Những người phụ nữ đến sau luôn phải chịu thiệt thòi. Để không bị mang tiếng là người mẹ kế độc ác, bạn cần chú ý những điều sau:
Dù xuất phát từ thành kiến hay trực giác, vấn đề là bạn phải loại bỏ ngay tình cảm tiêu cực đối với con riêng của chồng để mọi người có thể chung sống trong bầu không khí thân thiện, hòa hợp.
Một thách thức
Điều khác biệt nổi bật giữa trẻ con và người lớn là một đứa trẻ 5 tuổi sẽ tuần tự lớn lên, trưởng thành và học cách đối phó với những cảm giác của nó, trong khi cảm giác của một người 40 tuổi dường như là “đông lạnh” và khó thay đổi. Ác cảm của một đứa trẻ đối với bạn khó mà kéo dài hơn vài tháng sau khi quan hệ giữa bạn và chàng đã thành lập và ổn định.
Còn ác cảm của bạn thì sao? Nếu bạn chỉ tập trung suy nghĩ về việc bạn không ưa đứa trẻ đó đến mức nào, rồi kể lể về những tật xấu thói hư của đứa trẻ cho bất cứ người bạn nào bạn gặp… thì lâu dần bạn chỉ có thể ghét đứa trẻ hơn chứ không thể chuyển thành thái độ chấp nhận với nó được.
Vì thế, để “rã đông” mối bất hòa ấy, hãy nhờ chồng bạn chỉ ra những ưu điểm của đứa trẻ (những ưu điểm mà nó có trước khi… bạn xuất hiện) và hãy chỉ tập trung nghĩ về những ưu điểm ấy thôi. Hãy tự đặt ra cho mình một thách thức: tìm lại những ưu điểm của trẻ trong một thời hạn nhất định.
Nhận dạng cảm xúc
Thực tế là không có đứa bé nào đáng ghét từ trong bản chất cả, chỉ là do cảm giác ban đầu hoặc thành kiến của bạn mà thôi. Vì thế, nếu con của chàng không có những đòi hỏi quá quắt, không ăn vạ để phản đối bạn, không nhảy lên đùi chàng quấy rối khiến chàng và bạn không thể ngồi gần nhau, hoặc không đòi ngủ chung giường với chàng… thì chẳng có lý do gì để bạn ghét nó.
Nguyên nhân duy nhất khiến bạn thấy đứa trẻ khó ưa có thể là do bạn cảm thấy phải tranh giành với nó sự chú ý của chàng. Vậy thì hãy chủ động tạo mọi điều kiện, thậm chí “đẩy” chàng về phía đứa trẻ, để nó cảm thấy không cần tranh giành gì với bạn cả và bạn cũng không cần sự chú ý của cha nó làm gì. Một khi đã “chiến thắng” quá dễ dàng, chẳng mấy chốc chính đứa trẻ cũng chán sự quan tâm thái quá của cha nó và hòa bình sẽ được lập lại.
Tỏ ra “người lớn”
Một cậu bé 9 tuổi dễ có khuynh hướng giả vờ như không nghe lời bạn nói hoặc “vô tình” làm đổ một ly nước nóng lên đùi bạn. Nhưng nếu bạn phản ứng lại hành vi đó một cách gay gắt, bạn sẽ lại thành người có lỗi bởi vì ai cũng thấy rằng bạn đang “cố chấp” với một đứa trẻ.
Thay vào đó, một câu hỏi đơn giản, trực tiếp như “Cô đã nói gì khiến cháu không bằng lòng?” hoặc “Tại sao cháu lại làm thế?” sẽ hiệu quả hơn cách trả đũa bằng cái nhìn nẩy lửa hoặc tệ hơn, sự tim lặng lạnh lùng. Khi chọn cách đối xử với bạn kiểu trẻ con đó, đứa trẻ đã thúc đẩy bạn chơi theo luật của nó và bạn sẽ không cách chi thắng được nó.
Cái nhìn toàn diện
Nếu chưa từng có con hoặc chưa quen thuộc với việc nuôi dạy trẻ con, bạn có thể không hiểu những giai đoạn phát triển của chúng và những gì chúng trải qua trong từng lứa tuổi. Ví dụ, một đứa trẻ tuổi dậy thì thường có xu hướng đối xử với bạn như là một người “bằng vai phải lứa”, không phản đối bạn nhưng lại cố tình tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với bạn.
Để đáp lại, bạn cần hiểu rằng đó là một thái độ hết sức bình thường của trẻ độ tuổi này. Bạn đừng kỳ vọng mình có thể trở thành “người bạn đặc biệt” của trẻ, vì bạn cũng không phải là người đầu tiên được cha chúng đưa về giới thiệu. Vì thế, điều bạn cần làm là tỏ rõ thái độ “tôi sẽ ở lại đây lâu dài, tôi cần sự hợp tác” và cố gắng hết sức để tôn trọng sự riêng tư của trẻ.
Cần sự trợ giúp
Trẻ con không có kinh nghiệm và không đủ từ vựng để nói rằng chúng buồn khổ vì cha mẹ ly dị, lo sợ người mới có thể đối xử tồi tệ hoặc giận dữ vì cha, mẹ chúng bị tách rời khỏi chúng… Vì thế, một cuộc nói chuyện thành thật và nghiêm chỉnh với chồng là cách giải quyết bất cứ vấn đề cư xử nào. Bạn có thể nói: “Anh biết đó, dường như em không hòa hợp được với con anh. Anh nghĩ liệu em có thể làm gì để con cảm thấy dễ chịu hơn với em không?”.
“Mấy đời bánh dúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Quan niệm thời xưa ấy vẫn ăn sâu vào tiềm thức của con trẻ bây giờ, hình thành nên rào cản giữa “mẹ kế” và con chồng. Có một vài “bí quyết” giúp bạn “nhập vai” tốt hơn đây này.
Đừng quá gay gắt khi “nó” tỏ thái độ không tốt với mình
Ở giai đoạn đầu khi mới về chung sống, đa phần bọn trẻ sẽ tỏ ra thờ ơ, xa lánh, thậm chí căm ghét bạn ra mặt vì cho rằng …bạn đã cướp mất “chồng của mẹ nó”. Lúc này về mặt tâm lý, chúng chưa thể thích ứng ngay với việc “có người lạ” trong nhà.
Và cũng xuất phát từ quan điểm “dì ghẻ con chồng, khác máu tanh lòng” nên khó đòi hỏi ngay ở chúng một tình cảm chân thành với bạn. Có khi “nó” còn “tuôn” ra nhưng lời nói khó nghe. Bạn hãy nhẫn nhịn, thật nhẹ nhàng, khéo léo để tìm hiểu tâm tính của chúng để có cách “thuần phục” thích hợp.
Đừng coi thái độ ghẻ lạnh của “nó” làm rào cản của sự gần gũi
Nếu vì “nó” tỏ ra không ưa gì bạn, coi bạn là người thừa trong gia đình và không tôn trọng ý kiến của bạn mà bạn ghét bỏ, tìm mọi cách để “đối phó” với “nó” thì sẽ chỉ làm cho tình hình càng trở nên căng thẳng hơn. Hạnh phúc của bạn cũng từ đó mà “xuống cấp” dần.
Tìm cách gần gũi với “nó”, tỏ ra thiện cảm để chúng hiểu bạn hơn. Một tình cảm chân thành luôn có chỗ đứng trong trái tim người khác.
Không kể lể, kêu ca thái độ của “nó” với chồng hoặc mượn chồng để mắng mỏ “nó”
Có những bà mẹ kế vì không chịu thua kém con chồng đã than vãn hết lời với phu quân về thái độ “xấc xược” của con anh ta, chỉ mong chồng đứng ra bênh vực mình và cho “thằng/con nhóc” một bài học để chúng không dám “bắt nạt” mình nữa.
Như thế không những làm cho “nó” ghét bạn hơn mà còn tìm cách “trả đũa” bạn nữa. Nên nhớ rằng: anh ấy đến với bạn một phần cũng vì muốn tìm cho con mình một người mẹ bao dung, độ lượng. Và anh ấy cũng yêu, cảm phục, trân trọng bạn hơn nếu bạn cho con anh ấy một chỗ dựa vững chắc.
Đừng làm ra vẻ giống hệt mẹ “nó”
Cũng không nên lấy lòng “nó” bằng cách tỏ ra giống hệt “mẹ nó” từ cách nấu nướng, ăn mặc, giọng điệu… Vì với “nó”, mẹ mình là người phụ nữ không ai có thể sánh được. Làm như vậy, “nó” chỉ càng nhớ tới mẹ và tỏ ra khó chịu với bạn.
Nên biết rằng “bắt chước người sẽ không bao giờ được bằng người”. Sống với “nó” bằng chính con người và tình cảm thật của mình để trước mắt “nó” bạn luôn là bạn chứ không phải là “phiên bản” của ai khác.
Đừng bắt “nó” thay đổi nếp sống cũ một cách đột ngột
Trước khi bạn xuất hiện, “nó” đã phải sống một khoảng thời gian thiếu vắng sự quan tâm của mẹ. Có thể vì vậy mà cuộc sống của “nó” bị đảo lộn, thất thường. Cần phải có thời gian để “nó” lấy lại thăng bằng và thích nghi với cuộc sống mới.
Sự có mặt của bạn ở nhà “nó” đã là một sự xáo trộn lớn, không nên tự ý sắp xếp lại cuộc sống gia đình một cách đột ngột sẽ gây cảm giác bế tắc, gò bó cho “nó”. Trong mắt “nó”, bạn sẽ trở thành “mụ già độc đoán, cay độc”.
Không nên tỏ ra âu yếm thái quá chồng trước mặt “nó”
“Nó” luôn muốn mẹ mình mới là người được cha mình yêu thương nhất. “Nó” không muốn vì bạn mà cha sẽ quên mẹ. Hãy quan tâm và gần gũi với chồng một cách đúng mực trước mặt “nó”. Đó cũng là cử chỉ giúp “nó” tôn trọng bạn hơn. Cùng chồng quan tâm chăm sóc con để “nó” không có cảm giác mình bị “cướp” mất cha.
Thể hiện thái độ quan tâm, thương yêu, chân thành với “nó”
Tuy không thể quên người mẹ đã sinh thành ra mình, nhưng lúc này trong tâm hồn “nó” đang thiếu vắng tình yêu thương của người mẹ. Bạn hãy “nhân cơ hội” này để lấp đầy khoảng trống ấy. Hãy coi “nó” như máu mủ của mình thử xem.
Luôn đối xử công bằng giữa “nó” và con ruột của mình.
Bạn cho ra đời một baby sẽ càng khiến cho “nó” lo lắng về vị trí của mình trong gia đình. Ít ra thì “nó” cũng lo sợ phải chia sẻ tình yêu của cha mình cho…một đứa trẻ con khác. Hoặc nếu bạn cũng phải có con riêng, và cùng chung sống trong một mái nhà thì phải thật khéo léo để giữ hòa khí giữa bọn trẻ.
Đối xử tất cả công bằng như nhau sẽ gắn kết chúng lại với nhau hơn, bởi khi đó, chúng thực sự coi nhau như ruột thịt. Một người mẹ như thế, không có lý do gì để bị từ chối.
Tôn trọng vợ cũ của chồng và không bao giờ nói xấu cô ấy là điều đầu tiên cần nhớ để lấy lòng bọn trẻ.
Kết hôn với một người đàn ông đã có con đồng nghĩa với việc bạn phải dành nhiều thời gian và công sức hơn để xây dựng gia đình hạnh phúc. Điều khó khăn nhất là tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn với con riêng của chồng. Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra một vài nguyên tắc có thể giúp bạn phần nào tháo gỡ băn khoăn này.
1. Cẩn trọng khi nói về vợ cũ của chồng
Theo tiến sĩ tâm lý Minnu Bhonsle, mối quan hệ giữa chồng bạn với vợ cũ không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp tới anh ấy mà còn tác động đến những đứa trẻ. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên giúp bạn lấy lòng bọn trẻ là cần phải có thái độ trung thực. Bạn cần chắc chắn rằng mình biết rõ về lý do chia tay của chồng với vợ cũ và sẵn sàng chia sẻ với bọn trẻ khi cần. Tuyệt đối không xấu vợ cũ của chồng, kể cả sau lưng.
2. Quan hệ tốt với người cũ của chồng
Kể cả trước đây người cũ đã làm điều gì đó không tốt với chồng bạn thì cô ấy vẫn là mẹ của những đứa con bạn đang nuôi. Nếu bạn tôn trọng và đối xử đúng mực với cô ấy thì bọn trẻ cũng sẽ dành cho bạn sự thiện cảm nhiều hơn. Hơn nữa, nếu bạn không phải là nguyên nhân khiến chồng và vợ cũ chia tay thì giữa bạn và cô ấy vẫn có thể xem nhau như bạn bè, chẳng có lý do gì để phải tạo ra hận thù.
Lý tưởng nhất là có thể trở thành bạn với vợ cũ của chồng |
3. Xác định điều bạn mong muốn
Khi kết hôn với người có con riêng, bạn cần phải rõ ràng được những kỳ vọng của mình và thảo luận nó với chồng. Cả hai cần thiết lập những nguyên tắc ngay từ đầu vì những đứa trẻ có thể dễ dàng khiến mọi chuyện rối tung. Trong cuộc hôn nhân này, sự kiên nhẫn và bình tĩnh là quan trọng nhất.
4. Thể hiện vai trò của bậc phụ huynh với con riêng
Mẹ kế cũng là mẹ. Bạn có những trách nhiệm cơ bản đối với các con như chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Hoàn thành tốt những điều đó không những giúp bạn gần gũi với các con mà chồng cũng kính trọng bạn nhiều hơn.
Tuy nhiên, đối với các vấn đề nhạy cảm hoặc bất cứ khi nào bạn thấy khó khăn để ứng xử với bọn trẻ, hãy nhờ đến chồng và để anh thể hiện vai trò làm cha. Bọn trẻ sẽ nghe lời cha nhiều hơn.
(ST).