Dạy con chào hỏi

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Dạy con chào hỏi

18/04/2015 05:03 PM
938

    Dạy trẻ lễ phép là điều mà không ít bậc phụ huynh băn khoăn. Dạy như thế nào cho hiệu quả? Phải chăng bài học về lễ nghĩa quá “khó nuốt” đối với trẻ?

Chị Hạ Vi (Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Để giáo dục con cái biết sống lễ phép, tôi thường đưa ra yêu cầu, chẳng hạn như con phải biết vâng lời mẹ, phải chào hỏi khi gặp mọi người, phải thật thà, không được nói dối”… Nhưng xem ra đây là cách giáo dục mang tính áp đặt và không đem lại hiệu quả. Áp lực đó khiến bé cảm thấy những bài học lễ nghĩa trở nên khô khan, đáng ghét. Hậu quả là trẻ nhỏ sẽ quên nhanh những điều cha mẹ vừa dạy bảo.

Người lớn làm gương

Trước tiên các bậc phụ huynh cần phải bình tĩnh nhận ra rằng trẻ còn quá non nớt để hiểu được thế nào là lễ nghĩa, đúng, sai. Khi được bốn - năm tuổi, trẻ có thể nắm bắt được nhiều điều. Đây là thời điểm thuận lợi để dạy những điều lễ nghĩa cho trẻ. Tâm lý lứa tuổi này là bé bắt chước thái độ và hành vi của người lớn rất nhanh. Trẻ thường học hỏi từ những thói quen của cha mẹ. Vì thế, cách nói năng, cư xử của phụ huynh chính là bài học đầu đời của con trẻ.

Chị Nguyệt (Q.1, TP.HCM) có hai đứa con rất ngoan, học giỏi. Cậu nhóc mới năm tuổi cứ tíu tít chào khách và cảm ơn khi được cho quà với vẻ mặt tươi vui. Trong khi đó, không ít những đứa trẻ cùng tuổi vẫn nói trống không với mọi người. Chị Nguyệt tiết lộ “bí kíp” của mình: Thỉnh thoảng, chị nhờ các con lấy giùm đồ đạc trong nhà. Khi nhận được chị liền cảm ơn ngay. Bé sẽ cảm thấy rất vui khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều lần như vậy, không cần phải dạy những câu từ về đạo đức một cách rối rắm, con chị cũng bắt chước cảm ơn mỗi khi nhận được bất cứ thứ gì từ người khác. Khi mắc lỗi hoặc vô ý làm bé đau, chị đã thành thật xin lỗi con. Việc làm đó đã giúp bé hình thành được ý niệm khi không làm điều tốt cho người khác thì phải nói lời xin lỗi.

Thực tế đã chứng minh dạy trẻ bằng những việc làm cụ thể có hiệu quả gấp nhiều lần so với việc cứ lặp đi lặp lại câu nói suông: “Con cảm ơn đi!”. Một hành động gương mẫu của cha mẹ còn giá trị hơn hàng trăm bài thuyết trình hàng ngày.

Bài học được minh họa sinh động

Những bài học lễ giáo căn bản đầu tiên cho bé là cách chào hỏi, thái độ lễ phép với người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ phải biết truyền đạt, thuyết phục sao cho gần gũi, dễ hiểu. Những minh họa thực tế sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn. Cha mẹ có thể dùng những bài thơ, bài hát vui nhộn, dễ thương có nội dung hướng dẫn cách chào hỏi để đọc, hát cho bé nghe.






Khi dạy trẻ hành vi lễ phép với mọi người, cha mẹ cần phải nhẹ nhàng, tận tâm. Trẻ thường luôn mong muốn được người lớn đối xử dịu dàng. Cha mẹ cần tâm sự, chia sẻ với con như một người bạn. Thủ thỉ với con trước khi ngủ những bài lễ nghĩa cũng là cách “dễ thấm” đấy. Hãy để ý những hành vi lễ phép của trẻ và động viên kịp thời khi trẻ hành động đúng. Nếu vô tình bạn bắt gặp bé con của mình chân thành xin lỗi một em bé vì nó vừa va quệt, bạn đừng tỏ thái độ quá ngạc nhiên khiến con e ngại. Nhân tình huống đó bạn nên khích lệ con phát huy và khen con đã làm gương tốt cho em bé kia.

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng nên trao đổi với con cách giải quyết một số tình huống. Khuyến khích con đề xuất cách bày tỏ lời xin lỗi, nói lời cảm ơn hay đưa ra lời chào hỏi làm cho tình huống sinh động. Cha mẹ dạy cho trẻ hiểu lời cám ơn không chỉ thể hiện sự biết ơn của mình mà nó có tác dụng động viên, khuyến khích người ta tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay có một số bậc phụ huynh lại quan niệm việc chào hỏi cũng như nói lời xin lỗi hay cám ơn là khách sáo, gò bó, khó gần. Quan niệm này ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và thái độ của trẻ.

Cha mẹ lưu ý, đừng dạy lễ giáo cho con bằng quát mắng và đòn roi. Biện pháp này sẽ phản tác dụng. Trẻ không những không vâng lời mà còn làm trái ý cha mẹ để chống đối. Vì vậy, để những bài học về lễ nghĩa không còn khô khan, cha mẹ phải biết lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của trẻ trước khi giáo huấn.


5 cách ứng xử dưới đây bạn nên dạy con ngay từ khi còn nhỏ và bạn sẽ giúp con trở thành một con người luôn biến ứng xử đúng mực.

1. Chào tất cả mọi người con gặp

Không có gì khiến bạn hạnh phúc và tự hào hơn khi nhận được những lời khen ngợi cùng ánh mắt ngưỡng mộ từ những người hàng xóm hoặc những người mới quen biết vì bạn đã là một bà mẹ nuôi dạy con tốt, biết lễ phép, ngoan ngoãn chào hỏi mọi người… Do đó để con mãi là niềm tự hào của các bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn thơ ấu, cha mẹ hãy làm thế nào để con luôn mạnh dạn chào đón tất cả mọi người không chỉ là khi khách đến nhà mà thậm chí là ngay cả khi con gặp một ai đó ở cửa hàng tạp hóa. Hãy dạy con mỉm cười thân thiện với tất cả những người con gặp. Chắc chắn điều đó sẽ không chỉ khiến bạn hạnh phúc mà còn làm cho những người xung quanh cũng cảm thấy thật dễ chịu khi gặp một đứa bé ngoan.

Biết chào hỏi mọi người là phép ứng xử tối thiểu của mỗi con người

2. Trả lời điện thoại một cách lịch sự

Để dạy con làm được điều này, có thể các bậc cha mẹ sẽ phải mất một khoảng thời gian dài tùy thuộc vào khả năng, sở thích cũng như phương pháp mà bố mẹ áp dụng dạy dỗ đối với con. Hãy dạy cho con kỹ năng và thành lập thói quen khi con trả lời điện thoại. Tuyệt đối đừng để trẻ nói trống không và lối hỏi đáp “nhát gừng”. Bố mẹ có thể dạy con một vài câu nói cơ bản như: “Xin lỗi! Cháu có thể biết ai ở đầu dây bên kia không ạ?” hoặc: “Cháu rất tiếc! Hiện tại mẹ cháu không có ở nhà. Cô có muốn để lại lời nhắn nào đó cho mẹ cháu không ạ?”

3. Không chơi trò đánh trống trên bát đĩa

Đây không chỉ là thói quen xấu mà đó còn là một trong những hành vi khiếm nhã bên bàn ăn, nhất là khi gia đình bạn có khách. Do đó thay vì để con tự tiện cầm đũa, thìa gõ vào bát đĩa, cha mẹ hãy tạo cho con tư thế ngồi ăn nghiêm chỉnh, lịch sự, không gào thét khi chưa có món ăn… Những điều cơ bản đó sẽ giúp con hình thành thói quen và phong thái định đạc, ứng xử điềm tĩnh trong suốt cuộc sống của trẻ về sau này.

4. Dạy con nói “Làm ơn”

Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng việc con còn quá nhỏ nên không cần phải quá nghiêm khắc với con, chờ đến khi con lớn hơn thì có thể dạy con cũng được. Đó là một trong những quan điểm nuôi dạy con sai lầm. Bởi vì bao giờ việc nuôi dạy con từ khi còn nhỏ cũng dễ dàng và hữu ích hơn rất nhiều, trẻ sẽ tiếp thu và hình thành thói quen theo sự uốn nắn của trẻ khi tâm sinh lý còn đơn giản. Do đó hãy dạy con ứng xử với mọi người một cách lịch sự. Khi con làm gián đoạn cuộc trò chuyện của một ai đó hoặc làm phiền, cần sự giúp đỡ của người khác hãy dạy con nói “Làm ơn – Xin lỗi”.

5. Không đánh nhau với những đứa trẻ khác

Đây có thể là một nhiệm vụ không dễ dàng gì cho các bậc cha mẹ bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh, quản lý và giúp con kiểm soát cơn giận dữ. Nhưng việc giáo dục con là điều cần thiết và hãy dạy con bất cứ lúc nào cho đến khi con nhận thức rõ ràng được điều đó. Hãy nói với con rằng việc đánh bạn sẽ biến con thành người thua cuộc, đấy là hành vi xấu. Đó sẽ là cách thức bố mẹ tiến tới định hình tính cách cũng như giúp trẻ có thể tự kiềm chế được mình trong tương lai.


Việc dạy trẻ lễ phép và kính trọng người lớn là điều rất quan trọng trong việc hình thành phẩm chất đạo đức cho trẻ. Vậy, làm thế nào để có thể dạy trẻ thói quen lễ phép và kính trọng người lớn?

Để hình thành thói quen lễ phép và kính trọng với người lớn cho trẻ thì ngay từ khi trẻ biết giao tiếp với mọi người, cha mẹ cần dạy trẻ có những cử chỉ giao lưu thân thiện như: cười, vẫy tay chào… Khi trẻ biết nói, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen chào hỏi mọi người; đối với trẻ trẻ lớn hơn, hãy tập cho trẻ cách nói cảm ơn, xin lỗi và nhắc nhở trẻ nói kèm theo các từ “ạ”, “vâng”, “dạ”… với người lớn tuổi.

Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở trẻ kịp thời mỗi khi trẻ gặp người lớn mà không chào hỏi; khi trẻ mắc lỗi thì cần phải xin lỗi và khi nhận được quà thì phải biết cảm ơn. Cha mẹ cần luôn chú ý đến thái độ của trẻ. Khuyên trẻ không nên nhìn người khác với ánh mắt thiếu thiện cảm, vì có thể gây cho họ sự khó chịu. Đồng thời, dặn trẻ không được nói trống không hay nói những câu ra lệnh với người khác, vì như thế là không tôn trọng mọi người.

Đối với những hành động vô lễ của trẻ: cha mẹ không nên lơ là, mà cần chú ý uốn nắn và nhắc nhở ngay. Song, cha mẹ không nên trách mắng, hay sử dụng đòn roi với trẻ mà hãy nói chuyện để trẻ hiểu ra vấn đề. Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng các hình phạt nếu trẻ không chịu nghe lời như: “Nếu con còn vô lễ với cô Lan nữa thì cha mẹ sẽ huỷ buổi dã ngoại cuối tuần này, con cần xin lỗi cô ngay”... Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nói với trẻ rằng: có thái độ vô lễ với người khác sẽ khiến họ buồn và nghĩ rằng bé là đứa con hư...


Dạy trẻ thông qua sách báo, phim thiếu nhi, truyện kể: Các câu chuyện luôn là tấm gương tốt về hành vi để trẻ noi theo, chính vì thế việc cho trẻ làm quen với sách báo, truyện kể sẽ giúp trẻ có nhận thức đúng đắn hơn về những hành vi tốt và xấu với mọi người để trẻ rút ra bài học cho bản thân.

Khen thưởng kịp thời với những hành vi lễ phép và kính trọng mọi người: Cha mẹ cần khen ngợi mỗi khi trẻ thực hiện những hành vi lễ phép và kính trọng với người khác. Ban đầu, trẻ chưa thực hiện được mà phải do người lớn chỉ bảo và trẻ làm theo hướng dẫn.

Cha mẹ cần là tấm gương sáng cho trẻ về hành vi lễ phép và kính trọng với người lớn: Trẻ sẽ học hỏi được sự lễ phép và kính trọng người lớn từ chính hành vi và thái độ của cha mẹ. Khi cha mẹ tỏ thái độ không tôn trọng, không lễ phép với ai đó thì trẻ nhỏ rất dễ học hỏi điều này. Vì vậy, cha mẹ phải luôn chú ý tới hành vi và thái độ của mình đối với mọi người. Khi cha mẹ mâu thuẫn với một ai đó, tốt nhất không để trẻ thấy thái độ này, tránh việc trẻ bắt chước và làm theo.


Chào là một hình thức xã giao, nó nói lên phong tục và văn hóa của một nước. Người Đông Phương đa số lễ phép chào nhau bằng cách cúi đầu, người Tây Phương chào nhau bằng cách bắt tay khi đến gần hay vẩy tay nếu cách xa không thể bắt tay được.

Tôi không biết, tôi được dạy chào hỏi khi nào, chắc lúc đó còn nhỏ lắm nên không thể nhớ lại được, nay nhớ lại khi dạy con cũng trên bốn mươi năm trước, muốn được rõ ràng hơn, tôi quan sát các con đang dạy các cháu khi chúng lên 2, 3 cha mẹ đã dạy đứng khoanh tay, cúi đầu chào khi khách tới nhà hoặc lúc khách ra về với lời chào ông, chào bà hay chào chú, bác, cô, dì.

Tôi nhớ rõ khi còn nhỏ, mỗi lần khách đến nhà thăm cha mẹ tôi, khách đã quen biết hay chú, bác, cô dì tôi đứng khoanh tay, miệng nói:

-Thưa bác (chú, cô, dì …) mới tới!

Rồi cúi đầu chào, người khách trả lời:

-Ừ !

Hoặc khen:

-Giỏi!

Nếu khách không nói gì thêm, tôi bỏ tay xuống rồi đi vào trong nhà rót nước trà, bưng ra mời khách uống, xong lại tránh đi để người lớn nói chuyện với nhau.

Còn nếu khách vẫn hỏi thêm điều gì, tôi phải khoanh tay đứng nghe để trả lời, đến khi nào khách không còn hỏi nữa mới bỏ tay xuống, đi rót nước mời khách hoặc đi làm chuyện khác.

Trường hợp kkách lạ, không biết xưng hô với khách như thế nào, nhất thiết cũng phải đến gần khách. đứng thẳng người khoanh tay rồi cúi đầu chào khách.

Lễ phép của mỗi đứa trẻ ngày xưa, hầu hết đều được cha mẹ dạy dỗ như vậy. Nếu gặp khách tới nhà mà trẻ con không biết chào hỏi khách người lớn, trẻ con đó sẽ bị phê phán là “gặp khách chỉ biết giương mắt ếch mà nhìn”, hoặc sẽ bị phê phán là “thiếu giáo dục” hay nói khác hơn là cha mẹ không dạy dỗ, nên con cái không biết lễ phép chào hỏi khách.

Người ta thường nói sống trên đời có “tứ khoái”, “ăn” là đứng đầu, lại là ăn cỗ thì không cao lương, mỹ vị cũng là món ngon, vật lạ thực khách sẽ ăn uống ngon miệng. Nhất là được gia chủ vồn vã tiếp đón thì bửa ăn càng ngon hơn, nếu khách đến nhà mà gia chủ tiếp đón, chào hỏi lạnh nhạt thì dù cho cao lương, mỹ vị cũng trở nên tầm thường, nhạt nhẻo, chính vì vậy mà tục ngữ có câu: “Tiếng chào cao hơn cỗ!”

Rồi lớn lên, chừng 15, 16 chào khách tôi không còn khoanh tay mà nắm hai tay lại cúi đầu, miệng chào khách:

-Thưa bác (chú, cô, dì …) mới tới!

Đó là những người khách họ hàng, xóm làng xa lâu lâu tới nhà một lần, còn thân tộc như cô, chú, bác ruột thì vừa đi vừa vui mừng chào:

-Thưa bác (chú, cô, dì …) mới tới!

Rồi đến tuổi nào đó, có lẽ đến “ngũ thập tri thiên mệnh” trở đi, khi gặp khách, vai vế hay tuổi cao hơn mình thì chỉ khẻ cúi đầu chào, gặp người ngang hàng như bạn bè chỉ chào bằng lời:

-Chào anh (chị)!

Gặp người trẻ hơn chào, thì chào lại bằng cái mỉm cười.

Tôi nghĩ chẳng phải chỉ có mình làm như vậy, mà hầu hết người Việt ta đều làm như vậy, nó đã thở thành tạp quán trong nếp sống văn hóa của người Việt ta.

Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy người Nhật hay người Đại Hàn, phép chào hỏi của họ tỏ ra rất tôn kính, họ đứng nghiêm cúi mình xuống càng thấp càng tỏ ra tôn kính. Mọi lứa tuổi họ đều chào kính như nhau.

Hai người Nhật hay Đại Hàn chào nhau

Tôi thấy trên truyền hình, Tổng Thống Đại Hàn trước hay sau khi đọc diễn văn, đều cúi mình chào dân chúng. Những ông Thủ tướng, Bộ Trưởng Nhật khi lên bục đọc diễn văn, trước đó đều đứng cúi mình chào lá quốc kỳ của nước họ.

Sự chào hỏi tôn kính đó, thể hiện nếp sống văn hóa cao, lại cho chúng ta thấy họ luôn luôn kính trọng người khác, khác với chúng ta lễ phép thay đổi theo tuổi tác, hơn nữa ta chỉ kính trọng người hơn mình, chớ không kính trọng kẻ dưới, phải chăng đó là thứ văn hóa tự tôn, vì chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hay Trung Hoa là nước tự tôn, cho rằng họ là Tinh hoa nằm ở trung tâm, giữa các nước kém văn minh như rợ Hồ phương Bắc, Nam di ở phương Nam.

Chúng ta hãy đọc một đoạn văn của Ngô Đồng Vũ đăng trên Web Thế Giới Cha Mẹ, để thấy người ta cảm nghĩ thế nào, khi được tôn trọng ở trong một xã hội đã bị băng hoại về lễ nghi:

Tôi nhớ mãi hình ảnh nhà văn Sơn Nam khoanh tay và cúi đầu chào mấy trăm sinh viên tại hội trường lớn của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mười mấy năm trước. Dường như tất cả sinh viên ở đó đều quá bất ngờ với hành động mang đậm chất lễ nghĩa của “ông già Nam bộ” nên… không kịp có biểu hiện đáp lễ đúng mực.

Hôm đó, nhà văn Sơn Nam đến nói chuyện với sinh viên báo chí về hoạt động làm báo ở Sài Gòn trước năm 1975. Nói thực, câu chuyện của nhà văn khá tản mạn nên không mấy thu hút sinh viên (chúng tôi hồi ấy vẫn thích đọc sách của ông hơn). Bởi vậy, hình ảnh nhà văn Sơn Nam vòng tay cúi chào đã đọng lại trong tôi rất sâu đậm.

Những vị hoàng đế, quốc vương hay những vị nguyên thủ quốc gia của mỗi nước, đều có cơ quan Lễ tân lo các nghi lễ ngoại giao. Khi Nhật Hoàng tiếp Tổng Thống Obama vào ngày 14 tháng 11 năm 2009 tại Nhật. Nhật hoàng dùng nghi lễ Tây Phương, trái lại Tổng thống Obama lại dùng nghi lễ nước Nhật, nhiều người Mỹ cho là Tổng Thống của một cường quốc, ông Obama không nên cúi mình quá thấp, đã hạ thấp phẩm giá của người đại diện cho một cường quốc đứng đầu thế giới ngày nay, là nước chiến thắng, chấp nhận sự đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito năm 1945. Có người bênh vực cho là đó là nghi lễ ngoại giao, tỏ lòng kính trọng người khác. Đây không phải là ngoại lệ vì Tổng Thống Richard Nixon cũng cúi mình trước Nhật hoàng Hirohito.

Thật ra nước Nhật đã Tây phương hóa, nhưng lễ phép vẫn giữ như xưa, do vậy mà Nhật hoàng Akihito đưa tay ra bắt tay, còn Tổng Thống Obama giữ đúng nghi lễ truyền thống của người Nhật.



Tổng thống Barack Obama - Nhật hoàng Akihito – Hoàng hậu Mikicho

Tôi ao ước, những người cao niên, nên làm như Sơn Nam trong những cuộc lễ trang trọng, còn những trường hợp tiếp đón thông thường, gặp nhau ngoài phố ít ra cũng nên nắm hai tay lại vừa cúi đầu vừa xá người mình chào, những người Phật tử gặp nhau, họ chắp tay lại vừa xá vừa chào nhau bằng danh hiệu Phật:

-A Di Đà Phật !

Nghi lễ chào như vậy, để nhắc nhở người ta luôn luôn tưởng niệm đến Phật từ lời nói đến việc làm, người lớn có làm được thanh thiếu niên mới bắt chước làm theo. Theo thiển nghĩ việc làm này không khó, tập thường xuyên cho thành tạp quán, từ đó giữ lại phong tục đẹp của ngàn xưa. Thử hỏi: - Sao lúc nhỏ ai cũng làm được, lớn khôn rồi lại quên đi ?Chẳng lẽ lúc nhỏ ta có văn hóa, lớn lên rồi lại không biết giữ gìn sao ?


Đến trường tiểu học của các con tháng này, tôi nhìn thấy trang trọng ở cửa lớp “khẩu hiệu” của tháng: Hãy chào hỏi bằng cả tấm lòng. Thầy giáo chủ nhiệm còn đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn: Hãy nhìn vào mắt người đối diện để chào hỏi.

Ở trường học của Nhật, các mục tiêu ứng xử cần giáo dục cho học sinh được cụ thể hóa bằng những hành vi cụ thể để các em áp dụng hàng ngày. Những khẩu hiệu hàng tháng có thể là: “Hãy thân thiện với bạn bè - Đối xử tốt với bất kỳ ai”; “Hãy giữ lời hứa - chú ý về thời gian”; “Hãy giữ sạch đẹp xung quanh mình!”

Khẩu hiệu “Hãy chào nhau bằng cả tấm lòng” trong trường học Nhật Bản

Hãy nhìn vào mắt người khác để chào hỏi - đó là hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu cho học sinh, là sự thể hiện sinh động của việc “chào hỏi bằng cả tấm lòng”. Giao tiếp mắt trong chào hỏi, nói chuyện thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, trao cho nhau sự thân ái, chân thành. Một câu ngắn, một hành động nhỏ nhưng thể hiện tính nhân văn cao của nền giáo dục, thể hiện ý nghĩa của câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vẫn thường treo trang trọng trong các trường học ở Việt Nam.

Việc chào hỏi ở nhà trường Nhật được tiến hành cụ thể mỗi ngày, vào giờ sinh hoạt đầu buổi sáng. Đây chính là lúc học sinh học cách chào hỏi sao cho vừa đúng lễ nghi, vừa thể hiện tình cảm của mình với thầy cô. Khi ra về, cũng có chương trình nhỏ để thầy cô giáo và học sinh tổng kết một ngày, cảm ơn và chào nhau. Các bạn học sinh mỗi khi đến lớp hay ra về đều chào nhau vui vẻ.

Mỗi khi bắt đầu và kết thúc một tiết học, bằng cách này hay cách khác các em học sinh đều được học cách đón chào và cảm tạ giáo viên, ngược lại giáo viên cũng đáp lễ theo như là một nghi thức bắt buộc.

Trong quá trình dạy, các giáo viên cũng rất chú trọng uốn nắn cho học sinh của mình từ những việc nhỏ nhất trong ứng xử như vậy. Ở lớp tôi tham gia trợ giảng, khi một em học sinh ngượng ngịu nói câu tiếng Anh với bạn mình nhưng xấu hổ cúi xuống, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở ngay lập tức: “Em hãy nhìn vào mắt bạn và trả lời!”.

Ở đâu thì các bậc phụ huynh cũng mong muốn con mình phải là người xử sự khiêm tốn và trọng thị, trước khi giỏi giang hay thành đạt. Nhà trường nào cũng mong muốn học sinh vừa học tốt, vừa ngoan ngoãn. Nhưng làm sao để biến ước nguyện ấy thành hiện thực mà không phải là những lời nói suông, những khẩu hiệu sáo rỗng chung chung?

Tôi nghĩ rằng những mục tiêu lớn lao có lẽ cần được bắt đầu bằng những việc cụ thể thực hiện hàng ngày, hàng giờ… Những việc nhỏ được tiến hành kiên trì sẽ đưa đến những kết quả lớn lao, như trăm dòng nước nhỏ kết thành suối, trăm dòng suối thành sông, trăm sông làm nên biển lớn. Cứ kiên trì giáo dục những đức tính, cách cư xử tốt đẹp, nhân văn từ bé, lớn lên các em sẽ trở thành những công dân văn minh của thế giới.


“Bất lực”… dạy bé chào hỏi
Chị Mai (Khâm Thiên - Hà Nội) than phiền với đồng nghiệp ở cơ quan: “Bé nhà em sắp tròn 2 tuổi rồi. Ở nhà, khi chỉ có bố, mẹ, em dạy gì bé cũng nghe. Bé biết chào bà, chào ông, chào bác… Nhưng khi đi ra ngoài, gặp người lớn, bé rất lỳ và không chịu chào hỏi ai”. Có lần, chị đã nhốt con ra ngoài ban công một mình, nhưng bé vẫn không chịu chào ông bà nội. Bố giận quá, mắng con, đánh con, con chỉ khóc nhưng nhất quyết “không mở mồm”.


Bé Bi nhà chị Hà (Hải Châu - Đà Nẵng) ở nhà líu lo như chim sáo. Ra đường gặp người lớn, bé lại “im thin thít”. Mẹ nhắc bé chào, bé lấy tay che miệng lại và lảng ra chỗ khác. Chị lúc nào cũng bị mẹ chồng mắng vì cái tội “không biết dạy con”.

Gia đình anh Nam (Đông Anh - Hà Nội) lại dở khóc, dở cười với hai cô con gái. Hai bé gái nhà anh, một 4 tuổi, một 6 tuổi hoàn toàn trái ngược nhau. Bố mẹ vẫn “bất lực” về việc dạy cho cô chị tự chào hỏi khi gặp người quen. Còn cô em gặp ai cũng chào, kể cả người lạ hay người quen. Khi đi ngủ, bé đến tận nơi nắm tay và chúc từng người trong gia đình ngủ ngon.
Ra đến ngoài đường, cô em luôn miệng: “Cháu chào bà, cháu chào chú…”. Có khi bé còn thắc mắc: “Sao con chào mà chú chẳng nói gì cả”, và chạy lại chào cho đến khi nhận được lời chào đáp trả thì mới thôi. Thỉnh thoảng, cô chị cũng bắt chước em. Thấy em chào, chị cũng chào theo. Nhưng trường hợp đó rất hiếm.

“Giải pháp” nào cho bé?

Khi bé gặp người, lúc đầu bé không chào. Bố mẹ đừng vội “kết tội” bé là không ngoan. Cũng có thể là do bố mẹ đã “nhanh mồm, nhanh miệng" quá, toàn trả lời hộ con nên tạo cho bé thói quen ỷ lại.




Bố mẹ hãy dần dần nhắc nhở, khuyên bảo bé nhưng đừng mắng bé. Một thời gian sau, bé sẽ hình thành được thói quen: gặp người lớn là biết chào.
Các bố mẹ hãy thử áp dụng những cách sau:

- Đến tuổi đi học, bố mẹ đừng ngần ngại cho bé đi mẫu giáo. Học ở trường sẽ giúp bé hình thành nhiều kỹ năng như chào hỏi, tự làm một số việc…

- Gặp người lớn, bé chưa chịu chào. Bố mẹ hãy khoanh tay và chào thật to: “Con chào ông”, “Con chào bà”, “Cháu chào cô/dì/chú ạ”. Bé sẽ học tập và bắt chước bố mẹ đấy.

- Hãy chào bé trước. Bố mẹ đi đâu về, gặp bé cũng sẽ nói: Mẹ/Bố chào con. Nếu bé không chào lại, nhắc nhở bé: Cún ngoan cũng chào mẹ/bố đi chứ. Bé được người lớn chào, sẽ cảm thấy mình thật quan trọng và được đối xử như với người lớn. Từ đó, bé sẽ hình thành thói quen chào hỏi.

- Khi gặp người lớn, bé không chào. Bố mẹ hãy nhắc nhở bé ngay lập tức, để bé không quên. Tránh trả lời hộ bé khi có ai hỏi chuyện bé.

- Bố mẹ hãy lồng ghép việc dạy bé chào thông qua các thói quen và sở thích của bé. Ví dụ những bé thích được nghe mẹ kể chuyện, mẹ có thể kể cho con nghe: Có một cô bé nhím xinh đẹp, được các bác gấu, bác nai… yêu quý. Vì nhím đi đâu gặp ai cũng chào hỏi. Nhưng sau cô bé nhím hư, mải chơi, không chịu chào hỏi ai cả. Từ đó, bác gấu, bác nai… không còn yêu cô bé nhím nữa… Chắc chắn, bé nghe xong câu chuyện, lần sau gặp người lớn bé sẽ chào để được mọi người yêu quý.

Các nghiên cứu đã cho biết rằng, ở lứa tuổi từ 2 - 3 tuổi, bé thích làm theo tùy hứng của mình. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn luôn chú ý khuyên bảo, nhắc nhở con để giúp bé hình thành thói quen. Khi bé đã lớn hơn một chút, rất khó uốn nắn con vào nề nếp.


Gian nan dạy con chào hỏi

Bé Bin (2 tuổi, HN) nhất định không chịu ạ ông bà ngoại như lời mẹ dạy. Mẹ càng ra sức quát mắng, bé càng khóc to. Bà ngoại ra bế bé, dỗ dành một lúc. Khi về, bà ngoại chỉ nhắc: "Con ạ bà nào" là thấy bé đưa tay lên vẫy vẫy, mồm "ạ" rất to.



“Bé rất ngoan nhưng ít thích khoanh tay khi chào. Ép bé làm lại, bé tỏ ra không thích. Có lúc, bé phản ứng bằng cách khóc, có lúc bé lảng ra chỗ khác” - Oanh tâm sự.

Con gái nhà Phương (Từ Liêm, Hà Nội) đã nói rất sõi. Hôm trước, nhà có người bác ruột ở quê lên chơi. Cô nhắc con gái đang chơi búp bê dưới sàn nhà “chào bà” nhưng bé không chịu. Động viên mãi nhưng con chỉ nhìn bà, nhìn mẹ rồi cười chứ không chào. “Có lúc, bé chào nhanh lắm nhưng cũng có khi nhắc mỏi miệng mà con chỉ im thôi. Chẳng biết làm thế nào với con nữa” - Phương cho biết.

Thục (Đà Nẵng) cả đêm mất ngủ vì nghĩ cách dạy con gái 5 tuổi. Lúc bé lớn được 3 tuổi, Thục sinh thêm bé thứ hai. Khoảng thời gian ấy, do bận bịu chăm sóc bé thứ hai nên chuyện dạy dỗ bé lớn, cô giao cả vào tay ông bà nội. “Ông bà nội rất chiều nên cháu có nói hỗn, ông bà cũng bỏ qua. Gặp người lớn, mẹ nhắc, bé cũng không chào. Có lúc nào hứng lên thì chào, không thì thôi” - Thục chia sẻ.

Một lần, Thục bảo con chào bác hàng xóm nhưng bé cương quyết không làm theo yêu cầu. Sẵn tính nóng trong người, cô đánh con rất đau. Càng đánh, bé càng la hét.

Cuối cùng, chọn lúc bé đang xem phim hoạt hình, Thục nhẹ nhàng hỏi lý do bé không chào bác hàng xóm thì bé bảo: “Tại bác ấy hay mắng con”. Hóa ra, do bé hay ăn bimbim rồi vứt vỏ ra cửa nên bị bác hàng xóm nhắc nhở. Sau khi được mẹ phân tích, bé có vẻ nghe lời mẹ nhưng nhất định vẫn không chịu chào bác.

Chị Như (Đống Đa, Hà Nội) cũng hết cách với bé trai 8 tuổi. Chị cho biết: “Hồi 3-4 tuổi, bé ngoan lắm, gặp ai cũng khoanh tay chào. Từ ngày vợ chồng mải việc, cháu ở nhà với ông nội, cháu hư đi mà bố mẹ không kịp thời uốn nắn. Bây giờ, có quát con đến khản cổ, bé cũng không chào ai. Bé còn thích đá chị giúp việc, đấm vào lưng ông và nói bậy”.

Cũng thử đánh bé nhưng không có kết quả, bây giờ, chị Như đang tính xin giảm bớt việc ở công ty để dạy lại con từ đầu.

Kiên trì và linh hoạt khi dạy bé học chào

Chào hỏi là một trong những điều cha mẹ cần dạy bé ngay từ khi còn nhỏ; nhưng cha mẹ cũng nên linh hoạt trong cách dạy con. Nhiều bậc phụ huynh nhất định ép con phải khoanh tay, đứng thẳng người khi chào hỏi người lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, kiểu dạy chào gò bó như thế khiến bé không thoải mái, thậm chí nhiều bé còn thích chống lại. Càng lớn, bé càng ghét kiểu phải khoanh tay chào hỏi người lớn.

Thay vì bắt bé khoanh tay, cha mẹ nên dạy bé nhìn thẳng vào người đối diện, đứng thẳng người và chào theo đúng thứ bậc “cô, bác, ông, bà…”. Như thế cũng là một cách chào lịch sự, thể hiện sự tôn trọng dành cho người lớn.

Tình huống chào hỏi khác nhau, bản tính mỗi bé cũng khác nhau; do đó, có lúc bé rất hào hứng khi chào nhưng cũng có lúc, bé chống lại yêu cầu từ cha mẹ. Cha mẹ không nên ép buộc bé, nên trò chuyện với bé để tìm cách ứng xử phù hợp. Một số bé chưa đủ nhận thức để hiểu ý nghĩa của câu chào, một số bé khác vì ác cảm với người đối diện nên cũng không chịu chào.

Cha mẹ nên là tấm gương để bé noi theo. Trước khi đến nhà ai chơi, cha mẹ nên giới thiệu cho bé biết đó là nhà của ai, bé sẽ chơi với ai, chơi đến mấy giờ về, nhắc bé rằng khi nào mẹ giới thiệu mọi người thì bé sẽ chào theo mẹ. Sau đó, khi đến nhà người thân, bố mẹ có thể hướng dẫn: “Con chào ông đi”, “Con chào bà đi” là bé biết cách chào theo.

Không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua khi bé không chào hỏi người lớn. Cha mẹ cũng nên kiên trì dạy con, làm sao cho quá trình giáo dục con không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do nào. Nhiều trường hợp cho thấy, do cha mẹ lơ là, một số bé có thể từ ngoan, biết nghe lời đã chuyển thành cứng đầu, khó bảo chỉ sau 1-2 năm.

Nếu bé bỗng trở nên khó bảo, cha mẹ cũng nên kiên trì uốn nắn lại cho bé. Giáo dục con là việc làm thường xuyên trong gia đình (giống như mưa dầm thấm lâu) và ở bất kỳ độ tuổi nào. Không quá nuông chiều, phải nghiêm khắc, mềm mỏng, trước sau như một, để bé không “nhờn”.


(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý