Chữa bệnh đường ruột mãn tính đúng cách

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Chữa bệnh đường ruột mãn tính đúng cách

17/11/2015 12:00 AM
89

Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng. Bệnh có thể bắt đầu do nhiễm khuẩn đường ruột cấp, thương hàn, lị trực khuẩn, lị amip và các nhiễm trùng khác nhưng không được điều trị triệt để dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang Viêm đại tràng mạn tính. 

Biểu hiện của bệnh là rối loạn tiêu hoá, chướng bụng, đau bụng, lúc tiêu chảy, lúc táo bón, không thoải mái sau khi đại tiện, có cảm giác mót muốn đi nữa và thường hay tái phát khi ăn đồ ăn lạ....Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, gây trở ngại cho sinh hoạt và công việc thường ngày.

Theo các chuyên gia, dù đại tràng chỉ dài khoảng 1,5m nhưng có rất nhiều bệnh lý khác nhau và có thể chia  thành 2 nhóm: bệnh lành tính và ác tính. Trong mỗi nhóm bệnh, tùy theo triệu chứng, mức độ lại có những loại bệnh khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau.

1. Bệnh đại tràng lành tính

Chúng ta thường hay nghĩ đến bệnh lành tính là bệnh viêm đại tràng. Thực ra, khi có những biểu hiện như đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện nhiều lần và phân có nhầy thì có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau của đại tràng.

Bệnh phình đại tràng bẩm sinh: Thường gặp hơn cả là phình đại tràng bẩm sinh do các hạch thần kinh.

Hình ảnh phình Đại tràng bẩm sinh

Triệu chứng: Táo bón, nhiều ngày không đại tiện, phân to và rắn, đôi khi phải dùng thuốc thụt hậu môn thì mới đại tiện được. Một số trường hợp sẽ gây ra chứng tắc ruột do phân, gây đau bụng, nôn, chướng bụng và người bệnh phải đến ngay viện cấp cứu.

Viêm đại tràng: 

- Triệu chứng bệnh: Đau quặn bụng từng cơn, có khi đau âm ỉ; xuất phát đau thường là ở vùng hố chậu hai bên hoặc vùng hạ sườn phải và trái (vùng đại tràng gan góc, góc lách); đau lan dọc theo khung đại tràng, khi đau thường mót "đi ngoài", "đi ngoài" được thì giảm đau; táo lỏng xen kẽ; phân có nhầy mũi…

- Nguyên nhân: Sự nhiễm các vi khuẩn có hại gây ra viêm đỏ, phù nề, thậm chí có những chỗ bị tổn thương mất một phần niêm mạc ruột thành ổ loét. Có nhiều loại vi khuẩn đường ruột có thể gây viêm đại tràng. Nếu biểu hiện mạnh ở các triệu chứng như đau nhiều, đi đại tiện nhiều lần thì là viêm đại tràng cấp. Viêm đại tràng cấp nếu điều trị không triệt để có thể dẫn đến viêm đại tràng mãn tính.

Hình ảnh viêm loét niêm mạc đại tràng

Tuy nhiên, có một số bệnh (nữ nhiều hơn nam) bị rối loạn chức năng co bóp của đại tràng – gọi là hội chứng ruột kích thích hay bệnh viêm đại tràng co thắt hay bệnh đại tràng chức năng, cũng có biểu hiện đau quặn, mót rặn nhưng không đi ngoài nhầy mũi, thường xảy ra khi thay đổi thời tiết hoặc ăn các thức ăn lạ như thức ăn tanh (cua, cá...) hoặc thức ăn lên men (dưa, cà...).

Đối với những bệnh này thường chỉ cần dùng thuốc điều chỉnh co bóp ruột chứ không phải dùng kháng sinh đường ruột.

- Điều trị: Tùy theo nguyên nhân mà có thuốc điều trị đặc hiệu khác nhau. Do đó để điều trị hiệu quả người bệnh cần đến những cơ sở y tế có uy tín để được xác chuẩn nguyên nhân từ đó mới có phác đồ điều trị hợp lý. Các thuốc hay dùng trong điều trị viêm đại tràng là: Kháng sinh đường ruột và thuốc điều hòa nhu động ruột. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh đường ruột cũng có nhiều bất lợi bởi tình trạng nhờn, kháng thuốc và mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột gây ra bởi kháng sinh.

- Phòng bệnh: Có chế độ vệ sinh ăn uống hằng ngày, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn các thức ăn chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh (thịt lợn bị bệnh tai xanh, thịt gà bị bệnh cúm...) không ăn quá nhiều thức ăn lên men chua như dưa, cà... Đồng thời, khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm đại tràng, cần đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị đúng thuốc, đúng bệnh và triệt để.

Ngoài hai bệnh thường gặp nêu trên, còn rất nhiều bệnh đại tràng khác có những triệu chứng giống như viêm đại tràng như bệnh polyp đại tràng, bệnh túi thừa đại tràng, bệnh đại tràng đôi, đại tràng dài hoặc teo đại tràng...

Trong đó, bệnh polyp đại tràng là loại bệnh có một hay nhiều cục thịt thừa ở trong lòng đại tràng. Khi mắc bệnh này, nên đến bệnh viện để phát hiện kịp thời và điều trị bằng các phương pháp như nội soi cắt polyp hoặc phẫu thuật cắt đoạn ruột bị tổn thương.

Hình ảnh polyp đại tràng

Một bệnh nữa thường gặp (người châu Âu mắc nhiều hơn châu Á, người mập nhiều hơn người gầy) là bệnh túi thừa đại tràng, rất nhiều người chỉ phát hiện được khi tình cờ chụp hoặc soi đại tràng hoặc xuất hiện khi đã có biến chứng khi thủng hay viêm túi thừa. Không có thuốc điều trị bệnh túi thừa đại tràng, chủ yếu là chế độ ăn hợp lý để tránh biến chứng viêm túi thừa phải phẫu thuật cấp cứu. 

2. Bệnh đại tràng ác tính

Bệnh ác tính của đại tràng hay gọi là bệnh ung thư đại trực tràng là một bệnh hay gặp. Một số bệnh lý đại tràng nêu trên cũng có thể chuyển thành ung thư như: loét đại tràng lâu ngày, bệnh đa polyp phát hiện muộn có thể một vài polyp biến đổi thành ung thư.

- Triệu chứng

Tùy theo vị trí và tùy theo từng loại ung thư, bệnh nhân có thể chỉ bị đau bụng sơ sài, không đáng kể, hoặc bụng chỉ hơi xình trướng, khó chịu, hoặc đau "tưng tức" sau hoặc trước bữa ăn. Vấn đề đại tiện có thể trở nên khác thường.  Ngày bị bón, ngày đi tiêu chảy.  Phân trở nên nhỏ lại, có thể pha với máu. Thông thường ung thư đại tràng trong những giai đoạn đầu chỉ chảy rất ít máu, nên người bệnh sẽ không thấy.  Đến khi ung thư trở nên lớn hơn nhất là nếu ung thư nằm gần hậu môn, xuất huyết ruột già có thể rõ ràng hơn với những vết máu đỏ tươi hoặc máu bầm pha lẫn với phân. Mất máu lâu ngày, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở, hoặc chóng mệt.  Nếu không chữa kịp thời và đúng lúc, bệnh nhân có thể sẽ bị gầy sút rất nhiều. 

- Điều trị

Phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột có khối u và những vùng xung quanh bị nó xâm lấn. Tùy theo kết quả xét nghiệm tế bào để điều trị tia xạ, hóa chất hay miễn dịch kèm theo.

- Xét nghiệm phát hiện khối u sớm

  • Chụp X quang khung đại tràng có thuốc cản quang: Xét nghiệm này cũng có thể định hướng trong chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm này có thể thực hiện được ở hầu hết các bệnh viện.

  • Soi đại tràng ống mềm: Là biện pháp tốt nhất để phát hiện u đại tràng, qua ống soi mềm bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ tình trạng bên trong của đại trực tràng và có thể lấy được một phần khối u để xác định đó là u lành hay ác.

  • Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ: góp phần rất quan trọng trong phát hiện ung thư đại trực tràng, nhất là phát hiện xâm lấn, hạch và di căn hạch.

  • Chụp PET là một kỹ thuật đánh giá rõ ràng tổn thương do u gây ra cũng như những di căn của khối u.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý