Sinh không bình thường

seminoon seminoon @seminoon

Sinh không bình thường

18/04/2015 10:39 AM
306

Thông thường đa số các trẻ sơ sinh lọt lòng đều không gặp trở ngại nào và đều khoẻ mạnh. Tuy nhiên, các cơn chuyển dạ rất khác nhau, không có hai lần sinh giống nhau ngay cả đối với cùng một phụ nữ. Tuỳ theo mỗi lần, họ cần một sự tiếp cận đặc biệt khác nhau và chỉ có một số ít trường hợp cần phải có sự can thiệp của y học. Và kết quả là tất cả đều mẹ tròn con vuông.

I. CHUYỂN DẠ ĐẶC BIỆT

Hầu hết các cơn chuyển dạ đều diễn tiến tốt đẹp, nhưng cũng có đôi lúc nảy sinh biến chứng cần phải xử trí đặc biệt. Với sự chăm sóc cẩn trọng trước khi sinh, mọi khó khăn tiềm ẩn sẽ được tiên liệu và sẽ có thể tránh được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, có khi đến giai đoạn đầu tiên của thời kỳ chuyển dạ, vấn đề trở ngại mới được thấy rõ.

1. Chuyển dạ phía sau lưng

Đôi khi, sự khó chịu từ các cơn co thắt ở tử cung ban đầu giống như cơn đau dưới thắt lưng. Đó là do cổ tử cung bị kéo căng khi giãn. Điều này cũng có thể xảy ra khi bé nằm ở vị trí phía sau và mặt sau đầu của bé áp sát vào xương sống của bạn (có 1 trên 10 thai nhi nằm theo tư thế này, và đây là điều bình thường). Khi ở vào tư thế này, cổ của bé không thể cúi tốt và chỗ phần đầu nhô ra (nghĩa là ngôi đi qua eo) sẽ lớn hơn thường lệ, do đó làm kéo dài thời gian chuyển dạ. Phần lớn, bé của bạn sẽ xoay người 180 độ quay về phía trước và như vậy cơn chuyển dạ của bạn sẽ tiến triển một cách êm ái. Nếu có đôi lúc bé không quay người được sang vị trí này thì bác sĩ có thể giúp sinh bằng kẹp forceps hoặc dụng cụ giác hút, như thế cũng không có điều gì đáng báo động. Kiểu chuyển dạ này có thể khởi động chậm và kéo dài thời gian. Chính vì thế, cơn chuyển dạ sẽ rất mệt mỏi. Có nhiều cách thức mà theo đó bạn có người đưa bạn đi sinh có thể làm giảm bớt cơn đau lưng cho bạn.

Áp lực ngược

Đây là một cách có hiệu quả nhất để làm giảm cơn đau lưng (xem trang 283). Tuy nhiên, ví dụ nếu bạn thấy khó chịu khi có ai đụng vào người bạn như ở trong giai đoạn chuyển tiếp của thời kỳ chuyển dạ thì bạn có thể thích tự mình dùng các đốt xương bàn tay ấn vào mỗi bên mông của mình hơn là nhờ người nào đó.

Thay đổi vị trí

Khi bạn nằm ngửa trên giường thì bé của bạn nằm đè rất mạnh lên cột sống và các dây thần kinh. Bạn hãy cố gắng nhỏm dậy và đi bộ chậm chậm càng nhiều càng tốt. Bạn cũng có thể làm giảm bớt áp lực của bé vào xương sống của mình bằng cách ngồi bệt xuống nền nhà, ngả người ra trước hoặc đung đưa khung xương chậu của bạn. Nếu bạn cảm thấy nằm dễ chịu hơn thì hãy nằm nghiêng và bé sẽ xoay về phía trước (nếu cần, hãy nhờ y tá hoặc nữ hộ sinh chỉ cho bạn nằm nghiêng bên nào).

Dùng sức nóng

Bạn sẽ cảm thấy bớt đau lưng hơn nếu bạn nhờ người nào đó đặt một túi nước nóng lên ngay chỗ lưng đang đau (lúc có cơn co thắt). Tắm nước nóng bằng vòi sen chĩa thẳng vào lưng cũng có thể làm bạn bớt đau.

2. Cơn chuyển dạ kéo dài

Cơn chuyển dạ được coi như kéo dài khi các cơn co thắt mạnh của tử cung không đưa được đến việc xổ thai như mong đợi. Việc này có thể là do cổ tử cung thiếu khả năng giãn nở, hoặc là do thai nhi không di chuyển xuống thấp. Bác sĩ sẽ cẩn thận theo dõi khoảng thời gian của mỗi thời kỳ chuyển dạ. Khi cơn chuyển dạ có vẻ chậm hơn bình thường, bác sĩ sản khoa sẽ nghi có trục trặc và sẽ sớm có quyết định để can thiệp - giúp sinh bằng kẹp forceps hoặc mổ lấy thai.

Không một phụ nữ nào sinh khó được phép kéo dài thời kỳ chuyển dạ quá thời hạn chập nhận, vì điều này sẽ làm cho người mẹ bị kệt sức và gây suy thai.

Ở sản phụ đã sinh nhiều lần, trở ngại thường được nhanh chóng phát hiện ra hơn. Tuy nhiên, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ theo dõi tình trạng tổng quát của bạn suốt thời gian chuyển dạ và họ sẽ thật cảnh giác với những trở ngại trong khi sinh nếu thấy bạn có vẻ kiệt sức và lo lắng.

Nếu một cơn chuyển dạ diễn ra quá lâu, bạn không ăn uống gì hoặc thiếu nghỉ ngơi, rất có thể bạn không còn sức lực để rặn. Đội ngũ y tế sẽ giúp bạn tránh được điều này.

Không thể giãn nở được

Khi các cơn co yếu, không đều và cổ tử cung giãn rất chậm thì tử cung sẽ không còn điều khiển được hoạt động của các cơ nữa. Một trong những cách để đánh giá chính xác sự chuyển dạ của bạn diễn tiến ra sao là vẽ một biểu đồ (xem hình bên dưới). Nếu tử cung không co thắt tốt là lý do duy nhất gây ra tình trạng chuyển dạ chậm thì bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp đặc biệt làm cho cổ tử cung xoá và giãn mạnh hơn. Người ta sẽ chọc ối rồi chích tĩnh mạch pitocin bằng cách bơm tiêm tự động. Thuốc được tăng liều rất cẩn thận để đạt được những cơn co mạnh và đều, cách nhau 3 phút. Nữ hộ sinh và bác sĩ sẽ quan tâm sát sao suốt thời gian đó để đảm bảo không có những sự gia tăng đột xuất nào về cường độ cũng như tần số của các cơn co thắt của bạn.

Thai nhi không di chuyển xuống được

Ngôi mông và ngôi sau là nguyên nhân của việc sinh khó. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là sự mất cân xứng. Đó là do kích thước phần đầu của bé và của xương chậu người mẹ không tương xứng với nhau, ví dụ như xương chậu của bạn khá nhỏ so với đầu của thai nhi. Tất nhiên, khi đó thai nhi không thể di chuyển xuống được.

Nếu bạn sinh con so và trong những tuần sau cùng của thai kỳ, bé vẫn còn đang nằm ở vị trí cao và không xoay mình đúng tư thế, bác sĩ sẽ nghi ngờ có bất xứng đầu - chậu. Vấn đề này cũng sẽ được xem xét nếu đầu của bé vẫn còn ở mức cao dù cho trong thời kỳ chuyển dạ có những cơn co thắt mạnh.

Nếu độ mất cân xứng không nhiều, bác sĩ sẽ cho phép bạn thử chuyển dạ (bạn nên nhớ rằng tử cung của bạn thử chứ không phải bạn thử) miễn sao không có những bất thường khác và đầu của bé hình như đang từ từ chuyển xuống phía dưới. Một khi đầu của bé đã vào được bên trong khung chậu rồi thì các bác sĩ sẽ buộc phải cho sinh mổ.

Còn lại thì đa số các điều bất thường làm cho sinh khó và chuyển dạ kéo dài sẽ được chẩn đoán trong suốt thai kỳ của bạn, như thế có thể điều trị sớm, các bác sĩ và nữ hộ sinh có thể chuẩn bị một loạt các biện pháp trước lúc chuyển dạ bắt đầu.

3. Cơn chuyển dạ sớm

Là một cơn chuyển dạ xảy ra trước tuần 37 của thai kỳ. Vào khoảng 40% các ca sinh này chưa biết rõ nguyên nhân. Tuy thế, người ta biết nó sẽ xảy ra nếu rơi vào các trường hơp như sau: ối vỡ sớm, đa thai, tiền sản giật, hở cổ tử cung và tử cung bất thường. Khi làm việc quá nhiều, bị căng thẳng, hoặc có các bệnh sản, như thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, cũng có thể làm chuyển dạ sớm.

Để có thể thật sự nhận biết chuyển dạ sớm là điều khó khăn cho bác sĩ cũng như cho chính bản thân bạn. Việc chẩn đoán không phải dễ dàng và tại các trung tâm khác nhau, người ta quy định những tiêu chuẩn không giống nhau - nghĩa là hoàn toàn tuỳ ý. Thông thường chuyển dạ sớm bắt đầu không có dấu hiệu báo trước nào. Dấu hiệu đầu tiên có thể là vỡ màng ối, rồi những cơn co thắt tử cung bắt đầu hoặc âm đạo bị ra huyết. Cơn chuyển dạ không ngưng được nếu các màng ối đã bị rách và rồi sự chuyển dạ thật đã khởi sự. Nhưng bản thân bạn và bác sĩ có thể đề phòng một số điều khi màng ối còn nguyên vẹn hoặc trước khi cơn chuyển dạ thực sự tiến triển.

III. NHỮNG GÌ BẠN CÓ THỂ LÀM

Nếu một khi các màng ối đã rách ra nhưng cơn chuyển dạ chưa bắt đầu, bạn nên đến thẳng bệnh viện. Nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng rất cao và cả bạn lẫn bé còn non sẽ rất dễ bị tổn thương. Các bác sĩ sẽ theo dõi bạn thật kỹ để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt và nếu cần, bác sĩ sẽ cho bạn thuốc kháng sinh. Cơn chuyển dạ hầu như không thể tránh được một khi các màng ối tự động bị nứt. Nếu các cơn co thắt không tự nó khởi sự trong vòng một ngày hoặc hơn, bác sĩ sẽ cho bạn dùng đến oxytocin để kích thích các cơn co thắt khởi động.

1. Bệnh viện sẽ thực hiện những công việc gì?

Nếu cơn chuyển dạ xuất hiện giữa tuần 24 đến tuần 34 của thai kỳ, việc cho thuốc ritodrine hay salbutamol có mục đích làm trì hoãn chuyển dạ để phổi thai nhi có thì giờ tích tụ đủ steroid để trưởng thành. Một thai nhi còn non ngày có nguy cơ phát triển hội chứng suy hô hấp cao. Sinh càng sớm bao nhiêu thì nguy cơ càng lớn bấy nhiêu. Nghỉ ngơi nhiều cũng giúp cải thiện lượng máu vào tử cung để thai nhi có đủ lượng oxy cũng như để nhận đủ được các dưỡng chất của mẹ.

Hơn nữa, nằm bệnh viện còn để các bác sĩ theo dõi tìm dấu hiệu bị nhiễm trùng trong trường hợp bạn bị vỡ ối sớm và theo dõi tình trạng của thai nhi. Điều này cũng đảm bảo cho thai nhi còn non ngày được chăm sóc cấp thời gian sau khi lọt lòng. Nếu bệnh viện gần nhà bạn không có khoa săn sóc đặc biệt trẻ sơ sinh thì bạn có thể được chuyển đến bệnh viện khác. Có thể chồng bạn, bạn bè và gia đình của bạn khó đến thăm nhưng bạn được bảo đảm là bệnh viện đó sẽ tạo cho bé của bạn khởi đầu sự sống tốt đẹp nhất.

2. Sự điều trị bằng thuốc

Bởi vì tất cả các loại thuốc đều có phản ứng phụ, nên chỉ thích hợp cho một số trường hợp chuyển dạ sớm mà thôi. Tiêu chuẩn chính để điều trị bằng thuốc là bạn phải khoẻ mạnh, không mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, huyết áp cao, hay vị trí nhau thai bất thường và lẽ đương nhiên, thai nhi vẫn còn sống, cũng như không có bằng chứng nào cho thấy bị dị tật bẩm sinh.

Nếu bạn quá lo lắng, bạn sẽ được cho dùng thuốc an thần nhẹ, nhưng các loại thuốc có chứa morphin và các loại thuốc khác sẽ không được dùng trong suốt thời gian chuyển dạ, trừ phi quá đau. Các loại thuốc này có thể làm cho cơ tử cung bị kích thích thêm hơn là dịu đi; chúng có thể gây hậu quả bất lợi cho bé.

3. Điều khiển cơn chuyển dạ

Khi ối đã vỡ, cơn chuyển dạ cũng sẽ tiến triển như bình thường. Theo thông lệ, cơn chuyển dạ sớm ngắn hơn và dễ dàng hơn cơn chuyển dạ đúng ngày. Đó chính là do đầu của thai nhi nhỏ hơn và mềm hơn. Tuy nhiên cần cắt tầng sinh môn để bảo đảm đầu thai nhi không bị thay đổi do áp lực khi qua đường sinh của mẹ. Cũng cùng một lý do đó, hầu hết các bé sinh thiếu tháng sẽ được đỡ với sự hỗ trợ của kẹp forceps. Bạn cũng rất có thể được gây tê ngoài màng cứng thay vì cho thuốc làm giảm đau, vì thuốc giảm đau có thể ức chế hệ hô hấp của thai nhi. Các bác sĩ sẽ phải đặc biệt cẩn trọng để tránh tình trạng thai nhi bị thiếu ôxy (các mô bị thiếu dưỡng khí) trong suốt thời gian chuyển dạ và sinh. Trong một vài tình huống, người ta sẽ cho sinh mổ, nhất là khi thai suy.

IV. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY KHÓ SINH TỪ THAI NHI

Một số lý do thuộc về thai nhi có thể làm cho bạn chuyển dạ không suôn sẻ. May mắn thay, các vấn đề này thường được chẩn đoán nguyên nhân trước, vì vậy mọi người đều được chuẩn bị thật kỹ trước:

Con của bạn quá to.

Con bạn đang nằm ngang hoặc nằm xéo.

Con bạn có ngôi mông, ngôi trán hay ngôi mặt.

Con bạn đang nằm ở phía sau.

Con sinh đôi quấn nhau.

Có dị tật bẩm sinh, ví dụ bệnh não úng thuỷ.

V. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY KHÓ SINH TỪ PHÍA NGƯỜI MẸ

Nếu cơn chuyển dạ của bạn không tiến triển được bình thường, thì cũng có thể xuất hiện những nguyên nhân do khiến xương chậu hoặc tử cung gây tắc nghẽn đường xuống của thai nhi.

Khung chậu méo hoặc không cân đối.

Vùng chậu có khối u (u xơ hoặc u nang buồng trứng).

Những bất thường ở tử cung, cổ tử cung hay âm đạo.

Co thắt tạo vòng của tử cung: khi tử cung co kéo quá mạnh tạo thành một dải cơ thắt chặt, ngăn cản các cơn co thắt di chuyển xuống dưới, gây ra co thắt tử cung hay cổ tử cung. Điều đó hiếm xảy ra trừ khi tử cung bị kích thích quá độ bằng oxytocin hoặc prostaglandin như trong trường hợp gây chuyển dạ. Trong trường hợp này, luôn luôn phải cho mổ lấy thai.

VI. CÓ PHẢI BẠN BỊ CHUYỂN DẠ SỚM KHÔNG?

Sau đây là một số chỉ dẫn có ích để chẩn đoán bạn có sinh sớm hay không.

Bạn đang có thai chưa đến tuần 37.

Bạn đã có các cơn co thắt tử cung tối thiểu được một tiếng đồng hồ rồi.

Các cơn co thắt cứ diễn ra mỗi 5 hoặc 10 phút 1 lần.

Các cơn co thắt kéo dài 30 giây và tồn tại hơn 1 tiếng đồng hồ.

Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh khám âm đạo cho bạn thấy cổ tử cung đã mở hơn 2,5 cm và đã xoá hơn 3/4 rồi.

Dựa theo những tiêu chuẩn trên, 2/3 trong số các bệnh nhân nghi chuyển dạ sớm không thực sự chuyển dạ và không cần điều trị. Điều này sẽ nhanh chóng được xác nhận nếu bạn đến thẳng bệnh viện để các nhân viên y tế quan sát kỹ lưỡng hoạt động của tử cung.

VII. NẾU THAI QUÁ NGÀY

Vào cuối thai kỳ bác sĩ sản khoa luôn luôn theo dõi các dấu hiệu suy nhau vì sợ thai nhi không còn đủ dinh dưỡng

Khi nào thì cần thiết giục sinh đang là đề tài gây tranh cãi; do đó, bạn cần phải thảo luận về vấn đề này vào một trong những đợt khám tiền sản của mình. Khi sản phụ đã đến ngày dự sinh và cả mẹ lẫn thai nhi đều bình thường thì ta nên để chuyển dạ tự nhiên. Tuy nhiên, bạn cũng nên để bác sĩ theo dõi thường xuyên tình trạng của mình và của thai nhi khi ngày dự sinh đã trôi qua; và giả sử như có bất kỳ dấu hiệu suy thai nào thì cần phải can thiệp y khoa.

VIII. CÁC LÝ DO ĐỂ GIỤC SINH

Bất kỳ điều gì khiến môi trường tử cung không tốt cho thai nhi đều là lý do để giục sinh. Cần giục sinh nếu:

Bạn đang bị huyết áp cao, tiền sản giật, bệnh tim mạch, tiểu đường hay xuất huyết.

Khi có dấu hiệu suy nhau (do đó, thai nhi gặp nguy hiểm do nhận không đủ chất dinh dưỡng và dưỡng khí từ lá nhau).

Bạn đã bị vỡ ối, mà chuyển dạ không khởi sự trong khoảng từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ.

Thai kỳ của bạn đã kéo dài hơn 42 tuần lễ.

1. Gây chuyển dạ

Kích thích làm khởi động nhân tạo cơn chuyển dạ, bao gồm chọc màng ối, cùng với cho thuốc oxytocin hoặc prostaglandin để kích thích những cơn co thắt tử cung. Những kỹ thuật tương tự như vậy cũng được sử dụng để tăng tốc cơn chuyển dạ, khi các cơn co thắt yếu và tiến trình có vẻ chậm chạp. Nếu không vì các lý do y học hoặc vì lý do cấp cứu, thì không bắt buộc phải kích thích chuyển dạ (có nghĩa là tuy có lợi nhưng không đến nỗi khẩn cấp hay cần thiết). Bạn sẽ nhập viện theo hẹn vào một khoảng thời điểm xác định, lúc ấy chồng bạn sẽ cùng đi với bạn. Nếu bạn còn nghi ngờ về việc tại sao bác sĩ lại khuyên bạn nên để giục sinh, thì bạn hãy yêu cầu giải thích rõ ràng và cho biết toàn bộ những khả năng thay thế khác. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bạn.

2. Lịch sử của việc kích thích chuyển dạ

Cách đây 40 năm, khi mà các loại dược phẩm đầu tiên dùng được đã có trên thị trường thì việc kích thích để tạo sự chuyển dạ thường được dùng đến vì sự tiện ích của bệnh viện và xã hội. Việc này đôi khi cũng được lên kế hoạch để thích ứng với giờ làm việc của dân chúng hoặc khi một phụ nữ yêu cầu được tạo kích thích để thời gian sinh rơi vào ngày sinh nhật của mình. Những lý do như thế ngày nay không còn được chấp nhận nữa.

Khi việc giục sinh trở nên thịnh hành, các bác sĩ lúc bấy giờ chưa có được sự giúp đỡ của kỹ thuật ngày nay, như siêu âm hoặc chọc dò ối để xác định tuổi thai; hậu quả là có một số trẻ đã được cho rằng sinh quá sớm và gặp các rắc rối về hô hấp. Và tỷ lệ can thiệp bằng phẫu thuật cũng tăng theo. Ngày nay, chỉ có dưới 1/5 trường hợp được giục sinh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có 5% trong số các trẻ sơ sinh chào đời vào đúng ngày dự sinh mà thôi. Có thể một số các bác sĩ và phần lớn các bà mẹ khó giữ được bình tĩnh, khi mà ngày dự sinh trông đợi đó đã trôi qua. Có lẽ chỉ cần quan tâm xem lá nhau có còn tốt không và bé có bị thiếu dinh dưỡng không là đủ.

Nếu bạn cảm thấy âu lo khi biết mình phải giục sinh, bạn nên an tâm rằng điều đó rất có ích, miễn là nó được thực hiện một cách nghiêm túc vì mục đích y tế. Phương pháp này giúp cho bạn được khoẻ mạnh và đảm bảo cho con bạn. Đừng tức giận với chính mình nếu việc sinh nở không như mình đã định hay tưởng tượng.

3. Việc đó được thực hiện ra sao?

Hầu hết các bệnh viện phụ sản thường phối hợp 3 phương pháp để kích thích chuyển dạ.

Toạ dược Prostaglandin

Một trong những phương pháp hiện đại nhất để giục sinh là sử dụng toa dược Prostaglandin. Thuốc được đặt vào âm đạo ban đêm và bạn có thể chuyển dạ vào ban sáng. Đây là một phương cách rất được ưa chuộng vì bạn có thể đi loanh quanh trong phòng sinh một cách thoải mái.

Chọc màng ối

Thường được dùng kèm với oxytocin truyền nhỏ giọt, phương pháp này cần đến một dụng cụ như một que đan móc. Nó sẽ được đưa qua cổ tử cung, vào tử cung, để làm rách một lỗ nhỏ của màng ối cho nước ối chảy ra. Đối với đa số các thai phụ thì đây là một tiến trình không gây đau đớn, bởi vì màng ối hầu như hoàn toàn không có cảm giác nào. Hễ tử cung co thắt trong lúc thực hiện chọc ối thì cơn chuyển dạ thường mạnh lên rất nhanh. Bởi vì, sau khi dùng phương pháp chọc ối, đầu của thai nhi không còn được lọt nữa và ép ấn xuống cổ tử cung, kích thích tử cung co thắt và giãn nở. Nếu cứ để mặc nó tự nhiên thì nước ối sẽ không vỡ và chảy ra trước lúc kết thúc giai đoạn đầu tiên của cơn chuyển dạ.

Phương pháp chọc màng ối không chỉ đơn thuần là một cách gây giục sinh. Nó sẽ còn được áp dụng nếu cần gắn một điện cực vào da đầu của thai để theo dõi nhịp đập tim. Nó sẽ được thực hiện nếu như nhịp tim của thai nhi giảm đi do suy thai. Trong trường hợp này, có thể thấy có phân su (cử động đầu tiên của ruột bé) trong nước ối.

Cơn chuyển dạ được kích thích bằng oxytocin

Chất nội tiết tốt tự nhiên từ tuyến yên trong não, kích thích chuyển dạ. Chất oxytocin tổng hợp được dùng để giục sinh.

Ngày nay, thuốc chỉ được phép truyền vào tĩnh mạch vì dễ điều chỉnh lượng thuốc. Nếu bạn thuận tay mặt, hãy xin được truyền dịch vào tay trái, và nếu có thể được thì xin cho dây truyền được dài ra hơn để bạn dễ dàng xoay người cử động qua lại dù nằm trên giường. Một số giá treo bình dịch truyền có bánh xe cho phép bạn di chuyển quanh phòng hay thay đổi tư thế, và điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được các cơn đau khi chuyển dạ mạnh hơn. Lượng oxytocin truyền cho bạn sẽ được điều chỉnh để giảm xuống trong trường hợp cơn chuyển dạ của bạn nhanh chóng mạnh lên và cổ tử cung đã giãn được phân nửa. Kim truyền dịch sẽ không được rút ra khỏi cách tay của bạn cho đến lúc con bạn chào đời vì các cơn co thắt liên tục ở tử cung sẽ giúp đẩy lá nhau ra ngoài.

4. Những điều có thể xảy ra khi kích thích chuyển dạ

Nếu được áp dụng đúng cách, cơn chuyển dạ được kích thích sẽ không đau đớn hơn hoặc khó hơn chuyển dạ tự nhiên. Với oxytocin, bác sĩ hay nữ hộ sinh có khả năng đưa bạn tiến tới giai đoạn mà bạn sẽ có thể chuyển dạ bình thường. Bạn cũng còn có thể thực hiện các bài tập hô hấp và rặn đứa bé ra khỏi lòng bạn theo nhịp của riêng mình, nếu bạn thích được sinh một cách hoàn toàn tự nhiên. Trong trường hợp giục sinh trở nên quá đau, bạn luôn luôn có thể yêu cầu gây tê màng cứng hoặc một phương thức nào đó để giảm bớt cơn đau.

IX. THAI NHI NGÔI MÔNG

Loan rất muốn sinh tại nhà, nhưng lúc chị được chẩn đoán thai ngôi mông, tôi đã khuyên chị nên đến sinh ở bệnh viện. Mặc dù phần lớn các trường hợp sinh ngôi mông thường diễn ra êm ả, chị vẫn muốn có bác sĩ cũng như chuyên viên gây mê và bác sĩ khoa nhi hiện diện lúc chị sinh để đề phòng trường hợp bất trắc.

Đa số thai nhi đều nằm ở vị trí ngôi mông cho đến khoảng tuần thứ 32 của thai kỳ, khi ấy bé sẽ tự xoay người lại hướng đầu xuống đường sinh; nhưng con của Loan thì đã được 36 tuần rồi mà vẫn chưa quay xuống. Có một số các bác sĩ và nữ hộ sinh cố gắng xoay thai nhi lại từ bên ngoài bằng cách dùng tay nắn vùng bụng nhưng các bác sĩ và nữ hộ sinh của Loan không dùng phương pháp ấy.

Tôi đã khuyên Loan rằng, theo nghiên cứu trong thời gian gần đây, nếu sinh mổ thì tỉ lệ trẻ tử vong thấp hơn nhưng chị vẫn muốn được sinh qua đường âm đạo như bình thường, và bác sĩ sản khoa đã đồng ý. Tôi khuyên chị nên chuẩn bị sẵn sàng cho những biện pháp đặc biệt. Vì mông của đứa bé nhỏ và mềm hơn và dễ ép lại hơn là đầu nên âm đạo và mô vùng chậu có thể căng không đủ để cho phép phần đầu (phần to nhất cơ thể đứa bé) đi qua. Có thể sẽ cần dùng đến cặp thai (forceps) để bảo vệ đầu bé khi đi xuống đưòng sinh nhỏ hẹp, và sẽ cần cắt tầng sinh môn. Tôi cũng nói với chị là bác sĩ sản khoa rất quan tâm đến vị trí của cuống nhau; nó có thể xuất hiện trước và như thế sẽ bị ép lại. Cần theo dõi bào thai từ bên ngoài ngay từ lúc bắt đầu chuyển dạ và việc theo dõi này sẽ được tiếp tục qua da đầu của thai ngay khi màng ối vỡ.

Tôi cũng lưu ý Loan rằng giai đoạn đầu của cơn chuyển dạ có thể dài ra bởi vì mông của thai nhi không làm giãn nở cổ tử cung hiệu quả như phần đầu. Tuy nhiên, Loan cũng đã tạo nên một sự tiến triển thật tuyệt vời.

Cơn chuyển dạ của Loan bắt đầu với một cơn đau lưng nhẹ, kéo dài 4 tiếng đồng hồ cho đến lúc các cơn co thắt bắt đầu diễn ra. Đến bệnh viện, chị được một nữ hộ sinh khá, và thấy mông của thai nhi đè lên cổ tử cung đã mở ra được 5 cm. Sau đó không lâu, Loan cảm thấy rất đau lưng, song chị vẫn có thể làm giảm bớt bằng cách nằm bò. Tuy nhiên, khi các cơn co thắt càng lúc càng trở nên dữ dội hơn, Loan yêu cầu được gây tê ngoài màng cứng.

Bởi vì mông của thai nhi nhỏ hơn đầu, giai đoạn thứ nhì của cơn chuyển dạ có thể ngắn hơn khi sinh ngôi mông, bác sĩ nghĩ chị sẽ sinh ngay vào giai đoạn chuyển tiếp. Khi sinh, Loan tự mình chống người lên theo tư thế ngồi. Ngay trước khi sinh, bác sĩ sản khoa nhanh chóng tiêm cho chị một mũi gây tê cục bộ vào tầng sinh môn (thay vì tiếp tục gây tê ngoài màng cứng) và sau đó bác sĩ cắt tầng sinh môn rộng ra để giúp đầu thai nhi đi qua dễ dàng hơn. Sau khi khám lại chị một lần nữa, bác sĩ nói với Loan là một bàn chân của con chị đã đưa ra phía trước mông và bác sĩ đã sờ thấy được gót chân của bé.

Ở đợt co thắt tiếp theo, cả hai chân và bàn chân xổ ra ngoài và bác sĩ dễ dàng kéo chúng ra, ngay sau đó phần mông bắt đầu xuất hiện, banđầu là phần mông trên rồi phần mông dưới ra sau. Bác sĩ khuyên chị đừng rặn nữa, mà hãy để lực của cơn co thắt ở tử cung đẩy phần mông của bé ra một cách nhẹ nhàng. Bà rất giỏi trấn an chị, bà nói họ còn nhiều thời gian nên không cần vội vàng gì và rằng chị đang sắp sinh bé ra một cách thật dễ dàng. Và với cơn co thắt kế đó, hai vai bé tiếp tục nhô ra.

Để giúp sinh hai vai của bé, bác sĩ đã quay thân bé 180 độ, giữ phần lưng bé hướng lên trên, phần cánh tay xuất hiện ngay dưới xương vệ và dễ dàng được đỡ ra, rồi đến cánh tay thứ hai của bé xuất hiện sau khi cơ thể được xoay 180 độ theo hướng ngược lại.

Đỡ phần đầu bé ra không phải là chuyện dễ. Đối với bác sĩ sản khoa thì việc này diễn ra khá chậm chạp, nhất là lúc bà thấy nhịp tim bé đang chậm dần, đó là một dấu hiệu của việc suy thai. Lồng ngực của bé thoáng và bé đang cố gắng thở hơi thở đầu tiên. Bác sĩ đưa tay vào âm đạo của Loan, sờ lên mặt đứa bé, đặt một ngón tay vào từng bên mũi của nó, bà cố kéo cho đầu bé cúi xuống và kéo ra phía tầng sinh môn. Nhưng thủ thuật này không thành công và phải dùng đến kẹp forceps. Một phụ tá đỡ lấy hai bàn chân của đứa bé trong lúc bác sĩ đưa kềm áp vào hai bên đầu thai nhi. Đầu của em bé được đỡ ra ngoài sau vài giây và bé khóc oà lên ngay lập tức.

Có 3 kiểm ngôi mông chính - bé Hải, con của Loan được chẩn đoán là ngôi mông đủ, mông hướng về âm đạo và 2 chân nằm thấp trong vùng chậu của Loan.

Trong ngôi mông đủ: hai đùi thai nhi khoanh lại tựa vào thân, hai đầu gối gập lại đây là tư thế nằm trong bụng của con Loan. Trong ngôi mông thiếu kiểu mông: hai đùi bắt chéo nhau, nhưng hai chân duỗi thẳng lên phía trên, hai cánh tay thường ôm vòng lấy hai chân. Trong ngôi mông thiếu kiểu chân: hai đùi của bé hơi bắt chéo nhau và hai bàn chân đặt lên cổ tử cung, chúng sẽ hạ xuống sau khi màng ối rách.

Nếu bạn cảm giác quá mót rặn khi đang trên đường đến bệnh viện, hãy áp dụng các kỹ thuật thở để tránh rặn. Bạn hãy cố giữ bình tĩnh.

Bạn nên cùng chống đánh giá tình hình. Nếu cơn giục sinh mạnh quá khiến bạn không kiềm chế được, chồng bạn nên ngừng xe lại ngay. Nếu có thể, hãy nói chồng bạn dùng giấy báo và khăn lông lót thật nhiều và dầy lên băng ghế sau và sàn xe. Sau đó, bạn có thể nằm xuống và sinh đứa bé vào lòng bàn tay của chồng bạn.

Bạn hãy theo tiến trình sinh trong phần bài chính. Một khi bé đã chào đời, phải giữ cho bé được ấm áp, vậy hãy dùng khăn lông hoặc mền quàng lấy người nó (nếu không có, dùng áo sơmi, áo khoác gì cũng được) rồi ôm bé sát vào người bạn. Nếu trước lúc đến bệnh viện mà lá nhau xổ ra, hãy quấn lá nhau lại với bé vì lá nhau sẽ làm bé ấm hơn. Bạn không được cắt cuống rốn.

X. SINH ĐỘT NGỘT

Đôi lúc cơn chuyển dạ diễn tiến quá nhanh đến độ phải sinh mà không có được sự trợ giúp nào của y tế tại nhà hay trên đường đi đến bệnh viện. Nếu điều này xảy ra, những thông tin sau đây sẽ giúp b��n và chồng bạn đỡ bé ra một cách an toàn. Thông tin này không có ý định hướng dẫn cho việc sinh bên ngoài bệnh viện không có nhân viên y tế, vì điều này có rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, phần lớn việc sinh đẻ đột ngột xảy ra tại nhà ít khi gặp phải bất trắc.

1. Bạn nên làm gì?

Khi bạn gặp cơn thúc rặn đẻ, hãy cố gắng thở dồn dập hoặc thở hơi ra càng lâu càng tốt để đứa bé ra ngoài, khi nó đang tuột ra nhanh, do đó kỹ thuật hít thở sẽ không kéo dài lâu được (có thể đủ lâu để nữ hộ sinh đỡ đẻ hoặc xe cứu thương đến nhà). Không được chụm hai chân lại để làm chậm sinh hoặc cho phép ai làm giúp mình như vậy, vì điều này có thể làm tổn thương đến não bộ của đứa bé. Nếu bạn không thể làm chậm sinh lại một cách thoải mái, vậy đừng cố mà cản trở nó. Bạn hãy sinh phần đầu bé ra chậm chậm. Điều chắc chắn là âm hộ của bạn sẽ bị rách nếu bạn rặn dài hơi cùng với lực co thắt của tử cung. Do đó, vào mỗi cơn co thắt hãy cố gắng thở gấp nhưng nhẹ thôi.

2. Dây nhau sa xuống

Nếu dây cuống rốn sa xuống khi màng ối vỡ ra, nghĩa là khi chồng bạn nhìn thấy một đoạn dây rốn màu xanh xám lòi ra khỏi âm đạo của bạn, phải cấp cứu ngay lập tức, bởi lẽ nguồn cung cấp dưỡng khí cho thai nhi đang có nguy cơ bị chặn đứng. Đừng hốt hoảng vì bạn còn thời gian. Hãy quỳ gối xuống nền nhà, ngực áp xuống, đầu sát nền nhà, chổng mông lên. Tư thế này sẽ giúp làm giảm bớt áp suất của đầu thai nhi lên tử cung. Nếu dây cuống rốn vẫn thò ra, chồng bạn phải dùng một cái khăn ướt, ấm và thật sạch để bọc nó lại rồi gọi điện cho bệnh viện hoặc đi tìm bác sĩ hay nữ hộ sinh. Đừng chạm vào hoặc đè mạnh lên dây rốn đó và bạn cứ hãy nằm theo tư thế ấy suốt đường tới bệnh viện vì nó sẽ giảm gớt áp lực lên dây rốn. Sa cuống rốn luôn luôn cần phải giải phẫu, trừ khi cổ tử cung đã nở trọn thì bác sĩ sẽ cho sinh kềm hoặc sinh hút.

3. Người giúp sinh nên làm gì?

Nếu nhận thấy con của bạn sẽ ra đời tại nhà mà không có y tế trợ giúp, bạn nên điện thoại đến bệnh viện hoặc người nữ hộ sinh nếu vợ bạn chưa sinh. Cho dù với bất cứ lý do gì bạn cũng không được để vợ bạn ở nhà một mình. Tuy bạn cảm thấy rất lo âu, hãy cố giữ bình tĩnh và hãy trấn an người vợ. Cô ấy cần tự tin và thư giãn. Hãy ghi nhớ rằng rất nhiều các trường hợp sinh đột ngột hoàn toàn không có sự cố nào cả. Bạn hãy khích lệ vợ mình đừng, ngồi hoặc nằm theo các tư thế mà cô ấy cảm thấy được dễ chịu, khuyến khích cô ấy ăn và uống nếu như cô ấy thích. Nên nói năng nhỏ nhẹ và không cho ai đến gần cô ấy do hiếu kỳ. Giữa những cơn co thắt, nếu phòng trống trải thì che lại cho ấm, nhưng phải thoáng khí. Rửa tay thật sạch bằng xà bông và chuẩn bị sẵn thật nhiều khăn sạch. Dùng một cái khăn hoặc mền thật sạch, gấp lại và trải trên nền nhà để đặt bé vừa sinh lên đó cho êm.

Sau đó, lấy vài cái thau sạch đổ nước ấm vào, nhúng khăn hoặc vải thật mềm vào đó, vắt sạch để lau cho bé và vợ bạn sau khi đã sinh.

4. Khi sinh

Vợ của bạn sẽ biết được khi nào đứa bé đang lọt ra đường sinh. Cô ấy sẽ có cảm giác nóng ran khi đứa bé làm căng âm đạo và cửa mình. Bạn hãy để ý nhìn khi đỉnh đầu của bé đến cửa mình thì phải nhắc nhở vợ nên thở ra hít vào liên tục để âm đạo và tầng sinh môn của cô ấy có thời gian căng và mỏng đi, vì điều này sẽ ngăn không cho cửa mình bị rách.

Đầu bé rất có thể sẽ lọt ra trong một cơn co thắt, rồi phần còn lại của cơ thể sẽ lọt ra sau trong cơn co thắt kế tiếp. Khi đầu bé lọt được ra, hãy dùng khăn sạch (đã nhúng nước ấm) lau mắt cho bé từ đầu mắt trở ra (có thể dùng bông gòn ấm cũng tốt). Sau đó, bạn dùng tay sờ vào phần cổ xem có thấy dây rốn không, nếu có, hãy nhẹ nhàng luồn ngón tay út vào phía dưới dây rốn, nhẹ nhàng gỡ nó ra khỏi đầu của bé, để bé có thể lọt qua vòng dây rốn và ra ngoài dễ dàng.

Bạn không được đụng chạm đến dây rốn vì nó có thể sẽ bị tổn thương và không cung cấp dưỡng khí cho bé nữa. Nếu bạn nhìn thấy màng ối còn nằm che mặt của bé, hãy từ từ lấy móng tay xé nó ra để bé có thể thở được ngay. Hãy cẩn thận bế lấy bé một cách chắc chắn khi bé vừa lọt lòng vì lúc ấy cơ thể của bé còn dính đầy các chất nhầy và máu, rất trơn trượt. Đừng bao giờ kéo đầu, thân mình hay dây rốn của bé.

Sau khi đã chào đời, bé có thể bắt đầu hít thở mạnh, cất tiếng khóc chào đời và ngay sau đó bé sẽ khóc thật sự. Nếu bé không khóc lên lúc ấy, hãy đặt bé nằm xuống qua đùi hoặc bụng vợ mình, đầu thấp hơn chân rồi nhẹ nhàng dùng tay xoa phần lưng của bé. Việc này làm cho các chất nhầy trên cơ thể bé trôi đi bớt và thường tạo một sự thay đổi áp suất máu giúp bé thở được. Những lời trìu mến nói với bé cũng rất có lợi trong lúc này.

5. Sau khi sinh xong

Khi bé đang thở, bồng bé qua đưa cho vợ để cô ấy đặt bé vào ngực và giữ ấm cho bé. Nếu lúc ấy bé muốn bú, sự kích thích núm vú sẽ khiến cơ thể sản sinh ra oxytocin, một chất khích thích tử cung của vợ bạn lại co thắt và đẩy lá nhau trong bụng ra ngoài.

Bạn hãy dùng mền để đắp cho cả hai mẹ con được ấm, nhất là đầu của bé vì nó rất dễ bị mất hơi ấm. Hãy ghi nhớ rằng màu da của bé lúc mới sinh là màu trắng xanh. Bé sẽ từ từ hồng hào lên khi dưỡng khí tràn vào cơ thể của bé, bàn tay và bàn chân cần khoảng thời gian lâu hơn để trở nên hồng hào. Không được lau sạch chất gây trên da bé và không bao giờ được cắt dây rốn.

6. Đỡ lá nhau ra

Nếu lá nhau đã xổ ra ngoài trước khi nhân viên y tế đến, thì bạn:

Không bao giờ được nắm kéo dây cuống rốn.

Không được cắt dây rốn.

Sau khi lá nhau lọt ra, bạn hãy mát-xa vùng tử cung của vợ mình mạnh tay theo chiều chuyển động tròn và đè mạnh tay một tí, từ từ đẩy bàn tay xuống dưới cách rốn vợ khoảng 5 - 7 cm rồi xoa xoa nơi đó. Điều này rất quan trọng vì sẽ tạo ra các cơn co thắt tử cung mạnh sau khi sinh để không bị xuất huyết.

Khi nhìn thấy một lượng máu nhỏ tràn ra khỏi âm đạo người vợ (sau khi nhau đã lọt ra), cần biết đó là một điều bình thường.

Cho bé bú mẹ ngay lập tức sẽ giúp tử cung co và giảm tối thiểu sự ra máu.

Nếu bé của bạn không bú, bảo vợ xoa nắn đầu vú nhẹ nhàng, đó cũng là cách làm cho oxytocin được tiết ra.

7. Giúp sinh bằng cặp thai (FORCEPS)

Dụng cụ cặp thai (forceps) trông giống như một dụng cụ gắp đường cục, chúng được thiết kế để có thể ôm sát vào 2 bên đầu của thai nhi ( gồm cả hai tai). Dụng cụ này trông na ná một cái lồng bảo vệ phần đầu của thai nhi khỏi bị áp lực đè lên trong đường sinh của người mẹ.

Quyết định sử dụng kềm do bác sĩ chỉ định. Kềm chỉ được sử dụng khi giai đoạn đầu đã hoàn tất, cổ tử cung đã mở hoàn toàn và đầu thai nhi đã nằm trong đường sinh của người mẹ.

Tại sao việc này được thực hiện? Dụng cụ kềm được bác sĩ dùng đến khi đầu thai nhi đã lọt tới xương chậu nhưng lại không xuống thêm nữa - khi thai nhi ở tư thế phía sau, khi là môi mông, khi tử cung không còn co thắt hoặc khi người mẹ không còn sức để rặn. Đôi khi dùng kềm để giúp sinh nhanh, đầu giai đoạn thứ nhì của cơn chuyển dạ nếu thai nhi có dấu hiệu bị thiếu dưỡng khí. Ngày nay, đa số các trẻ sinh non đều được sinh kềm để bảo vệ phần xương sọ mỏng manh khôngbị ép khi đi qua đường sinh.

Việc này thực hiện ra sao? Nếu bạn sắp được sinh kềm, hai chân bạn sẽ được đưa lên cao trên hai bàn đạp. Tiêm thuốc gâytê cục bộ rồi cắt tầng sinh môn. Sau đó dụng cụ cặp thai sẽ được đưa vào âm đạo. Bác sĩ sẽ kéo nhẹ kềm một vài cái (một lần từ 30 đến 40 giây) để kéo được đầu thai nhi xuống tầng sinh môn. Bạn không cảm thấy đau đớn gì cả. Khi đầu đứa bé đã được xổ ra ngoài, bác sĩ sẽ lấy kềm ra và phần cơ thể còn lại của bé sẽ loạt ra ngoài một cách bình thường.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý