Nghệ thuật trả lời phỏng vấn khi xin việc

seminoon seminoon @seminoon

Nghệ thuật trả lời phỏng vấn khi xin việc

18/04/2015 04:24 PM
1,365
Nghệ thuật trả lời phỏng vấn khi xin việc. Những điều cần chú ý khi muốn là người chiến thắng trong các kỳ tuyển dụng.


Nghệ thuật trả lời phỏng vấn:

Dẫn dắt cuộc phỏng vấn

Hướng sự quan tâm của các nhà tuyển dụng vào những điểm mạnh của bạn bằng cách lái nhà tuyển dụng nói về CV của bạn hay những vấn đề liên quan đến công việc mà bạn có thể làm tốt hoặc đưa ra những câu hỏi về công việc sắp tới.

Mẹo nhỏ này rất hữu ích, đặc biệt là khi nhà tuyển dụng không đưa ra những câu hỏi có thể giúp bạn nói về những ưu điểm của mình. Bạn có thể đưa ra một câu hỏi liên quan đến công việc,lắng nghe lời giải đáp của nhà tuyển dụng và chỉ ra những ưu điểm hay những thành tích mà bạn đã đạt được nó phù hợp thế nào với công việc. Bạn có thể đặt những câu hỏi như: “Có phải công việc này đòi hỏi phải có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn? Đó cũng là nhiệm vụ chính trong công việc trước kia của tôi và tôi có khả năng ….(kể các khả năng của bạn ra ở đây)”


                        


Câu hỏi này cho phép bạn nhấn mạnh rằng bạn là người phù hợp với công việc: mình chính là mẫu người mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, đáp ứng được kỳ vọng của nhà tuyển dụng và hơn thế nữa còn vượt quá kì vọng của nhà tuyển dụng như thế nào.

Phỏng vấn nhà tuyển dụng

Cuộc phỏng vấn cũng chính là cơ hội để bạn quyết định xem công việc này có phù hợp với mong muốn của mình hay không. Đừng đợi đến cuối cuộc  phỏng vấn mới đưa ra câu hỏi nếu như bạn thấy người tuyển dụng không có vẻ tự tin, vững chãi. Bạn có thể đưa ra những câu hỏi như “ tại sao anh/ chị lại thích làm việc ở đây?” Khi đặt ra câu hỏi này, do yếu tố bất ngờ nên bạn sẽ nhận được câu trả lời trung thực, giúp bạn hiểu rõ hơn về môi trường làm việc ở đó.

Nghe phản hồi

Kết quả buổi phỏng vấn phụ thuộc vào khả năng liên kết các vấn đề của bạn trong các câu hỏi của nhà tuyển dụng: khả năng nhấn mạnh ưu điểm, những kỹ năng phù hợp với công việc và sự phù hợp của bạn với vị trí đang tuyển dụng. Kiểm tra phản hồi về các câu trả lời của bạn, hay kiểm tra xem mình đã trả lời đúng trọng tâm và đầy đủ câu hỏi chưa sẽ tạo điều kiện cho bạn có được thêm thông tin để bạn có phương hướng hành động hay tiếp tục thể hiện mặt mạnh của mình cho nhà tuyển dụng biết. Khi đó bạn lại có cơ hội để tiếp tục chứng tỏ khả năng của mình.

Lắng nghe phản hồi từ nhà tuyển dụng cũng cho phép bạn có thể phán đoán kết quả cuộc phỏng vấn và là cơ hội để bạn giải quyết những vấn để mà nhà tuyển dụng nêu ra. Đặc biệt bạn nên hỏi xem nhà tuyển dụng có hài lòng với câu trả lời của mình về một vấn đề đó không (ví dụ : tại sao bạn bỏ công việc trước đây) trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo.

Trong cuốn Live Q&A on How to succeed at interview, Michael Buchan đã nói:

“Lắng nghe phản hồi của nhà tuyển dụng là cách tốt nhất để bạn đánh đúng vào vấn đề trọng tâm mà nhà tuyển dụng yêu cần, tránh tình trạng dài dòng văn tự”

Ngắt lời một cách lịch sự

Khi nhận được những câu hỏi lan man, bạn nên lịch sự ngắt lời người phỏng vấn tuyển dụng, sau đó dựa vào một số chỉ dẫn mà bạn rút ra được từ phía người phỏng vấn để nói về một vấn đề quan trọng và liên quan đến mục đích chính của cuộc phỏng vấn.

Cũng trong cuốn Q & A, Denise Taylor khuyên: “ Khi nhận được những câu hỏi ngoài lề, bạn không nên đưa ra những lời nhận xét đồng tình hay có những cử chỉ khuyến khích nhà tuyển dụng. Khi nhà tuyển dụng nghỉ lấy hơi, bạn nên thẳng thắn nói “ Tôi có một số ý kiến về vấn đề anh/ chị đang nói” và sau đó, bạn tiếp tục nói để hướng nhà tuyển dụng vào những vấn đề trọng tâm. Ngoài ra bạn cũng có thể bỏ qua một số dấu hiệu muốn quay trở lại đề tài lúc trước của nhà tuyển dụng tuy nhiên bạn vẫn cần phải lịch sự.

Trả lời những câu hỏi bất ngờ một cách bình tĩnh

Từ chối trả lời những câu hỏi bất ngờ (tình trạng hôn nhân, kế hoạch nuôi con) sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng và có thể bị đánh giá khó tính hay không hòa đồng. Thay vì thế, bạn hãy khéo léo nói về vấn đề về công việc liên quan đến nội dung câu hỏi đó (bạn có thể làm gì để làm việc ngoài giờ hay đi công tác). Như vậy bạn vừa tránh trả lời câu hỏi lan man vừa nhấn mạnh được sự phù hợp của bạn với công việc.

Alec Grimsley gợi ý bạn nên xin một chút thời gian để suy nghĩ. “ Khi được hỏi những câu như vậy, bạn sẽ rơi vào tình trạng phân vân giữa việc trả lời câu hỏi đó để không làm mất lòng người phỏng vấn và việc cho rằng đó là câu hỏi không phù hợp. Lúc đó bạn nên đề nghị nhà tuyển dụng nói rõ hơn về câu hỏi để bạn có thể có thời gian suy nghĩ câu trả lời phù hợp nhất.

Nhiều khi nhà tuyển dung sẽ đưa ra những câu hỏi rất hóc búa. Chẳng hạn như: “ Nếu được chọn, bạn muốn trở thành con vật gì?” Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng đang quan tâm đến tính cách của bạn, vì vậy, bạn hãy bình tĩnh và đưa ra câu trả lời thuyết phục nhà tuyển dụng, cho họ thấy bạn có tính cách phù hợp với công việc, với công ty đó.

Kiểm soát không khí buổi phỏng vấn

Nếu người phỏng vấn bạn đến muộn hoặc tỏ ra chưa hề xem qua CV của bạn, bạn có thể cảm thấy khó chịu. Trong tình huống này bạn nên tránh tỏ ra mất bình tĩnh với nhà tuyển dụng để xây dựng một hình ảnh đẹp, một “đồng nghiệp” lý tưởng  trong mắt nhà tuyển dụng Vì vậy khi đi phỏng vấn, bạn nên mang theo một bản CV để dự phòng, sau đó bạn có thể nói về những kỹ năng và những thành tích mà bạn đã đạt được để buổi phỏng vấn diễn ra một cách thoải mái.

BÍ QUYẾT CHO BUỔI PHỎNG VÂN THÀNH CÔNG

Gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng không chỉ là việc bắt tay hay nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng, bạn cũng cần phải chuẩn bị kỹ càng:

CV của bạn trước hết phải có đủ các tiêu chí đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là làm sao bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy được khả năng của bạn và bạn chính là người họ đang tìm kiếm?

Rebecca Corfield, tác giả cuốn “ Nghệ thuật phỏng vấn” khuyên: “ Nếu bạn được mời đến phỏng vấn, có nghĩa là bạn đã có cơ hội nhận được công việc đó. Thậm chí nếu bạn không nhận được công việc đó, bạn cũng có thể bày tỏ những khả năng của mình- một ứng cử viên ấn tượng cho lần tuyển dụng sau này. Vì vậy bạn không nên bỏ qua phần chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, hãy làm theo những lời khuyên dưới đây để tự tạo ra những cơ hội tốt nhất:

NÊN

Chuẩn bị các câu trả lời: Bạn muốn nói gì về mình? Bạn sẽ trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng ra sao? “ Nếu bạn muốn thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp cho công việc thì điều đầu tiên, rõ ràng là bạn nên tự mình trả lời tại sao bạn phù hợp với việc đó”(James Inner, tác giả cuốn Interview Book)

• Cấu trúc câu trả lời một cách rõ ràng. Mỗi câu trả lời của bạn nên có ý rõ ràng để nhà tuyển dụng có thể theo sát ý của bạn. Bạn nên sử dụng những ví dụ thực tiễn ( kinh nghiệm làm việc) để củng cố câu trả lời của mình.

• Vượt qua chính mình. Khi đi phỏng vấn, bạn thường hồi hộp, lo lắng, vì vậy hãy cố gắng vượt qua cảm giác đó. Kiểm soát tâm trạng mình không khó như bạn nghĩ, hãy đứng thẳng người, hít thật sâu và tập trung trả lời câu hỏi một cách tự tin.

• Đặt câu hỏi.  Các nhà tuyển dụng thường cho bạn cơ hội để đưa ra câu hỏi. Hãy tận dụng cơ hội này để củng cố sự quan tâm và nhiệt huyết của bạn với công việc. “Nếu không, người ta sẽ đánh giá bạn là người thụ động và không có động cơ” (Innes).

KHÔNG NÊN

Tập trung vào bản thân. Nhà tuyển dụng không quan tâm công việc này sẽ giúp cho sự nghiệp của bạn. Hãy nói bạn có thể làm gì cho công việc này, kết quả như thế nào, những kiến thức của bạn có thể dùng trong công việc, cho họ thấy bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong công việc.

• Chỉ trích người khác. Chỉ trích sếp hay đồng nghiệp cũ của bạn là một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc phỏng vấn và sẽ khiến bạn không nhận được công việc đó cho dù nhận xét đó của bạn đúng hay sai..

•  Đề cập đến lương quá sớm.  Tốt nhất là bạn nên tránh đặt những câu hỏi về vấn đề lương hay chế độ nghỉ phép trừ phi nhà tuyển dụng nêu ra. “ Quá chú trọng vào những gì bạn có thể mong mỏi được từ phía nhà tuyển dụng, mà không chú trọng vào những gì bạn có khả năng cống hiến – không bao giờ là một ý tưởng hay” (Innes).


Để không bí khi trả lời phỏng vấn:


1. Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình

Đây là câu hỏi kinh điển và cực kỳ quen thuộc. Câu hỏi này thường mở đầu cho cuộc phỏng vấn. Hãy nắm ngay cơ hội này để giới thiệu về những khả năng, thói quen tốt trong nghề nghiệp của bạn... Hãy tập trung hướng câu nói của bạn vào công việc và những việc liên quan đến nghề nghiệp. Đừng làm mất thời gian của nhà tuyển dụng bằng cách dài dòng "tôi năm nay X tuổi, sinh ra tại tỉnh Y, tốt nghiệp trường đại học Z...". Những thông tin này đã có trong C.V của bạn.

2. Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? (Tại sao bạn muốn bỏ công việc hiện tại?)

Hãy cẩn thận. Đừng xem đây là cơ hội để kể tội sếp cũ. Và cũng đừng trả lời đại loại "Tôi cần một công việc nhiều tiền hơn". Câu trả lời lý tưởng trong trường hợp này là: "Tôi muốn tìm kiếm thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình".

3. Điểm mạnh của bạn là gì?

Hãy chỉ ra những điểm tích cực của bạn có liên quan đến công việc bạn muốn xin vào. Đó có thể là những điểm tốt thuộc về chuyên môn hoặc tính cách.

4. Điểm yếu của bạn là gì?

Mỗi người đều có điểm yếu. Vì thế, đừng dành quá nhiều thời gian để nói về điểm yếu của mình, nhất là những điểm yếu có liên quan đến công việc. Tốt nhất là bạn nên nói về 1 hoặc 2 điểm yếu vô hại với công việc. Kiểu như "Tôi có tính hơi quá cẩn thận. Làm việc gì cũng phải chi li, kỹ lưỡng". Với mỗi điểm yếu mà bạn kể ra, hãy cho nhà tuyển dụng thấy luôn là bạn đã có sẵn điểm mạnh để khắc phục điểm yếu đó. Kiểu như là: "Tính tôi quá cẩn thận. Vì thế, tôi làm việc hơi chậm. Nhưng bù lại, tôi rất nhiệt tình làm thêm giờ, và chăm chỉ".

5. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?

Để trả lời câu hỏi này, không còn cách nào khác là bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty trước khi đi phỏng vấn.

6. Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?

Cũng giống như ý trên, bạn phải tìm hiểu kỹ về công ty và đưa ra những lý do cụ thể và thuyết phục. Tránh đưa ra những câu trả lời chung chung kiểu "Vì tôi biết công ty của quý vị là một công ty lớn". Hãy giải thích cụ thể vì sao bạn muốn làm việc cho một công ty lớn: vì bạn muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, vì bạn muốn được nâng cao chuyên môn, vì bạn muốn được thử sức mình với những dự án lớn ở một công ty lớn...

7. Tại sao chúng tôi nên nhận bạn vào vị trí tuyển dụng?

Nêu rõ những đặc điểm tích cực của bạn phù hợp với vị trí này (chuyên môn, tính cách, thái độ...) và những kinh nghiệm quý báu mà bạn từng có thông qua công việc cũ. Đừng quên dẫn thêm lời khen ngợi của sếp cũ dành cho bạn (nếu có).

8. Trong công việc cũ, bạn đã từng có thành tích gì?

Hãy nói về 2-3 dự án thành công mà bạn từng đảm nhận. Bạn có thể nói cụ thể luôn là thông qua những dự án thành công ấy mà bạn đã được thưởng hoặc tăng lương như thế nào. Chú ý: bạn nên chọn những dự án thành công về chất lượng hơn là nói về những dự án mà bạn đã kiếm được kha khá tiền thưởng.

9. Điều gì là động lực giúp bạn hăng say làm việc?

Lẽ thường, bạn sẽ nghĩ đến tiền thưởng, tăng lương, các quyền lợi khác mà công ty dành cho bạn... sẽ thúc đẩy bạn cố gắng làm việc. Tuy nhiên, hãy nói về thành quả đạt được trong công việc và niềm vui của bạn khi vượt qua một thử thách. Đó mới chính là động lực... trong sáng để giúp bạn tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng.

10. Bạn thích làm việc trong môi trường nào nhất?

Bạn đang muốn xin vào vị trí nào, hãy hướng câu trả lời đến những điều kiện làm việc liên quan đến vị trí đó. Ví dụ: Nếu vị trí tuyển dụng thiên về nghiên cứu và làm việc một mình, hãy trả lời rằng bạn hoàn toàn có thể làm việc theo nhóm, nhưng bạn thích làm việc độc lập hơn. Còn nếu vị trí bạn mong muốn được nhận vào là thường xuyên đảm nhận và hoàn thành những dự án, hãy khảng khái khẳng định rằng bạn thích làm việc tập thể, và thế mạnh của bạn là có tinh thần cộng tác rất cao.

11. Tại sao bạn lại muốn công việc này?

Câu trả lời phải cụ thể dựa vào những tiêu chí tuyển dụng của công việc. Tránh đưa ra câu trả lời nguy hiểm kiểu "Tôi đang cần một việc làm". Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thấy được những khó khăn và thuận lợi của công việc này, và bạn thích khám phá chính mình thông qua những thử thách ấy.

12. Khi bị stress vì công việc, làm thế nào để bạn có thể vượt qua những áp lực này?

Tập luyện thể thao, đọc sách, xem truyện cười, vui chơi cùng bạn bè, xách xe vi vu đâu có một lúc rồi quay về công việc... được xem là câu trả lời khôn ngoan. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng thực ra, nhà tuyển dụng có thể biết được cách bạn sẽ xử lý stress thế nào vì trong buổi phỏng vấn, ít nhiều bạn đã bị stress với những câu hỏi của nhà tuyển dụng. Vì thế, cách tốt nhất khi trả lời phỏng vấn là hãy bình tĩnh, trả lời rành rọt, cẩn thận. Không nên để nhà tuyển dụng thấy được bạn "toát mồ hôi hột" vì những câu hỏi hóc búa của họ.

13. Thử hình dung 5 (10) năm nữa, bạn đang ở đâu nhỉ?

Hãy giải thích cho nhà tuyển dụng thấy rằng vị trí mà bạn đang dự tuyển nằm trong kế hoạch thăng tiến nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy hứng thú hơn nếu họ biết được rằng trong quá trình phấn đấu để đạt được những mục tiêu ấy, bạn cũng đóng góp kha khá vào lợi ích chung của công ty. Một vị trí cao hơn hoàn toàn có thể là mục tiêu phấn đấu của bạn trong tương lai.


Những điều chưa biết khi phỏng vấn xin việc:


Những điều chưa biết khi đi phỏng vấn xin việc

Trong lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ tìm hiểu xem bạn là ai, có năng lực gì. Và không khó để trả lời những câu hỏi có sẵn trong lý lịch. Nhưng trên thực tế, một cuộc phỏng vấn sẽ không bao giờ dừng lại ở đó. Lúc phỏng vấn, bạn có nên uống ly cà phê họ mời? Có nên hành động thân thiện? Khi được hỏi thì cần phải nhìn vào ai để trả lời?

Dưới đây là những kỹ năng phỏng vấn xin việc hết sức cần thiết mà mỗi người nên trang bị cho mình trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với các lãnh đạo tương lai của bạn.

1. Ngoài nước lọc, nếu được mời uống thêm cà phê, bạn hãy từ chối

Một ly cà phê sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhưng hãy uống trong bữa sáng, trước khi rời nhà, hoặc trong phòng chờ của văn phòng trước khi được mời vào phỏng vấn. Việc được mời uống cà phê tại cuộc phỏng vấn đôi khi chỉ là phép lịch sự xã giao của các lãnh đạo. Cho nên bạn hãy khéo léo từ chối để họ không phải mất thêm thời gian chờ bạn nhâm nhi ly cà phê của mình.

2. Đừng ngồi xuống trước khi được mời

Đừng vội vàng ngồi ngay vào ghế khi người ta còn chưa mời bạn. Và một khi ngồi xuống thì hãy cố gắng giữ tư thế thẳng lưng và điềm đạm. Đừng e dè ngồi nép mình trên một mép ghế, hay để hai vai buông thõng và mắt cụp xuống không dám nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng. Họ sẽ không bao giờ sẵn lòng giao việc cho những cấp dưới nhút nhát và thiếu tự tin.



3. Hãy ước lượng độ tuổi của người phỏng vấn bạn để có cách nói chuyện phù hợp

Những thế hệ khác nhau sẽ có các cách nhìn khác nhau về cuộc sống. Đoán được độ tuổi của họ sẽ giúp bạn gây ấn tượng bằng những câu chuyện phù hợp và dễ dàng cảm nhận được yêu cầu của họ trước ứng viên tiềm năng.

Để có được kỹ năng này, bạn cần luyện tập ở nhà, với ngay chính người thân và khách đến nhà. Tùy vào tính cách từng người mà tập chọn lối nói chuyện dễ nghe, để lại ấn tượng tốt.

4. Khi trả lời phỏng vấn, hãy nhìn thẳng vào mắt các giám khảo

Trong một cuộc trò chuyện trực diện, ánh mắt chính là hình thức kết nối đầu tiên giữa người nói và người nghe. Nếu có nhiều giám khảo cùng phỏng vấn bạn một lúc, hãy cố gắng nhìn từng người khi đáp lại các câu trả lời thay vì chỉ tập trung nhìn người hỏi bạn. Chỉ khi nào hoàn thành phần trả lời của mình mới dừng ánh mắt về phía người hỏi. Tuy nhiên đừng miễn cưỡng đảo mắt liên tục mà hãy cố gắng tạo ra ánh nhìn thân thiện, tự nhiên.

5. Nếu các nhà tuyển dụng muốn thử trí thông minh của bạn với những câu đố mẹo mà bạn đã biết từ trước, đừng vội tỏ ra rằng mình đã có ngay câu trả lời

Hãy để họ làm chủ trong phần thử thách trí tuệ và giữ chiến lược riêng trong đầu mình.

Chuyện đấu trí để chọn nhân viên đối với các lãnh đạo không còn là điều xa lạ. Thế nên hãy biết phản ứng linh hoạt để chứng tỏ rằng mình không quá chậm chạp, cũng không quá khôn ngoan. Một nhân viên nhanh nhẹn, nhưng biết vị trí của mình sẽ dễ được lòng nhà tuyển dụng.

6. Hãy lựa chọn trang phục sáng màu để đi phỏng vấn

Ăn mặc lịch sự khi đi xin việc là điều tối thiểu bạn cần chuẩn bị từ trước. Trong trường hợp không biết nên mặc gì cho phù hợp thì tốt hơn hết bạn nên lựa chọn trang phục sáng màu. Trong khi trang phục sáng màu tạo cho người đối diện ấn tượng nhẹ nhàng, thân thiện và năng động thì trang phục tối màu thường gợi cảm giác quá nghiêm chỉnh và khó gần.

7. Đừng bỏ qua những cử chỉ của đôi bàn tay bạn

Ngửa lòng bàn tay khi nói chuyện thường tao ra sự chân thành trong lời nói của bạn. Trong khi úp bàn tay lên nhau và đặt trên bàn lại cho thấy bạn đang làm chủ tình huống được hỏi. Tuy nhiên khi bắt tay với nhà tuyển dụng, đừng thả lỏng và hạ thấp bàn tay xuống.

Đan các ngón tay vào nhau là biểu hiện của việc bạn đang rất tự tin, không run sợ hay hồi hộp. Bỏ tay vào túi chứng tỏ bạn đang muốn giấu điều gì đó, và gõ các ngón tay lên bàn cho thấy bạn đang mất bình tĩnh. Bạn không nên khoanh tay trước ngực, kể cả khi bất đồng quan điểm với nhà tuyển dụng. Hãy để ý những thông điệp từ đôi tay mình mà qua đó các lãnh đạo sẽ dễ dàng đoán được bạn đang nghĩ gì.

8. Cử chỉ ở đầu và vai cũng mang những thông điệp nào đó

Gãi tai, gãi cằm sẽ khiến bạn mất điểm ngay lập tức. Cúi đầu là tín hiệu của sự rụt rè, còn quá nghiêng đầu về phía trước lại khiến bạn trở nên dư thừa sự tự tin. Mắt nhìn lên trần nhà là biểu hiện của sự nhàm chán, còn đôi mắt chớp liên tục đôi khi lại khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn đang không thành thật.

Đặc biệt bạn không nên nhún vai và bĩu môi, bởi người phỏng vấn sẽ cho rằng bạn không hiểu vấn đề, mất bình tĩnh, thậm chí bất mãn.

9. Quan sát tính cách của nhà phỏng vấn để có những hành vi phù hợp

Tuy bạn đang ở vị trí “bị” hỏi, nhưng không có nghĩa là bạn bị động trong mọi tình huống. Hãy thử đoán tính cách của lãnh đạo để dễ dàng tự tin trong cuộc trò chuyện. Nếu bạn đang ngồi trước mặt một con người điềm đạm, hãy trả lời những gì được hỏi và đừng kể lể dài dòng. Nhưng nếu đó là một người trẻ năng động thì tốt hơn hết bạn đừng im như thóc và thu mình một chỗ.

Cách bạn đáp lại người phỏng vấn chính là yếu tố quyết định xem bạn có được nhận hay không. Do đó bạn nên suy nghĩ và thận trọng trước khi trả lời.

10. Những tín hiệu cho thấy bạn đang được lòng nhà tuyển dụng

Khi nhà tuyển dụng nghiêng đầu về phía bạn, tắt chuông điện thoại hay gật đầu và cười chứng tỏ họ đã bị bạn thuyết phục. Một số lãnh đạo sẽ mời bạn vào làm ngay lập tức hoặc yêu cầu ghi riêng địa chỉ để liên lạc sau cuộc phỏng vấn. Đừng nghi ngờ gì nữa, bạn đã làm họ hài lòng.

11. Những tín hiệu cho thấy cuộc phỏng vấn của bạn đã thất bại

Nếu nhà tuyển dụng đề nghị dừng cuộc phỏng vấn giữa chừng, nghe điện thoại hoặc lật đống tài liệu không liên quan, điều này đồng nghĩa với việc bạn không gây được sự chú ý đối với họ.

Một khi nhà tuyển dụng không động chạm gì đến mức lương, chế độ đãi ngộ của công ty, hay tối thiểu là địa chỉ liên lạc sau cuộc phỏng vấn thì bạn không nên hi vọng nhiều

Câu chuyện hay và những bài học kinh nghiệm :


Từ trước đến giờ, không kể các dạng làm theo hợp đồng, tôi có apply vào tổng cộng 3 công ty. Hầu như lần nào tôi cũng đề nghị một mức lương thấp hơn tôi dự tính rồi nhận một mức lương thấp hơn tôi xứng đáng được nhận.

1. Công ty đầu tiên đầu tiên của tôi là FPT Telecom, hồi cuối năm 2003. Lúc người phỏng vấn hỏi câu trên, tôi đã rất thành thật khai báo mất lương hiện tại của tôi là 2.500.000/tháng (lúc đó tôi làm cộng tác viên cho Tuổi Trẻ Online) và chỉ muốn nhận bằng khoản lương đó.
Bài học đầu tiên: Mỗi lần đổi công việc là mỗi lần phải được tăng lương, nghĩa là bạn phải yêu cầu một mức lương cao hơn công việc cũ, coi như là chi phí để làm quen với môi trường mới.

2. Công ty thứ hai là Mai Linh, đầu năm 2004. Lúc thỏa thuận vấn đề lương bổng, tôi đã không thống nhất một con số cụ thể mà lại chỉ thỏa thuận phần lương cứng quá thấp (còn thấp hơn ở FPT Telecom), phần còn lại tính theo từng dự án.
Bài học thứ hai: Nên thỏa thuận một con số cụ thể, chí ít con số này phải đủ nuôi sống bạn theo cách bạn muốn, trước khi bàn đến những nguồn thu nhập khác.

3. Công ty thứ ba cũng chính là công ty hiện tại, hồi cuối năm 2004. Lần này tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, thành ra lúc phỏng vấn, tôi đã mạnh miệng đề nghị một mức lương cao gần gấp ba so với mức lương ở công ty trước. Nếu bạn nghĩ bạn xứng đáng, hãy mạnh dạn đề nghị mức lương của mình, không có việc gì phải e dè.
Các sếp đồng ý với mức lương mà tôi đề nghị, dẫu vậy, họ yêu cầu trong thời gian thử việc, tôi chỉ nhận được 70% mức lương đó (và sau hơn 2 năm tôi mới được tăng lên đúng mức lương mà tôi đề nghị).
Bài học thứ ba: Phải thỏa thuận thời gian thử việc là bao lâu để tránh trường hợp làm hoài mà lương không thấy tăng về mức thỏa thuận ban đầu.

4. Công ty hiện tại cũng cho tôi một bài học khác về việc tăng lương.
Bài học thứ tư: Phải thỏa thuận hoặc biết chính xác chính sách tăng lương và chế độ thưởng của công ty là như thế nào trước khi ký hợp đồng. Thường các công ty 6 tháng tăng một lần tùy theo từng đối tượng, cũng có công ty 3 tháng một lần và công ty 2 năm một lần như ở chỗ tôi đang làm. Còn thưởng thì vô chừng, nhất là đối với các công ty đã cổ phần hóa.

Một vấn đề nhỏ khác cũng cần phải lưu ý là khi thỏa thuận mức lương, bạn phải chắc chắn rằng đây là lương mà bạn sẽ được nhận, sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế...

Từ đầu đến giờ tôi đề cập đến những kinh nghiệm rút ra được từ những lần thỏa thuận lương bổng mà chưa đề cập đến lý do tại sao trước đây khi đi phỏng vấn, tôi lại thường có xu hướng chọn mức lương thấp hơn dự tính. Tôi thấy đây không phải là vấn đề của riêng tôi, mà là vấn đề của khá nhiều người, nhất là những bạn chưa có kinh nghiệm đi làm.

Có lần tôi phỏng vấn một anh xin vào công ty của tôi, tôi hỏi anh câu hỏi trên, và nhận được câu trả lời thế này: "Lương đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện blah blah blah...".

Tôi đánh giá anh này thành thật nhưng hơi khờ. Nhà tuyển dụng sẽ không có thiện cảm với những người không đi làm vì tiền, bởi nó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Nếu tiền đối với bạn không quan trọng, nhà tuyển dụng sẽ suy ra công việc đối với bạn cũng không quan trọng luôn, đơn giản vì mục tiêu lớn nhất của công việc là kiếm tiền.

Cứ so sánh thế này xem. Giữa một ông bố mỗi ngày phải chạy lo miệng ăn cho hai đứa con nhỏ và một anh sinh viên mới tốt nghiệp "tiền chả là cái đinh gì hết", ai sẽ làm việc chăm chỉ hơn?

Hơn nữa, trong mắt nhà tuyển dụng, những người trả lời theo kiểu trên thường là những người không có năng lực, hoặc không tự tin vào khả năng của họ, hoặc không biết được khả năng của họ đến đâu. Không có một doanh nghiệp nào muốn biến công ty của họ thành nơi thực tập miễn phí cho những người như thế cả.

Do đó, dẫu mục tiêu của bạn là học hỏi, rèn luyện kinh nghiệm (đây là một mục tiêu chính đáng), bạn vẫn phải quan tâm đến lương bổng nếu bạn muốn tìm được việc làm. Bạn phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn tự tin vào giá trị của mình thông qua mức lương mà bạn đề nghị.

Vậy đề nghị bao nhiêu là vừa? Tôi nghĩ mỗi người khi apply vào một công việc nào đó, cũng đã có sự lựa chọn mức lương cho mình, bằng cách tham khảo mức lương của các đồng nghiệp hoặc mức lương trung bình trên thị trường. Nói chung, nguyên tắc chủ đạo là: “Bạn phải cảm thấy vui vẻ và thoải mái với mức lương của mình” .

Nếu bạn nhận một mức lương quá cao so với giá trị của bạn (điều này hiếm khi xảy ra, vì những lý do ở trên), vô tình bạn lại tự đặt áp lực lên bản thân. “Tiền càng nhiều thì trách nhiệm càng cao” mà bạn. Khi bạn nhận một mức lương thấp hơn mong đợi, bạn sẽ khó có thể toàn tâm toàn ý hoàn thành công việc của mình. “Có thực mới vực được đạo”mà bạn.

Trong cả hai trường hợp này, cả bạn và nhà tuyển dụng đều gặp nhiều thiệt hại về mặt tinh thần và vật chất; do đó để tốt cho cả hai phía, bạn nên mạnh dạn đề nghị một mức lương giúp bạn thật sự cảm thấy vui vẻ và thoải mái.

(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
khi duoc nhan vao lam ban muon duoc nhan muc luong nhu the nao
hơn 1 tháng trước - Thích (16) - Trả lời
Toi muon muc luong theo nang luc va ngang bang voi cac anh chi khi moi vao lam.
cần hỏi thêm nhà tuyển dụng những câu hỏi như thế nào sẽ tạo được ấn tượng tốt trong cuộc phỏng vấn?
hơn 1 tháng trước - Thích (18) - Trả lời
tinh tinh toi khong muon go bo,nhung nha k co dieu kien thi toi nen lam cong viec gi.toi cung khong co kha nang nao dac biet ca.hjk
hơn 1 tháng trước - Thích (8) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý