Cách làm lành vết thương không đơn giản

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Cách làm lành vết thương không đơn giản

08/10/2015 12:00 AM
413

Nhiễm trùng có thể nhân đôi, nhân ba mức độ tổn thương, làm vết thương lâu lành và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác

Sau chuyến du xuân dài ngày, anh N.V.T (27 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) phải vội vào viện vì cứ bị sốt, chóng mặt - triệu chứng mà anh cho là do nhiễm bệnh trên chuyến xe đường dài vào Nam. Ai ngờ, các bác sĩ (BS) lại chỉ ra nguyên nhân là mấy vết thương trên chân anh do ngã xe 2 tuần trước. Lúc đó, chỉ nghĩ là tổn thương ngoài da nên anh cứ để vậy đi tiếp, không biết rằng bụi đường trong chuyến “phượt” đã khiến nó nhiễm trùng.

Bôi, đắp tùy tiện: Rất nguy hiểm!

Cách đây không lâu, một thanh niên tự chữa vết phỏng pô xe máy đang mưng mủ bằng cách… nhỏ sáp nến vào vết thương nên bị hoại tử nặng, anh phải vào Bệnh viện (BV) Trưng Vương cấp cứu trong tình trạng nguy ngập. Bệnh nhân trải qua vài lần mổ cắt lọc vùng hoại tử mới tạm ổn. Nhưng sau đó, khi bệnh nhân chuyển đến một BV khác gần nhà để chữa trị tiếp thì tình trạng nhiễm trùng tái diễn nặng hơn dẫn đến tử vong.

Theo các BS, có rất nhiều nguyên nhân khiến một vết thương hở bị nhiễm trùng. Nó có thể do vật gây ra vết thương bẩn, xử lý không đúng khi mới bị thương, để vết thương tiếp xúc với môi trường không sạch… Nhiễm trùng không chỉ làm vết thương lâu lành mà còn là nguyên nhân khiến những vết thương “chẳng đáng gì” gây hậu quả nghiêm trọng.

Giữ vệ sinh và thay băng đúng cách rất quan trọng trong quá trình chăm sóc vết thươngẢnh: ANH THƯ

Giữ vệ sinh và thay băng đúng cách rất quan trọng trong quá trình chăm sóc vết thương Ảnh: ANH THƯ

Tại các BV, phòng khám, một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng khiến BS phải lắc đầu là những thứ “thuốc bôi” được sử dụng vì nghe truyền miệng như: nước mắm, dầu gió, xà bông bột, kem đánh răng, kem dưỡng da các loại, cây cỏ không rõ nguồn gốc… “Nhiều lần tôi phải ngồi gắp từng sợi thuốc lá vụn ra khỏi vùng bị thương bởi chỉ cần sót thì đó sẽ là dị vật khiến vết thương nhiễm trùng về sau” - BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, kể.

Không chỉ BS tây y mà nhiều thầy thuốc đông y cũng ngán ngẩm khi bệnh nhân tự ý sử dụng các loại lá để đắp, bó mà không hiểu hết về chúng. “Đối với những vết thương nhỏ, không sâu, trầy xước ngoài da, có rất nhiều phương pháp, bài thuốc đơn giản để xử lý. Tuy nhiên, nếu muốn trị theo đông y thì phải bảo đảm dùng đúng cách các phương thuốc đó” - lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, khuyến cáo.

Cần điều trị đúng quy trình

Theo lương y Đinh Công Bảy, khi điều trị vết thương cần tuân theo quy trình: cầm máu, sát trùng, xử lý để vết thương mau lành và chống sẹo. Ở giai đoạn cầm máu, các thầy thuốc đông y hay sử dụng cỏ mực, bột gạo, lá trắc bá diệp… nhưng phải qua xử lý (ví dụ bột gạo phải đảo sơ để nguội, cỏ mực phải rửa sạch bằng nước muối rồi giã nát) nên nếu đang bị thương giữa đường hoặc không rõ cách xử lý các vị thuốc này thì nên dùng một miếng gạc sạch ép chặt vết thương cho đến khi máu ngưng chảy. Sau khi cầm máu, nên sát trùng vết thương. Nhiều người hay xé thuốc lá để đắp lên vết thương nhưng điều này không cần thiết, thậm chí còn gây phiền toái vì thuốc lá có thể chứa nhiều loại hóa chất có hại. Có thể dùng nhiều bài thuốc đông y phổ biến vào mục đích này như lá trầu rửa sạch đất cát nấu sôi để nguội, lá tía tô hoặc rau cần tây rửa sạch bằng nước muối rồi giã nát, lá dâu tằm chiên trong dầu mè cho tan diệp lục tố… Tuy nhiên, nếu không rành cách dùng và không sẵn điều kiện để thực hiện đúng thì có thể sử dụng một thứ khá đơn giản để rửa vết thương là nước muối sinh lý (nồng độ 0,9%). Ngoài ra, dân gian cũng thích dùng nghệ vốn là một dược liệu có tính sát trùng, chống sẹo tốt nhưng nên lưu ý không sử dụng quá sớm bởi ở vết thương hở, nhất là khi chưa cầm máu hẳn, sẽ làm gia tăng tình trạng xuất huyết.

Quay lại vấn đề nhiễm trùng, BS Đỗ Trọng Ánh đề nghị cần hết sức chú ý trong giai đoạn làm sạch vết thương vì nếu để sót bụi bẩn, nhựa đường, các loại cỏ lá… bám trên vùng tổn thương thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Khi vệ sinh vết thương hằng ngày nên cẩn thận và nhẹ tay, đừng làm tổn thương các lớp mô, da non vừa được tái tạo; lúc thay băng nên thấm nước ấm rồi nhẹ nhàng gỡ ra để tránh tổn thương thêm.

Thấy vết thương sưng đỏ, mưng mủ... nên đến bác sĩ

Gạc y tế sạch và dầu mù u là 2 thứ được các chuyên gia đông - tây y khuyến cáo sử dụng cho những chuyến đi xa hoặc để sẵn trong nhà để phòng tình huống té ngã. “Dầu mù u là một dược liệu rất tốt để điều trị vết thương. Bôi lên vết thương sau khi làm sạch để sát trùng hoặc bôi lên vết phỏng sau khi đã làm mát với nước. Ngoài ra, có thể dùng dầu này như một loại thuốc giúp vết thương mau lành và chống sẹo hữu hiệu” - lương y Đinh Công Bảy gợi ý. BS Đỗ Trọng Ánh cho biết dầu mù u được sử dụng rất phổ biến trong các BV vì ngoài tác dụng sát trùng, kích thích mọc mô hạt, còn hạn chế việc gạc dính vào vết thương khi băng bó nên có thể tẩm dầu vào gạc trước khi băng vết thương. Gạc y tế và dầu mù u cũng rất dễ tìm mua ở các hiệu thuốc với giá vài ngàn đồng nên khá tiện lợi. Tuy nhiên, đó chỉ là những cách để chăm sóc vết thương nhỏ, không đáng ngại; còn nếu vết thương đã sưng đỏ, mưng mủ, tốt nhất nên đến các trung tâm y tế để được BS chuyên khoa xử lý.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý