Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt

seminoon seminoon @seminoon

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt

18/04/2015 05:59 PM
1,737

nên cho con tiền tiêu vặt hay không? Từ tuổi nào có thể bắt đầu cho tiền con là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Người thì nghĩ nên cho trẻ tiếp xúc với tiền từ nhỏ để làm quen dần, người lại muốn con tránh xa tiền để khỏi hư hỏng.

Có nên cho con tiền tiêu vặt:


Theo bà Lý Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn giáo dục tình yêu, hôn nhân và gia đình TP HCM khẳng định, cha mẹ có thể cho con tiền tiêu vặt nhưng phải biết cách cho. Trẻ đi mẫu giáo, chưa có nhu cầu cần tiền nên cha mẹ không được cho.

Khi trẻ vào lớp 1, bố mẹ nên cho con ăn sáng đầy đủ. Có thể cho trẻ tiếp xúc với tiền từng bước một. Đầu tiên cho con 1.000-2.000 đồng, hướng dẫn con nên cất kỹ trong cặp, chỉ khi cần mới dùng. Nhắc con rằng nếu đã tiêu tiền thì phải báo cho cha mẹ biết lý do tiêu vì việc gì. Bố mẹ đừng quá tin tưởng con mà hãy kín đáo kiểm tra số tiền của chúng. Khi con đánh mất tiền, cha mẹ cũng đừng quát mắng, phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Thấy con có nhiều tiền trong cặp phải tìm ra lý do, đừng kết tội con ăn cắp, dù nó có lấy tiền của người khác, bởi trẻ lớp 1 chưa ý thức được hành động của mình.

Khi trẻ lên cấp 2, có nhiều nhu cầu tiêu tiền hơn như tiền ăn vặt cùng bạn bè, tiền quỹ lớp... Phụ huynh nên tính toán mỗi tuần cho con một khoản tiền nhất định sao cho vừa đủ. Nếu trẻ có nhu cầu mua sắm bạn nên dẫn con đi mua, cho phép con chọn và kín đáo theo dõi. Nếu con chọn món đồ không vừa ý mình cũng chớ nên chê bai, mà cần giải thích cho con hiểu và không nên tập cho trẻ thói quen tiêu dùng hàng ngoại.

Trong một số trường hợp, cha mẹ nên tạo cho trẻ quyền tham gia vào việc chi tiêu gia đình. Ví dụ cả nhà cùng bàn luận hay cùng đi mua sắm một vật dụng nào đó. Sự trao đổi bàn bạc giữa cha mẹ và con cái sẽ đem lại không khí thân thiện và bình đẳng trong gia đình, cũng như tạo cho trẻ thói quen cân nhắc khi mua sắm. Trẻ sẽ rất hãnh diện khi được mọi người tin tưởng.

Bố mẹ nên thống nhất cách cho con tiền, không khen thưởng con bằng tiền cũng như không dùng đồng tiền để mua chuộc, lôi kéo con về phe mình. Bố mẹ đừng nói quá nhiều về tiền trước mặt con, cũng không nên để tiền lung tung dù chỉ vài nghìn, vì biết đâu vô tình tạo cơ hội cho trẻ lấy cắp. Khi cha mẹ mất tiền dù ít, dù nhiều cũng phải tìm ra nguyên nhân, không được quát mắng hay truy hỏi con gay gắt.

Làm thế nào để con hiểu giá trị của đồng tiền là điều mà bố mẹ nào cũng mong muốn. Bài học đầu đời của trẻ bao giờ cũng là tấm gương của bố mẹ. Vì vậy, trước khi dạy bảo con, bố mẹ hãy xem lại cách sử dụng đồng tiền của mình đã hợp lý chưa.


Sai lầm vì không cho con tiền tiêu vặt?


Cu Bờm nhà chị Lan (Kim Mã – Hà Nội) từ bé tới giờ, chẳng bao giờ biết tiêu tiền. Tiền mừng tuổi, bé đưa mẹ cất hết. Bé cần gì, bố mẹ đều mua cho, từ cái kẹo mút đến sách vở, quần áo. Hỏi bé các các loại tiền bé cũng chẳng biết nốt. Không biết bao lần cả nhà cười ồ lên vì bé “phát minh” ra có tờ tiền 3.000, 40.000, 60.000. Vợ chồng chị Lan rất yên tâm vì cho con làm quen sớm với tiền cũng chả ích lợi gì.

Thế mà chiều hôm qua đi học về, chị hốt hoảng khi thấy cô giáo ghi vào sổ liên lạc của con: “Mời bố mẹ đến giải quyết việc con vay tiền của các anh lớp 5 để mua quay”.

Căn vặn, mắng con một hồi, chị mới biết vì con thích chơi những con quay bán ở ngay cổng trường mà không có tiền mua, nên anh Bi (nhà cùng khu tập thể với nhà chị) cho em Bờm vay, mua một con quay. Mấy hôm không thấy em trả, anh Bi xuống mách cô giáo đòi tiền mua quay.

Cũng giống như chị Lan, nhiều bậc phụ huynh rất băn khoăn có nên cho con vài nghìn để tiêu vặt hay không? Mẹ Hà Chi cho biết: “Con gái mình hiện đang học lớp 3. Đôi khi mình cũng cho cháu vài ngàn để tiêu vặt. Dạo này, cháu hay hỏi xin tiều tiêu vặt hơn (chỉ 5000 đ/ lần). Nếu không cho, cháu không vui ra mặt”.

Nhiều bé chưa biết cách tiêu tiền, nhưng vì “các bạn con đều được bố mẹ cho tiền” nên về cũng ra sức xin mẹ.

Mấy tuổi nên dạy con tiêu tiền? (Ảnh minh họa)

Mẹ hãy nghĩ “thoáng” một chút
Rất nhiều mẹ cho rằng nên cho con tiền tiêu vặt.

“Mình thường cho con tiền tiêu vặt. Ban đầu định không cho, nhưng thấy một lần cu cậu được cho tiền tiêu vặt thì rất khấn khởi, vui vẻ. Mình nghĩ thỉnh thoảng cho bé tiền để bé cảm thấy mình là người lớn”. Mẹ Tùng Lâm chia sẻ. Đã có trường hợp xảy một chàng sinh viên ĐH không biết tự mua đồ ăn sáng cho mình.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, nhiều phụ huynh không cho con tiền vì sợ rất nhiều thứ (con mua đồ chơi không phù hợp, đồ ăn uống mất vệ sinh...).
Nhưng không có tiền trong túi, bé lại mặc cảm hoặc bị lệ thuộc vào các bạn có tiền ở trong lớp. Điều này còn tệ hại hơn so với việc con bị đau bụng vì ăn quà bánh hay mua sắm linh tinh.
Tuy nhiên, không vì thế mà bố mẹ cho con tiêu tiền một cách thoải mái.

Mẹ không nên chỉ cho rồi mặc kệ con muốn làm gì với số tiền đó cũng được. Buổi chiều đi học về, mẹ nên hỏi bé đã làm gì với số tiền đó và hướng dẫn cho bé cách tiêu xài tiền đúng mực (nên mua cái gì, mua bao nhiêu là đủ, không nên mua cái này vì mất vệ sinh, đắt quá...). Cũng không nên buộc con phải chi tiêu theo ý muốn của bố mẹ.

Cho bé tiền đôi khi mẹ cảm thấy yên tâm hơn nhé. Nếu khát nước hoặc đói bụng, bé có thể tự mua đồ ăn uống cho mình. Mẹ cũng phải thị sát căng-tin trong trường vài lần để xem giá cả món ăn đồ uống có hợp với bé và có thể hỏi cô bán hàng xem bé có mua đồ ở đó không.

Nhiều cha mẹ lại không cho con tiếp xúc với tiền vì nghĩ rằng tiền rất “xấu” và có thể làm hư bé. Mẹ thử nghĩ xem nếu bé xa lạ và không biết sử dụng tiền, khi phải tự làm việc gì đó một mình, bé rất khó xoay xở. Các mẹ nên cho các cháu quen dần với việc dùng tiền. Khi các con có khái niệm sở hữu thì tiếp theo cháu mới có khái niệm tiêu xài hợp lý và để dành tiền được. Mẹ ơi, nên dạy con cách tiêu tiền đúng mục đích, hợp lý tốt hơn là không cho bé tiền.

Nhiều mẹ lại dạy con cách tiết kiệm tiền nếu con không tiêu hết tiền tiêu vặt mẹ cho trong một tuần: “Khi nào được một khoản “lớn”, con sẽ làm được những việc con thích.

Các bé còn nhỏ, hầu hết chưa biết đếm tiền thừa, tiền trả lại. Khi cho con tiền, mẹ cũng nên dạy con tính nhẩm tiền trả lại. Nên cho con những tờ tiền có mệnh giá nhỏ 1.000, 2.000, 5.000, 10.000. 20.000 để con dễ tiêu. Không nên đưa những tờ tiền có mệnh giá lớn, phòng khi bé làm mất.

Nên dạy bé tiền tiêu vặt dùng để chi tiêu cho những việc sau :

- Mua vé xe bus đến trường.

- Ăn uống ở căng-tin khi con thấy đói bụng và khát nước.

- Tiết kiệm để làm những việc lớn hơn

- Có thể mời bạn bè ăn uống

- Làm từ thiện, cho người ăn xin.

Thỉnh thoảng mẹ cũng nên nhờ bé đi mua hộ đồ lặt vặt ở cửa hàng gần nhà để dạy bé cách tiêu tiền. Nếu bố mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con từ việc nhỏ nhất, không dạy con cách tiêu tiền, bé sẽ ỷ lại, thiếu hiểu biết.

Cho con tiền tiêu vặt từ lúc mấy tuổi?

Mặc dù  rất nhiều nghiên cứu cho thấy các bố mẹ hầu hết cho con tiền tiêu vặt khi con được 6 -7 tuổi, đi học tiểu học. Nhưng không có một đáp số chung cho tất cả các bố mẹ. Tùy theo tính cách, điều kiện và hoàn cảnh gia đình, bố mẹ có thể tự quyết định nên cho con tiền tiêu lúc nào là hợp lý.

Nhiều bố mẹ hứa cho con tiền khi sai con làm giúp việc nhà. Điều đó cũng góp phần giáo dục trẻ hiểu được làm ra tiền vất vả thế nào. Nhưng không nên lặp lại điều này thường xuyên. Nó khiến trẻ sẽ mặc cả khi làm việc nhà và gây nên việc hiểu không đúng về việc làm việc nhà là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.

Tuy vậy, không có nguyên tắc chung nào cho mỗi gia đình. Nếu con bạn làm các việc nhà rất tốt, bạn hoàn toàn có thể thưởng cho con. Nếu bạn quyết định cho con tiền khi sai con giúp việc nhà, thì hãy giải thích rõ ràng nhiệm vụ để con bạn không phân vân việc gì cần phải làm và làm khi nào.

Cho con tiền tiêu vặt như thế nào?


Bé đã lớn và có những mối quan hệ nhỏ với bạn bè, bố mẹ có nên cho con xài tiền ở lứa tuổi này?




Cần để chi tiêu cá nhân

Bạn bè ai cũng có tiền tiêu vặt trong khi trẻ không có. Nhìn con lủi thủi trong đám bạn, không dám ăn hàng quán, uông nước khi khát, vợ chồng chị Hải Nguyên (Q3, Tp,HCM) chợt thấy băn khoăn trong lòng. Con trai chị đang ở độ tuổi phát triển tâm lý, những bức xúc nhỏ khi không có tiền xài như đám bạn khiến cậu đôi khi nổi quạu với ba mẹ. Chị cũng muốn dúi cho con tiền nhưng anh lại ngăn cản, sợ con hư, có tiền sinh ra tụ tập, phá phách. Việc cho con xài tiền hay không trở thành vấn đề nóng trong nhà.

Chị chỉ nghĩ đơn giản, con trai đã 12 tuổi, cậu đã có những mối quan hệ nhỏ, những nhu cầu nhỏ, và vì thế số tiền nho nhỏ cho cậu cũng là điều chính yếu. Quan trọng là cách chị hướng dẫn con xài tiền và dạy con biết quý trọng đồng tiền như thế nào. Sau nhiều lần thỏa hiệp, cuối cùng vợ chồng chị cũng thống nhất hàng ngày cho con trai 10.000 đồng tiền xài cá nhân. Số tiền vừa đủ để cậu vun vén cho sinh hoạt hàng ngày của mình.

Bạn đừng khắt khe với suy nghĩ cho trẻ tiền tiêu vặt sẽ khiến con hư. Trái lại, đó là cách để trẻ học về chi tiêu, quản lý và tự lập khi có tiền. Tùy vào tính cách của trẻ mà có thể cho con tiền tiêu vặt sớm hay muộn, nhưng theo các chuyên gia tâm lý, thời điểm tốt nhất để cho con tiêu tiền là khi trẻ học cấp 2. Đây là thời điểm trẻ đã cần phải tự chi tiêu nhiều khoản cho cá nhân và cũng là lúc trẻ đã hiểu giá trị của đồng tiền nhiều hơn.

Biết quý trọng đồng tiền

Nếu cho con một khoản tiền tiêu vặt định kỳ hàng tuần, con bạn có thể tiết kiệm để mua những thứ thật sự cần, được học cách quản lý tiền và lập kế hoạch chi tiêu. Với việc có một khoản tiền cố định, trẻ sẽ tự xoay xở trong số tiền đó và nếu thích mua món đồ nào đó nhiều tiền hơn, trẻ sẽ học cách tích lũy, tiết kiệm tiền dành dụm...

Đừng tạo cho con suy nghĩ cứ xin tiền, sẽ có tiền. Tiền kiếm không dễ dàng. Vì thế, nếu được hãy dạy con bạn những bài học "được - cho" để bé quý trọng đồng tiền. Khi trẻ làm việc nhà như lau dọn phòng, làm bếp, gấp quần áo... bạn có thể thưởng cho con để trẻ biết rằng muốn có tiền phải lao động, tiền không phải là chiếc lá hai bao nhiêu trên cây cũng được. Tuy nhiên, việc áp dụng "được - cho" này nên có giới hạn vì dễ làm trẻ có suy nghĩ lệch lạc rằng bạn phải trả công khi trẻ làm việc nhà.

Quan trọng hơn hết, bạn hướng con đến việc tiết kiệm tiền. Một món đồ nhiều tiền hôm nay chưa mua được, trẻ phải học cách chi tiêu tích lũy để có tiền mua nó. Tính toán khéo léo là kỹ năng sống cần thiết không chỉ trong cách xài tiền mà còn rất đáng quý trong cuộc sống hàng ngày.
(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý