Giảm đau

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Giảm đau

18/04/2015 10:39 AM
277

I. VIỆC LÀM GIẢM ĐAU

Đối với nhiều phụ nữ, nhất là những người có con lần đầu, thì việc mong đợi bé ra đời sẽ bị nỗi sợ đau lấn át. Tất nhiên, không có cơn chuyển dạ nào mà không đau, nhưng bạn có thể xây dựng lòng tin của mình bằng cách chuẩn bị đối mặt với cường độ mạnh của các cơn co thắt, hiểu được khả năng chịu đựng của mình đối với cơn đau, và học cách làm giảm đau khác nhau. Hãy cố gắng quan niệm cơn đau như là thành phần tích cực của sự chuyển dạ - cứ sau mỗi lần co thắt thì sự chào đời của bé lại đến gần hơn.

II. ĐỐI PHÓ VỚI CƠN ĐAU

Mức độ đau đớn mà bạn sẽ trải qua trong các cơn co thắt có thể thay đổi. Thông thường nhất là bạn cảm thấy như thể có một sợi dây thun dày đang xiết chặt xung quanh bụng bạn khi các cơ của tử cung co cứng lại một vài giây trước khi giãn ra. Một số phụ nữ miêu tả việc này giống như đau bụng kinh, người khác thì nói giống đau lưng. Sẽ có thể đó là một sự phối hợp các cảm giác khi mà cơn co thắt lên đến cao độ, sự khó chịu cũng lên đến đỉnh cao nhất rồi sau đó dịu xuống.

1. Sự đáp ứng của cá nhân

Có thể bạn sẽ không thích dùng thuốc tê khi chuyển dạ, bởi vì nó có thể làm giảm nhận thức về điều gì đang diễn ra và cướp đi của bạn cảm giác lúc đang sinh. Tuy nhiên, thật khó mà biết được ngưỡng đau của bạn, nhất là khi lần đầu bạn sinh con. Một vài phụ nữ sửng sốt do cường độ quá mạnh của cơn co thắt, những người khác lại có thể làm cho cơn đau tệ hơn do sợ hãi và lo âu. Thuốc gây tê trong lúc sinh có thể được dùng, làm giảm đau hoàn toàn, như tiêm ngoài màng cứng, hoặc giảm bớt cơn đau đến mức độ có thể chịu đựng như hơi mê và thuốc mê. Có rất nhiều người quyết định không dùng thuốc trong thời gian đầu của giai đoạn đầu tiên, sau đó chỉ sử dụng một liều khí thấp cho giai đoạn chuyển tiếp. Đừng tự phê bình chính bản thân nếu bạn chọn việc giảm đau bằng thuốc; đó không phải là biểu hiện của tính nhát gan. Bạn nên nhớ rằng, cơn chuyển dạ của mình không phải là một cuộc thử nghiệm và thuốc có khi rất cần thiết cho bạn để sinh bé.

Nếu bạn chưa quyết định được có nên sử dụng thuốc giảm đau không thì bạn có thể thử đợi không dùng đến thuốc càng lâu càng tốt. Một lời dặn rất có lợi cho bạn là hãy đợi chừng 15 phút sau khi cảm thấy mình muốn được giảm đau rồi hãy dùng. Trong khoảng thời gian ấy, sự chuyển dạ của bạn có thể tiến triển tốt đẹp và nó cho phép bạn và người cùng đi có thời giờ để bàn bạc xem bạn có thể vượt qua nhờ vào sự khích lệ tinh thần hay quả thật phải cần đến thuốc giảm đau.

Còn nếu bạn muốn sinh con trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo thì cũng có những thứ thay thế thuốc. Cơ thể của bạn, chính nó có thể tự sản sinh ra một loại thuốc giảm đau, làm thư giãn, đó là endorphins. Cơn chuyển dạ của bạn càng tự nhiên thì các chất endorphins lại càng nhanh chóng được sản sinh ra và ngưỡng đau của bạn sẽ nâng lên.

2. Một sự chọn lựa rõ ràng

Hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các loại thuốc giảm đau có sẵn trên thị trường. Hãy thảo luận với bác sĩ, nữ hộ sinh về các loại thuốc bạn chọn và ghi trong bản kế hoạch sinh của bạn để khi cần có thể thay đổi.

Có nhiều bác sĩ và nữ hộ sinh tìm cách làm cho cơn chuyển dạ và sinh con càng bớt đau càng tốt bằng thuốc. Nếu bạn không nói ra những sự chọn lựa của mình một cách rõ ràng, bác sĩ có thể tự động sử dụng các thuốc gây tê mà không cần biết bạn có cần hay không. Đừng ngại ngùng đặt câu hỏi về cách sử dụng của chúng hoặc yêu cầu cho bạn dùng chỉ một liều thấp hơn.

III. CÁC TƯ THẾ TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU

Có rất nhiều tư thế khác nhau để giảm bớt sự khó chịu. Có một số phụ nữ thích đứng và đi qua đi lại trong lúc chuyển dạ vì điều này sẽ giúp cho các cơn co thắt mạnh lên, và sẽ khiến chuyển dạ nhanh hơn. Khi các cơn co thắt diễn ra, bạn có thể chọn lựa theo bản năng một tư thế ngồi hoặc quỳ, bằng không hãy tựa lên đệm, ghế hoặc dựa vào người chồng.

1. Tư thếđứng

Ngả người về phía trước tựa vào chồng hoặc một bức tường. Sức nặng của đứa con trong bụng sẽ dồn ra trước (không đè lên xương sống nữa) và tăng hiệu quả các cơn co thắt. Hãy xoay mông qua lại. Người chồng có thể giúp bạn thở đúng cách.

2. Tư thế ngồi

Nếu bạn cảm thấy khi ngồi xuống dễ chịu hơn, hãy ngồi trên ghế, ngả người ra trước, hai chân dang ra. Bạn cũng có thể ngồi đối diện lưng ghế, kê thêm đệm hay gối. Hoặc là, bạn có thể thích tựa vào chồng mình trong khi anh ấy xoa lưng cho bạn hơn.

3. Tư thế nằm

Có thể nhiều khi bạn thấy nằm dễ chịu hơn. Nếu vậy hãy cố nằm hơi nghiêng, kê gối ở đầu và phần đùi trên, hai chân dang ra.

4. Tư thế bò

Khi các cơn co thắt tiến triển mạnh, bạn sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn, khi cơ thể ở vào tư thế bò. Tư thế này sẽ giúp bạn bớt đau lưng. Hãy giữ đôi chân dang rộng ra một chút, lắc vùng xương chậu. Giữ lưng cho thẳng không được khom lưng. Giữa các cơn co thắt hãy nằm bò chổng mông lên hoặc ngồi quỳ lên hai gót chân.

5. Trong giai đoạn chuyển tiếp

Nếu cổ tử cung của bạn chưa giãn nở hoàn toàn vào giai đoạn cuối của thời kỳ đầu (ngay trước lúc sinh), hãy dùng trọng lực để giảm tốc độ chuyển mình của thai nhi trong lúc chờ cổ tử cung tiếp tục mở ra. Hãy kê thật nhiều gối để ngả người lên, chân dang ra hoặc quỳ sấp xuống, ngực áp lên gối, 2 chân dang ra.


IV. CÁC LOẠI THUỐC GIẢM ĐAU

Một số thuốc giảm đau chỉ có sẵn trong các bệnh viện lớn hoặc bệnh viện giảng dạy y khoa; nhiều loại thuốc khác có trong tất cả các bệnh viện. Người đỡ đẻ cho bạn có thể sẽ giới thiệu cho bạn một số loại thuốc dùng, khi bạn sinh tại nhà.

1. Các loại thuốc gây tê vùng

Các loại này sẽ khiến một phần cơ thể bạn bị mất cảm giác bằng cách phong toả các dây thần kinh dẫn truyền cảm giác đau. Loại gây tê vùng cụt được tiêm vào khu vực xương sống, khoảng xương cùng, gây tê âm đạo và tầng sinh môn. Thuốc này có thể dùng làm giảm đau trong một thời gian ngắn nếu sinh hụt hoặc sinh kềm.

Để phong toả thần kinh kiểm soát toàn vùng bộ phận sinh dục, thuốc gây tê sẽ được tiêm trực tiếp vào âm hộ gần vùng chậu. Thuốc này sẽ làm phần dưới âm đạo tê đi, dùng khi cắt tầng sinh môn tuy không được sử dụng thường xuyên.

Loại gây tê sử dụng rộng rãi nhất là gây tê ngoài màng cứng. Nó ngăn chặn cơ đau lan toả từ tử cung bằng cách phong toả dây thần kinh ở sống lưng. Gây tê sẽ làm mất mọi cảm giác từ thắt lưng xuống đến đầu gối của bạn, nhưng lúc ấy bạn vẫn còn rất tỉnh táo. Thuốc này được đặc biệt khuyến khích dùng khi bạn chuyển dạ khó khăn, bị tiền sản giật, suyễn nặng hoặc phải sinh kềm. Đa số các bà mẹ sinh mổ dùng cách gây tê ngoài màng cứng đều rất tỉnh táo khi sinh. Trước tiên gây tê cục bộ ở lưng rồi từ chỗ tê đưa một cây kim rỗng vào đến khoang màng cứng và một cái ống nhỏ, mỏng dược xuyên qua cây kim rỗng. Sau đó lấy kim ra, để cái ống nhỏ lại. Thuốc gây tê đưa qua ống này sẽ có tác dụng trong một vài phút. Cần phải có một chuyên viên gây tê giỏi và thường chỉ mất từ 10 đến 20 phút để hoàn tất các thao tác.

2. Thuốc mê theo đường thở

Đây là một hỗn hợp của chất khí và dưỡng khí mà bạn tự dùng lấy nhờ vào một mặt nạ. Bạn hít sâu vào khi cơn co thắt bắt đầu và tiếp tục hít sâu vào cho tới lúc cơn co thắt đạt đến đỉnh hoặc lúc bạn đã hít đủ. Sau đó hãy tháo mặt nạ ra rồi thở bình thường. Chất khí hoạt động bằng cách làm tê trung tâm đau ở não, và nó có thể khiến bạn cảm thấy bồng bềnh. Bạn có thể tập thở trong các lớp học tiền sản của mình.

3. Các loại thuốc gây tê

Thuốc gây tê được sử dụng thông thường nhất là Meperidine (Demerol), chất này được lấy từ móc-phin và được tiêm vào đùi hoặc mông với các liều khác nhau trong giai đoạn đầu tiên. Nó làm mất đi cảm giác đau bằng cách tác động lên các tế bào thần kinh trong não và tuỷ sống. Nếu bạn chọn dùng một loại thuốc tê, hãy yêu cầu thử với một liều nhỏ trước để xem nó ảnh hưởng đến bạn thế nào. Các loại thuốc tê có hiệu lực sau khoảng 20 phút.

4. Các loại thuốc an thần

Những liều lượng nho nhỏ của các loại thuốc an thần này làm bạn dịu lại và buồn ngủ, giảm âu lo, giúp bạn nghỉ ngơi các cơn co. Thuốc an thần cũng giúp kiềm chế chứng nôn mửa và huyết áp.


V. THUỐC ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ BẠN NHƯ THẾ NÀO?

Ngoài việc làm giảm đau, thuốc giảm đau có thể gây ảnh hưởng đến chuyện sinh nở của bạn theo nhiều cách. Bạn cần đảm bảo phương pháp giảm đau chọn lựa sẽ giúp niềm vui sinh con được trọn vẹn.

Say thuốc: Đây là một phản ứng phụ thông thường của chất khí gây mê hoặc ôxy, của thuốc an thần và thuốc ngủ. Có một số phụ nữ rất thích cảm giác lâng lâng, nhưng đôi khi sự buồn ngủ làm cho người mẹ cảm thấy thiếu tự chủ. Sau khi dùng thuốc mê, một vài phụ nữ bị chóng mặt đến nỗi họ không còn nhận thức được điều gì đang xảy ra xung quanh và khi đã sinh con rồi mà họ vẫn không biết.

Chóng mặt: Đôi khi các loại thuốc mê có thể dẫn đến cảm giác nhầm lẫn hoặc mất phương hướng; và đã có một số bà mẹ thậm chí bị chứng ảo giác.

Nôn mửa: Cảm giác buồn nôn ít xảy ra khi dùng thuốc mê hoặc ôxy, nhưng cũng rất thường gặp sau khi đã dùng thuốc ngủ và một vài bà mẹ có thể bị nôn mửa dữ dội.

Tinh thần của bạn có thể ảnh hưởng mạnh đến cường độ của cảm giác đau trong cơn chuyển dạ. Vì thế nếu việc sử dụng các loại thuốc sẽ làm bạn bớt âu lo, thì bạn cứ chọn, vì sự căng thẳng quá độ sẽ gây ảnh hưởng đế tử cung, làm châm chuyển dạ và do đó ảnh hưởng đến bé trong bụng.


VI. GIẢM ĐAU KHÔNG DÙNG THUỐC

Điều quan trọng là cần biết rõ phương pháp giảm đau đã chọn, và giúp người đưa bạn đi sinh cũng quen thuốc với kỹ thuật đó trước khi bước vào thời gian chuyển dạ. Nếu có một dụng cụ đặc biệt phải dùng, cần biết chắc chắn ở nhà hoặc ở bệnh viện đã có sẵn. Thông thường chỉ đơn thuần một phương pháp thì không đủ, mà phải phối hợp nhiều cách thức để giảm đau hoàn toàn.

1. Các tư thế

Đi bách bộ qua lại, tựa vào người của chồng bạn hay vào một bức tường và lắc lư vùng chậu sẽ thấy dễ chịu hơn là nằm ngửa trên giường. Có một số tư thế sẽ làm cho bạn thấy thoải mái hơn các tư thế khác vì các tư thế này sẽ làm giảm áp lực trên lưng bạn.

2. Mát-xa

Đây là một cách trấn an tuyệt vời của người chồng và làm giảm khó chịu dù bạn đang nằm, đang đứng hay đang ngồi xổm. Nó đặc biệt có ích nếu bạn bị đau lưng lúc chuyển dạ - vì có khoảng 90% phụ nữ bị đau lưng – hoặc nếu bạn bị đau lưng sau chuyển dạ.

3. Nước

Ngâm mình trong làn nước ấm áp có thể sẽ rất thư giãn và dễ chịu, làm cho bạn có vẻ giảm trọng lượng một cách rõ ràng, và sẽ giúp bạn bớt đau giữ các cơn co. Vì các lý do này, ở nước ngoài, các bể sinh càng lúc càng được các bà mẹ sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Một số bệnh viện đang lắp đặt các hồ sinh đặc biệt hoặc bạn cũng có thể thuê một cái hồ cho mình. Đi xem sớm khi mới có thai rất có lợi vì bạn có thể thuê mướn và đặt cọc trước.

4. Hình ảnh

Mường tượng ra các hình ảnh trong đầu có thể là một cách làm giảm sợ hãi và giảm đau rất có hiệu quả. Khi mỗi cơn co thắt khởi sự, hãy tưởng tượng một cái gì đó mà bạn cảm thấy thực sự êm ái, ví dụ như ánh mặt trời rực rỡ, ấm áp. Các cơn co trong giai đoạn đầu tiên diễn ra là khi cổ tử cung đang giãn nở, và ngay lúc đó bạn có thể hình dung ra một nụ hoa xinh xắn mà bạn yêu thích đang từ từ hé nở từng cánh một; rất có ích cho bạn đấy ! Cũng có nhiều thai phụ thấy rất dễ chịu khi nghĩ đến các cơn sóng, nhất là họ có thể hình dung các cơn co giống như các cơn sóng

5. Âm thanh

Bạn có thể làm dịu cơn đau và sự âu lo lúc chuyển dạ bằng cách tạo ra âm thanh theo lối riêng mà bạn cảm thấy có ích nhất cho mình như ca hát, rên rỉ, gào thét. Tất cả đều là cách làm giảm bớt căng thẳng và bạn không nên lo lắng sẽ làm phiền người khác.

Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng nghe nhạc rất hiệu quả và có lợi. Chồng bạn có thể thâu băng sẵn những bản nhạc được chọn lọc theo sở thích của bạn. Một bản nhạc nhẹ, trầm bổng sẽ đưa bạn vược lên các cơn co thắt. Khi những cơn co mạnh hơn, những bản nhạc có nhịp điệu mạnh dần lên sẽ giúp bạn đương đầu với chúng.

6. Thôi miên

Đây không phải là điều bạn nên thử, vì bạn cần luyện khả năng đáp ứng dễ dàng với thôi miên. Những người chìm vào cơn thôi miên đã có khả năng chịu được việc sinh kềm và các mũi khâu mà hoàn toàn không đau đớn. Người ta sẽ khuyên bạn nên có các buổi luyện tập trước, và cả bạn lẫn nhà thôi miên phải hoàn toàn quen thuộc với những gì mà bạn sẽ phải trải qua trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

7. Châm cứu

Bạn chỉ nên chọn phương pháp này khi nào bạn đã thấy có thể làm giảm cơn đau ở mọi tư thế (đứng, nằm, v.v.). Chuyên viên châm cứu bắt buộc phải là người rất quen thuộc với cơn chuyển dạ và lúc sinh. Thuật châm cứu có thể không ngừa được toàn bộ cơn đau nhưng nó thật sự làm cho bạn bớt đau. Nó cũng có thể giúp bạn bớt nôn mửa.

8. Phương pháp TENS (Kích thích dây thần kinh bằng điện truyền qua da)

Các xung động của cơn đau do dây thần kinh dẫn truyền sẽ bị một dòng điện chặn lại, việc này sẽ kích thích sản sinh ra các endorphin. Một dụng cụ gây kích thích chạy bằng pin sẽ được nối vào các điện cực được đặt hai bên đường xương sống. Sau đó bạn có thể sử dụng 1 tay cầm để điều chỉnh lượng kích thích, làm cho bạn có thể kiểm soát được sự giảm đau. Hãy hỏi bác sĩ hay nữ hộ sinh xem bệnh viện có sẵn thiết bị này không.

VII. THUỐC ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON BẠN RA SAO?

Đa số các loại thuốc đi qua lá nhau và ảnh hưởng đến bé một khi chúng đã vào đường máu. Lúc ấy thuốc sẽ tập trung trong cơ thể thai nhi nhiều hơn là trong cơ thể bạn.

Sự say thuốc: Các loại thuốc an thần và thuốc ngủ, nhất là ở liều lượng lớn, có thể làm bé bị say thuốc sau khi chào đời, và sẽ ảnh hưởng đến khả năng bú và đáp ứng của bé đối với bạn.

Sự khó thở: Thuốc ngủ có thể ức chế hô hấp của bé. Nếu bạn dùng thuốc ngủ trong cuối thời kỳ chuyển dạ của mình, nó sẽ đọng lại thật lâu trong máu của con bạn. Các loại thuốc được dùng để gây tê ngoài màng cứng không thể qua máu của bé được. Bé sinh ra tỉnh táo và hô hấp rất tốt.

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý