Bệnh loãng xương

seminoon seminoon @seminoon

Bệnh loãng xương

18/04/2015 03:25 PM
243

Thế nào là bệnh loãng xương? phòng và chữa trị loãng xương như thế nào?

Loãng xương còn gọi là thưa xương, xốp xương là tình trạng giảm khối lượng xương, thường đi kèm với gãy xương, đặc biệt là lún các đốt sống. Tuổi cao cùng với việc giảm nội tiết tố, ăn uống thiếu chất là nguyên nhân dẫn đến loãng xương.

Bộ xương của chúng ta cứng cáp được là nhờ có những chất khoáng, nhất là canxi và phospho. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến xương là: chế độ ăn đầy đủ canxi và các chất khoáng khác; bảo đảm đủ vitamin D để giúp hấp thụ canxi; nồng độ các chất nội tiết tố có vai trò đối với sự phát triển của xương.

Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Loãng xương là hậu quả của nhiều nguyên nhân gây ra như: bệnh nội tiết; bệnh thận nặng thải mất quá nhiều canxi; hậu quả của việc dùng thuốc corticoid kéo dài; loãng xương của tuổi mãn kinh và xốp xương của người già chiếm khoảng 90% các trường hợp. Người cao tuổi bị loãng xương là do hấp thụ canxi kém và biến dưỡng trong xương cũng bị kém đi. Trong cơ thể, cấu trúc của xương được đổi mới liên tục, chất xương cũ thải hồi và chất xương mới được tạo ra. Nếu sự thải hồi nhiều mà bù đắp không đủ thì xương bị loãng. Phụ nữ sau mãn kinh thiếu hụt nội tiết tố estrogen, nên chức năng điều hòa hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm. Loãng xương sau mãn kinh gọi là loãng xương týp I, loãng xương týp II là loãng xương tuổi già. Loãng xương týp I xuất hiện trong khoảng thời gian 15-20 năm sau mãn kinh và thường gây ra gãy xương ở cột sống, đầu dưới xương quay, đầu dưới xương chày. Các yếu tố liên quan chặt chẽ đến mãn kinh là nguyên nhân gây loãng xương týp I gồm: sự thiếu hụt estrogen, sự giảm tiết hormon cận giáp trạng, tăng bài tiết canxi qua đường niệu, suy giảm hoạt động của men 25-OH, vitamin D1 anpha hydroxylase làm giảm sự hấp thu canxi ở ruột. Tỷ lệ loãng xương týp II ở nữ gấp đôi nam và hay gặp gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống. Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố là giảm hấp thu canxi và giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới cường tuyến cận giáp trạng thứ phát. Ngoài ra, người ta còn thấy có một số yếu tố tăng nguy cơ bị loãng xương là: yếu tố di truyền, không hay ít hoạt động thân thể, người tạng gầy, người không sinh đẻ, người tắt kinh sớm, người châu Á, người da trắng.

Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Theo một thống kê, ở Hoa Kỳ có 1,5 triệu trường hợp gãy xuơng do loãng xương hàng năm và khoảng 1/3 số phụ nữ trên 65 tuổi bị gãy đốt sống. Tại Pháp, số phụ nữ bị loãng xương khoảng 4-5 triệu người và khoảng 1,4 triệu nam giới, trong đó 10% bị tàn phế.
Ở Việt Nam, một điều tra cho thấy có khoảng trên 15% phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương.

Quá trình loãng xương diễn ra từ từ nên không gây triệu chứng gì. Chỉ tới khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện. Ba triệu chứng loãng xương hay gặp là đau cột sống (vì loãng xương ở chi thường không đau); biến dạng cột sống và gẫy xương. Đau cột sống lưng hay cột sống thắt lưng cấp tính thường xảy ra sau khi gắng sức nhẹ, ngã hay một động tác sai. Nhiều khi có tiếng kêu rắc kèm theo đau khi vận động. Biến dạng cột sống thường thấy lưng còng, sụp cột sống, vẹo cột sống. Chiều cao giảm dần theo tuổi khoảng với mức giảm trên 12cm hoặc khi sờ thấy xương sườn cuối cùng chạm vào mào chậu thì sự giảm chiều cao dừng lại. Trường hợp bị xẹp đốt sống bệnh nhân thấy đau lưng, đau âm ỉ, hay có khi đau nhói khi đứng lên hoặc vận động. Nếu nhiều đốt xương sống bị gãy hay bị xẹp, thì thấy người thấp hơn trước, đi còng lưng và đau lưng. Ở người cao tuổi chỉ những sơ ý bị ngã nhẹ cũng dễ bị gãy xương tay chân do loãng xương. Y học đã biết nhiều kiểu gãy xương điển hình như gãy cẳng tay, gãy đầu dưới xương quay kiểu Pouteau Colles, gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng chân… hay gặp ở người cao tuổi. Chụp Xquang thấy xương bị gãy và hình ảnh loãng xương. Đối với người không bị gãy xương mà nghi là bị loãng xương, thì xác định bằng phương pháp đo tỷ trọng của xương (bone density).

Phòng và chữa trị loãng xương như thế nào?

Bệnh loãng xương có thể gây tàn phế và tử vong. Bệnh ngày một nhiều do mức sống và tuổi thọ ngày càng cao. Tuy điều trị có thể thu được nhiều kết quả nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh. Do đó việc phòng bệnh càng trở nên cần thiết và hiệu quả. Khi tuổi càng cao canxi càng giảm dần một cách không thể tránh được, từ 20 –80 tuổi khối lượng xương mất khoảng 30% ở nam và 40 % ở nữ. Vì vậy việc phòng loãng xương ở nữ sau mãn kinh là rất cần thiết với các biện pháp như: tăng cường vận động để giảm loãng xương, vì ít hay không hoạt động sẽ làm cho bệnh loãng xương càng nặng, bệnh nhân có thể vận động trong bể nước nóng khi có điều kiện. Ngoài cơn đau bệnh nhân nên vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần, tránh vận động mạnh có thể bị gãy xương; Thực hiện chế độ ăn đủ chất và đủ canxi, trong khẩu phần ăn cần có khoảng 100g thịt hay cá mỗi ngày. Nếu có điều kiện nên uống 1/4 lít sữa tươi/ngày

Báo động bệnh loãng xương

Theo tổ chức y tế thế giới, loãng xương (LX) là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây nên bệnh tật, chỉ sau bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, ước tính có 2,5 triệu người bị LX và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do LX. Đến năm 2050, ước tính toàn thế giới sẽ có tới 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do LX và châu Á chiếm 51%.


Những con số giật mình

LX là tình trạng mật độ canxi và khoáng chất trong xương suy giảm, làm cho xương trở nên giòn, xốp, dẫn đến nguy cơ gãy xương tăng cao. Hay LX có nghĩa “xương xốp” xuất hiện, khi lớp vỏ ngoài xương bị mỏng đi và giòn, lớp bè xương bị thương tổn. PGS.TS.BS. Lê Anh Thư – Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV. Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội LX TP. HCM nói về bệnh này với cách nói hình ảnh: “LX diễn biến từ từ và thầm lặng. Người bị LX thường không biết mình bị bệnh. Người ta mệnh danh LX là kẻ cắp thầm lặng, từng chút một, đánh cắp đi các khoáng chất trong ngân hàng xương của cơ thể. Thông thường, manh mối đầu tiên dẫn tới LX là khi xuất hiện gãy xương. Gãy xương chính là “đột quỵ” của LX…”. Những người bị LX có nguy cơ gãy xương tăng gấp 3 – 5 lần so với người không bị LX. Một yếu tố nguy cơ quan trọng khác là tiền sử gãy xương. Một khi bệnh nhân đã bị gãy xương, nguy cơ gãy xương lần thứ hai gia tăng 2,5 lần so với nguy cơ trung bình trong dân số.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thy Khuê – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam – cho biết, hậu quả của LX thường rất nặng nề. Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện từ một ca chấn thương nhiều khi rất nhẹ ở hệ xương: một cú ngã từ tư thế đứng, trượt chân trong phòng tắm, bước hụt cầu thang… làm gãy xương cổ tay, gãy xương cẳng chân dồn cột sống… Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ này là hậu quả cuối cùng của bệnh LX, thường gặp ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống thắt lưng và cổ xương đùi. Với người cao tuổi, thường có nhiều bệnh lý đi kèm như: tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Đặc biệt, với tình trạng LX nặng sẵn có (thiếu khoáng chất và protein của xương) thì việc liền xương thường rất khó và lâu. Đa số người bệnh phải nằm tại chỗ, thậm chí phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện. Điều này không những làm tình trạng LX càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe như: bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các nơi tì, đè… Đây cũng là một nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người mắc bệnh.

Theo thống kê ở các nước phát triển, gần 21% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu vì các biến chứng do nằm lâu nêu trên. 20% người bệnh phải có người trợ giúp trong suốt cuộc đời còn lại. 30% người bị tàn phế, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chỉ có khoảng 30% có thể trở lại với cuộc sống bình thường nhưng lúc nào cũng bị nguy cơ tái gãy xương “rình rập”.

Theo số liệu của Tổ chức Chống loãng xương quốc tế (IOF), trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị LX. Ở nam giới, tỉ lệ này là 1/5. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện Dinh dưỡng, bệnh LX ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Trong khi đó, khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế LX. Lượng canxi đưa vào cơ thể trung bình là 524mg/người/ ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu trung bình 800 – 1.000mg/người/ngày đối với người lớn.

Phòng ngừa LX là thuốc chữa tốt nhất

LX là một trong những bệnh mãn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất. Chi phí điều trị LX tương đương với điều trị bệnh đái tháo đường, và cao hơn nhiều so với 2 căn bệnh ung thư ở phụ nữ là: ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, điều trị LX không biến chứng chiếm hơn 50% thu nhập bình thường của người Việt Nam, nên hầu như người Việt Nam không có khả năng theo đuổi quá trình điều trị lâu dài, hết năm này qua tháng nọ.

Các chuyên gia cho rằng: phòng chống LX là thuốc chữa tốt nhất. Duy trì hệ xương chắc khỏe chỉ cần 4 bước đơn giản: cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho xương hàng ngày, nhất là canxi; thường xuyên vận động, tập thể dục; không hút thuốc, tránh sử dụng quá nhiều chất có cồn và caffein; đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe của xương. Đồng thời, người bệnh cần phải đi kiểm tra xương ngay khi có các triệu chứng như: đau mỏi mơ hồ ở cột cống, đau dọc xương dài, đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, vọp bẻ các cơ, đau khi ngồi lâu hay thay đổi tư thế, đầy bụng chậm tiêu hay nặng ngực khó thở..


Top 6 thực phẩm đẩy lùi loãng xương

Giàu canxi, vitamin D, protein và các chất chống ôxy hoá, một số thực phẩm có khả năng ngăn ngừa bệnh loãng xương và giảm mật độ xương sau tuổi 50.

Ngũ cốc

Với hàm lượng protein từ 8-14%, đạm thực vật trong ngũ cốc có khả năng chống lại sự “thăm hỏi” của bệnh loãng xương – giảm mật độ xương (cứ 4 phụ nữ sau tuổi 50 lại có một người bị loãng xương còn ở đàn ông tỉ lệ là 1/8).

Hãy xen kẽ vào thói quen ăn uống hàng ngày (bánh mì, bột mì, gạo…) bằng mầm lúa mì, rau quả sấy khô. Lưu ý: 100g mầm lúa mì mang đến 26g đạm, còn một nắm lúa mạch mang đến 14g đạm.

Sản phẩm từ sữa

Thực phẩm hàng đầu giúp bạn phòng tránh chứng loãng xương chính là các sản phẩm từ sữa! Vì chúng mang canxi đến cho xương – thành phần chính cẩu thành nên xương.

Sau tuổi 50, cơ thể chúng ta cần khoảng 1,2g canxi mỗi ngày, dàn đều ra trong ngày với mỗi lần tối đa 0,5g. Để đảm bảo nhu cầu canxi sau tuổi 50, cần tiêu thụ lượng sản phẩm từ sữa tương đương với 0,75lít sữa/ ngày. Ví dụ: 1 cốc sữa buổi sáng – 1 hũ sữa chua buổi trưa – 1 cốc sữa vào 5h chiều – 30 đến 50g phô mai vào bữa tối.

Cá hồi

Với hàm lượng vitamin D dồi dào (khoảng 12 đến 20 microgram trong 100g cá) tham gia tích cực vào sự tái tạo mật độ xương, cá hồi là 1 trong 6 thực phẩm giúp bạn phòng tránh bệnh loãng xương.

Bắt đầu từ tuổi 50, lượng vitamin D cần thiết cung cấp cho cơ thể mỗi ngày là 10 microgram. Hãy tiêu thụ cá hồi 2 lần/tuần để đảm bảo nhu cầu vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, phơi nắng cũng giúp cơ thể hấp thụ được một lượng nhỏ vitamin D qua da.

Giá đỗ

Hấp thu thức ăn làm từ đậu nành giúp giảm quá trình loãng xương ở phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh, khi các thay đổi trong nội tiết tố của cơ thể có thể làm xương mỏng đi nhanh chóng và gia tăng nguy cơ gãy xương. Lý do là trong đậu nành có chứa phyto-oestrogen (hóc môn oestrogen thực vật), đặc biệt là isoflavon.

Trung bình, 100g giá đỗ chứa 35mg isoflavon….Tuy nhiên, chống chỉ định tiêu thụ quá 1mg isoflavon trên 1kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày (Ví dụ, tối đa 60mg cho một phụ nữ nặng 60kg).

Chè xanh

Với hàm lượng flavonoi (chất chống ôxy hoá) phong phú trong lá chè, chè xanh góp phần giảm nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi. Thực vậy, theo các nghiên cứu khoa học, những người uống chè xanh trên 10 năm có mật độ xương dồi dào hơn những người khác.

Tuy nhiên, tránh uống quá 3 cốc nước chè/ngày vì trong chè có nhiều théin – một chất gây kích thích. Ở một số người, uống quá nhiều nước chè còn có thể gây đau đầu, thở gấp cũng như rối loạn tầm nhìn hay khó khăn về tiêu hoá.

Bắp cải

Bắp cải chứa vitamin K giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa sự rạn xương hông. Chính nhờ loại rau này, người dân đảo Okinawa ( Nhật Bản ) nằm trong nhóm những người có tuổi thọ cao nhất trên thế giới.

100g bắp cải mang tới 0,2mg vitamin K trong khi lượng vitamin K hàng ngày nên nạp vào cơ thể là 0,03 đến 1mg.

Giúp phụ nữ trẻ phòng bệnh loãng xương

Những thói quen bảo vệ sức khỏe, đặc biệt ở thời niên thiếu, có ảnh hưởng đến xương suốt đời. Riêng đối với phụ nữ, 40% khối xương phát triển ở độ tuổi từ 14 – 17. Khối xương vẫn tiếp tục phát triển, nhưng ở mức thấp hơn cho đến tuổi 30 thì giảm dần. Do đó, hình thành những thói quen giúp xây dựng và củng cố xương ngay từ thời thiếu nữ là rất quan trọng để chống căn bệnh loãng xương về sau.

Các chuyên gia sức khỏe đưa ra 8 lời khuyên để phòng ngừa bệnh loãng xương:

1. Chú ý đến chu kỳ kinh: Nếu bạn lỡ chu kỳ 3 tháng liên tiếp, phải đi khám bác sĩ ngay. Điều đó thường là do hàm lượng estrogen (hoócmon bảo vệ xương) thấp. Thuốc tránh thai có thể giúp điều hòa hàm lượng hoócmon và chu kỳ kinh.

2. Hấp thụ đủ canxi: Bạn cần ít nhất 1.200 mg khoáng chất này mỗi ngày, nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều phụ nữ hấp thụ chưa đủ một nửa lượng canxi này. Một số nguồn canxi gồm sữa chua ít béo (448mg mỗi cốc), sữa không kem (352mg mỗi cốc) và nước cam pha canxi (350mg mỗi cốc). Nếu bạn thấy mình không hấp thụ đủ canxi, nên uống một viên bổ canxi, tốt nhất là chọn loại có thêm vitamin D, giúp tối đa hóa hấp thụ khoáng chất này. Thuốc bổ canxi có hai dạng: muối canxi (calcium citrate) và cacbonate canxi (calcium carbonate), cả hai dạng cơ thể đều hấp thụ tốt. Carbonate canxi hấp thụ tốt khi hàm lượng axít dạ dày cao, vì vậy nên uống cùng với bữa ăn là lúc mà axít dạ dày ở mức cao nhất. Nên chia canxi làm hai lần uống mỗi ngày để tăng cường khả năng hấp thụ.

3. Cắt giảm caffeine: Chất này có thể can thiệp vào hấp thụ canxi. Hạn chế trong khoảng 2 – 3 cốc cà phê, trà hay nước soda mỗi ngày. Với một cốc đồ uống soda chứa caffeine, cơ thể sẽ mất đi khoảng 4mg canxi. Để bổ sung lượng canxi mất đi này, nên cho vào cà phê một chút sữa không kem hoặc uống thêm chút nước quả sau khi uống trà hoặc soda.

4. Hạn chế muối: Giống caffeine, thừa muối cũng làm mất canxi (lượng muối tối đa hàng ngày là 2.400mg). Cơ thể thải muối qua thận và mang theo cả canxi. Đọc kỹ nhãn hàng hóa để ước tính lượng canxi. Ví dụ, một gói mì tôm chứa 800mg muối, bằng 1/3 yêu cầu hàng ngày.

5. Thực hiện những bài tập xây dựng và củng cố xương: Nhảy thẳng người, như nhảy dây, là môn thể dục có tác động lớn nhất với việc củng cố và xây dựng xương. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ nhảy dây khoảng 300 lần mỗi tuần tăng được khối xương hông khoảng 2,8%. Theo thạc sĩ Christine trung tâm nghiên cứu xương Trường Đại học Oregon (Mỹ), “nhảy lên hạ xuống gây sức ép với xương khiến xương thích ứng bằng cách bổ sung khối xương”.

Những môn thể dục khác giúp xây dựng và củng cố xương gồm đẩy tạ và những hoạt động tác động đến xương cao như chạy bộ và thể dục aerobic. Theo Christine, “sức ép đặt lên cơ trong các môn thể dục này giúp củng cố và kích thích xương phát triển”.

6. Bổ sung hàm lượng protein hợp lý: Chế độ ăn uống quá nhiều hoặc ăn ít protein so với nhu cầu có liên quan đến sự giảm hàm lượng xương. Bạn cần khoảng 50 gam protein mỗi ngày, bạn có thể hấp thụ đủ lượng protein đó bằng một lạng cá biển, 2 cốc sữa chua ít béo và 1 quả trứng. Những nguồn thực phẩm giàu protein khác gồm thịt nạc, thịt gà đã lọc da, đậu phụ và sữa chua không kem.

7. Hạn chế vitamin A: Theo nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Boston (Anh), những phụ nữ hấp thụ hàm lượng vitamin A cao ở dạng retinol (2.000 mcg hoặc 6.600 IU) có nguy cơ gãy xương hông do mất xương cao nhất. “Ở hàm lượng cao, vitamin A có thể gây ra quá trình mất xương nhanh hơn là quá trình xương tái sinh”, giáo sư Dianeskanich (trường Boston), người phụ trách nghiên cứu này cảnh báo. Đọc kỹ nhãn thực phẩm và thuốc bổ chứa vitamin A để tránh hấp thụ quá nhiều vitamin này. Bạn nên chọn viên vitamin tổng hợp mà ít nhất 20% hàm lượng vitamin A là từ beta-carotene, không gây hại đến xương như retinol. Ngoài ra, bạn nên chọn loại vitamin tổng hợp chứa 2.500 IU vitamin A, không nên uống loại chứa 5.000 IU vitamin này.

8. Nên ăn 5 bữa rau quả mỗi ngày: Một nghiên cứu gần đây cho biết phụ nữ ăn 5 bữa rau quả mỗi ngày có độ dày xương cao hơn phụ nữ không ăn rau quả hoặc ít hơn. Rau quả là nguồn giàu magiê và kali, hai dưỡng chất chủ yếu ngoài canxi và vitamin D trong việc bảo vệ xương.

Cách đề phòng và chữa bệnh loãng xương ở người già

Những nhà phát minh đã tìm ra một chất protein có vai trò trong sự hình thành và sự hoạt động của các tế bào phá hủy xương. Họ đã thành công trong việc tạo ra một kháng thể chống lại chất protein này.

GS-BS Christian Roux – Nhà Thấp khớp học tại BV Cochin – Cộng hòa Pháp -  đồng tác giả sách “Chứng loãng xương” (La ostéoropose) – NXB BASH -  Paris, giới thiệu những hiểu biết sơ bộ về nguồn gốc, nguyên nhân, quá trình tiến triển chứng loãng xương và các phương thức đề phòng, chữa trị đã, đang được đưa vào sử dụng cho bệnh nhân đạt hiệu quả tốt.

Chứng loãng xương là một căn bệnh rất phổ biến ở người cao tuổi nhất là ở phụ nữ, từ thời kỳ mãn kinh trở đi. Căn bệnh không chết người nhưng nguy hiểm, tiến triển âm thầm không gây đau đớn khiến người bệnh không hay biết để chữa trị.

Bệnh thường bộc lộ ra từ một ca chấn thương nhiều khi rất nhẹ ở hệ xương: một cú ngã từ tư thế đứng, trượt chân trong phòng tắm, bước hụt cầu thang…, làm gãy xương cổ tay, gãy xương cẳng chân dồn cột sống v.v… khiến người bệnh phải chữa trị dài ngày, phức tạp, có khi bị tật nguyền, để lại di chứng suốt đời, mất khả năng lao động, chất lượng cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng.

Chứng loãng xương xuất hiện khi nào?

Xương là một mô sống (tissu) gồm bởi một “cốt” (matrice) các chất protein chủ yếu là chất collagen trong đó những tinh thể đảm bảo độ bền vững cho xương. Cốt xương đó thường xuyên được đổi mới bởi 2 loại tế bào (TB).

- Những TB tạo cốt xương: ostéoblastes cấu tạo ra nó và vôi hóa nó.

- Các TB hủy cốt xương: ostéoclastes, ngược lại phá hủy nó.

Hoạt động phá hủy này là bắt buộc vì nó cho phép sự đổi mới  các mô xương, giúp  xương thích ứng tốt với mọi va chạm, dồn nén…

Chứng loãng xương xuất hiện khi những khả năng phá hủy vượt quá khả năng xây dựng. Khi đó xương trở nên xốp sẽ dễ bị gãy hoặc rạn vỡ “tức khắc” hoặc “dần dần”, sau mỗi chấn thương nhỏ nhất… Người ta ước lượng khoảng 30%-40% những người trên 50 tuổi sẽ bị loãng xương cho đến cuối đời.

Các yếu tố dễ dẫn đến bệnh

Có 7 yếu tố, đó là:

1. Giới tính : Phụ nữ thường bị nhiều hơn nam giới.

2. Di truyền: Các đối tượng có cha, mẹ đã từng bị gãy xương, ví dụ gãy cổ xương đùi, thường có nguy cơ bị loãng xương nhiều hơn.

3. Tuổi tác: Nguy cơ gãy xương xuất hiện sau tuổi 50 và sẽ tăng gấp đôi ở 10 năm sau: ở những phụ nữ mãn kinh sớm.


4. Cân nhẹ: Bệnh thường có ở những người thuộc hạng cân dưới 50kg hoặc có chỉ số khối lượng cơ thể đo bằng tỉ số: Ic = Trọng lượng cơ thể (tính bằng kg)/chiều cao2 (tính bằng mét) <19 (đây là thông số sinh học đối với người Âu – Mỹ, còn đối với Việt Nam và Đông Nam Á thì thấp hơn).

5. Hút thuốc lá: Kể cả hút thường xuyên hoặc mới hút.

6. Dùng các dược phẩm có corticoid kéo dài quá 3 tháng trở lên.

7. Có một số bệnh về nội tiết, về tiêu hóa, thận và hô hấp.

Nếu không gặp phải một trong những nhân tố nói trên thì không cần đến máy đo để phát hiện chứng loãng xương nhưng trong trường hợp ngược lại, nhất thiết phải tìm đến máy.

Sau một xét nghiệm cho kết quả bình thường, nếu 3-5 năm sau bỗng nhiên xuất hiện một yếu tố rủi ro nào đấy, ví dụ mẹ bạn bị gãy cổ xương đùi thì tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra tình trạng, mật độ  xương cốt của mình.

Bệnh tiến triển thời kỳ đầu rất âm thầm. Mật độ xương giảm dần một cách tất yếu từ tuổi 50, nhưng không gây đau đớn gì. Do đó, nếu có điều kiện, ở lứa tuổi đó các bà, các chị cũng nên tìm cách đi đo mật độ xương ở các cơ sở y tế có chuyên khoa xương.

Sự suy giảm mật độ xương là việc rất hệ trọng, thường đi kèm với sự rối loạn về chất lượng xương, khiến bộ xương trở nên mỏng mảnh, rồi thì xuất hiện sự gãy xương đầu tiên. Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh tiến triển và làm tăng thêm nguy cơ gãy xương tiếp.

Trong những thể nặng hơn, có thể phát hiện tới 3, 4 chỗ gãy. Gãy xương sống, gãy cổ xương đùi là trường hợp nghiêm trọng hơn cả, thường gặp ở những người cao tuổi, sức khỏe kém. Một năm tại Pháp có tới 50 nghìn đến 60 nghìn ca lắp háng giả vì gãy cổ xương đùi!

Bệnh loãng xương thường tiến triển qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Mật độ xương không đủ. Đó mới chỉ là một sự cảnh báo, chưa là bệnh.

Giai đoạn 2: Mật độ xương thấp, nhưng chưa có gãy xương.

Giai đoạn 3:  Loãng xương nặng, gây ra một hoặc nhiều vụ gãy xương.

Cách đề phòng và chữa trị bệnh loãng xương.

Có thể phòng ngừa bệnh loãng xương, nhưng cần được tiến hành sớm, ngay từ tuổi trưởng thành để có được “vốn” cứng cáp. Ở giai đoạn này của cuộc đời, có 3 nguyên tắc quan trọng là:

1. Tiêu thụ (qua đường ăn, uống, tiêm truyền…) các sản phẩm giàu canxi, để bổ sung canxi cho cơ thể, trong đó quan trọng nhất là sữa.

2. Tập thể dục hoặc thể chất ít nhất 3 lần/tuần.

3. Không hút thuốc lá.

Với các phụ nữ có mật độ xương không quá thấp, chỉ cần ngừng hút thuốc lá, tập thể dục và tập đều đặn, tiêu thụ 3 sản phẩm sữa mỗi ngày, các loại nước khoáng giàu canxi, uống sinh tố D với liều lượng 400-800 đơn vị/ngày, tắm nắng… cũng là điều cần làm trong tất cả các giai đoạn của chứng loãng xương.

Với những phụ nữ  mà mật độ xương thấp, lại có rối loạn của thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể chỉ định từng thời kỳ, một phương  thức chữa trị nội tiết hỗ trợ, có tác dụng bảo vệ  hệ xương, nhưng chống chỉ định đối với các ca đã, đang điều trị ung thư vú.

Các phương thức điều trị và dược phẩm đã và đang được sử dụng: ở các giai đoạn cuối của bệnh loãng xương, việc sử dụng thuốc để chữa trị là điều bắt buộc. Tùy theo các hãng bào chế, thuốc chữa loãng xương có nhiều tên gọi khác nhau nhưng về cơ bản, thuộc các nhóm chính sau đây:

1. BI-PHÔTSPHÔNAT: dạng viên uống hàng tuần hoặc hàng tháng, sử dụng trước và sau khi có gãy xương.

2. RALÔCXIFEN và TÊRIPARATIT: dạng tiêm dưới da hàng ngày, trong vòng 18 tháng, có tác dụng lên nguồn tiếp nhận hoócmôn, chỉ định cho các phụ nữ loãng xương, gãy rạn ở cột sống (rachis); cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc này với các ca đã mổ ung thư vú.

3. RÊNALAT STRÔNG  CHIUM: dạng gói nhỏ như gói trà hòa tan (sachets), dùng hàng ngày, có thể dùng trong mọi giai đoạn của bệnh. Dược phẩm và phương thức điều trị mới, sắp được ra đời, bằng đường tiêm truyền hằng năm, một lần duy nhất:

Đó là ZÔLÊĐRÔNAT, sẽ được phép bán rộng rãi trên thị trường trong những tháng cuối năm nay, có đặc điểm chỉ dùng duy nhất một năm một lần, ở dạng tiêm  truyền tĩnh mạch, ngắn, trong vòng 15 phút.

Công trình nghiên cứu dược phẩm này đã được thực nghiệm trên 7.000 phụ nữ tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước châu Âu trong vòng 3 năm qua, và được công bố kết quả trên báo Y học Anh mới (New England Journal of Medecin), với 70% các ca gãy cột sống, 40% gãy cổ xương đùi, 20% các ca gãy xương khác đã được giảm bớt.

Một dược liệu khác đầy hứa hẹn đang được tìm tòi, nghiên cứu và một phương thức điều trị mới nữa sẽ ra đời.

Dược phẩm mới và phương thức điều trị mới sẽ được ra đời dựa trên cơ sở của công trình nghiên cứu mới đây về cơ chế hoạt động của các tế bào xương. Những nhà phát minh đã tìm ra một chất protein có vai trò đồng thời trong sự hình thành và sự hoạt động của các TB phá hủy xương.

Họ đã thành công trong việc tạo ra một kháng thể chống lại chất protein này. Dược phẩm đang được thực nghiệm, đánh giá và sẽ được chỉ định tiêm dưới da, 6 tháng/lần.

Đây là công trình nghiên cứu quốc tế rộng rãi tiến hành trên hàng ngàn phụ nữ đang được tiến hành tại Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, trong đó Pháp giữ vị trí chủ đạo.

Những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ; thuốc được hấp thụ tốt, ít tác dụng phụ, thời gian sử dụng thuốc ngắn, tác dụng kéo dài, ít phiền hà cho người bệnh.

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý