Chọn nhà trẻ cho con

seminoon seminoon @seminoon

Chọn nhà trẻ cho con

18/04/2015 04:35 PM
538
Các trường mẫu giáo và nhà trẻ đều có những mặt tốt và xấu. Bạn hãy quan sát trước khi gửi con 6 tháng và đối chiếu với các dấu hiệu dưới đây. Nếu thấy nhà trẻ đó có bất kỳ dấu hiệu nào không tốt thì nên đi tìm một chỗ khác.



Trường có tiếng là tệ: Nếu bạn nghe thấy các bố mẹ khác nói là trung tâm đó tệ thì đừng do dự.

Trường có các nguyên tắc không rõ ràng: Nguyên tắc và quy tắc là rất quan trọng cho bất kỳ một tổ chức nào. Những trường không có hướng dẫn rõ ràng cho tất cả hoạt động (từ việc sắp xếp giờ học cho đến việc cấp cứu bé) đều có vấn đề về mặt tổ chức.

Bạn cần xem trung tâm đó giải quyết như thế nào với bé ốm. Nếu các bé hoặc cô giáo bị sốt hoặc cúm mà không phải ở nhà ít nhất 24 giờ thì con bạn dễ bị lây bệnh. Nhà trẻ tốt phải yêu cầu các bé (và nhân viên) tiêm phòng, kiểm tra sức khoẻ thường xuyên.

Chương trình giảng dạy không rõ ràng: Nên bỏ qua các trung tâm không có chương trình giảng dạy hoặc chương trình không thay đổi và không mang tính thử thách. Bé cần một chương trình học đa dạng, thay đổi và có cơ hội cho bé phát triển.

Các trung tâm tốt nhất thường có các hoạt động theo nhóm và hoạt động cá nhân. Bạn nên tìm nơi khác các em bé (từ 0 đến 1 tuổi) dành phần lớn thời gian ngồi bên những chiếc xích đu và chỗ dành cho trẻ sơ sinh; hoặc trường không thay đổi thường xuyên các hoạt động; hoặc trẻ được xem tivi quá nhiều.

Bạn đừng do dự bỏ qua một trung tâm có ít đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Nhiều đồ chơi không những khuyến khích bé phát triển sự sáng tạo, trí tưởng tượng mà còn hạn chế các cuộc ẩu đả để tranh giành đồ chơi. Ngoài ra, nhà trường tốt sẽ không có những đồ chơi nhỏ để các em bé nuốt phải.

Nhân viên không đủ trình độ: Hãy từ chối những nhà trẻ mà nhân viên không được đào tạo (ít nhất là học 2 năm ở trường và có kiến thức về sự phát triển của trẻ con), không có trách nhiệm, không nhiệt tình. Những người chăm sóc bé cần được đào tạo và chia sẻ với bạn cách xử lý các vấn đề chăm sóc như giấc ngủ, kỷ luật và ăn uống. Bạn hãy xem cách nhân viên chơi với các bé. Nếu cô ta người nói với một bé lớn và bé nhỏ tuổi theo cùng một kiểu, hoặc la hét, đánh trẻ thì nên tìm trường khác.

Bạn cũng đừng gửi con ở những trường thiếu nhân viên. Tỷ lệ chuẩn là:

- Từ 0 đến 1 tuổi, mỗi cô trông 3-4 cháu.

- Trẻ 1-2 tuổi: Nếu nhóm có 6 cháu, tỉ lệ là cô giáo/trẻ là 1/3. tỷ lệ này là 1/4 ở nhóm 8 bé, 1/5 ở nhóm 10 bé. Còn nếu nhóm có 12 cháu, tỷ lệ này lại là 1/4.

- Trẻ 2-3 tuổi: Nếu nhóm có 8 cháu, tỷ lệ thích hợp là 1/4. tỷ lệ này là 1/5 ở nhóm 10 trẻ và 1/6 ở nhóm 12 trẻ.

Khi mọi việc đã suôn sẻ, bạn cần xem xét cẩn thận xem liệu các cô có nhanh chóng chăm sóc các em bé khi chúng khóc không, hay do làm việc quá sức mà họ cứ để cho bé la hét.

Môi trường không sạch sẽ và không an toàn: Nếu trường tồi tàn và xiêu vẹo thì bạn hãy tiếp tục tìm nơi khác. Tiêu chuẩn là: Nơi nấu nướng phải cách xa nơi vệ sinh hoặc thay tã. Sàn nhà, tường nhà và bếp ăn phải sạch sẽ. Phòng trẻ phải đủ ấm, ánh sáng và phải thông gió. Các thiết bị cần được bảo dưỡng. V

Nếu bạn nhìn thấy một nhân viên không rửa tay sau khi thay tã cho bé thì đừng nấn ná lại đó nữa. Bạn cũng cần quan sát không gian trong trường. Mỗi trẻ cần có ít nhất 3 m vuông trong nhà và 7 m vuông ngoài trời.

Có vấn đề về an toàn: Đồ chơi và các thiết bị chơi phải được sửa chữa, các cửa sổ tầng trên cần được che chắn hoặc có chấn song. Các loại thuốc hoặc chất độc hại phải đặt ngoài tầm với của trẻ. Giường ngủ cần sạch sẽ và chắc chắn, sân chơi ngoài trời cần được che phủ và bảo vệ, có các các dụng cụ sơ cấp cứu để trong tầm tay, che các phích cắm điện... và nhất là người lạ không thể đi vào được. Nếu không đạt các yêu cầu trên, bạn đừng chọn trường này.

Giấy phép hết hạn: Nếu giấy phép hoạt động của trung tâm hết hạn thì bạn nên loại nó ra khỏi danh sách. Nên gọi điện để những người có trách nhiệm đến kiểm tra. Giấy phép không nói lên được chất lượng chăm sóc của trường nhưng là điều tối thiểu cần có.


Nhà tâm lý học hàng đầu tại Anh Aric Sigman vừa cảnh báo các bậc phụ huynh không nên đưa con đi nhà trẻ quá sớm, nhất là với các bé chưa đầy 12 tháng tuổi vì điều này có thể gây nhiều tổn hại đến sự phát triển trí não và sức khỏe của bé trong tương lai.


Vì công việc, nhiều phụ nữ phải gửi con mình vào nhà trẻ sớm. Ảnh: Alamy
Tiến sĩ Sigman thuộc Hiệp hội Y học Hoàng gia Anh cho biết việc trải qua những khoảng thời gian được người lạ chăm sóc trong những năm tháng đầu đời có thể làm tăng các loại hormone gây căng thẳng (stress) trong cơ thể bé. Điều này có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe của bé trong những năm tiếp theo, từ các bệnh ngắn ngày như ho, cảm lạnh đến các vấn đề lâu dài như bệnh tim mạch. Ngoài ra, các trẻ không được mẹ chú ý, chăm sóc trong những năm “bản lề” đối với sự phát triển của não có thể sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành những mối quan hệ gia đình và xã hội khi chúng trưởng thành.

Trong bài báo khoa học của mình, Tiến sĩ Sigman đưa ra hàng loạt các báo cáo nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng hàm lượng hormone cortisol gây stress ở những em bé trong nhà trẻ. Nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng này xuất hiện và duy trì cho đến năm các em 3 tuổi trở lên. Việc tăng đột biến nồng độ cortisol cũng liên quan đến khả năng đề kháng của trẻ đối với các chứng viêm nhiễm hàng ngày thấp hơn và có thể gây bệnh tim về lâu dài. Giới chuyên gia cho rằng nhà trẻ là nơi có thể trang bị cho các bé nhiều kỹ năng xoay xở những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày nhưng với trẻ em quá nhỏ, rủi ro và nguy hiểm sẽ nhiều hơn.

Ảnh hưởng lâu dài của việc tăng các hormone gây stress ở các bé đi nhà trẻ tuy vẫn còn tranh cãi nhưng điều mà giới chuyên gia tâm lý, thần kinh đều lo ngại là những rủi ro tiềm tàng của các nhà trông trẻ sơ sinh. Theo Tiến sĩ Sigman, mặc dù xã hội Anh ngày nay chú trọng các quyền phụ nữ nhưng áp lực giữ được việc làm đã khiến nhiều bà mẹ tận dụng quyền được trở lại công việc sau khi sinh hơn là quyền nghỉ hộ sản. “Vậy điều gì tốt hơn đối với một em bé được chăm sóc bởi mẹ ruột hay người trông trẻ tại nhà trẻ?”, đây cũng là điều khiến nhiều bà mẹ trăn trở, nhất là khi hơn 50% các bà mẹ tại xứ sở sương mù vì công việc phải gửi con tại vườn trẻ khi chúng chưa được 12 tháng tuổi. Thậm chí, nhiều em bé vẫn chưa tới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, các bà mẹ trẻ thường không dễ dàng phát hiện các nguy hiểm tiềm ẩn về chất lượng nơi chăm sóc con của họ, từ khu vực vệ sinh, vui chơi đến khu tách ly các em có triệu chứng nhiễm bệnh.

Các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem xét để đảm bảo dung hòa mối quan hệ quyền lợi bà mẹ, trẻ em và công việc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là các bà mẹ nên cân nhắc kỹ lợi – hại của việc cho con đến vườn trẻ khi chưa giáp thôi nôi cũng như phải tìm hiểu kỹ cơ sở chăm sóc trẻ mà họ sắp gửi con vào. Đồng thời, hãy tạo mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết với người phụ trách chăm sóc của họ để theo dõi sát tình hình phát triển của con mình.


Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các ba mẹ về việc:” Chọn nhà trẻ cho con” vì các ba mẹ ngày nay và trong diễn đàn này đa số đều phải đi làm nên tới một giai đoạn nào cũng phải cho bé đi nhà trẻ để có thể yên tâm đi làm mà việc chọn nhà trẻ cho bé không phải là dễ chút nào. Khi các ba mẹ bắt đầu cho bé yêu đi học nhà trẻ thì đây là một trong những giai đoạn hết sức quan trọng cho bé về mặt tâm lý, giáo dục cũng như về vấn đề dinh dưỡng cho bé. Bé mình cũng từng trải qua giai đoạn này và khi mình quyết định chọn nhà trẻ đó cho bé đi học cũng là một sự lựa chọn rất nhiều để bé có thể phát triển tốt nhất về mọi mặt và mình cũng như ông xã an tâm đi làm nữa chứ. Như bé mình đi nhà trẻ từ khi 2 tuổi cho tới khi bé vào lớp 1 thì bé sẽ qua 4 năm để học tại nhà trẻ trong 4 năm này bé sẽ phát triển rất nhiều, rất nhanh về mọi mặt nên việc chọn trường cho bé không thể là vấn đề không quan trọng được mà ấn tượng ban đầu về nhà trẻ với bé rất quan trọng nữa. Chẳng những thế, các ba mẹ cũng biết 1 ngày bé đã ở nhà trẻ tới 8 tiếng trong thời gian đó bé sẽ ăn uống, sinh hoạt học tập tại nhà trẻ sẽ nhiều hơn ở nhà gấp đôi nên nhà trẻ có tầm quan trọng không phải nhỏ trong việc phát triển và đào tạo bé. Nay mình cũng chia sẻ về kinh nghiệm khi mình chọn nhà trẻ cho bé Na nhà mình cùng với các ba mẹ để các ba mẹ khi quyết định chọn nhà trẻ cho bé không còn bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm nữa:

Khi mình quyết định cho bé nhà đi học, đầu tiên mình hỏi thăm những bà mẹ ở chung xóm của mình có con nhỏ cùng độ tuổi như bé mình và đã cho bé học ở nhà trẻ nào, bé có thích đi học hay không? Sau đó, mình tiếp xúc với bé đó khi gặp mọi người có lễ phép hay không, bé đi học có học được nhiều điều mới lạ như biết hát, biết kể chuyện không?... Mình cũng trao đổi với phụ huynh của bé khi bé đi học nhà trẻ thì sức khỏe và cân nặng có tốt hay không? Sau khi mình tìm hiểu những vấn đề trên thấy tất cả đều tốt thì mình tới nhà trẻ đó để tìm hiểu thêm, thật sự khi cho bé đi học vị trí trường học có thuận lợi cho việc đưa rước con không cũng là vấn đề rất quan trọng vì bé còn nhỏ mà di chuyển xa hoặc tuyến đường đó hay kẹt đường cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của bé và thời gian di chuyển của ba mẹ nữa nên mình khuyên các ba mẹ khi chọn nhà trẻ cho bé nên chọn nhà trẻ sao cho thuận lợi việc đưa rước bé. Tới nhà trẻ thì mình quan sát sân trường có nơi cho bé vui chơi không để sau giờ học bé có nơi vui chơi cũng rất tốt, đồ chơi trong lớp học có an toàn cho lứa tuổi của bé không và đồ chơi cho các bé có phải là nhựa an toàn không chứ có những trường học nhất là trường tư vì tiết kiệm nên đồ chơi cho bé là loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc rất hại cho sức khỏe bé. Bên cạnh đó, mình cũng quan sát phòng học có thoáng mát, lớp học có đảm bảo an toàn cho bé về cách ly điện, nước và lớp học có quá tải hay không? Mình cũng quan sát xem các bé trong lớp có nề nếp và nghe lời cô hay không nữa? Ngoài ra còn 1 yếu tố rất quan trọng trong việc chọn nhà trẻ cho bé, mình cũng muốn nêu ra đó là dinh dưỡng cho bé ,thường nhà trường sẽ có một cái bảng ghi thực đơn mỗi ngày trong tuần của bé, các ba mẹ nên chú ý xem thực đơn đó có phong phú, đa dạng và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé không nhé? Và trường học cũng sẽ có chứng từ khi nhập thực phẩm cho các bé dùng hàng ngày như trường bé mình được dán tại bảng thực đơn là nguồn gốc nhập thực phẩm tại đâu để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm cho các bé nên các ba mẹ cũng lưu ý về vấn đề này nhé. Những nhà trẻ tư như bé mình học, các ba mẹ sẽ được tham quan nhà bếp, các ba mẹ cũng nên quan sát coi nhà bếp có đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khâu chế biến không? Từ đó, mình mới quyết địng chọn nhà trẻ nào cho bé học.

Cũng nhờ mình có sự tìm hiểu kĩ môi trường học tập của bé nên bé mình vượt qua giai đoạn đầu đi nhà trẻ một cách nhanh chóng và bé cũng học rất nhiều cái hay trong môi trường tốt, chẳng những thế bé còn tăng cân rất tốt khi bé mình 2 tuổi có 10 ký mà chỉ 1 năm đi học con đã 16 ký rồi đó các mẹ, bé mình cũng lễ phép hơn, biết hoà đồng cùng các bạn và hát rất nhiều bài hát nữa. Và mỗi khi đi học bé về nhà cứ nói với mọi người:” Mai con đi học” làm mình thật vui khi con đã hoà đồng và yêu thích môi trường nhà trẻ, mình biết mình đã có sự lựa chọn đúng cho bé trong việc: ” Chọn nhà trẻ cho con”. Hi vọng chia sẻ này của mình sẽ giúp cho các ba mẹ có hướng lựa chọn nhà trẻ cho bé thật tốt nhất nhé! Chúc các bé yêu đi học nhà trẻ thật vui cho các ba mẹ yên tâm đi làm



Bé chứ không phải bạn đi nhà trẻ

+ Lựa chọn của mẹ: “Tiền, tôi có. Tôi và bố bé ra sức kiếm tiền cũng chỉ vì con. Đi nhà trẻ phải chọn trường tư thục mới tốt”.

- Lời khuyên của chuyên gia: So với nhà trẻ công lập, trường tư thục có những ưu thế nhất định như phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp trẻ nâng cao năng lực giao lưu. So với trường tư thục, phương pháp giáo dục ở các nhà trẻ công lập hơi truyền thống nhưng lại có quá trình hoạt động lâu dài, phương thức quản lý, trình độ sư phạm của giáo viên được đảm bảo hơn, ngoài ra nguồn kinh phí hoạt động do Nhà nước cấp nên cũng ổn định hơn. Vì vậy cha mẹ nên cân nhắc kỹ khi chọn gửi con theo loại hình nào.

+ Lựa chọn của mẹ: “Cho con theo học những trường đặc biệt tốt hơn những trường phổ thông. Một đứa trẻ cần được dạy âm nhạc, vũ đạo, ngoại ngữ từ nhỏ để phát triển tốt sau này”.

- Lời khuyên của chuyên gia: Hiện nhiều nhà trẻ đưa ra chương trình học đa dạng, hấp dẫn nhằm thu hút cha mẹ là chính. Nên nhớ đứa trẻ 3 tuổi chưa thể trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, và việc cho trẻ tiếp xúc với mỹ thuật, âm nhạc, vũ đạo, ngoại ngữ… chỉ nên nhằm nâng cao khả năng thẩm mỹ, bồi dưỡng nhân văn cho chúng chứ không thể thúc ép vì như vậy sẽ chỉ gây tác dụng trái chiều. Việc bồi dưỡng cho trẻ tính lạc quan trong sáng mới là quan trọng nhất. Chỉ cần không gây áp lực cho trẻ, tự khắc trẻ sẽ tìm được niềm vui trong môi trường sống xung quanh và phát triển hoàn thiện các tố chất của mình.

Chọn cô giáo cho con

Chỉ qua ngày đến tham quan lớp đầu tiên, bạn có thể nhận thấy ngay cô giáo nào là tốt nhất cho con mình:

Ôn hòa: Chủ động hỏi tên trẻ, khi trẻ không trả lời vẫn bình thản, không cho đó là bất thường. Cô giáo đối với con bạn ân cần, thân thiết nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định, không vồ vập ôm ấp, ngợi khen nhiều quá.

Quan tâm: Quan tâm thực sự đến bé chứ không phải để “biểu diễn” cho bạn xem. Người như vậy sẽ sẵn sàng đưa bạn và bé đi tham quan các lớp học để tạo cho bé cảm giác thân thuộc, an toàn. Trong suốt quá trình đi tham quan, hãy xem cô giáo có chú ý đến phản ứng của bé, bước đi của bé không hay chỉ ra sức quảng bá về cơ sở vật chất, điều kiện của nhà trẻ…

Bình đẳng: Khi cô giáo nói chuyện với bé, bạn hãy quan sát xem cô giáo có giữ thái độ bình đẳng hay không, như việc tôn trọng ý kiến của trẻ, dùng những cụm từ “Cô có thể không”, hay “Cô muốn nói ý kiến của mình…”. Ngoài ra, hãy nhìn ánh mắt, nụ cười, động tác di chuyển của cô giáo, bạn sẽ nhận ra nhiệt tình của cô đối với nghề và biết cô có nhanh nhẹn tháo vát hay không.

Cuối cùng, điều bạn cần biết là các tiêu chuẩn trên cũng chỉ tương đối vì trong con mắt những người mẹ, không có nhà trẻ nào là hoàn hảo nhất cho con mình.

3 chi tiết nhỏ

Sạch sẽ: Nhà bếp, phòng học, sân vườn cho đến đồ chơi lớn nhỏ, dụng cụ ăn, khăn phải đảm bảo sạch sẽ.

An toàn: Khu nhà dùng làm nơi trông trẻ phải đảm bảo an toàn, tiện lợi khi trẻ vui chơi, ăn ngủ như việc chống trơn ở cầu thang, độ cao của chặn lan can… 

Không gian rộng: Tốt nhất nên chọn những nhà trẻ có không gian thoáng đãng, rộng rãi, nhiều ánh nắng, phù hợp với các hoạt động ngoài trời.



Gia đình nào khi có con đến tuổi bắt đầu đi học cũng đều phải bắt đầu với việc chọn trường cho con. Thế nhưng, việc không biết các tiêu chí của một ngôi trường tốt, cộng với việc các trường mầm non cứ “trăm hoa đua sắc”, mỗi hoa một sắc đã khiến tình trạng không rõ ràng càng trở nên "loạn cào cào".

Các trường điểm thì khó mà chen chân vào, trường công lập bình thường thì sĩ số quá đông, còn ra đến trường tư thì ôi thôi, trường nào cũng quảng cáo kêu như chuông: nào là trường chất lượng cao, trường quốc tế, trường song ngữ, trường cao cấp, trường franchise (nhượng quyền thương hiệu), trường liên kết, cùng với những là mô hình nọ, giáo trình kia, rồi thì cả “chiêu bài” mới là dạy trẻ thành thần đồng… khiến phụ huynh không biết đâu mà lần.

Một trong những lý do cơ bản là đa số cả phụ huynh lẫn những người hoạt động trong ngành mầm non đều không hiểu trẻ em cần gì và trường học cần làm gì để đáp ứng các nhu cầu của trẻ em một cách rõ ràng.

Do đó, nhiều nơi cứ lập lờ đánh lận con đen, dùng những cái tên kêu, dùng những phương pháp nào đó ở một nước nào đó - mà đôi khi chính những người tuyên bố áp dụng lại chỉ hiểu rất ít về nó - để khoác chiếc áo lấp lánh vào ngôi trường của mình, mục đích chính là làm cho những người phụ huynh phải lóa mắt.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ phân tích các nhu cầu của trẻ em để phát triển đúng đắn - toàn diện và những điều phụ huynh cần quan sát ở một trường mầm non để biết được rằng ngôi trường đó có đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu cho con mình hay không.

Trẻ em cần gì?

Dù là ở đâu, dù thời đại nào, những thứ trẻ em cần vừa phức tạp vừa rất đơn giản. Phức tạp là vì mỗi cá thể trẻ em đều riêng biệt và khó đoán, trình độ không đồng nhất như người lớn nên việc tổ chức giảng dạy, vui chơi ở mỗi trường, mỗi lớp đều phải tính toán đến sở thích, trình độ của trẻ và cả hoàn cảnh thực tế ở thời điểm đó.

Để làm được việc này, người giáo viên phải rất linh hoạt và tinh tế. Tuy vậy, những điều trẻ em cần ở một trường mầm non thì luôn không thay đổi. Trẻ cần được chăm sóc khỏe mạnh, cần được yêu thương, cần được khám phá thế giới, cần môi trường giao tiếp xã hội để phát triển các kỹ năng xã hội.

Với những nhu cầu cơ bản như vậy, ta sẽ tìm hiểu các trường phải làm gì để đáp ứng. Sau đây là các tiêu chí cho một trường mầm non tốt:

a. Cơ sở vật chất

*Sân chơi ngoài trời:

Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để trẻ em phát triển lành mạnh nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất ở một trường mầm non ở Việt Nam (khó trách được các trường bởi tình trạng tấc đất tấc vàng hiện nay).

Trung bình, trẻ cần tối thiểu 60 phút hoạt động thể chất một ngày để khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, tương tác với các trẻ khác và trở nên thông minh năng động.

Ở nước ngoài, ta thường thấy trẻ em rất chủ động ăn uống, trong khi ở Việt Nam người ta dùng mọi cách để ép con ăn mà vẫn không được, và con vẫn còi. Tình trạng trên xảy ra có một phần lớn nguyên nhân là do trẻ ở nước ta không có không gian để chạy nhảy, chơi đùa.


Khi không tiêu hao năng lượng thì hiển nhiên là trẻ không có nhu cầu bổ sung năng lượng. Vậy thay vì ép con ăn thật nhiều phô mai, váng sữa để con béo lên, phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con vận động.

Những điều phụ huynh cần lưu ý quan sát:

o Đảm bảo các đồ chơi ngoài trời phải an toàn với bé: không có cạnh sắc, không có dằm gỗ, không có các góc kẹt khiến trẻ có thể mắc chân vào gây ngã.

o Mặt sân mềm, không lồi lõm. Ở nước ngoài, các sân chơi đều được phủ vật liệu đặc biệt giống như một lớp cao su dày, không trơn, hoặc ít nhất cũng là sân phủ gỗ hoặc cao su nghiền vụn.

Khi trẻ ngã trên các vật liệu này hầu như không đau và rất ít trầy xước. Với điều kiện Việt Nam, mặt sân tốt nhất có lẽ là sân đất trồng cỏ vì các vật liệu kể trên còn hiếm và đắt. Các mặt sân bê tông đều rất cứng làm đau bé khi ngã và gây các vết trầy xước nghiêm trọng trên da bé.

*Sân chơi trong nhà: Được sử dụng khi bé không thể ra ngoài chơi vì điều kiện thời tiết

Những điều phụ huynh cần lưu ý quan sát:

o Không gian thông thoáng để trẻ chạy nhảy mà không bị va đập

o Mặt sàn không trơn láng, dễ ngã

o Đồ chơi phong phú, tốt nhất là tránh các đồ chơi làm từ nhựa kém phẩm chất độc hại với trẻ em.

*Phòng học: Để đảm bảo sức khỏe, phòng học cần thoáng mát, rộng rãi, nhiều ánh sáng mặt trời. Để trẻ phát triển trí tuệ, đồ chơi trong phòng cần đa dạng phong phú bởi trẻ học thông qua các trò chơi.

Các đồ chơi tốt bao gồm: đồ chơi xếp hình, đồ chơi lắp ghép, đồ chơi đồ hàng, đồ chơi phát triển trí tuệ, khám phá khoa học, sách truyện tranh, giấy - màu vẽ, nhạc cụ.

Một vài hoạt động rất tốt tuy ít được phổ biến ở Việt Nam nhưng rất nên có là các bàn chứa cát và nước, và cả dụng cụ nhà bếp trong lớp học. Cát - nước và nấu ăn là các hoạt động rất tốt cho sự phát triển vận động tinh ở trẻ, là cơ hội cho trẻ khám phá khoa học và giúp trẻ sáng tạo.

Những điều phụ huynh cần lưu ý quan sát:

o Điều hòa một chiều hay hai chiều, có hoạt động tốt không

o Không gian xung quanh yên tĩnh hay thường xuyên ồn ào, có cống rãnh bẩn, ao hồ dễ ngã hoặc các hàng quán không lành mạnh hay không

o Đồ chơi trong phòng học có đa dạng phong phú không, có được sử dụng thường xuyên không, trẻ có dễ lấy không (người viết bài đã từng chứng kiến các nhà trẻ có nhiều đồ chơi nhưng cất nguyên bộ trong túi nilon và khóa trong tủ kính trên cao cho mới)

o Chỗ rửa tay và vệ sinh (Nhiều lớp học không hề có chỗ rửa tay cho trẻ. Quý vị phụ huynh có thể tưởng tượng là sau khi nghịch lê la trên sàn nhà, trẻ ngồi xuống ăn cơm với bàn tay như thế nào)

o Khăn mặt được giặt thế nào? Nhiều nhà trẻ có phân biệt các khăn dùng riêng cho mỗi trẻ, nhưng lại giặt chung và phơi khô trong phòng vào buổi tối. Cách vệ sinh này không thể diệt hết nấm mốc, vi khuẩn trong khăn cho trẻ. Tốt nhất là giặt khăn rồi hấp tiệt trùng hàng ngày.

o Điều kiện ngủ trưa cho trẻ? Trẻ nằm đất trải chiếu sẽ mất vệ sinh và dễ bị mất nhiệt hơn là mỗi trẻ có một giường riêng. Trẻ dùng chăn chung sẽ mất vệ sinh hơn là mỗi trẻ có một bộ chăn gối do gia đình mang tới.

o Nên quan sát dụng cụ vệ sinh lớp học của giáo viên (giẻ lau nhà). Một số trường dùng nước thường với giẻ lau cáu bẩn, một số trường dùng dung dịch vệ sinh bán sẵn (nước lau nhà, lau kính) đều là hóa chất không tốt cho trẻ.

Để diệt khuẩn tốt và không gây độc hại cho da bé, các trường nên dùng nước lã có pha chanh hoặc vỏ cam, vỏ bưởi để vệ sinh nền nhà. Nếu sàn nhà trải thảm thì phụ huynh cần được đảm bảo rằng thảm phải được hút bụi thường xuyên.

o Tủ thuốc và đồ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Bạn cũng cần được biết nhà trường sẽ đưa trẻ đến bệnh viện/trung tâm y tế nào khi cần cấp cứu.

o Đồ dùng trong phòng không có các cạnh sắc có thể tạo thành vết thương cho trẻ khi va phải. Nếu có góc nhọn, cạnh sắc, hãy yêu cầu nhà trường mua thiết bị dán bảo vệ.

*Bếp ăn:

Những điều phụ huynh cần lưu ý quan sát:

o Độ thông thoáng của nhà bếp

o Các bề mặt bàn bếp, sàn nhà có dễ cọ rửa và trắng sạch hay không

o Nhà bếp có đủ nước sạch dùng không

o Chạn kê bát đũa có thoáng, sạch, có cánh cửa tủ không

o Một số trường học tráng bát sau khi rửa bằng nước sôi. Hãy hỏi trường bạn đang tìm hiểu xem họ làm thế nào nhé

o Nhớ kiểm tra nguồn gốc thực phẩm con bạn ăn hàng ngày

b. Giáo viên

Giáo viên là những người lớn tiếp xúc với bé nhiều nhất trong ngày sau gia đình bé. Giáo viên sẽ là hình mẫu cho trẻ học theo cách nói chuyện, cách ứng xử hay nói chung là văn hóa.

Họ cũng là người thay bạn rèn các nề nếp sinh hoạt cho trẻ. Ở Việt Nam khi các gia đình còn hay làm hết mọi thứ cho trẻ, người giáo viên sẽ là người tạo môi trường để trẻ học các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, vệ sinh cá nhân, tự phục vụ (dọn bàn, đi giày dép, gấp chăn chiếu v.v).

Một người giáo viên tốt sẽ khiến trẻ tin tưởng vào con người nói chung, tự tin vào bản thân, biết cách tự giải quyết vấn đề và nhiều lợi ích khác nữa.

Những điều phụ huynh cần lưu ý:

· Ngoại hình và giọng nói của giáo viên

· Tình yêu và sự quan tâm tới trẻ: bạn có thể kiểm tra điều này thông qua việc tìm hiểu xem giáo viên có hiểu rõ đặc điểm của từng trẻ trong lớp hay không.

· Thu nhập: Điều này là rất tế nhị nhưng nếu có điều kiện thì phụ huynh nên tìm hiểu. Một giáo viên không phải lo lắng về kinh tế sẽ hết lòng chăm lo tới trẻ. Đừng mặc định là lương giáo viên tỉ lệ thuận với số tiền bạn trả cho trường.

· Trình độ, đào tạo nâng cao: Mặc kệ các trường có hào nhoáng đến đâu, giáo viên vẫn là linh hồn của một ngôi trường. Có một thực trạng ở Việt Nam mà phụ huynh có thể không biết, đó là trình độ chung của giáo viên mầm non là thấp nhưng lại rất thiếu nên có nhiều trường (kể cả đắt tiền) vẫn phải chấp nhận sử dụng những giáo viên thậm chí là không có bằng rrung cấp.

Do đó để chắc chắn một ngôi trường thực sự làm việc nghiêm túc hay không, hãy nhìn vào chương trình đào tạo nội bộ của trường: giáo viên có được đào tạo hay không, chương trình đào tạo gồm những gì, bộ phận nào đảm trách đào tạo, lịch đào tạo có được lên thường xuyên không.

Nhìn chung, giáo viên công lập thường có trình độ cao hơn giáo viên các trường tư thục ngay từ khi tuyển vào, được đào tạo theo ngành dọc nhiều hơn và được đào tạo theo kiểu một kèm một (người trước hướng dẫn người sau) tốt hơn.

Nếu giáo viên dạy con bạn đang hoặc đã từng dạy ở các trường công lập lớn ở các thành phố lớn, đây có thể là một điểm khiến bạn yên tâm.

· Tương tác giữa giáo viên và học sinh: phụ huynh cần quan sát kỹ khi đưa con tới thăm lớp hoặc tham khảo các phụ huynh đã từng gửi con trước mình

o Giáo viên có mỉm cười thân thiện với trẻ không

o Giáo viên có nói chuyện ngang tầm mắt với trẻ không

o Giáo viên có chủ động hỏi han, nói chuyện và lắng nghe trẻ không

o Giáo viên có kiểm soát được tình hình của lớp không (nhiều giáo viên tỏ ra “bất lực” khi trẻ la hét, khóc mếu, không tập trung, hoặc tỏ ra mất bình tĩnh và cũng la hét hoặc thậm chí, đánh trẻ)

o Giáo viên có công bằng khi đối xử với các trẻ không

o Giáo viên có kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ thực hiện các kỹ năng mới không

o Hãy đảm bảo là giáo viên không đánh đập, xúc phạm trẻ trong bất kỳ trường hợp nào. Để chắc chắn, bạn có thể yêu cầu trường ký cam kết với bạn về điểm này trước khi bắt đầu cho con vào học.

c. Chương trình tiếng Anh/ngoại ngữ

Đây là một trong những điểm chủ chốt trong chiến dịch PR/Marketing của các trường mầm non hiện nay.

Những điều phụ huynh cần lưu ý:

o Trình độ/phát âm của giáo viên người Việt

o Nguồn gốc, bằng cấp của giáo viên nước ngoài

o Trang thiết bị để học ngoại ngữ: giáo trình, băng đĩa, loa đài, giáo cụ trực quan

o Phương pháp giảng dạy của giáo viên. Giáo viên giỏi là giáo viên khiến trẻ em thích thú khi học; học mà cảm tưởng như là đang chơi.

o Số giờ học ngoại ngữ mỗi tuần.

d. Chương trình kỹ năng sống:

Đây cũng là một trong những “điểm sáng” mà các trường hay đưa ra khi thuyết phục bạn cho con vào trường họ. Tuy nhiên, bạn nên hiểu bản chất việc giáo dục ở bậc học mầm non là giáo dục kỹ năng cho trẻ.

Vì vậy, các chương trình này có cũng tốt (trên thực tế, các giáo viên dạy kỹ năng thường có kỹ năng và phương pháp tốt hơn hẳn giáo viên thông thường), nhưng hãy chỉ coi nó là một điểm cộng cho trường bởi số giờ học thường không nhiều. Bản thân chương trình kỹ năng cũng thường đánh vào thị hiếu của phụ huynh hơn là nhu cầu thực của trẻ.

e. Hoạt động ngoại khóa:

Là điều nên có và hay được quảng bá rộng rãi bởi các trường có tiềm lực kinh tế. Các hoạt động ngoại khóa đa dạng là cần thiết, tuy nhiên bạn đừng để những điều đó làm mờ đi các quan tâm khác tới chất lượng thực của trường.

f. Chương trình học:

Dù các trường rất hay đề cập đến chuyện họ dùng chương trình học nào, thực tế là điều này không quan trọng lắm. Chương trình chính thức của Việt Nam là đủ mở, đủ hợp lý và đã được tham khảo các tài liệu nước ngoài.

Thêm nữa, khoảng thời gian trẻ ở trường tuy dài (~ 8 tiếng) nhưng phần lớn được dành cho các nhu cầu ăn, ngủ, vệ sinh, vận động thể chất và nhiều hoạt động khác.

Thời gian còn lại thực sự không đáng là bao. Trẻ được học chương trình nào cũng tốt, vì nội dung chương trình không quan trọng bằng cách thức giáo viên thực hiện nó.

g. Thực đơn:

Hãy chắc chắn rằng bạn có thể biết chính xác con bạn ăn những gì trong ngày. Thỉnh thoảng hãy hỏi con bạn về lượng thực phẩm bé được cung cấp ở từng bữa.

h. Đánh giá và báo cáo kết quả:

Con bạn cần nhiều hơn là một năm 3 lần họp phụ huynh. Những trường tốt cần cam kết việc thông báo tình hình trẻ bằng văn bản tới phụ huynh định kỳ.

Bạn cần đảm bảo rằng, các thông tin về con bạn được giữ bí mật và không được tùy tiện sử dụng mà không có sự cho phép từ gia đình bạn.

Nếu con bạn cần chăm sóc đặc biệt, hãy yêu cầu giáo viên và bạn liên lạc thông qua một sổ liên lạc để hàng ngày bạn và giáo viên trao đổi thông qua đó.

i. Lãnh đạo trường:

Nếu có điều kiện, phụ huynh nên tìm hiểu lãnh đạo/người quản lý các trường. Một người lãnh đạo/quản lý tốt không những phải đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu mà còn phải coi trọng và bảo vệ lợi ích cho giáo viên của chính họ nữa.

Bản thân người viết bài này đã từng làm việc ở những trường lớn và thu phí cao, nhưng giáo viên tốt thì cứ phải lần lượt ra đi. Phụ huynh khôn ngoan hãy nghĩ về điều đó.

Bậc học mầm non yêu cầu tính trách nhiệm ở những người liên quan rất cao. Một sơ suất nhỏ của giáo viên, của người quản lý có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho con bạn.

Top 10 dấu hiệu của một lớp học tốt

1

Trẻ em đang chơi với các trò chơi/vật liệu hoặc với các trẻ khác. Trẻ không đi thơ thẩn hoặc bị ép phải ngồi trật tự trong một khoảng thời gian dài.
2 Trẻ tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng trong một ngày, ví dụ như xây dựng, đóng kịch, xem sách, vẽ hoặc các trò chơi như lego, xếp hình. Các trẻ không luôn luôn làm các việc giống nhau trong cùng thời gian.
3 Các giáo viên làm việc với từng trẻ, nhóm nhỏ và với cả lớp trong những khoảng thời gian khác nhau trong một ngày. Họ không chỉ dành thời gian để làm việc với cả lớp.
4 Lớp học được trang trí bằng chính tranh vẽ, chữ viết của trẻ
5 Trẻ học số và chữ cái thông qua các hoạt động hàng ngày. Khám phá thế giới thiên nhiên như cây cối, động vật, nấu nướng, trực nhật và phục vụ bữa ăn là những hoạt động ý nghĩa hàng ngày cho trẻ
6 Trẻ làm những công việc (project) riêng và có khoảng thời gian đủ dài (ít nhất là 1 giờ đồng hồ) để tự chơi và khám phá
7 Trẻ có cơ hội để chơi ngoài trời mọi ngày mà thời tiết cho phép. Không bao giờ được phép bỏ qua hoạt động này để có thêm thời gian cho dạy học
8 Giáo viên có thể đọc sách cho trẻ bất cứ thời gian nào trong ngày chứ không chỉ là trong thời gian đọc sách cho cả nhóm
9 Chương trình giảng dạy được sửa cho phù hợp với cả những trẻ học nhanh hoặc chậm. Bởi vì mỗi trẻ em có những kinh nghiệm và kiến thức khác nhau nên các em không thể học cùng một thứ, cùng một lúc và theo cùng một cách
10 Trẻ và phụ huynh mong muốn được đến trường. Phụ huynh cảm thấy yên tâm khi gửi trẻ, học sinh vui vẻ, không khóc lóc hoặc ốm thường xuyên



Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm quan trọng này lại phụ thuộc chủ yếu vào việc em bé của bạn đã sẵn sàng hay chưa.

Theo GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, trẻ từ 3 tuổi trở lên mới nên đi nhà trẻ để giao lưu, học hỏi. Vấn đề gửi trẻ ở lứa tuổi nào không quan trọng bằng việc gửi cho ai? Nói như vậy để thấy rằng, vai trò của người giữ trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi rất quan trọng. Trẻ em ở lứa tuổi này bị rất nhiều tác động bên ngoài đe dọa đến tính mạng.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu chảy cao nhất trong các loại bệnh ở trẻ em và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Nếu cho trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ, thì cô giáo phải có những kiến thức y tế cơ bản như biết cách xử lý ban đầu cho trẻ bị tiêu chảy, với các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nếu trẻ bị sốt, khó thở, cô giáo cần phải biết đếm thở để biết được khi nào cần phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu? Ngoài ra, việc đơn giản nhất là cho trẻ ăn, cô giáo cũng cần phải có kỹ năng và kiến thức về y tế.

Một vấn đề rất đáng lưu tâm nữa là nếu trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ công lập rất cần được quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Trẻ 4 tháng tuổi ăn đồ ăn của trẻ 7 tháng tuổi, có thể dẫn đến hiện tượng tiêu chảy vì trẻ không hấp thụ được. Vì vậy, cô giáo cũng phải đặc biệt lưu ý vấn đề này. Nói chung, trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ thì chủ yếu là được chăm sóc chứ không phải dạy chữ.

Nếu điều kiện gia đình không cho phép, bắt buộc bạn phải cho bé đi nhà trẻ trước 3 tuổi, thì việc quan trọng nhất là tìm được cho con một trường thật tốt, có trang thiết bị đầy đủ, giáo viên được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm. Hiện nay có khá nhiều trường mầm non nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, các bé được xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng, phù hợp với từng bé, lớp học được gắn camera để bố mẹ có thể yên tâm quan sát con mình từ xa.

Làm thế nào để biết bé đã sẵn sàng?

Trước khi cho bé đi nhà trẻ, tiếp xúc với môi trường mới, bạn cần xác định một số điều sau:

• Bé có chịu rời bạn trong một lúc không?

• Bé có quá nhút nhát không?

• Ngoại trừ những người thân trong gia đình, bé có dám nói chuyện với những người khác không hay phải có mẹ kế bên để trả lời giùm bé mọi thứ?

• Bé có thích chơi với những trẻ con khác khi bạn cho bé đi chơi công viên hay đến nhà văn hóa thiếu nhi không?

Sau khi xác định được những câu hỏi trên bạn sẽ quyết định được là con mình đã sẵn sàng để đi học mầm non hay không. Nếu bạn cho rằng trường mầm non là nơi có thể an tâm để gửi bé trong suốt thời gian bạn đi làm và bé có thể quen dần với môi trường này, thì bạn nên bắt đầu cho bé đi học.

Giúp bé thích nghi với môi trường mới

Có thể ban đầu khi bé chưa quen, bạn có thể sắp xếp thời gian ở bên con một lúc tại trường. Chẳng hạn như lúc nào tiện đường, bạn có thể tạt qua chơi với bé chứ đừng nên dành nguyên mấy ngày đầu túc trực tại trường bên bé, sẽ càng làm bé quấn mẹ và khó hòa nhập với cô và các bạn xung quanh. Bạn có thể cho bé biết bạn sẽ dành khoảng thời gian bao lâu cho bé tại trường và chỉ ở lại chừng đó thời gian, đừng vì thấy bé khóc mà bạn mủi lòng.

Bạn hãy giúp bé làm quen với môi trường mới

Trong lúc ở lại trường bé, bạn chỉ nên đứng quan sát và tránh tham gia cùng mỗi khi cô giáo có những hoạt động dành riêng cho bé và các bạn khác. Những lúc đó, bạn chỉ nên dành cho bé ánh mắt khích lệ, động viên và để tự bé chơi với các bạn khác. Ngay cả khi bé muốn bạn hỗ trợ bé trong các trò chơi, bạn hãy cố gắng vờ như không biết để tự bé hòa nhập.

Đừng để bé ngại tiếp xúc với các bé khác hay cô giáo. Nếu bé cứ đến và hỏi bạn hay nhờ bạn giúp, bạn cứ hướng bé qua hỏi cô bảo mẫu. Chẳng hạn như, khi bé muốn đi rửa tay, hay muốn đi vệ sinh và chạy lại hỏi bạn, bạn cứ giả vờ tỏ ra không biết và chỉ cho bé ra hỏi c�� giáo hay bạn khác trong lớp.

Lúc đầu, bạn có thể hỗ trợ bé chút ít trong việc kết bạn (bởi bé thường mang tâm lý sợ sệt của một người mới đến một môi trường lạ lẫm). Bạn có thể nói chuyện trước với giáo viên của bé để những cô giáo này làm quen với bé và giúp bé từ từ thân với các bạn khác trong lớp.

Sau vài ngày sắp xếp thời gian ở lại trường mẫu giáo cùng bé, bạn nên cho bé hiểu rằng từ từ bé sẽ quen hơn và không còn là một người mới trong lớp nữa và những cô giáo hay các bạn sẽ giúp đỡ bé, chơi với bé trong suốt thời gian không có mẹ bên cạnh.

Một vài lưu ý nhỏ:

Tránh thời điểm bắt đầu cho bé đi mầm non trùng với việc bé mới có em. Bởi điều này có thể làm bé nghĩ, em bé mới sinh là nguyên nhân đẩy bé ra khỏi nhà, điều này đồng nghĩa với những lo lắng rằng bé sẽ hết được cha mẹ yêu thương hoặc bị bỏ rơi.

Nếu bạn lo lắng ban đầu bé khó hoà nhập với trường mẫu giáo, bạn có thể cho bé mang theo một tấm chăn mà bé hay đắp hay con gấu bông mà bé vẫn ôm mỗi khi ngủ hoặc một tấm ảnh quen thuộc của mẹ và bé, để cho bé cảm giác an tâm như lúc nào cũng có bạn ở bên và hãy để những vật đáng yêu này ở những nơi mà bé dễ dàng tìm thấy trong lớp.


(ST).



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý