Đau lưng

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Đau lưng

18/04/2015 03:23 PM
321

Đau lưng và những điều cần biết. Những điều ai cũng thắc mắc về đau lưng. Cách chữa đau lưng.

Hiểu đúng về đau lưng

Hiểu đúng về đau lưng

Khi bị đau lưng, có nên bẻ lưng cho đỡ mỏi hay chườm đá lạnh cho đỡ đau không? Nên nằm đệm cứng hay đệm mềm? Có được chơi thể thao khi lưng đau không?… Dưới đây sẽ là câu trả lời cho những thắc mắc trên!

Hiểu đúng về đau lưng

Đệm cứng tốt hơn cho lưng

Sai. Đệm cứng gây áp lực lên vai và háng, nếu bạn ngủ không đúng tư thế như nằm sấp hoặc nằm nghiêng, bạn sẽ cảm thấy mỏi nhừ khi thức dậy. Vì khi nằm nghiêng, vai, xương chậu và cột sống của bạn cần lún xuống đệm một chút.

Tốt nhất hãy chọn một tấm đệm vững chãi và có độ lún vừa phải, đủ để bạn cảm thấy thoải mái. Nếu bạn tới cửa hàng để mua đệm, hãy nằm thử lên nó, xem cơ thể bạn phản ứng thế nào sau vài phút và độ lún của đệm có tác động ra sao tới các phần trên cơ thể: vai, cột sống…

Đẩy vật nặng tốt cho lưng hơn là kéo vật đó

Đúng. Nếu bạn kéo một vật nặng, áp lực sẽ tập trung lên lưng bạn. Ngược lại, nếu bạn đẩy vật đó, áp lực đó sẽ được phân tán đều lên lưng và bắp đùi.

Hãy trang bị bánh xe cho các đồ vật để việc vận chuyển được dễ dàng và nếu lưng thường bị đau, đừng cố quá sức.

Nên bẻ lưng khi lưng đau mỏi

Sai. Chỉ nên thỉnh thoảng bẻ lưng trong các buổi mát xa, hoặc vật lí trị liệu để giúp cơ bắp thư giãn và phòng tránh đau lưng.

Không nên thực hiện động tác này một mình bởi nếu làm không đúng cách, dây chằng sẽ bị kéo căng quá mức và có thể gây ra các cơn đau khác.

Nếu thường xuyên bị đau lưng, hãy tới gặp bác sĩ để sắp xếp vài buổi vật lí trị liệu hay tạm thời chườm nước nóng lên chỗ bị đau hoặc tắm nước nóng.

Vẫn có thể chơi thể thao khi bị đau lưng

Đúng. Nếu đau lưng xuất phát từ đau xương, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp luyện tập thích hợp. Nếu xuất phát từ đau cơ, bạn có thể chơi thể thao sau khi cắt cơn đau được 2 ngày (48 tiếng). Chơi thể thao giúp làm nóng cơ bắp, khiến chúng thư giãn và bớt đau hơn.

Hãy luyện tập thể thao thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho cơ bụng và cơ lưng. Nhưng đừng luyện tập quá sức, nhất là khi bạn không phải một vận động viên chuyên nghiệp. Tốt nhất hãy trao đổi với bác sĩ để đưa ra thời gian biểu luyện tập phù hợp.

Stress không gây đau lưng

Đúng. Đau lưng chủ yếu là do căng cơ, co cứng hoặc chấn thương. Nhưng stress có thể khiến bạn cảm thấy đau hơn hoặc khiến cơn đau kéo dài.

Hãy kiểm soát tình trạng căng thẳng để tránh làm tăng và kéo dài các cơn đau.

Chườm đá để giảm cơn đau lưng

Vừa đúng vừa sai.

Nếu đau lưng do chấn thương xương, bạn có thể chườm đá để tránh sưng tấy và giảm đau. Nhưng không được làm vậy, nếu đau lưng xuất phát từ đau cơ. Trong trường hợp này, bạn phải thư giãn cơ bắp bằng cách chườm nóng.

Nếu bị đau lưng, hãy nằm ngửa

Sai. Nếu bạn thường nắp úp, điều này hoàn toàn không làm tăng các cơn đau. Cho nên, chẳng có lí do gì khiến bạn phải thay đổi tư thế ngủ.

Bị đau lưng vốn đã làm bạn khó chịu rồi, đừng khiến mình mất ngủ bằng việc thay đổi tư thế nằm quen thuộc.

Trong trường hợp bị đau lưng do đau cơ, có thể đắp chăn lên lưng và tránh gió. Nếu cần thiết, hãy chườm nóng trước khi ngủ.

Hãy nằm nghỉ trên giường nếu bị đau lưng

Vừa đúng vừa sai.

Thời gian nằm nghỉ tối đa trên giường là 2 ngày, nhưng chỉ trong trường hợp bạn không thể đứng dậy. Hoàn toàn không nên nằm nghỉ trong trường hợp bị đau lưng do thiếu vận động.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tốt nhất không nên nằm quá lâu nếu bạn vẫn có thể vận động để tránh giãn cơ. Hãy trao đổi ngay với bác sĩ nếu cơn đau khiến bạn không thể đứng dậy. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cần thiết, hoặc kê cho bạn thuốc giãn cơ hay giảm đau.

Luyện tập cơ bắp tốt cho lưng của bạn, ngay cả đối với người bị đau lưng

Đúng.

Việc luyện tập cơ bắp có thể gây đau lưng, nhưng đó là trong trường hợp, bạn luyện tập không đúng cách. Luyện tập cơ bắp đúng cách dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên sẽ giúp tăng cường sự dẻo dai cho tất cả các nhóm cơ, kể cả gân, dây chằng, các khớp xương, và lưng.

Không thể tự mình dịch chuyển đốt sống lưng

Đúng. Cột sống được tạo ra từ 24 đốt sống. Chúng nối với nhau bởi dây chằng và các cơ. Chúng chỉ bị dịch chuyển khi bị chấn thương: tai nạn, ngã, chốc…Và điều này thực sự nguy hiểm vì đốt sống lưng có chứa dây thần kinh và tuỷ sống. Phải nhanh chóng tới bác sĩ trong trường hợp chấn thương để tránh các tổn thương thần kinh.

Nếu bị chấn thương ở lưng, hãy giữ nguyên tư thế. Trong trường hợp cơn đau không giảm sau 24 tiếng, bạn phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ vật lí trị liệu để tìm nguyên nhân và giúp bạn giảm đau. Không nhờ người không có chuyên môn hoặc tự mát-xa lưng.


Chứng đau lưng ở người trẻ


Chứng đau lưng ở người trẻ

Chứng đau lưng ở người trẻ (Ảnh minh hoạ)

Đau lưng mỏi gối thường xảy ra ở người già khi bị loãng xương, thoái hóa khớp, nhưng theo ghi nhận tại các bệnh viện, người trẻ đau lưng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, vì “cậy sức trẻ” nên nhiều người lờ đi. Sự chủ quan đó về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và khó điều trị.

Vượt qua nhờ sức trẻ

Khi gắng sức khuân cái vali to kềnh lên cầu thang, bạn đột nhiên thấy đau nhói ngang thắt lưng, hoặc lúc cố đẩy chiếc xe máy lên thềm nhà, bả vai của bạn đột ngột cứng cơ và đau khi cử động. Thường người trẻ bị đau trong một thời gian ngắn.

Đang ngồi ở chiếc ghế bành xem ti vi, bạn đột ngột đứng lên để với tay lấy cái điều khiển trên đầu tủ, nhưng khi ngồi trở lại thì lưng ê ẩm. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi và bạn tiếp tục… xem ti vi.

Bạn là công nhân xây dựng, mỗi ngày đều phải khiêng, vác những vật liệu nặng. Tối về, ăn chưa xong bữa thì cái lưng của bạn đã “đòi” đi nằm vì quá mỏi và đau khi cử động. Nhưng chỉ cần yên vị trên giường thì bạn đã có thể đánh ngay một giấc đến sáng và lại bắt đầu một ngày với công việc quen thuộc.

Bạn là một nhân viên văn phòng, mỗi ngày đều phải ngồi liên tục nhiều giờ trong cùng một tư thế. Cứ đến giữa giờ làm việc là bạn cảm thấy đau và mỏi ở vùng cột sống cổ, thắt lưng và bả vai. Nhưng cảm giác này cũng sẽ nhanh chóng trôi qua do “sức trẻ”.

Bạn dễ dàng chịu đựng những cơn đau nhất thời và lờ nó đi, nhưng đến một ngày, bạn nhận ra chứng đau lưng của mình càng lúc càng trầm trọng và dai dẳng, nó chi phối mọi hoạt động và toàn bộ cuộc sống của bạn.

ThS-BS Hồ Thị Đoan Trinh – Trưởng khoa Điều trị Đau Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: nếu loại trừ những bệnh lý gây tổn thương thực thể thì triệu chứng đau cấp tính thường gặp nhất là do ngồi, nằm, đi đứng sai tư thế hoặc chuyển tư thế không đúng cách. Những động tác này lặp đi lặp lại nhiều lần làm biến dạng vùng cột sống, lâu ngày sẽ gây chèn ép rễ dây thần kinh.

Hậu quả của sự chủ quan

Khối cơ lưng và dây chằng luôn đòi hỏi phải vận động để phòng ngừa sự ứ đọng chất trung gian hóa học trong cơ. Ít vận động hoặc vận động không điều độ, cố gắng quá sức và vội vàng thì cơ thể sẽ phản ứng.

Vận động quá mạnh sẽ tác động làm giãn cơ và dây chằng cột sống. Một số động tác không đúng lặp đi lặp lại nhiều lần gây tổn thương đến một vài vị trí đốt sống cố định còn là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đốt sống. Thoái hóa đốt sống là một trạng thái tự nhiên trong quá trình lão hóa của cơ thể nhưng thực tế, nhiều người bị thoái hóa cột sống khi tuổi còn rất trẻ.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp đau lưng do chế độ ăn uống không phù hợp. Ăn quá no, thức ăn tồn tại ở dạ dày lâu, nếu không vận động sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, dẫn đến kéo căng cột sống và căng cơ vùng thắt lưng. Một số bệnh dạ dày như viêm loét vùng tá tràng cũng có thể gây chèn ép dây cột sống thắt lưng.

Khi lưng bạn đã báo hiệu bằng triệu chứng đau thì hãy “lắng nghe” nó để tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời trước khi nó chuyển thành các bệnh lý mãn tính như đau thần kinh tọa, vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt cột sống… Những bệnh lý này sẽ rất khó điều trị để trả lại trạng thái ban đầu. Trong những trường hợp đau đột ngột, đau dữ dội, đau kéo dài, đau kèm theo các triệu chứng như tê, sưng, phù… hoặc khi cơ thể không đáp ứng được với những loại thuốc giảm đau thông thường thì cần nhanh chóng đến bác sĩ để được trị liệu.

Các triệu chứng đau lưng không chỉ làm giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, tâm sinh lý, lâu ngày sẽ làm thay đổi hành vi và rối loạn tâm lý.

Đau lưng – bệnh của nhân viên văn phòng


Đau lưng cũng thường gặp ở nhân viên văn phòng

Đau thắt lưng – bệnh của nhân viên văn phòng

Phần lớn các ca đau thắt lưng không có nguyên nhân bệnh lý mà chủ yếu bắt nguồn từ các tư thế sai. Thống kê tại khoa Xương khớp bệnh viện Bạch Mai cho thấy, khoảng 80% trường hợp đến khám do bệnh này là nhân viên văn phòng – những người phải ngồi quá nhiều.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Phó trưởng khoa Xương khớp bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh đau thắt lưng đang ngày càng tăng cùng với sự phổ biến của máy tính và internet. Ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian của mình ngồi bên máy tính: học, làm việc, giải trí, giao tiếp… đều qua mạng. Trong khi đó, ngồi là tư thế làm tăng cao nhất gánh nặng của cột sống, nhất là vùng thắt lưng. Lâu ngày, vùng này sẽ bị đau và khoảng 10% trường hợp sẽ chuyển thành mạn tính. Trên thế giới, đau thắt lưng là nguyên nhân thứ 2 gây mất ngày công lao động sau cảm cúm.

Những tư thế dễ gây đau thắt lưng

Nằm ngủ trên giường nệm trũng: Tư thế này làm cho độ cong tự nhiên của cột sống mất thẳng hàng, khiến lưng chịu thêm sức nặng. Việc nằm sấp khi ngủ cũng có thể làm căng cổ và lưng (nhất là khi có gối đầu) và gây đau. Tư thế đúng là nằm thẳng lưng hay nằm nghiêng trên một tấm nệm dày thẳng, không trũng. Nếu nằm ngửa khi ngủ, nên đặt thêm gối dưới đầu gối. Nếu nằm nghiêng, hãy gập nhẹ đầu gối để giảm áp lực lên thắt lưng (nên ôm gối dài nằm nghiêng).

Nếu muốn nằm khi đọc sách hay xem ti vi, hãy nằm sấp chống khủyu tay trong thời gian ngắn; hoặc nằm ngửa với cái gối dưới thắt lưng.

Đứng cúi lưng trong thời gian dài: Làm gia tăng áp lực lên cột sống. Việc đứng cúi lưng với 2 chân thẳng hay mang giày cao gót cũng làm cột sống mất đi độ cong tự nhiên.

Nếu phải đứng lâu, hãy đặt 1 chân lên ghế đẩu để giảm áp lực lên cột sống và giữ cột sống thẳng. Nếu cần thiết, hãy gập nhẹ đầu gối. Chỉ nên mang giày cao gót trong một số dịp đặc biệt. Nếu vừa đứng nghe điện thoại vừa phải ghi chép, đừng cúi lưng xuống mà hãy kê cao giấy bút lên.

Ngồi thõng tay: Khiến cột sống không thẳng và tăng trọng lượng cho vùng thắt lưng. Nếu ngồi trên ghế không dựa, cột sống càng khó giữ thẳng hơn (tương tự khi ngồi xa tay lái khi lái xe). Tư thế đúng là ngồi ghế dựa, có một cái gối nhỏ hay khăn cuộn để ở phần lưng.

Cúi với chân thẳng và lưng cong: Làm mất đi độ cong tự nhiên của cột sống và làm vùng thắt lưng phải chịu thêm gánh nặng. Tai hại nhất là nâng vật nặng trong tư thế này. Cách tốt nhất là gập khớp gối và khớp háng, để chân làm điểm tựa chịu lực để mang vật nặng; giữ vật gần với người để hạn chế thấp nhất trọng lượng của nó.

Xoay người sai tư thế: Đây là động tác thường gặp trong môn quần vợt. Nếu giữ chân và hông cố định trong khi xoay người, bạn dễ bị vặn vùng lưng, làm tăng nguy cơ tổn thương địa đệm. Hãy tưởng tượng thân mình như một trụ thẳng từ vai đến mông. Hãy xoay các ngón chân chứ không phải lưng. Quay bàn chân theo hướng đang xoay và bước quanh theo hướng xoay.

Với vật ở xa: Khi một vật ở ngoài tầm với, bạn đừng bao giờ cố với tay để lấy nó vì khi với xa như vậy, lưng của bạn phải làm việc nặng nhọc hơn bình thường. Hãy sử dụng ghế đẩu.

Theo tiến sĩ Thủy, để phòng chống các cơn đau thắt lưng, nên hạn chế ngồi tối đa. Nên đứng dậy khi nào có thể, thay đổi tư thế thường xuyên, đi lại 30-40 phút một lần. Ở mọi lứa tuổi đều nên tập luyện với hình thức và cường độ phù hợp với sức khỏe. Trong đó, bơi được xem là môn thể thao rất tốt cho cột sống. Ngoài ra, không nên để quá cân (vì làm tăng áp lực lên cột sống), sinh hoạt điều độ và tránh stress.

Nếu bạn đã bị đau lưng, liệu pháp chườm hoặc dùng thuốc sẽ giúp cải thiện tình hình. Chườm lạnh làm giảm viêm và ngăn chặn chu kỳ đau trong giai đoạn cấp: dùng một túi chườm lạnh ôm lấy vùng lưng hay bọc đá nhỏ trong một khăn tắm, giữ trong vòng 15-20 phút. Chườm nóng giúp giảm đau và thư giãn cơ giai đoạn mạn tính, cũng làm với thời gian tương tự. Hơi nóng cũng làm mềm cơ trước khi luyện tập vùng lưng.

Các thuốc kháng viêm giảm đau giúp hạ nhanh cơn đau cấp, nhưng thường gây biến chứng dạ dày (viêm, xuất huyết hay thủng) và thận. Gần đây, một số thuốc thế hệ mới đã giảm đáng kể nguy cơ này như Mobic (tên gốc meloxicam). Ngoài ra, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc giãn cơ, an thần.

Tiến sĩ Thủy cũng lưu ý, người bị đau thắt lưng không nên uống rượu và chất gây nghiện để giảm đau vì chúng sẽ che dấu triệu chứng đau tạm thời và kéo dài chu kỳ đau. Ngay cả các thuốc giảm đau cũng chỉ nên dùng thời gian ngắn.

Hãy thẳng lưng lên để khỏe

dungthang

Bạn có muốn trông mình nhẹ nhàng đi vài ký mà không phải đổ mồ hôi để tập thể hình hoặc phải ăn kiêng cả tháng?

Hãy cố gắng ngẩng cao đầu và giữ cho lưng thật thẳng bởi vì tư thế đứng lom khom luôn làm cho người khác chú ý về vòng bụng quá cỡ của bạn. Khi bạn lom khom, bạn đã cho phép trọng lực tác động lên cơ thể một cách không cần thiết. Điều này sẽ làm cho bạn dễ bị chứng đau lưng kinh niên, tệ hơn là gặp những vấn đề khác về hô hấp và đau đầu.

Sự thực là đứng thẳng vô cùng có lợi cho sức khỏe, nếu thực hiện một cách đúng đắn, một tư thế đẹp sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh viêm khớp, ngăn chặn đau cơ, và giữ cho các khớp xương thẳng hàng nếu không kể đến việc nó còn làm cho bạn trông tự tin hơn nữa. Thực hiện những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn có một tư thế lý tưởng:

Khi đứng:

Khi đứng, hãy hình dung một đường thẳng vô hình nối từ tai xuống vai rồi chạy thẳng xuống mắt cá chân và luyện tập tư thế này trước gương hàng ngày. Để sửa chữa một tư thế xấu, hãy bắt đầu bằng việc nâng cằm lên, đưa vai về phía sau sao cho thẳng hàng với vành tai, thót bụng và đứng thẳng gối để dàn đều trọng lực khắp xương sống.

Bạn cũng cần chú ý, tránh dồn trọng lực lên gót chân mà nên dồn lên cả bàn chân, nếu phải đứng liên tục trong thời gian dài, hãy thường xuyên thay đổi chân trụ. Ngoài ra, tránh với một vật ở quá xa và khi nâng một vật nặng thay vì dùng lực ở lưng, hãy sử dụng đầu gối và cơ hông.

Khi ngồi:

Công việc văn phòng chính là kẻ giết người thầm lặng, nếu không biết cách ngồi, bạn sẽ phá hủy tư thế của mình. Chú ý là cột sống phải được tạo thành hình chữ S khi ngồi và để làm được điều này, cần đệm một chiếc gối nhỏ ở phần giữa lưng dưới của bạn và tựa ghế. Thay vì chồm người về phía bàn làm việc, hãy ngả lưng và dựa vào ghế. Nếu cần ngồi gần bàn hơn, hãy kéo ghế lại gần.

Bàn chân phải được đặt hoàn toàn trên sàn nhà phẳng sao cho cẳng chân và đùi tạo thành một góc vuông ở đầu gối, cánh tay cũng phải đặt thoải mái trên bàn tạo thành một góc gần vuông ở khủy tay và nách. Để làm được điều này, bạn nên sử dụng loại ghế tựa có thể điều chỉnh được độ cao của ghế so với mặt bàn.

Khi nằm ngủ:

Bạn có hay đau lưng khi thức dậy vào mỗi sáng? Nếu gặp phải hiện tượng như thế, đệm ngủ của bạn quá mềm. Một quy tắc rất cơ bản, bề mặt cứng bao giờ cũng nâng đỡ lưng tốt hơn, vì thế nên cố gắng sắm một chiếc đệm có độ mềm vừa phải, được làm từ chất liệu cao su thiên nhiên là lý tưởng nhất. Tuyệt đối tránh nằm sấp khi ngủ vì ngoài các vấn đề về tư thế, bạn sẽ gặp vấn đề về tim. Nên nằm nghiêng và xoay mình sang hai bên sao cho thoải mái nhất.

Tiếp theo, hãy kiểm tra chiếc gối ngủ của bạn. Nó có đảm bảo một đường thẳng từ tai nối qua vai và xuống đến mắt cá chân như bạn đã biết về tư thế đứng không? Nếu gối quá cao hoặc quá thấp cho yêu cầu này, hãy thay thế ngay lập tức. Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc khăn tắm nhỏ, cuộn lại và kê dưới gáy, nó sẽ làm cho bạn dễ chịu hơn. Một chiếc gối kê ở mắt cá chân khi bạn nằm ngửa và kê giữa hai chân khi bạn nằm nghiêng cũng là một ý kiến hay.

Những kỹ thuật này có vẻ như rất đơn giản nhưng chúng thực sự có ích trong việc giảm bớt sức ép lên hệ thống cơ và xương của bạn. Tuy nhiên, bạn nên biết cách nghỉ ngơi đúng lúc, tập thể dục thường xuyên để cơ thể được nghỉ ngơi. Thực hiện được tất cả những yêu cầu này, bạn sẽ có một cơ thể với một tư thế khỏe và đẹp.

Hãy tạm biệt bệnh đau lưng!

daulungabc
Một nghiên cứu mới đây về bệnh đau kinh niên có thể giúp bạn giảm các căn bệnh đau lưng, mỏi vai hay đau cổ. Bạn hãy thử xem các cách “tống khứ” bệnh đau lưng khó chịu nhé.

Có một tia sáng mới trong việc điều trị bệnh đau cổ và lưng – căn bệnh gây phiền nhiễu cho rất nhiều người trên thế giới. Trước đây, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiêm thuốc giảm đau và nằm nghỉ cho đến khi đỡ đau hơn. Nếu cách đó không làm tốt hơn, bạn có thể nghĩ tới một cuộc phẫu thuật. Nhưng ngày nay, sự kết hợp giữa biện pháp trị liệu không cần thuốc và việc thay đổi cách sống là một cách để điều trị bệnh đau cổ và lưng kinh niên  – đó không phải là nằm nghỉ, uống thuốc và cũng không phẫu thuật.

Dù bạn có bị khàn cổ, lưng bị đau, hay đau rát trên vai, thì hầu hết các biện pháp nhằm giảm đau dưới đây sẽ giúp chữa trị tất cả các loại đau đớn liên quan tới xương. Nhiều trong số gợi ý bên dưới có thể giúp bạn giản thiểu các chỗ đau trong khi bạn vẫn tận dụng được tối đa lợi ích bên ngoài cuộc sống  – hãy làm thử nhé!

Bắt đầu với việc giảm đau nhanh

Khi cảm thấy đau ở chỗ nào đó, thử với các bước đơn giản sau:

1. Ngay khi bạn thấy xuất hiện chỗ đau, hãy kiểm tra những vùng xung quanh. Bạn càng sớm xác định được vị trí đau, thì cơ hội ngăn đuợc vết đau lan rộng trên lưng bạn càng sớm.

2. Nếu bạn bị đau nhẹ, hãy uống một vài viên acetaminophen hoặc naproxen. Hai loại thuốc này thường ít có tác dụng phụ. Làm theo chỉ dẫn trên hộp thuốc và dùng đúng liều lượng. Đừng dùng quá 5 ngày liên tiếp để hạn chế nguy cơ của tác dụng phụ.

3. Dùng khăn hoặc một miếng vải quấn đá lạnh, chườm nhẹ chỗ đau trong khoảng 15-20 phút.

4. Với chỗ đau ở cổ và vùng lưng phía trên: Thở nhẹ và thư giãn khi bạn chườm đá ở vùng bị tác động. Làm như thế trong khoảng 20-30 phút và lặp lại sau vài giờ. Nếu bạn cảm thấy khó thư giãn được, hãy thử trầm tư nghĩ về điều gì đó hoặc hình ảnh nào đó.

5. Với chỗ đau ở thắt lưng: sau khi chườm đá, nằm lên sàn, hướng mặt lên,  trong khi thả lỏng bắp chân lên trên ghế trong khoảng 10 phút hoặc hơn.

Hạn chế nằm nghỉ

Việc nằm nghỉ là tốt cho bệnh đau lưng nhưng không nên quá 3 ngày. Và không nên, nếu bạn không đợi cho đến khi bạn cử động mà không thấy đau nữa. Một khi bạn cảm thấy rằng bạn có thể, hãy ngồi dậy và bắt đầu đi lại. Khi bạn thấy đỡ đau hơn, cố gắng 30 phút một ngày, 6-7 ngày/tuần, tham gia cách hoạt động nhẹ nhàng. Đi bộ và bơi là hai cách tốt để bắt đầu.

Tránh dùng thuốc

Những ngày của việc uống thuốc đã qua. Một loạt các nghiên cứu với chủ đề không dùng thuốc chống lại việc sử dụng thuốc đã đưa ra kết luận rằng các liệu pháp trị liệu như thuật châm cứu, mát-xa, phương pháp trị bệnh bằng nắn xương không kèm theo tác dụng phụ và hoàn toàn có hiệu quả giảm đau. Chẳng hạn, phương pháp châm cứu điều trị bệnh đau lưng không những có hiệu quả điều trị bằng dùng thuốc thông thường mà còn không có bất cứ tác dụng phụ nào khác.

Liều thuốc sức khỏe tinh thần

Sống chung với căn bệnh đau cổ và đau lưng kinh niên là bệnh buồn chán, rầu rĩ và lo lắng nên không thực sự thấy lạ khi thấy liệu pháp tâm lý có thể giúp chữa được bệnh này. Một kết quả đáng ngạc nhiên là những người có bệnh đau cổ giường như có thể được điều trị tốt bằng cách kết hợp một vài liệu pháp trị liệu, như tham gia vào một nhóm hỗ trợ, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và có chiến lược và kỹ năng sao chép tại chỗ.

Nếu bạn có lòng tự trọng cao, sự tin tưởng và một cái nhìn tích cực,lạc quan về tương lai là có thể cải thiện cơ hội sống một cuộc sống không bệnh tật. Những người có bệnh đau kinh nhiên thường là những người phải chịu nhiều hơn những buồn rầu và lo lắng.

Kết hợp các phương pháp điều trị

Việc kết hợp các biện pháp điều trị sức khỏe và không dùng thuốc đang được thịnh hành. Sự chăm sóc bằng phương pháp nắn khớp xương, mát-xa, và kéo căng được thực hiện cùng nhau trong một phương pháp điều trị để giảm bệnh đau lưng và cổ.

Thực tế, theo một nghiên cứu gần đây, việc kết hợp phương pháp vật lý trị liệu và phương pháp châm cứu làm giảm đau một cách rất hiệu quả hơn là dùng từng phương pháp độc lập. Việc điều trị này có thể đặc biệt tốt với những người dùng máy tính thường xuyên. Trong một nghiên cứu sơ bộ trên người lớn – những người chỉ được điều trị hoặc bằng phương pháp châm cứu hoặc vật lý trị liệu và kết hợp cả hai, kết quả báo cáo cho thấy nhóm những người được điều trị kết hợp cả hai phương pháp giảm bệnh đau cổ nhanh hơn.

Dừng hút thuốc

Việc hút thuốc tăng nguy cơ làm nặng thêm bệnh đau vùng thắt lưng vì nó ngăn không cho cơ thể vận chuyển dinh dưỡng tới các đĩa đệm cột sống ở vùng đó. Nó cũng làm tăng việc sản sinh ra các chất dễ bị viêm và có thể khiến cho bạn cảm thấy đau hơn. Hơn nữa, người hút thuốc thường có xu hướng ít vận động. Vậy nên hãy dừng hút thuốc và thường xuyên tập các bài thể dục một mình như các bài tập kéo căng (yoga), làm mạnh cơ bắp và đi bộ điều hòa lượng máu qua tim.

(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
TOI NAM NAY 34TUOI.dao gan day,cu moi buoi sang toi ngu day vao luc 5 hoac 6 gio sang toi bi dau khap vung tren phia sau lung.khong dau that lung.chi xung quanh vung phia tren.dau rat kho chiu va chi muon thuc day luo khong muon ngu nua
hơn 1 tháng trước - Thích (21) - Trả lời
Đau lưng có rất nhiều dạng và nguyên nhân khác nhau. Mình nghĩ bạn nên nhanh chóng đi khám bác sỹ có chuyên môn để khắc phục. Lâu ngày không tốt đâu bạn
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý