Trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê và hoa văn

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Trang phục truyền thống của dân tộc Ê Đê và hoa văn

30/09/2015 12:00 AM
217

Trang phục của người phụ nữ Ê đê thường được trang trí những hình tượng của thiên nhiên như lá cây dương xỉ, con bò cạp ấp con, trứng thằn lằn, con rùa, trứng đại bàng, con rồng đất… Họ đã chắt lọc, sáng tạo, mô phỏng, cách điệu theo tâm thức, tưởng tượng, ước lệ các họa tiết được sắp xếp bởi một nét chữ V tạo thành nét cơ bản trong trang trí hoa văn, như: đường diềm bằng nhiều nét chữ V ghép lại tạo thành, hoặc xếp hai chữ V ngược chiều nhau tạo thành hình thoi, hoặc sử dụng các hình vuông, hình chữ nhật ghép lại, được ước lệ tối đa.

Trang phục phổ biến là loại áo che nửa thân (áo chui đầu), tay áo dài, hẹp, cổ áo hình thuyền, vừa ngang vai, thường dệt hoa văn trên nền đen hoặc màu sẫm. Phần gấu áo và gấu tay áo được dệt tỉ mỉ công phu bằng họa tiết hoa văn sinh động, mô tả động vật, thực vật và các hiện tượng trong thiên nhiên rất gần gũi quen thuộc với công việc lao động hàng ngày. Loại áo này người phụ nữ Ê đê gọi chung là áo Đếc anăkđrai (áo hoa văn rồng) thường hay mặc trong các lễ hội hoặc khi cưới chồng.

Yêng (váy) là một tấm vải lớn màu đen hoặc sẫm chàm quấn quanh thân từ eo hông xuống phủ kín mắt cá chân, phần gấu Yêng và phần ngang gối được trang trí như ở áo. Căn cứ vào dải hoa văn, người Ê đê chia ra hai loại yêng khác nhau như: Myêng Đếc, yêng hoa văn rồng; còn loại Myêng Bơng là loại yêng được dệt thô nhám, hoa văn dệt đơn giản hơn hoặc không có hoa văn, thường mặc khi lao động trên nương rẫy hay ở nhà.

Về mặt kết cấu hình thể thì thể hiện tính đa dạng từ nét thẳng đến nét cong, đường gấp khúc, lượn sóng… Các họa tiết mô phỏng được sắp đặt sát nhau, biến hóa liên tục và nối nhau liên tiếp, khi thì đứng độc lập, có lúc chia đôi, khi nét đơn, nét kép, có khi lại được bố cục nguyên một mảng liên tiếp tạo nên những bất ngờ thú vị trong nhịp điệu bố cục, như: hoa văn trứng chim đại bàng được mô phỏng cách điệu bố cục theo mảng  hình thoi lớn, trong đó có bốn hình thoi nhỏ nằm xếp cân xứng. Hay hoa văn  con rùa, hình thoi lớn là mình rùa, hình thoi nhỏ là đầu rùa; các họa tiết hình chữ V là chân rùa. Hoa văn con nai bố cục bằng những đường nét, hình chữ nhật nhỏ ghép lại với nhau thành con nai chắc khỏe, hai sừng Nai bằng hai chữ V tạo thành. Hoa văn trứng chim cút là những hình thoi lồng vào nhau. Hoa văn hình người bằng hình vuông nhỏ và hình thoi tạo thành. Hoa văn con voi: họ cách điệu, khái quát thành những mảng hình chữ nhật ghép lại với nhau tạo thành. Hoa văn con rồng đất, được ước lược, cách điệu bằng những ô hình thoi nối tiếp nhau và xen kẽ giữa là những đường chữ V nối nhau kéo dài, nhìn vào ta liên tưởng ngay đến con rồng đang uốn lượn… Tất cả được sắp xếp bố cục hoàn toàn đăng đối qua trục ngang.

Cách sử dụng màu có phần hạn chế, chỉ có 4 mầu cơ bản: đen, đỏ, vàng, xanh. Nhưng chính nhờ cái hạn chế về màu sắc mà phụ nữ Ê đê đã sử dụng màu một cách nhuần nhuyễn, các cặp màu tương phản mạnh như: đỏ+đen; đỏ+trắng; đỏ+vàng; đen+trắng; (về sau có thêm xanh+đỏ; xanh+đen; xanh+trắng; tím+vàng; tím+đen; tím+đỏ). Tương phản về sắc loại và tương phản sắc độ làm tôn đẩy lẫn nhau nhưng không gây cảm giác lòe loẹt, chói mắt.

Người Ê đê quan niệm, trong đời sống, màu đỏ biểu hiện là huyết của các linh vật hiến sinh, màu lửa trong các lễ hội, đồng thời còn tượng trưng cho sự tái sinh, sức mạnh tinh thần và lòng nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng, là sức mạnh chung của cộng đồng. Vì vậy đối với họ, tất cả sự vật hiện tượng trong thiên nhiên và ngay cả những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra đều có linh hồn, do đó mỗi đường nét, hình mảng và cách phối mầu mạnh bạo, hợp lý đều mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện  niềm tin vào các  thần linh như hoa văn hình mặt trăng - chính là biểu tượng của nam thần; hoa văn con voi cũng là biểu tượng linh vật thiêng của cộng đồng dân tộc Êđê nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý