Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

18/04/2015 03:26 PM
827
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh? Phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ. Làm gì khi phat hiện trẻ bị suy hô hấp.

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Suy ho hap o tre so sinh
Hỗ trợ thở cho trẻ suy hô hấp.

Các bà mẹ hãy đưa con đi cấp cứu ngay khi thấy trẻ thở nông, nhanh không đều, da tím tái, nhất là co kéo lồng ngực. Đây chính là biểu hiện suy hô hấp - một nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non.

Sau khi trẻ lọt lòng mẹ, các cơ quan nội tạng bắt đầu hoạt động và phối hợp rất nhịp nhàng để duy trì chức năng hô hấp. Nếu khả năng thích ứng đó bị rối loạn thì ở trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng suy hô hấp. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh không chỉ ở hệ hô hấp mà còn có thể ở tim mạch, màng não, hoặc chỉ đơn thuần do trẻ bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết...

Theo dõi trẻ, nếu thấy một trong những triệu chứng sau thì có thể trẻ đang trong tình trạng suy hô hấp:

- Rối loạn nhịp thở: Quan sát và đếm nhịp thở. Trẻ thở nông, nhanh không đều, nhịp thở trên 60 lần/phút.

- Màu sắc da: Da trẻ bị tím hoặc tái. Tím tái toàn thân hoặc tím quanh môi và tứ chi.

- Trẻ khó thở, co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm xương ức. Di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở. Cánh mũi phập phồng có tiếng rên ở thì thở ra.

Khi trẻ bị suy hô hấp, cơ thể bị thiếu dưỡng khí, nếu không được khắc phục sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Trẻ phải được khám và chẩn đoán chính xác để có cách xử lý thích hợp. Trong thực tế, có những trường hợp suy hô hấp không thể điều trị khỏi bằng nội khoa mà phải giải quyết bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật cấp cứu, chẳng hạn như tắc thực quản - rò khí thực quản, thoát vị cơ hoành, tràn khí màng phổi…

Trong lúc chuẩn bị đưa trẻ đến bệnh viện, cần nhanh chóng thông đường thở, đặc biệt là đối với trẻ suy thở do sặc sữa hoặc sặc đờm, dãi. Dùng ngón tay quấn khăn sô lau sạch miệng và họng. Nhanh chóng dùng miệng hoặc dụng cụ hút mũi cho trẻ. Phải làm nhanh và nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng. Nới rộng tã, áo để trẻ dễ thở. Phải giữ ấm bằng chăn, túi nước ấm, chú ý không được làm bỏng trẻ. Bế trẻ ở tư thế đầu hơi cao, ngửa cho dễ thở.

Phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh


Để phòng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, ngoài việc phát hiện sớm các bệnh lý, yếu tố chăm sóc nuôi dưỡng cũng rất quan trọng. Không được để trẻ bị lạnh, giữ trẻ ở nhiệt độ ngoại cảnh 27-28 độ C, nhất là vào mùa đông. Bảo đảm bú mẹ tốt, cho trẻ bú theo nhu cầu nhưng nếu trẻ ngủ lâu quá 3 giờ không dậy thì phải đánh thức dậy cho bú. Nhiều bà mẹ thấy con ngủ say cứ để cho ngủ, có khi 5-6 giờ liền. Như vậy trẻ sẽ bị đói, bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt và có thể dẫn đến suy thở.

(Theo SK&ĐS)


Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp ở trẻ em

Khi trẻ cất tiếng khóc chào đời, các cơ quan trong cơ thể đều phối hợp hoạt động rất nhịp nhàng để duy trì cuộc sống bình thường. Nếu chẳng may một cơ quan nào đó bị rối loạn, triệu chứng suy hô hấp sẽ có thể xuất hiện.


Suy hô hấp ở trẻ mới đẻ có tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, nó cần được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời. Các nguyên nhân gây suy hô hấp gồm:

Hội chứng màng trong

Thường gặp ở trẻ đẻ non, trẻ được đẻ mổ trước khi chuyển dạ hay bị ngạt, bị suy thai trong lúc chuyển dạ. Thường triệu chứng suy hô hấp xuất hiện sau đẻ vài giờ trở đi. Suy hô hấp do hội chứng màng trong thường gây những biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hóa do thiếu ôxy kéo dài, viêm ruột, tắc mật...

Điều trị hội chứng màng trong rất khó khăn và tốn kém. Ở Việt Nam, tử vong do loại bệnh này rất cao. Vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng: quản lý tốt thai nghén, giảm tỷ lệ đẻ non, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những trường hợp suy thai, giảm đến mức tối đa những trường hợp ngạt sau đẻ.

Hít nước ối lẫn phân su

Hay gặp ở trẻ đủ tháng và già tháng, bị suy thai cấp trong lúc chuyển dạ khiến nhu động ruột tăng, thai nhi tống phân su vào nước ối ra. Vì thiếu ôxy nên thai nhi có những động tác ngáp mạnh và đã hít nước ối lẫn phân su vào khí quản, phổi. Với những trẻ đẻ ra trong tình trạng ngạt nặng, sau hồi sức, trẻ có thể thở trở lại nhưng dần dần xuất hiện triệu chứng suy hô hấp. Phân su vào phổi làm tắc các nhánh phế quản, gây xẹp phổi từng vùng. Nếu xử lý không kịp, trẻ dễ bị tử vong.

Nhiễm khuẩn phổi

Trẻ bị viêm phổi bẩm sinh do lây nhiễm từ mẹ hoặc nhiễm khuẩn trong quá trình chuyển dạ. Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện phối hợp với bệnh cảnh nhiễm trùng huyết sơ sinh (vàng da sớm và đậm, gan to, lách to, sốt, suy tuần hoàn cấp...).

Tràn khí màng phổi

Thường xuất hiện do vỡ phế nang tiên phát (có liên quan tới bệnh bẩm sinh ở phổi) hay thứ phát (có thể xuất hiện sau các thao tác hồi sức như thông khí bằng mặt nạ - ambu với áp lực mạnh). Đây là một trong những biến chứng không mong muốn trong quá trình hồi sức cấp cứu cho trẻ.

Tắc thực quản, rò khí quản - thực quản

Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện ngay lập tức khi trẻ hít nước bọt (nếu lỗ rò cao) hoặc dịch tiêu hóa (nếu lỗ rò thấp), đặc biệt là trong bữa bú đầu tiên. Trẻ tím tái, khó thở dữ dội, có khi ngừng thở vì dịch, thức ăn vào phổi qua lỗ rò. Nếu không chẩn đoán đúng nguyên nhân để xử lý, trẻ sẽ tử vong.

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh

Qua lỗ bất thường của cơ hoành, các tạng trong bụng chui vào lồng ngực, chèn ép phổi và tim, đẩy tim sang phía đối diện. Triệu chứng suy hô hấp xuất hiện càng ngày càng nặng thêm, phụ thuộc vào mức độ chèn ép phổi. Đây là trường hợp cần can thiệp gấp bằng ngoại khoa.

Hẹp hoặc tắc lỗ mũi sau

Trong những ngày đầu sau đẻ, trẻ thở chủ yếu bằng mũi. Nếu lỗ mũi sau bị tắc, đường thở từ mũi không thông xuống họng, ở trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng suy hô hấp. Triệu chứng này sẽ mất nếu trẻ há miệng thở. Lúc ăn, trẻ sẽ khó thở hơn nên mút vài cái rồi ngừng để thở, không thể bú liên tục được. Trường hợp này cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng.

Triệu chứng suy hô hấp rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ nên cần được chẩn đoán sớm và xử lý để cứu lấy cuộc sống cho bé càng sớm càng tốt. Để phòng bệnh, các bà mẹ mang thai cần được khám thai và theo dõi thai định kỳ. Khi sinh, phải đến cơ sở y tế, được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên sâu đỡ đẻ. Sau đẻ, cần biết cách theo dõi trẻ, phát hiện những bất thường để xử lý kịp thời.


BS. Nguyễn Thị Kiểm

(Theo Suckhoedoisong.vn)


(ST)





Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Suy ho hap dieu tri bang cach nao voi tre 1ngay tuoi?co ton kem khong a?
hơn 1 tháng trước - Thích (12) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý