Cuộc đời nhạc sĩ Phan Lạc Hoa

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Cuộc đời nhạc sĩ Phan Lạc Hoa

18/04/2015 06:28 PM
2,055

Cuộc đời nhạc sĩ Phan Lạc Hoa với nhiều trắc trở qua con mắt của những người thân.

NSND Thanh Hoa tiết lộ về cuộc hôn nhân đầu tiên


"Những kỷ niệm về mối tình với nhạc sĩ Phan Lạc Hoa bấy lâu nay tôi vẫn chôn chặt trong lòng nhưng vết đau ấy càng giữ kín càng lan rộng. Giờ đây, tôi không đủ sức chịu đựng nữa, tôi muốn nói ra sự thật như một sự giải thoát cho bản thân và sau đó sẽ quên đi vĩnh viễn", chị tiết lộ.
NSND Thanh Hoa.

NSND Thanh Hoa.

Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa nhập Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội muộn hơn Thanh Hoa 3 năm. Anh là cán bộ được cử đi học, đã lớn tuổi và từng trải hơn so với cô bé Thanh 19 tuổi, đen nhẻm, bé như cây nấm và có đôi mắt sắc lẻm. Trong khi Thanh sớm nổi tiếng bởi giọng hát ngọt ngào trời phú thì Phan Lạc Hoa lại chìm xuống bởi giọng khê "thuốc lào". Bù lại, anh là người có đôi tai âm nhạc tuyệt vời và đánh đàn cực giỏi. Phan Lạc Hoa thường đàn cho bé Thanh hát, và họ đã mê đắm nhau từ những giây phút đầu tiên. Những giây phút thăng hoa tình yêu mau chóng qua đi, khi biết Thanh Hoa có thai, cả hai đều ngơ ngác sợ hãi và trốn chạy kết cục "choáng váng" ấy. Phan Lạc Hoa chạy trốn nỗi sợ hãi bằng cách bỏ đi chơi xa. Năm tháng trời ròng rã tìm và đợi người yêu, cuối cùng họ hiểu không thể thoát khỏi những gì thuộc về quy luật tự nhiên mà số phận đã ràng buộc. Họ về sống với nhau mà không có đám cưới.

Cuộc sống vào năm 1972 thật khó khăn và ác liệt. Là một giọng ca đã được giới ái mộ biết đến qua sóng của Đài Phát thanh Giải phóng, Thanh Hoa mau chóng được Đài Tiếng nói Việt Nam nhận về. Lận đận hơn vợ, Phan Lạc Hoa sau thời gian cạy cục chỉ xin về được Đoàn văn công Đường sắt của ông Tạ Đình Đề và chỉ được hát trong dàn đồng ca. Chính sự nổi tiếng của Thanh Hoa lúc bấy giờ và cuộc sống bí bách vì chưa tìm ra lối thoát, hướng đi cho sự nghiệp của Phan Lạc Hoa, cuộc hôn nhân của họ có dấu hiệu rạn nứt. Phan Lạc Hoa chỉ muốn Thanh Hoa sinh nhiều con, hát ít, chủ yếu dành thời gian để lo việc gia đình. Rồi Phan Lạc Hoa bắt đầu sáng tác ca khúc. Những bài hát của anh đã khẳng định được tài năng âm nhạc. Đặc biệt, chính chị là người rất thành công khi đưa những tác phẩm âm nhạc của Phan Lạc Hoa tới công chúng và cũng chính những bài hát của anh đã giúp chị trở nên nổi tiếng hơn.

Thanh Hoa cho rằng, cuộc chia tay của hai người là một sự giải thoát bởi chỉ tình yêu không quyết định được thứ hạnh phúc quá ư "tinh tế" của hôn nhân nghệ sĩ. Ít ai biết rằng, người quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này lại là Phan Lạc Hoa. Anh đã viết đơn và đề nghị chị ký trong trạng thái của một người mất bình tĩnh, rồ dại và cay đắng. Sau những cãi vã, nhưng bất lực vẫn hoàn bất lực, Phan Lạc Hoa tìm đến những cuộc nhậu say xỉn, đến những canh bài thâu đêm. Có lẽ sự mất thăng bằng trong tâm hồn và sự hành hạ thể xác của những cuộc nhậu chơi bất tận đã biến Phan Lạc Hoa thành bệnh nhân thần kinh, phải vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai với bệnh án teo xơ gan, vỏ não bị tổn thương và 2/3 dạ dày bị loét nặng.

Cuộc chia tay âm thầm không ồn ào đã làm cho người đời hiểu rằng họ vẫn chưa chính thức ly dị khi hằng ngày Thanh Hoa vẫn tới bệnh viện chăm sóc chồng. Cuộc sống chung nhà và ranh giới chỉ là một bức vách ngăn đã đánh gục Phan Lạc Hoa khi vợ anh, người đàn bà sinh ra để hát và để yêu đã hăm hở bước vào một cuộc sống khác tràn trề cảm xúc. Tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ tài hoa càng bị tan nát hơn vì cảm giác bị bỏ rơi và phản bội. Trọn một tháng sau khi toà xử ly hôn, và đúng sau đêm diễn của Thanh Hoa với ba bài hát nức tiếng thời ấy: Tàu anh qua núi, Vì sao anh ra đi, Em vẫn đợi anh về, Phan Lạc Hoa đã tự giải thoát khỏi sự "mắc cạn" trong cuộc sống hiện tại. Đêm ấy sau khi cùng bạn bè đến Nhà hát Lớn lặng lẽ thưởng thức lần cuối cùng giọng hát của người vợ cũ, trở về với căn phòng còn lại trong cô đơn, trái tim Phan Lạc Hoa đã nổ tung vì đau đớn.

Mang cái án vô hình của người đàn bà gây nên cái chết bi thảm của chồng, Thanh Hoa đã từng phải đối diện với tất cả những lời thoá mạ và chỉ trích phi lý của người đời. Đài Tiếng nói Việt Nam ngừng phát các bài hát của chị vì sức ép dư luận. Đó là cuộc sống trên sân khấu, còn trong đời thường, một số bạn bè lánh xa chị, một số bạn bè của Phan Lạc Hoa căm thù chị. Thanh Hoa còn nhớ, tròn 100 ngày sau khi Phan Lạc Hoa mất, chị trở lại sân khấu. Cũng là ba bài chị đã hát trong đêm diễn cuối cùng chồng chị thưởng thức, rạp Công Nhân thành phố Hà Nội đêm đó chật ních người. Khán giả đến rạp đông bất thường không phải vì hâm mộ giọng hát mà họ đến vì tò mò. Sau khi dứt tiếng hát, cả rạp lặng đi mất mấy giây rồi tiếng vỗ tay vang lên dào dạt. Trong số những người lên sân khấu tặng hoa, có một người đàn ông đã ghé vào tai chị và nói: "Bọn anh đến đây với mục đích làm cho em không bao giờ được lên sàn diễn và cất tiếng hát nữa. Thế nhưng điều bọn anh muốn sẽ vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được!". Nghe xong mấy lời ấy, Thanh Hoa đã té xỉu vì kiệt sức.

Người đàn ông thứ hai đã đến bên chị vào lúc hầu như cả "thế giới" quay lưng với chị. Cam chịu và yêu thương, anh lặng lẽ gánh đỡ những gì cay nghiệt mà người đời đã đổ lên đôi vai chị. Lại thêm một cuộc hôn nhân nữa cô dâu không được mặc áo cưới, không có xe hoa rước đón. Đó là mối tình éo le, nhưng mãnh liệt, hạnh phúc và nổi tiếng trong giới về lòng yêu, dám sống, dám hy sinh, dám bước qua những định kiến. Đó chính là nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi, người đàn ông thua chị gần chục tuổi, con trai một gia đình người Huế với những quan niệm lễ giáo khắt khe. Mối tình đó kéo dài suốt 20 năm qua và cả đến bây giờ Thanh Hoa vẫn chưa hết cảm giác say đắm. Chị có với anh thêm một cậu con trai, năm nay đã 19 tuổi.

Giờ đây, sau bộn bề công việc, đêm đêm, vợ chồng chị lại tới quán Aladin, nơi đó cả gia đình chị mong muốn tạo nên một không gian để chị ký thác những buồn vui trong đời, nơi nuôi giữ những kỷ niệm đẹp trong đời chị, là quá khứ kiêu hãnh và đắm say của chị.

Cái chết bí ẩn:


"Có những chi tiết mang tính chất “nghe hơi nồi chõ”, có chi tiết phỏng đoán, có chi tiết thì tôi tin là có thật vì tôi cảm nhận được tình cảm của một cậu sinh viên Y khoa với niềm tiếc thương và ngưỡng mộ một nhạc sỹ mà anh ta yêu thích… ".

Nhà thơ Phan Huyền Thư nói như vậy về nội dung bài viết đang gây chú ý cực độ mấy ngày gần đây xung quanh cái chết bí ẩn của cha mình, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa.

30 năm sau cái chết chấn động của người nghệ sỹ tài năng Phan Lạc Hoa, câu chuyện cũ lại được xới lên lần nữa qua lời kể của bác sĩ Sao Hồng, cậu sinh viên thực tập khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai ngày nào. Ông đã từng có thời gian chăm sóc Phan Lạc Hoa những ngày bạo bệnh và có những kỷ niệm, những năm tháng không thể quên với người nghệ sỹ này. 

Trong câu chuyện đó nhắc đến cả mối tình sôi nổi, cuồng nhiệt của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa với với ca sỹ Thanh Hoa, người đã cùng ông xây đắp cuộc sống và có với nhau những người con. Trong đó có cuộc sống cô độc của Phan Lạc Hoa, những ngày chữa bệnh tại bệnh viện, những ngày buồn khi ông và vợ quyết định ly hôn và cuối cùng là cái chết do treo cổ tự tử để lại nhiều dấu hỏi đau đớn.

Phan Huyền Thư lên tiếng sau bài báo chấn động về cha
Chân dung nhạc sỹ Phan Lạc Hoathời trẻ

NSND Thanh Hoa, nhân vật quan trọng trong câu chuyện ấy giờ đã có cuộc sống mới. Khi câu chuyện này được xới lên cũng là lúc bà bận rộn trong những chuỗi công việc của mình. Vì thế, Thanh Hoa chưa có dịp đọc bài báo. Tuy nhiên, bà cũng nói, ở tuổi 62, với bà, những chỉ trích khen, chê đều không quan trọng nữa. 

Bà tự nhủ, bà đã sống những ngày tháng đáng tự hào về cuộc đời của mình. 

Những người viết bài báo nọ, đã không liên lạc để nghe câu chuyện từ bà, nên nghe kể lại nội dung của chúng, Thanh Hoa thấy có nhiều chi tiết không đúng sự thật. 

Nhưng chia sẻ với phóng viên VTC News, bà nói bà sẽ không lên tiếng gì về những điều không đúng đó, vì: "Tôi không muốn nói đến chuyện cũ, xới lại chuyện ngày xưa chỉ làm đau lòng hai con gái Thư và Lữ".

"Tôi trân trọng anh Phan Lạc Hoa bằng tình cảm của mình, đến giờ vẫn vậy. Vì thế, nói điều gì bất kỳ điều gì giờ cũng làm đau lòng người đã khuất. Anh Hoa mất là thiệt thòi của anh ấy. Tôi không muốn ở nơi nào đó, anh buồn thêm nữa" - Thanh Hoa nói.

Phóng viên chúng tôi đã trò chuyện với nhà thơ Phan Huyền Thư (con gái nhạc sỹ Phan Lạc Hoa và NSND Thanh Hoa) để nghe chị kể về những năm tháng đầy sóng gió của cha mẹ mình. 

Nhận xét về nội dung bài viết xung quanh cái chết bí ẩn của cha mình đang gây chú ý mấy ngày gần đây, Phan Huyền Thư nói: "Có những chi tiết mang tính chất “nghe hơi nồi chõ”, có chi tiết phỏng đoán, có chi tiết thì tôi tin là có thật vì tôi cảm nhận được tình cảm của một cậu sinh viên Y khoa với niềm tiếc thương và ngưỡng mộ một nhạc sĩ mà anh ta yêu thích… ".

- 30 năm sau ngày mất của cha mình, nỗi đau âm ỉ còn đó. Giờ nỗi đau ấy được xới lên qua lời kể của một người xa lạ. Chị có đọc hết những dòng chữ ấy? Và chị cảm thấy thế nào?

Tôi cũng đã chia sẻ với người thân của mình rằng: quá khứ chưa bao giờ ngủ yên trong tôi, cho nên không cần ai phải đánh thức nó cả!

- Ký ức về những năm tháng cũ, với nhiều niềm đau, có bao giờ chị thu xếp lại, quyết định không nhớ về nó nữa?

Tôi mới nằm mơ thấy bố tôi có hai hôm nay thôi, nếu tôi mà quên được nỗi đau này, chắc tôi sẽ bị mất trí!!! Tôi còn nợ lại người thân yêu của mình nhiều câu chuyện về cha tôi, về tuổi thơ của tôi. Chồng, các con tôi, em trai và em gái tôi cùng với các cháu… chưa bao giờ tôi có thể mở miệng nói ra nửa lời…

Chuyện suốt 30 năm qua như vừa xảy ra, làm sao có một ngày bỗng nhiên tan biến như mây khói được, tôi quyết định lúc nào cũng nhớ đến nó để mình có động lực sống một cách đàng hoàng tử tế nhất có thể. 

Tôi phải sống thay cho tất cả nhũng gì tốt đẹp mà lẽ ra bố tôi phải được hưởng. Không bao giờ nên tìm cách quên đi những gì thuộc về chính mình, cho dù nó có dữ dội đến đâu chăng nữa…

- Chi tiết trong hai bài viết đăng tải trên một tờ báo mới đây khiến dư luận xôn xao, còn chị, thấy nó đúng sai ra sao?

Có những chi tiết mang tính chất “nghe hơi nồi chõ”, có chi tiết phỏng đoán, có chi tiết thì tôi tin là có thật vì tôi cảm nhận được tình cảm của một cậu sinh viên Y khoa với niềm tiếc thương và ngưỡng mộ một nhạc sỹ mà anh ta yêu thích… 

- Người đời vẫn khắt khe, đổ lỗi cái chết của cha chị, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa có một phần lỗi của mẹ chị, NSND Thanh Hoa, bài báo mới đây cũng càng khiến nhiều người có thể nghĩ vậy. Còn chị, để lên tiếng một lần rõ ràng về việc này, chị sẽ nói gì?

Câu chuyện về bố tôi không chỉ là thứ “câu khách rẻ tiền” về cuộc tình đổ vỡ và sự bế tắc yếu đuối của một bệnh nhân. Đó là câu chuyện về một số phận ẩn dụ cho cả một thời kỳ “lý lịch chủ nghĩa” đã đẩy người ta đến bên bờ vực tuyệt vọng và sự cô độc trầm cảm thế nào… 

Bố tôi có quyền quyết định vận mệnh của mình chứ không phải là bản sơ yếu lý lịch của thành phần gia đình đại địa chủ hay “trốn quân dịch” để sống cuộc đời của người “lý lịch để trống”, ngoài biên chế và ngoài bao cấp… 

Thời đó, dám sống như vậy thật kinh khủng. Tôi nhớ một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Có người đang sống, mà như qua đời…” Biết đâu, bố tôi đã chọn cách “qua đời” để được sống mãi trong lòng bạn bè và người thân, khán giả yêu quý ông bằng tác phẩm chứ không muốn sống bằng thân phận của một bệnh nhân tâm thần vất vưởng bên lề xã hội?

Khi người ta dùng từ “tự tử” chứ không dùng từ “bức tử” hay “ngộ sát”, “mưu sát…” trong câu chuyện của bố tôi mà người đời vẫn còn tham vọng quy chụp cho một ai đó phải có lỗi là sao nhì? 

Phan Huyền Thư lên tiếng sau bài báo chấn động về cha
Gia đình nhạc sỹ Phan Lạc Hoa chụp trước khi nhạc sỹ mất, tháng 8/1982

- Gia đình chị, người thân của chị phản ứng thế nào về hai bài báo vừa đăng?

Mẹ tôi vừa gọi điện, bà chỉ nói: Bây giờ mẹ mới hiểu tại sao hơn chục năm trước con nhất định nằng nặc bỏ nghề viết báo để chuyển sang làm phim. 

- Cùng là phụ nữ, chị thấy mẹ mình, băng qua những ồn ào, dò xét của dư luận và bình thản đến ngày hôm nay như thế nào?

Tôi không hình dung được hết những gì mẹ tôi nghĩ trong đầu nhưng tôi cho rằng mẹ con tôi sống bằng quan niệm, mình phải xứng đáng là một con thuyền, dư luận cho dù tốt hay xấu cũng nên chỉ để nó là nước mà thôi…

- Có khi nào, chị hỏi mẹ về quyết định cứng rắn trong chuyện ly hôn với cha?

Suốt 30 năm qua, tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi (dù chỉ là một nửa câu hỏi bất kỳ mà có liên quan đến bố tôi) kể từ khi ông mất. Cả tôi và mẹ đều là người tận mắt chứng kiến tất cả mọi thứ… Có gì mà còn phải hỏi nhau cho thêm đau lòng?

- Chị chứng kiến những năm tháng khó khăn ấy của cha mẹ thế nào?

Tôi có trí nhớ rất tốt, bắt đầu từ khi 3 tuổi rưỡi, biết đọc, biết viết là tôi không quên bất kỳ chi tiết nào, bất kỳ điều gì có liên quan đến bố mẹ và gia đình tôi (có lẽ tôi sớm ý thức rằng mình có nghĩa vụ phải nhớ mọi thứ và bố tôi cũng đã tiên đoán rằng tôi có thiên bẩm để sau này sẽ trở thành nhà văn hay làm nghệ thuật). 

Tôi không thể sống tầm thường được vì tất cả những gì tôi đã từng chứng kiến từ số phận của cha mẹ mình, tôi chỉ có một cách sống thôi: ngẩng cao đầu, sống quyết liệt và bao dung.

- Và hờn trách mẹ nữa, người phụ nữ tài năng nhưng nhiều sóng gió?

Đấy là một sự suy diễn vừa tầm thường vừa thiểu năng nhân cách. Cho dù mẹ tôi thế nào thì vẫn là người sinh ra tôi. 

- NSND Thanh Hoa nói, không muốn xới lại chuyện cũ, để làm đau các con và người đã khuất. Chị thấy, gợi lại chuyện cũ, có là ác ý?

Mẹ tôi không cần phải nhạy cảm quá như thế, nhất là vào thời buổi báo chí đang bị mất định hướng, bị tung hỏa mù và được “bật đèn xanh” để sa vào những điều tầm thường, tầm phào một cách độc ác. 

Thực ra, chỉ có những người cầm bút non nớt và nền tảng tri thức quá mỏng mới dễ bị sa vào những thứ tầm phào để lơ là những điều hệ trọng lớn lao như vận mệnh đất nước, nền tảng đạo đức xã hội và kiến thiết tư tưởng cho dân tộc… 

Người đọc cũng vậy, những người nhẹ dạ và sống hời hợt mới thích thú với những thứ rác rưởi và rẻ tiền, lá cải thôi chứ người có hiểu biết họ lại đánh giá ngầm cả các nhà báo ấy chứ!

- Những năm tháng sau sự ra đi của cha, chị đã chứng kiến mẹ sống như thế nào?

Mẹ tôi đã có gia đình khác và sống yên ổn với gia đình ấy rồi mà. Tất cả mọi điều mẹ tôi cố gắng đã thành hiện thực mà bạn đang nhìn thấy ở mẹ tôi và gia đình của chúng tôi hiện nay. 

Đối diện với cuộc đời luôn có hai cách: hoặc là than vãn hoặc là chịu đựng. Chúng tôi chọn cách thứ hai. Và chúng tôi có được sự bình thản để lặng lẽ đi tiếp con đường của mình như bạn thấy.

Phan Huyền Thư lên tiếng sau bài báo chấn động về cha
Phan Huyền Thư và em trai Phan Lạc Cao Nguyên (đã mất) chụp năm 1980

- Rồi chị đi học, bao lâu sau thì người ta thôi nhìn chị với con mắt nghi hoặc, tò mò?

Có khi, trong một năm học mà tôi phải chuyển 4 trường khác nhau để tập trung học và trốn tránh không cho các bạn đọc vè, trêu chọc và đánh đập… Nhưng cứ vừa yên ổn được ở trường này thì bắt đầu lại có đứa nghe bố mẹ chúng nó xì xào về gia đình mình, rồi lại bùng nổ chuyện trêu chọc, đánh đập, đàm tiếu. 

Có đứa còn giật khăn tang trên đầu tôi vứt xuống cống… Nhưng tôi chưa bao giờ hé răng với mẹ. Tôi sợ mẹ tôi sẽ không trụ được với sân khấu để mà kiếm tiền nuôi gia đình. Thời bao cấp, khốn khó và khắc nghiệt… 

Khi trưởng thành và bước chân vào làm nghệ thuật, tôi cũng đã quá hiểu giới truyền thông rồi, cho nên thấy mình bình thản và dễ tha thứ hơn với mọi chuyện xảy ra với mình sau này . …

- Với chị và chị Lữ, có tin những điều cha mình nói với vị bác sĩ kia, trong lúc bạo bệnh là hoàn toàn sự thật?

Thật ngây ngô! Bố tôi còn tâm sự với chị em tôi nhiều gấp hàng ngàn lần với anh Sao Hồng ấy chứ. Mặc dù ông biết là mãi sau này, khi lớn lên tôi mới hiểu hết những điều ông nói, tôi biết là bố tôi quá cô độc nên coi con như bạn, biết nói gì và nói với ai trong hoàn cảnh như vậy??? 

- Mỗi lần giỗ cha có phải là một lần đau đớn không thưa chị?

Không, đau là khi người ta cứ cố gắng khai quật mọi thứ lên mà chẳng buồn lấp lại… Chứ còn với tôi, ngày giỗ, chỉ thấy ấm áp và nhớ bố nhiều hơn thôi. 

- Giờ, gia tài của cha chị, chắc không ai quên được, nó giống như thứ gì tồn tại mãi mãi. Chị có ý định làm gì với gia tài ấy?

Bố tôi không chỉ là một nhạc sĩ, ông còn ghi chép, làm thơ, viết kịch, còn nhiều tác phẩm nữa chứ! Tôi nhớ, có lần đọc một bài phê bình trên báo Văn nghệ viết về thơ Hiện đại, có trích một câu của bố tôi và đề là Khuyết danh: “Gió tựa vào tường, lưng gió thẳng /Trăng nhìn cửa số, mắt trăng vuông…” 

Tôi cũng chỉ cười thầm và chẳng buồn viết thư để tòa soạn đính chính nữa… Gia đình chúng tôi bị giết chết vì danh tiếng như vậy là quá đủ rồi, vậy nên, sau này có ai dựng chuyện là tôi háo danh là tôi lại phì cười…

Tôi chỉ mong, sau khi tôi hoàn thành tập bút ký “Phan lạc Hoa trong trí nhớ bạn bè”, và tuyển tập album các ca khúc chưa được công bố của ông, sẽ có những độc giả yêu quý bố tôi và đón nhận nó trân trọng. Vậy thôi.

- Xin cảm ơn chị!


 Phan Lạc Hoa - chồng cũ của NSND Thanh hoa và vụ tử tử nhiều bí ẩn

NSND Thanh Hoa - chuyện tình gái nạ dòng lấy trai tân

(St)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý