Bệnh chàm nên kiêng những gì và nên ăn những gì?

seminoon seminoon @seminoon

Bệnh chàm nên kiêng những gì và nên ăn những gì?

06/11/2015 12:00 AM
191

Như chúng ta đã biết, bệnh chàm là căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và vẻ đẹp ngoại hình của bệnh nhân. Chính vì vậy, chúng ta không được xem thường căn bệnh này và việc tìm ra cách phòng và điều trị bệnh chàm hiệu quả đóng vai trò hết sức quan trọng và bức thiết.

Điều trị bệnh chàm ở người lớn

Chào bác sĩ, em năm nay 17 tuổi. Cách đây 1 năm có những nốt nổi lên như muỗi cắn, càng gãi càng đỏ, chủ yếu bị ở chân, từ từ đen lại rồi mờ dần, nhưng hiện nay những nốt đó lại nổi lên kèm những nốt nổi thêm từ từ lở ra và bị nặng nhất là ở đầu gối bị lở rất to. Em đã đi khám ở bệnh viện da liễu bác sĩ nói là bị chàm và cho 2 loại thuốc uống là Cèon-DM 200 và vitamin A Bioextra và loại thuốc bôi là Eosin. Em uống khoảng 4 ngày nhưng vẫn không thấy chuyển biến, chỗ đầu gối vẫn chảy nước. Không biết bác sĩ cho thuốc như vậy đã đúng chưa.

Trả lời của bác sĩ da liễu

Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ. Có thể do cơ địa dị ứng, do kích thích của hoá chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc). Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Những người trong cùng một gia đình có thể có nhiều các loại bệnh dị ứng khác nhau như suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm…

Chàm được phân ra làm nhiều loại như:

– Viêm da dị ứng: thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Bệnh hay gặp ở trẻ em từ 2 đến 18 tháng và thường hết khi trẻ đến tuổi dậy thì. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, nhượng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra da vùng này đóng vẩy và tróc ra.

– Chàm ở tay: gây ra bởi sự kích thích của hoá chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su… hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hoá chất.

– Chàm đồng tiền: vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn. Chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng.

– Chàm thể tạng: hay gặp ở những người có cơ địa dãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.

Điều trị: bệnh thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn. Để điều trị cần phải:

– Tránh các nguyên nhân gây kích thích da như: bột giặt, nước rửa chén, hoá chất…
– Chống ngứa bằng các thuốc kháng dị ứng như Chlorpheniramine, Cetirizine…
– Uống các loại vitamine nhóm B, C.
– Nếu có bội nhiễm dùng thêm kháng sinh.
– Corticoid bôi tại chỗ.
– Ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Vấn đề dùng corticoid toàn thân như K-cort (là dạng corticoid có tên là Triamcinolone ) phải thật thận trọng vì tuy nó có tác dụng ngay và ngoạn mục nhưng có nhiều biến chứng cho cơ thể như teo cơ, xơ hoá cơ (như xơ hoá cơ delta gây hội chứng “chim xệ cánh” chẳng hạn), teo da, áp-xe hoá ngay chỗ chích cho đến những biến chứng nặng như dễ bị lao và các bệnh nhiễm khác do suy giảm miễn dịch; bị loét dạ dày tá tràng; giữ muối và nước gây tăng huyết áp; loãng xương; suy tuyến thượng thận…

Vì vậy, để điều trị chàm thì nên sử dụng corticoid bôi tại chỗ chứ không nên dùng K-cort là loại corticoid tác dụng chậm và kéo dài vì những biến chứng kể trên. Nếu cần thiết phải sử dụng corticoid trong những đợt bệnh diễn biến cấp thì nên dùng corticoid uống và có tác dụng ngắn dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Nếu không nổi mụn nước thì có thể là chàm khô. Bệnh chàm khô rất khó chữa trị nhưng không phải là bệnh nan y. Bệnh thường xảy ra ở lòng bàn tay, bàn chân, gây trở ngại rất nhiều trong sinh hoạt. Nếu mang giày vớ suốt ngày càng làm bệnh nặng thêm. Nên để bàn chân thoáng, mang giày có quai không được cọ xát vào nơi da bệnh. Khi làm việc nhà nên mang bao tay, không tiếp xúc trực tiếp với xà bông, chất tẩy rửa.
Về điều trị, có thể dùng thuốc kháng histamin, kháng sinh hay sulfamide, sinh tố PP, thuốc hỗ trợ gan, mật. Tránh các loại thức ăn gây ngứa như cá biển, thịt bò, trứng vịt lộn, cua ghẹ. Bệnh có thể chữa khỏi hẳn với thuốc Histaglobin. Đây là thuốc giải dị ứng có hiệu quả cho một số bệnh da.

Bạn đã được bác sĩ thăm khám trực tiếp và kê đơn thuốc điều trị, bạn nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong quá trình dùng thuốc, bạn nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ điều trị. Ngoài ra bạn nên lưu ý tái khám sau mỗi đợt điều trị để để bảo đảm điều trị dứt điểm bệnh.

Chàm có khỏi được không? Chế độ ăn uống dành cho người bị chàm?

Chào bác sĩ, dưới chân cháu bị nổi sẩn ngứa, sau đó làm mủ, đi khám da liễu bác sĩ chẩn đoán bị Viêm Da mủ cho thuốc uống và bôi, hết và để lại vết thâm. Nhưng khi ngưng thuốc thì bị lại ngay vết thâm nổi mụn nước, bị 2 tháng nay. Đi khám lại bác sĩ nói bị chàm sẩn ngứa, cho thuốc thoa IPOLAC CREAM, thuốc uống XYZAI 5MG, VINTAMIN PP 500MG, DUMARUS. Cháu có hỏi chàm này trị hết không, bác sĩ nói hết và dặn không được ăn đồ biển, thịt bò. Xin hỏi bác sĩ chàm của em chữa hết được không, bác sĩ dặn không được ăn đồ biển, thịt bò nhưng khi hết thì ăn được không hay phải kiêng ăn suốt đời. Lúc nhỏ không bị dị ứng tôm và cua, nhưng sau đó bị ngứa toàn thân, từ lúc đó tới giờ ko ăn tôm và cua nữa. Và có được tắm xà bông được khôn , nếu có nên dùng loại nào để bệnh không nặng thêm! Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ tư vấn:

Chàm là một bệnh hay tái đi tái lại nhiều lần khiến cho người bệnh rất khổ sở và mong muốn có một phương pháp nào trị dứt hẳn cho đỡ khó chịu.

Có rất nhiều dị ứng nguyên cũng như chất kích thích gây nên sự xuất hiện của bệnh chàm. Vậy ngoài thuốc men ra ta cần phải loại bỏ chất gây dị ứng hoặc chất gây kích thích thì bệnh chàm mới không tái phát hoặc lâu tái phát.

Có 2 loại xét nghiệm để tìm ra dị ứng nguyên gây nên bệnh.

Đó là xét nghiệm máu tìm loại kháng thể đặc hiệu và các thử nghiệm trên da. Xét nghiệm máu vừa đề cập là 1 xét nghiệm cao cấp vì phải phát hiện đúng kháng thể của đúng chất gây ra bệnh chàm. Các thử nghiệm da có thể thực hiện là thử nghiệm châm vào da hay thử nghiệm dán vào da. Đây là các thử nghiệm mà chất được dùng để thử là các chất gây dị ứng được trích tinh ra hoặc để nguyên chất được châm vào da hoặc dán vào da. Tuy nhiên đối với nước ta hiện nay các dị ứng nguyên này rất đắt nên ta chưa thực hiện nổi.

Trường hợp chàm nhẹ hoặc vừa: thống kê cho biết nguyên nhân thường do dị ứng với các chất tiếp xúc (như dầu thơm, chất kim loại…)

Trường hợp chàm nặng hoặc khó trị và nhất là có đi kèm với các biểu hiện đường hô hấp: thường do nguyên nhân thức ăn (như trứng, đậu phộng, tôm, cua, cá, đậu nành, men bia …)
Trường hợp chàm mãn tính có hoặc không có đi kèm với biến chứng đường hô hấp: thường do các dị ứng nguyên trong không khí.

Trường hợp chàm xuất hiện ở vị trí đầu và cổ: thường do nguyên nhân nấm lang ben hoặc do tiếp xúc với dầu gội đầu, dầu thơm, thuốc bôi ngoài da…

Để cho việc điều trị được hiệu quả, cần phải loại bỏ các dị ứng nguyên

Trong các thức ăn (nếu do nguyên nhân thức ăn) bằng cách kiêng các thức ăn đã gây dị ứng.

Trong không khí (nếu do bụi trong không khí) bằng cách hút sạch bụi nhà cửa, tránh tiếp xúc với chó mèo …

Chàm xuất hiện là do vai trò của dị ứng nguyên vì vậy điều trị bệnh không quá chú tâm đến sự hiệu nghiệm của thuốc mà nên cố gắng đoán ra dị ứng nguyên và loại bỏ nó đi thì bệnh mới có thể khỏi và không tái phát.

Khi bị bệnh chàm cần kiêng ăn thực phẩm gì?

Một số loại thực phẩm có thể là yếu tố kích ứng làm bùng phát bệnh chàm. Bệnh nhân cần lưu ý tìm ra loại thực phẩm gây dị ứng cho mình và tránh dùng lại sau đó, bởi danh sách này không hoàn toàn giống nhau với tất cả người bệnh. Thông thường biểu hiện dị ứng xảy ra sau khoảng 2h từ lúc dùng thức ăn, với biểu hiện phát ban (đỏ da) và ngứa tăng dần, tuy nhiên cũng có khi tình trạng này xảy ra muộn hơn trong vòng 1 ngày.

Một số loại thực phẩm được ghi nhận có nguy cơ gây dị ứng cao mà bệnh nhân chàm nên tránh bao gồm: đậu phộng, các sản phẩm từ sữa và lúa mì, ngô, đậu nành, tôm, cua, sò, hến… và các thực phẩm có chất bảo quản. Ngoài ra, tùy theo cơ địa từng người, có thể có tình trạng dị ứng với những loại thức ăn riêng biệt khác, cần chú ý ghi nhận và phòng tránh.

Người bị bệnh chàm nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm, đặc biệt là chất béo, vitamin và khoáng chất được xem là có tác dụng hỗ trợ rất tốt trong việc giảm nhẹ triệu chứng cũng như ngăn ngừa tái phát bệnh chàm thông qua việc giảm viêm và tăng cường sức khỏe làn da, bao gồm:

– Dầu hạt lanh: không chỉ là nguồn cung cấp các axit béo thiết yếu, dầu hạt lanh còn có vai trò ngăn chặn sự hình thành yếu tố gây viêm protaglandin, từ đó giảm nhẹ triệu chứng trong bệnh chàm. Có thể tiêu thụ 1 muỗng canh dầu hạt lanh mỗi ngày hoặc dùng dạng bột rắc lên thức ăn.

– Dầu anh thảo: chứa hàm lượng cao axit béo omega-6 (axit gamma-linolenic) giúp chữa lành các triệu chứng liên quan đến mụn nước trong bệnh chàm. Liều lượng 2-4 gam dầu anh thảo buổi tối, dùng chung với bữa ăn là cần thiết để ngăn ngừa bệnh chàm.

– Dầu cá: chứa hàm lượng cao axit béo omega-3, có tác dụng cải thiện triệu chứng viêm. Có thể bổ sung dưới dạng viên nang mỗi ngày.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý