Để thai kỳ được phát triển toàn diện, mẹ bầu cần tuân thủ những gợi ý dưới đây về các tư thế đi, đứng trong sinh hoạt hàng ngày:
Tư thể đứng
Khi ngồi quá lâu do làm việc, sau một
giờ nên đứng lên đi lại. Đứng để giúp kích thích tuần hoàn máu, tránh
hiện tượng tê mỏi các khớp chân và cơ. Có thể kết hợp xoa bóp nhẹ trước
khi đứng lên.
Nếu công việc đòi hỏi đứng nhiều, chú ý để trọng tâm chia đều cho hai
chân bằng cách đứng thẳng chân ngang bằng vai, có thể vừa đứng vừa tập
thể dục cho bàn chân và các cơ. Chẳng hạn như bấm đầu ngón chân xuống
đất rồi duỗi ra, lần lượt đặt từng chân lên xuống trên một chiếc ghế
thấp…
Tư thế ngồi
Ngồi cũng phải đúng cách, quan trọng là
tựa thẳng lưng vào thành ghế, nếu cần có thể kê thêm chiếc gối nhỏ phía
sau. Khi làm việc văn phòng phải ngồi lâu, sau mỗi giờ nên di chuyển
xung quanh nơi làm việc cho máu lưu thông đều, tránh trường hợp dẫn đến
bệnh trĩ.
Nếu đi xe đường dài, thỉnh thoảng cần xoa bóp bắp chân để các khớp và cơ chân không bị tê mỏi, chuột rút…
Tư thế đi lại
Đi bộ rất cần thiết cho các bà bầu vì đi
bộ làm các cơ ở chân khỏe hơn, máu lưu thông tốt hơn. Không chỉ vậy, đi
bộ còn giúp các cơ vòm bụng săn chắc rất có lợi khi sinh, đồng thời hạn
chế nguy cơ làm biến dạng các ven.
Tuy nhiên, khi đi bộ nên đi chậm mang giầy vừa chân, đế bằng và thấp.
Nếu thấy mệt, nên ngồi nghỉ ngơi vài phút rồi mới tiếp tục.
Tư thế ngủ
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có thể nằm ngửa để ngủ thoải mái nhưng đến những tháng sau của thai kỳ đặc biệt tháng thứ 8,9, bà bầu nên nằm nghiêng về bên trái để dễ thoải mái hơn.
Chị em cũng nên lưu ý mua cho mình một
chiếc gối để ốm, tạo tư thế dễ dàng khi ngủ. Bà bầu cần ngủ đủ 8 giờ mỗi
ngày để tâm lý tỉnh táo trong sáng hôm sau.
Thức giấc
Trong những tháng đầu của thai kỳ, người
mẹ vẫn có thể ngủ thẳng và ngồi dậy rất nhanh sau khi tỉnh giấc. Tuy
nhiên, khi thai bắt đầu lớn nên chọn tư thế ngủ nghiêng sẽ dễ chịu hơn,
kẹp thêm chiếc gối nhỏ giữa hai đầu gối để trọng lượng cơ thể được chia
đều. Lúc xuống giường, đưa hai chân xuống trước rồi chống tay để nâng
người thẳng lên trước khi bước hẳn xuống đất.
Làm việc
Động tác cúi người phải hết sức cẩn thận, khi cái thai bước sang tháng thứ 6 trở đi, cột sống người mẹ sẽ phải mang một trọng lượng lớn, gây ra những cơn đau lưng rất khó chịu. Vì thế tốt nhất là tránh cúi người, nếu phải cúi để nhặt vật gì đó nên khuỵ hai đầu gối thấp xuống trước, sau đó từ từ ngồi xuống và chỉ hơi cúi nhẹ về phía trước.
7 bí kíp giúp bà bầu khoẻ mạnh nơi làm việc
9 tháng mang thai luôn là thời kỳ mệt mỏi và vất vả đồi với tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là khi ở chỗ làm. Để giúp các thai phụ giảm được sự mệt mỏi này, các chuyên gia đã đưa ra 7 lời khuyên dưới đây:
1. Đừng quên bữa sáng quan trọng
Một bữa sáng cân bằng dinh dưỡng luôn là chìa khoá vàng để khởi đầu một ngày làm việc mới năng động và phòng tránh giảm glucoza huyết của các bà bầu. Dù ăn món gì, chị em cũng đừng quên ăn một loại quả nhiều chất xơ, kèm theo một tách trà hoặc một ly sữa, một chút bánh mì bơ, 30g pho-mat hoặc một cốc sữa chua.
2. Vận động cơ thể trên đường đến cơ quan
Nếu chỉ mất 10 -15 phút đi bộ để đến nơi làm việc thì đừng do dự, các bà bầu hãy đi bộ đến cơ quan và về nhà mỗi ngày. Nếu nghĩ rằng đi bộ trong những tháng đầu tiên là không cần thiết, ảnh hưởng không tốt tới quá trình hình thành thai nhi, gây mệt mỏi… thì bạn đã nhầm! Đi bộ sẽ giúp mạch máu lưu thông và đôi chân bạn hoạt bát hơn.
Còn nếu phải đi xe buýt hoặc ô tô thì hãy thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi trên xe. Nó sẽ giúp bạn tránh mệt mỏi.
Dù dùng phương tiện gì để đến cơ quan, hãy để xe nơi xa nhất có thể và đi bộ vào phòng làm việc. Bạn nhớ đừng mang những chiếc túi nặng hoặc quá khổ khi đi làm, nó sẽ làm bạn mệt mỏi khi đi bộ.
Nếu công việc đòi hỏi bạn phải ngồi hàng giờ trước máy vi tính, hãy dành ra 5 phút mỗi tiếng để đi lại trong văn phòng. Điều này sẽ giúp tránh mệt mỏi cho lưng và chân.
3. Cung cấp đủ nước cho cơ thể
1,5 lít mỗi ngày là lượng nước tối thiểu mà các thai phụ phải uống trong suốt thời kỳ mang thai.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể không chỉ tránh được hiện tượng khô da mà còn giúp hạn chế được bệnh táo bón - một chứng mà các thai phụ rất hay mắc phải.
Nếu có cảm giác nhạt mồm khi uống nước lọc thì hãy chuyển sáng uống nước hoa quả hoặc các loại trà thảo mộc. Dù uống loại nước gì bạn cũng phải nhớ cung cấp đủ lượng cần thiết cho cơ thể.
4. Nạp năng lượng giữa giờ
Phụ nữ mang thai thường rất nhanh đói và do đó 3 bữa mỗi ngày không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của họ.
Hãy ăn khi thấy đói là lời khuyên của các chuyên gia dành cho các thai phụ. Đặc biệt đừng bỏ qua bữa phụ sau giấc ngủ trưa để tăng thêm năng lượng hay bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ buổi đêm để có thể ngủ ngon giấc.
Ngoài ra, các loại quả khô hay bánh bích quy là những thứ đồ ăn mà các thai phụ có thể ăn vặt cả ngày.
5. Giữ đôi chân luôn thoải mái
Phải ngồi làm hàng giờ ở văn phòng, bạn đừng quên ngồi ở tư thế duỗi chân thắng, đặt chân lên cao (đặt một chiếc ghế con dưới gầm bàn). Tư thế này có thể giúp chân không bị phù hoặc nặng nề.
Nếu phải làm việc ở tư thế đứng, đừng nên đứng một chỗ quá lâu. Hãy đi lại quanh chỗ làm thường xuyên và mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để đi bộ.
Dù làm việc ở tư thế nào, việc chọn cho mình một đôi giầy hoặc dep thoải mái và có đế bằng là điều vô cùng quan trọng.
Khi trở về nhà, đừng quên để đôi chân của bạn dưới vòi nước lạnh vì nó sẽ giúp giải phóng cái nóng mà đôi chân phải chịu đựng suốt cả ngày.
Khi đi ngủ ban đêm, bạn đừng quên kê chân lên gối cao để giúp máu được lưu thông dễ dàng hơn.
6. Chăm sóc cho lưng
Khi mang thai, phần lớn các thai phụ bị đau lưng. Hãy nghĩ đến việc chăm sóc lưng để giảm thiểu mệt mỏi.
Nếu phải ngồi nhiều, hãy nhớ thường xuyên tựa lưng vào ghế và giữ lưng thẳng.
Nếu phải làm việc nhiều ở tư thế đứng, nhớ thường xuyên tập thể dục cho lưng bằng cách khom lưng tròn lại, đẩy hông về phía trước, làm nhiều lần động tác này.
Đừng do dự nhờ chồng mát-xa lưng cho mình trước khi đi ngủ. Điều này sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu.
7. Nghỉ ngơi khi về nhà
Bạn đã mệt mỏi và căng thẳng ở nơi làm việc, vậy hãy tận dụng thời gian được ở nhà để nghỉ ngơi nhé. Nghỉ ngơi thoải mái ở nhà là điều kiện quan trọng để bạn có thể làm việc tốt ở cơ quan vào ngày hôm sau.
Để có thể nghỉ ngơi nhiều nhất, bạn hãy nhờ chồng giúp việc nhà như thổi cơm dọn dẹp. Nếu chồng quá bận rộn, giải pháp có thể là dùng bữa tối ở nhà bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng.
Chúc các chị em bầu bí luôn khỏe nhé!
(ST)