Hướng dẫn trồng cây đậu xanh cho năng suất cao

seminoon seminoon @seminoon

Hướng dẫn trồng cây đậu xanh cho năng suất cao

12/08/2015 12:00 AM
742

1. Thời vụ

- Vụ Đông Xuân: Gieo từ tháng 12 đến tháng 01 dương lịch năm sau.

- Vụ Hè Thu: Gieo từ 15/5 đến 15/6 dương lịch.

2. Chuẩn bị đất trồng

Đất trồng đậu xanh yêu cầu phải làm tơi xốp nên cần phải cày bừa kỹ và dọn sạch hết tàn dư cây trồng vụ trước. Cây đậu xanh không chịu ngập úng, vì vậy tùy địa thế mà chọn biện pháp làm đất như là đánh luống tỉa lan hoặc gieo theo hàng. Nhưng nên gieo đậu xanh theo hàng để thuận tiện cho việc chăm sóc.

Làm luống: Lên luống tạo rãnh để dễ dàng cho việc đưa nước vào ruộng, đồng thời tạo đường đi lại cho người chăm sóc. Ở điều kiện đất phù sa, đất cát pha có thể lên luống thành từng băng rộng 5-7m. Ở các loại đất thịt khó thoát nước, cần lên luống với tỷ lệ rãnh lớn. Thường luống rộng 1,5-2m, rãnh rộng 25-30cm, sâu 25cm.

3. Giống và mật độ

- Dùng giống đậu xanh cao sản có tiềm năng năng suất cao, ổn định được thị trường ưa chuộng như ĐX 208, V87, V123

- Thời gian sinh trưởng đối với giống đậu xanh cao sản

+ Vụ Đông  Xuân: 65-70 ngày

+ Vụ Hè Thu: 60-65 ngày

- Lượng giống cần cho 1 sào (500m2): Tỉa theo hàng từ 1,0-1,2kg; sạ từ 1,2-1,5kg. Trước khi tỉa phơi nắng nhẹ để kích thích hạt nảy mầm.

- Khoảng cách trồng (tỉa theo hàng): Vụ Đông Xuân 30-35cm x 12-15cm; Vụ Hè Thu 35-40cm x 12-15cm, (tỉa hạt khô từ 2-3 hạt/hốc, để lại 2 cây/hốc).

- Tuỳ theo thời vụ có thể tỉa hạt sâu từ 2 – 3cm.

4. Bón phân

* Lượng phân bón cho 1 sào (500m2):

- Phân chuồng hoai mục 500kg hoặc phân hữu cơ vi sinh: 50kg;                           

- Ure: 5kg                                           - Kali clorua: 5kg           

- Vôi 25kg;                                         - Lân Super: 20kg           

* Cách bón: Không nên bón phân một lần như nhiều bà con vẫn làm mà nên chia làm 3 lần bón (riêng vôi phải bón trước, rải đều trên ruộng trước khi cày bừa lần cuối):

- Lần thứ nhất (bón lót): Bón lót rải đều theo hàng. Trước khi gieo hạt cần lấp nhẹ lớp đất để tránh hạt tiếp xúc trực tiếp với phân. Bón toàn bộ phân chuống (hoặc phân hữu cơ vi sinh: 50kg) và lân (20kg).

- Lần thứ 2 (bón thúc đợt 1): Bón khi cây được 3 lá thật (sau gieo 10-15 ngày). Lượng phân bón là  2,5kg urê và 2kg kali. Rải phân dọc theo hàng, cách xa gốc ít nhất 10cm, kết hợp bón thúc đợt 1 với xới xáo làm cỏ lần đầu.

- Lần thứ 3 (bón thúc đợt 2): Bón sau khi gieo 30-35 ngày, ta tiến hành bón thúc ra hoa toàn bộ lượng phân còn lại (2,5kg urê và 3kg kali) và kết hợp với làm cỏ, vun gốc.

5. Chăm sóc

- Giặm hạt ở những hốc hạt không nảy mầm bắt đầu 4-6 ngày sau khi gieo (khi mầm vừa nhú lên mặt đất).

- Tưới nước: Đậu xanh là cây trồng chịu hạn tốt nhưng cũng phải giữ ẩm thích hợp để cây phát triển tốt. Cây con chịu úng kém. Lúc đậu ra hoa có thể tưới tràn nhưng tránh úng gốc. Cây đậu lúc gieo và ra hoa cần đủ độ ẩm để hạt mọc đều, ít rụng hoa, tỷ lệ đậu quả cao, hạt mẩy và chắc.

6. Phòng trừ sâu bệnh

          6.1. Sâu xám (sâu đất)

Sâu gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con, gặm lá non lủng lổ, khuyết mếp lá và cắn đứt ngang gốc cây con. Sâu gây hại lúc trời mát chủ yếu ban đêm.

          Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Kayazinon 5G,10G, Padan 4H, Basudin 10H kết hợp diệt tuyến trùng.

6.2. Giòi đục thân

Giòi gây hại ở giai đoạn cây con, cây bị hại nếu xẻ đôi thân phần gốc sẽ thấy giòi. Rải một trong các loại thuốc: Regent 0.3G, Kayazinon 5G,10G, Padan 4H, Basudin 10H  làm 2 đợt: đợt đầu khi tiến hành gieo hạt và đợt 2 từ 5-7 ngày sau mọc. Ngoài ra cần phun thuốc diệt ruồi đẻ trứng trên đợt cây non.

6.3. Sâu khoang

Sâu khoang là loài ăn tạp, nó ăn lá hoa quả đậu xanh, ngài cái sâu khoang thường đẻ trong 6 ngày liền, trứng nở sau 3-4 ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ. Thời gian sinh trưởng sâu non chừng 3 tuần, nó trải qua 6 tuổi. Ảnh hưởng thuốc sâu rất mạnh khi sâu ở tuổi 1-2, khi sâu lớn, dường như kháng tất cả các loại thuốc. Sâu non ban ngày núp dưới đất và ăn vào ban đêm Vì vậy, phun thuốc vào chiều tối và phun khi sâu ở tuổi 1, 2 mới mang lại hiệu quả.

Có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Padan 95SP, Sherpa 25EC, Cyperan 25EC.

6.4. Sâu đục quả

Trứng của sâu đục quả, đục thân được đẻ đơn lẻ trên các chồi non, nụ hoa hoặc quả. Sau khi nở sâu non phá hại búp non, nụ, hoa và quả , sâu đục vào thân cắn điểm sinh trưởng làm rỗng thân, đứt núm rụng quả, thối quả, chồi héo, cây chết.

Sâu non gây hại kéo dài 11- 13 ngày, đẩy sức dài khoảng 16-18mm và chui ra khỏi quả, thân để hoá nhộng. Hầu hết sâu đục thân, đục quả hoá nhộng trong đất hoặc lá gốc thân sát mặt đất.

Khi phun trừ có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Padan 95SP, Polytrin P440 ND, Sherpa 25EC, Cyperan 25EC, Alphan 5EC. Để đạt hiệu quả cần theo dõi phát hiện sớm, phun thuốc khi sâu vừa mới nở, sâu ở tuổi 1,2.

6.5. Rệp mềm (rệp đen)

Rệp trưởng thành và rệp non bám ở tất cả các bộ phận của cây đậu: thân, cành, nhánh, lá, hoa, quả. Rệp dùng ngòi châm qua lớp biểu bì để hút dịch cây làm cho lá phát triển không bình thường, quăn queo, úa vàng dần, ngọn cây rụt lại không phát triển chiều cao nữa, làm năng suất, sản lượng giảm rõ rệt. Ngoài ra, rệp còn tạo điều kiện gây nên bệnh muội đen và môi giới truyền bệnh virus (bệnh khảm).

Khi phun trừ có thể dùng một trong các lọai thuốc như: Actara 25WG, Trebon 10EC, Bassan 50EC.

6.6. Giòi đục lá

Ruồi đẻ trứng trong mô lá, trứng nở ra sâu non (giòi), giòi có hình ống, đầu thon nhỏ màu trắng sữa, giòi đục ăn nhu mô lá tạo thành những đường hầm ngoằn ngoèo.

Khi phun trừ có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Sherpa 25EC, Regent 800WP.

6.7. Nhện đỏ

          Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ 0,2-0,3mm. Nhện đỏ sống ở cả hai mặt lá, thường tập trung dọc hai bên gân chính của lá, di chuyển chậm chạp. Nhện gây hại làm lá đậu chuyển thành màu hung đỏ. Tại nơi chúng sống có thể có một lớp mạng nhện bao phủ được tạo bởi các sợi tơ ngắn và mảnh. Nhện dùng vòi hút dạng kim châm hút dịch cây làm cây sinh trưởng kém, lá cây bị hại biến màu nâu lốm đốm đến màu tím đồng, trên mặt lá có nhiều bụi bẩn màu trắng xám. Cây bị hại nặng mép lá non cong lên, lá rụng dần, năng suất bị giảm nghiêm trọng.

Khi phun trừ có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Ortus 5EC, Suparcide.

6.8. Bệnh lở cổ rễ

- Triệu chứng: ở cổ rễ có một lớp sợi trắng, cây bị vàng úa và bị chết. 

- Biện pháp phòng trừ: Xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm trước khi gieo. Phun thuốc Validacin hoặc Anvil lúc cây non để phòng bệnh lở cổ rễ.

          6.9.  Bệnh héo xanh (chết ẻo)

Bệnh do vi khuẩn gây ra. Cây bị bệnh ban ngày lá héo rũ, có màu xanh tái, đến tối thì phục hồi được, sau thời gian khoảng 3-4 ngày cây chết hoàn toàn. Khi chết rễ có màu đen và thối.

          Phòng trừ:  Nhổ bỏ cây bị bệnh sớm, tránh sự lây lan cho cây khác. Sử dụng thuốc: Staner 20WP.

6.10. Bệnh khảm vàng

Bệnh này do virut gây hại và rệp mềm, rầy xanh là môi giới truyền bệnh, cây đậu bị bệnh khảm vàng thường ít hoa, quả chín muộn, số quả trên cây, số hạt trên quả và trọng lượng hạt đều giảm. Nếu cây nhiễm bệnh trước 7 tuần tuổi năng suất giảm từ 20-70%, nhưng sau 8 tuần thì không ảnh hưởng tới năng suất.

 Phòng trừ bệnh khảm vàng: Biện pháp hữu hiệu là trồng giống kháng. Đối với những giống có khả năng chống chịu tốt cũng phải được chọn lọc lại ít nhất là sau 4 vụ gieo trồng. Khi trên ruộng xuất hiện cây bệnh, cần kịp thời nhổ bỏ, dùng thuốc diệt trừ rầy, rệp như đã nêu trên.

6.11. Bệnh đốm lá

Tác nhân do nấm Sercostora gây ra. Bệnh đốm lá hại tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây và bệnh xuất hiện khá muộn. Xuất hiện khi cây ở giai đoạn hình thành nụ đến gần tới khi thu hoạch.

          Biện pháp phòng trừ bệnh đốm lá: Dùng một trong các loại thuốc sau để phun: Anvil 5SC, Ridomil 68WP, 72WP, Bavistin 50FL… Thời gian phun thuốc phòng bệnh là 20-40 ngày sau gieo.

Tóm lại: Đối với sâu bệnh hại đậu xanh cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như dùng giống sạch bệnh, bón phân cân đối hợp lý, xử lý hạt giống trước khi gieo, sử dụng các loại thuốc hoá học đúng đối tượng và thời điểm.

6.12. Bệnh gỉ sắt  

Bệnh hại chủ yếu trên lá già, lúc đầu là một điểm nhỏ màu hơi vàng hay màu vàng chanh hơi nổi gờ, sau đó vết bệnh to dần, biểu bì nức vở để lộ bào tử hạ màu nâu, màu gỉ sắt, xung quanh vết bệnh có quầng vàng hẹp. Bệnh nặng làm lá khô cháy.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Anvil 5SC, Bavistin 50FL.

7. Thu hoạch

Khi có 20%-30% số quả chín thì bắt đầu thu hoạch. Khi thu hoạch chỉ hái những quả chín chuyển màu nâu, nên thu trái vào buổi chiều, tránh thu vào buổi trưa những quả chín khô sẽ bị bung ra làm tỷ lệ hao hụt cao.

Quả đậu xanh sau khi thu hoạch về đem phơi khoảng 2-3 nắng cho giòn vỏ rồi  đập tách lấy hạt làm sạch bụi, hạt được phơi tiếp 1-2 nắng và cho vào bao hoặc chum vại để bảo quản./.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý