc có hoa màu nâu đen (đen nhạt); lá dầy và xanh, dài 40-50cm; dò hoa cao 50-60cm.

Mạc Biên, tương tự loại Đại Mạc nhưng khác ở chỗ lá có điểm trắng ở hai mép. Các cánh hoa cũng có điểm trắng mờ.

3/. Hoàng Lan: có ba loại: Đại Hoàng, Hoàng Vũ, Hoàng Điểm.

Hoàng Điểm lại chia hai loại: Hoàng Điểm họng đỏ và Hoàng Điểm họng vàng. Hoàng Điểm họng vàng có người còn gọi là Hoàng Nhị Điểm vì cánh hoa, họng hoa có hai chấm nâu nhạt. Hoàng Điểm họng đỏ có lá dài nhưng nhỏ hơn Đại Hoàng. Dò hoa bé và thấp hơn, khi hoa nở trong họng có chấm đỏ, cành vàng. Loại này không quý bằng loại Hoàng Điểm họng vàng xẫm.

Trong ba loại Hoàng Lan thì Hoàng Vũ quý hiếm hơn cả. Hoàng Vũ có màu vàng, ngọn và cánh hoa quay theo ánh sáng cong lên như múa. Lá dài trên 40 cm, hình kiếm hơi quăn nên người ta gọi là phản kiếm. Dò hoa cao và nhỏ bằng Đoản Thanh.

Đại Hoàng lá to và dài tương tự Đại Thanh nhưng mỏng và màu lá nhạt hơn, về mùa hè hơi hanh vàng. Hoa thưa, mới nở màu xanh nhạt, khi nở hết màu vàng.

4/. Lan Cầm Tố: dò hoa cao từ 1-1,2m, đường kính to trên dưới 1cm. Có nhiều bng hoa trên một dò hoa. Màu hoa xanh, họng vàng, viền trắng mờ ở trên hai mép cánh. Lá bản to hơn lá Đại Thanh, dài từ 80-100cm. Hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt hoa thưa, mịn màng đẹp như màu tơ thiên tạo, hương thơm nhẹ nhàng hấp dẫn.

5/. Lan Ngân Biên: lá nhỏ uốn cong mềm mại, hai mép lá có viền trắng; hoa vượt cao trên lá, có hương thơm lạ; chiều dài của lá khoảng 40 cm, chiều rộng 1cm vút nhỏ dần. Hoa nở vào đầu thu. Có một loại lan giống lan Ngân Biên chỉ khác lá cứng hơn thường trổ thẳng như lưỡi lê, đó là lan Kim Biên không giá trị bằng Ngân Biên.

6/. Lan Bạch Ngọc: là loại lan có hoa trắng nở vào cuối hè, lá to và ngắn hơn Ngân Biên chút ít.
Có hai loại Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Đại Diệp và Bạch Ngọc Tiểu Diệp. Loại Đại Diệp lá và hoa to hơn so với loại Tiểu Diệp, ngoài ra còn một loại Bạch Ngọc có tên gọi Bạch Ngọc Chân Hương, hoa có chấm như tàn hương phẩy vào, loại này có củ to như củ hành ta, du nhập từ Trung Quốc sang Việt Nam từ lâu nên rất hiếm. Hoa nở vào mùa hạ, hương thơm lạ thường và bay xa.

7/. Lan Trần Mộng: là loại có dò hoa dài, màu nâu nhạt, nở vào mùa đông sang tới đầu xuân; lá dài và to ngang với lá cầm tố nhưng thon hơn và không bóng.

8/. Đông Lan: là loại lan có hoa nở vào mùa đông, lá giống lá Thanh Trường nhưng không mềm mại, uyển chuyển như Thanh Lan, hoa đốm nâu vàng.

9/. Lan Tứ Thời: có hoa nở bốn mùa, nhưng rộ hơn vào mùa xuân; lá nhỏ và dài như lan Kim Biên nhưng không có diềm trắng ở mép lá; màu hoa nâu nhạt hơi ngả sang vàng mờ. Hoa thấp, nhưng hương rất thơm…

II. CẤU TẠO CỦA ĐỊA LAN

1/. Rễ của địa lan

Rễ của địa lan Châu Á rất ít khi phân nhánh do vậy rễ không đan xen vào nhau. Thân cây mới thường rất ngắn, 2 – 3cm và hẹp 1,5cm. Thân cây đỡ nhiều lá, chúng phân nhánh từ mặt chậu.

Giả hành đóng vai trò là nơi dự trữ nước và chất dinh dưỡng chính cung cấp cho cây. So với các loại lan khác, giả hành của địa lan nhỏ và không thể dự trữ được nhiều nước, nên cần phải tưới nước thường xuyên trong suốt quá trình sinh trưởng.

2/. Lá của địa lan

Lá của địa lan gần như quan trọng hơn cả hoa. Lá cây có thể rất dày và dài phụ thuộc vào các loài.

Hầu hết lá cây phẳng nhưng một số có hình bầu dục như “Tu Er Lan” (Lan tai thỏ).

Một số biến thể khác bao gồm lá cong, vặn và xoắn, nhưng điều quan trọng nhất đối với những người sưu tập lan là đó là những hình thái của biến thể khảm (điểm nhiều đốm màu khác nhau).

Biến thể khảm đã xuất hiện qua quá trình tiến hoá và tiến xa hơn qua quá trình lai tạo. Những biến thể đó có thể được phân loại thành vài loại dựa vào hình mẫu của biến thể và màu sắc. Biến thể khảm được coi là các biến thể mạnh mẽ và rất có giá trị.

3/. Hoa của địa lan

Hoa của cây địa lan Châu Á thường nhỏ, khi so sánh với hầu hết các loài địa lan khác. Ngồng hoa có thể cao gấp 2 lần chiều cao của cây. Số hoa, hình dáng hoa, hương thơm và thời gian tàn của hoa thay đổi tuỳ từng loài.

Các biến thể được đặt tên dựa vào màu sắc của hoa. Các loại hoa có thuần 1 màu là có giá trị nhất.

II. ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN CỦA ĐỊA LAN 

Trong việc trồng địa lan Châu Á, cho dù nó được trồng trong nhà kính, trồng dưới ánh đèn hoặc bên ngoài khí hậu ôn hoà, cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến chất trồng, chậu trồng cây và các điều kiện phát triển.

1/. Chậu trồng

Sức sống của Địa lan Châu Á biểu hiện ở bộ rễ rất dài và khoẻ mạnh. Nên phải chọn chậu phù hợp với kích cỡ và hình dáng của cây và không được kìm hãm nó. Chậu phải là nơi để cho cây phát triển mới, nhưng cần phải hạn chế sự phát triển rộng ra của bộ rễ.

Chậu trồng mà sâu sẽ thúc đẩy sự phát triển rễ và giúp cây khỏe mạnh.

Chậu vừa sâu vừa rộng giúp cây phát triển nhiều chồi cây, nhưng hoa sẽ ít và yếu.

Chậu sâu và hẹp sẽ thúc đẩy việc cho ra những cành hoa hoa cao, khoẻ mạnh và những bông hoa đầy sức sống.

Người trồng lan Châu Á sử dụng các loại chậu đặc biệt để kìm hãm sự phát triển của rễ theo bề rộng, giúp rễ phát triển theo chiều sâu của chậu và duy trì sự thông thoáng. Chậu trồng đã có sự cải tiến để có thể hoàn toàn cân xứng hài hoà với cây lan.

Tại Hàn Quốc, chậu có hình ống, hẹp ở giữa, miệng loe ra và có các lỗ thông hơi bên cạnh chậu cũng như dưới đáy bình.
Tại Trung Quốc, chậu có thể hình vuông hoặc hình ống, có lỗ thoát nước bên cạnh chậu và có đôn để kê chậu lan.
Tại Nhật Bản, chậu thường đơn điệu, hình ống với miệng chậu loe và 3 chân.

Hiện nay có các loại chậu bằng nhựa của Đài Loan và Nhật Bản, một số có thể tháo lắp được để dễ dàng kiểm tra rễ của địa lan và có các lỗ thông thoáng bên cạnh.

Khi dùng các chậu gốm sứ mới mua về nên ngâm chúng trong nước vài ngày trước khi trồng cây để ngừa việc đất sét hút ẩm của chất trồng và kìm hãm sự phát triển của cây địa lan. Chậu tráng men cần phải được rửa sạch nhằm loại bỏ các chất bẩn, sáp hoặc chất đóng gói.

2/. Chất trồng

Chất trồng cần phải có độ thoát nước tốt, xốp – thoáng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chống thối rễ. Thường chất trồng phải là một hỗn hợp (vỏ thông + than củi + đá).

Đá phải chuẩn – được rửa sạch, chọn đá nhỏ cỡ sỏi hạt đậu. Khi trọng lượng là mối quan tâm, thì thay thế bằng đá trân châu thô. Đổ hỗn hợp vào trong một cái khay lớn và lắc đều để lựa ra kích cỡ của các hạt chất trồng.

Lót sỏi hạt đậu dưới đáy chậu. Sau đó bắt đầu với hỗn hợp thô bên trên và dùng chất trồng mịn hơn nhồi vào trong chậu.
Cách mặt chậu khoảng 3cm, nên cho hỗn hợp (đá trân châu, than củi và vỏ thông). Nên dùng chậu gốm hoặc chậu có lỗ thông hơi bên cạnh, sử dụng đến 20% dương xỉ sợi để duy trì độ ẩm.

3/. Ánh sáng

Mức độ chiếu sáng rất quan trọng đối với sự phát triển của địa lan. Địa lan cần nhiều ánh nắng. Ánh sáng mới là thức ăn chính cho cây cỏ bông hoa, còn phân bón chỉ là thuốc bổ.

Địa lan vẫn ra hoa không cần phân bón, nếu đầy đủ ánh sáng, nhưng nếu có phân bón thì sẽ có nhiều hoa hơn.

Nhiều ánh sáng sẽ dễ ra hoa, có nhiều hoa hơn và mầu sắc sẽ trung thực hơn. Nhưng phải che lưới để phòng bị cháy lá, nhiều ánh sáng quá mức sẽ làm hư hại lá cây và đặc biệt đối với các loài biến thể. Thiếu ánh sáng cây sẽ yếu ớt và phát triển không bình thường, sẽ làm cho hoa nhạt đi.

Không thể nuôi thổ lan ở trong nhà hoặc ở những nơi rợp mát.

Mùa hè, nếu trồng cây ở nơi có ánh nắng, cần che bớt ở mức 50-70%. Những loài địa lan xuất xứ từ vùng núi cao hơn tỉ lệ che sáng cần phải cao hơn.

Mùa đông, độ che sáng cần ở mức 20-50%. Bởi trong môi trường có độ che phủ này, cây địa lan Châu Á sẽ là ứng viên xuất sắc để phát triển dưới ánh sáng tán xạ, khó khăn duy nhất là vấn đề duy trì độ ẩm cao.

4/. Nhiệt độ

Nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển của Địa lan là 20-30oC. Ban ngày 27-32°C, ban đêm 10-15°C. Tuy nhiên, các loại khác sẽ phát triển lý tưởng ở các mức nhiệt độ khác.

Thổ lan cần nhiệt độ thay đổi ngày nóng, đêm lạnh. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm là 100C để ra hoa.

Sự kìm hãm tăng trưởng gây ra bởi nhiệt độ mùa hè cao được biểu hiện ở những mầm cây cằn cỗi không ra hoa trong mùa tiếp theo. Khi sống trong khí hậu có nền nhiệt độ mùa hè có thể lên đến 300C cần phải tăng độ thông thoáng và sử dụng hệ thống phun sương tự động hoặc hơi mát để gia tăng độ ẩm và giữ cho nhiệt độ giảm xuống.

3/. Độ ẩm

Thổ lan cần độ ẩm từ 40-70%, mùa hè cần tưới nước xuống đất hay phun sương vào buổi sáng hay chiều để tăng thêm độ ẩm.
Có 2 thời kỳ phân biệt rõ ràng cho cả hai việc tưới nước và kiểm soát độ ẩm.

Suốt những tháng nghỉ đông, từ T10 – T3, độ ẩm cần được kiểm soát ở mức 40-60%.

Trong suốt thời kỳ tăng trưởng, giữa T4 – T9, độ ẩm cẩn phải được duy trì trên 80% , kết hợp với duy trì sự lưu thông không khí.
Người trồng cây trong nhà cần phải nâng độ ẩm bằng cách sử dụng các khay nước đặt dưới đáy chậu cây.

Người trồng cây ngoài trời, sử dụng mái che thuận tiện cho việc che sáng có thể kết hợp tưới buổi sáng với phun sương ẩm suốt cả ngày để gia tăng độ ẩm xung quanh cây. Khi sử dụng cách này cần lưu ý trong suốt thời kỳ cây lên mầm mới. Nước có thể đọng tại mầm cây và đó là nguyên nhân thối mầm và chết mầm cây.

Thổ lan cần tưới nước mỗi tuần một lần, nhưng mùa hè cần tưới nhiều hơn, không nên để cây bị thiếu nước lúc cây đang phát triển, khi cây đã ngưng tăng trưởng bớt tưới nước, nhưng đừng để cây bị khô rễ, sẽ làm cho cây bị khựng lại, và có thể sẽ không ra hoa.

6/. Sự thông thoáng

Tất cả các loài Địa lan Châu Á đều ưa sự thông thoáng. Kém thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, sâu bọ phá hoại và chất trồng chóng hoai mục.

7/. Bệnh thối rễ ở địa lan

Bệnh thối nhũn rễ địa lan có nguyên nhân là do trời mưa nhiều, ẩm ướt nên các củ giống không chịu nổi. Tình trạng lây lan bệnh rất nhanh.

8/. Thay Chậu

Trước khi thay chậu hay chia cây, nên ngâm các vật liệu trong nước nhiều giờ, tuy gọi là thổ lan nhưng không nên trồng với đất hay dưới đất, vì dễ bị ứ nước sẽ dễ bị thối rễ.
2-3 năm thay chậu một lần – nếu trồng bằng vỏ thông
4-5 năm một lần – nếu trồng bằng vỏ dừa.

Vỏ thông vừa ½” (medium grade) 4 phần vỏ thông, 1 phần perlite
Vỏ thông lớn ¾” (large grade) 4 phần vỏ thông, 1 phần perlite
Vỏ dừa vừa ½” (medium grade) 4 phần vỏ dừa, 1 phần perlite
Vỏ dừa lớn ¾” (large grade) 4 phần vỏ dừa, 1 phần perlite
Khi dùng vỏ dừa nên ngâm cho thật kỹ, khi nào không còn thấy đậm như nước trà nữa thì dùng sẽ tốt hơn.

9/. Chăm sóc

Không nên để hoa tàn hết trên cành, nếu còn khoảng 2-3 nụ thì nên cắt xuống rồi cắm vào trong những bình hoa, nếu để tàn hết trên cành sẽ làm cho cây yếu đi, sẽ khó ra hoa cho mùa tới.

Hoa tàn là thời gian tốt nhất để thay chậu hay chia cây.

Cắt bỏ rễ khoảng 2-3” inch từ đáy chậu, lấy hết vật liệu cũ ra, cắt bỏ những củ già không có lá và tỉa bỏ những rễ chết.
Khi tách ra làm nhiều phần, nên giữ tối thiểu 3-5 nhánh, những củ già không lá, rửa sạch để cho ráo nước rồi bỏ vào bao nylon, buộc miệng kín lại rồi để vào chỗ rợp mát, khi nào củ mọc mầm và rễ rồi sẽ trồng lại.

Khi trồng, lựa chậu đủ chỗ cho lan mọc trong 2-3 năm, cách mép chậu khoảng 2-3” inch, đặt củ già gần mép chậu, để ý hướng cây mọc, chừa cho chỗ mầm non mọc lên, bỏ vỏ cây hay vỏ dừa vào rồi nén cho thật chặt, tưới B1 pha 1 thìa súp cho 1 gáo nước, xong rồi để vào chỗ rợp mát 2-3 tuần mới tưới.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý