Các món ngon và rẻ ở Sài Gòn

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Các món ngon và rẻ ở Sài Gòn

18/04/2015 08:53 PM
1,394

Một hàng ốc nhỏ xinh, nằm khuất trong hẻm hơi khó tìm, nhưng đã ăn rồi thì bạn sẽ không phải hối hận đâu nhé.

Giữa thời buổi cái gì cũng rủ nhau tăng giá như bây giờ thì việc tìm một hàng ăn vặt giá siêu rẻ dường như cực kì khó khăn. Đã thế, vừa rẻ mà vừa ngon miệng lại càng khó nghĩ hơn. Tuy nhiên, hôm nay chúng tớ sẽ giới thiệu đến các bạn một hàng ốc nằm ở quận Bình Thạnh với giá cả lẫn chất lượng đều cực "sốc" luôn.

Hàng ốc cô Tuyết nằm sâu trong con hẻm cạnh bệnh viện Ung Bướu, trên đường Nơ Trang Long. Quán hơi khuất, khó tìm, nhưng luôn đông khách ủng hộ vì chất lượng siêu ngon cũng như giá cả "hấp dẫn" của nó. Để dễ nhớ nhất, sau khi vào ngõ này, bạn nên hỏi thăm đường vào trường mầm non 7A, quán nằm bên hông trường. Hoặc nếu tính từ đầu ngõ vào, quẹo tay phải, đến cái ngã rẽ thứ 3 thì rẽ trái, đi thẳng và nhìn bên trái là thấy.

Quán bán từ khoảng 2 – 3h trưa (ăn giờ này là vắng nhất và còn đầy đủ món nhất) cho đến tầm 8h – 9h là hết sạch ốc. Kinh nghiệm cho bạn là nên hạn chế ăn lúc 4 – 5h vì khi đấy là giờ tan tầm, học sinh và cả phụ huynh gần đó đến ăn rất đông, có khi phải đứng đợi chỗ ngồi vì quán bé.

Quán bán hơn chục loại ốc nhưng không theo khuôn mẫu nào cả, nghĩa là “hôm nào có ốc gì ngon thì lấy, không ngon thì bỏ qua, chứ không cố bán để mất khách”. Các món thường có ở đây là: ốc mỡ (hãy thử món xào tỏi đi),sò huyết (nướng tái siêu bổ dưỡng nhé), sò lông - sò điệp - sò lụa - sò dẹo (nướng mỡ hành là "number one"), ốc móng tay (xào rau muống cực ngon), ốc bươu (nhất định phải ăn xào sả ớt nhé), đặc biệt là càng ghẹ luôn tươi ngon (nướng hoặc rang muối) và trứng vịt lộn “siêu khổng lồ” (bảo đảm hơn hẳn những quán khác luôn).



Quán cũng có rất nhiều món ngon khác.

Ngoài ngon và rẻ thì còn 1 điều đặc biệt nữa mà bạn nên ghé quán này vì nó rất “độc đáo”. Theo chúng tớ "dò la" được thì chủ quán là một đầu bếp có kinh nghiệm nhiều năm với nhiều loại quán ăn khác nhau, nên tất cả những món ở đây đều do một tay cô sáng tạo rồi chế biến chứ không hề đi copy hay bắt chước một hàng nào cả. Có lẽ vì thế nên ốc ở đây được nêm nếm rất lạ miệng và khá bắt mắt người ăn.

Bạn đừng quá bất ngờ nếu ốc mỡ xào tỏi của bạn có cả bắp (ngô), cũng đừng quá lo lắng nếu muốn xin thêm tép mỡ hoặc tự chế biến thêm rau muống, mỡ hành gì đấy cho món ốc của mình – cứ mạnh dạn đề nghị bạn nhé. Nếu quán không quá đông, cô chủ quán sẽ rất sẵn lòng “giúp đỡ”.

Có dịp vào miền Nam, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức lẩu mắm, lẩu cá kèo, lẩu cá mú, lẩu ghẹ... vừa ngon vừa rẻ.
1. Lẩu mắm miền Tây
Mỗi khi xa quê, những người con đất của phương nam vẫn không thể quên được hương vị món ăn nơi quê nhà, trong đó món lẩu mắm được xem là một món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong những ngày mưa.
Chính cái màu nâu đặc trưng của mắm, nước sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả, hương thơm phưng phức từ cá linh, cá sặt, vị ngọt từ thịt và các loại cá tươi… cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất miền Tây.
Món ăn thơm phức cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt, mạng đậm chất miền Tây.
Ở Sài Gòn, lẩu mắm được xem là món ăn ngon, đặc trưng, được bán tại một số quán nằm trên đường Hồ Biểu Chánh, Ngô Thời Nhiệm, Lý Chính Thắng, Nơ Trang Long…
2. Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang - loại lá có nhiều ở miền Nam và Trung, có vị chua chua, chát chát đặc trưng. Cá kèo nấu lẩu phải là những con cá còn tươi sống. Khi nước lẩu sôi mới mở vung nồi và cho cá vào. Khi cá không còn quẫy là cá đã chín, và ngay sau đó bạn có thể cho rau vào nồi lẩu.
Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.
Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối... Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên. Bạn có thể ghé số 4 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3 hay một số quán lẩu cá kèo trên đường Sư Thiện Chiếu để thưởng thức món ăn ngon này.
3. Lẩu ghẹ nấu bầu
Lẩu ghẹ nấu bầu có vị ngọt tự nhiên của ghẹ, vị ngọt thanh trong từng miếng bầu.
Món ăn thoạt nghe qua có vẻ khá mới lạ. Tuy nhiên, món ghẹ nấu bầu ngày nay cũng dễ tìm tại một số quán ăn lớn. Lẩu ghẹ nấu bầu có vị ngọt tự nhiên của ghẹ, vị ngọt thanh trong từng miếng bầu, cùng mùi thơm thoang thoảng từ rau gia vị... Nếu muốn ăn lẩu ghẹ nấu bầu, bạn có thể đến quán Góc xưa ở trên Điện Biên Phủ, quận 10.
4. Lẩu Thái Lan
Món ăn được biến tấu phù hợp với sở thích mỗi vùng miền,
 nhưng vẫn giữ được nét riêng chua và cay.
Ẩm thực Thái vốn được nhiều người yêu thích bởi vị chua chua, cay cay và cách sử dụng các loại gia vị. Món lẩu Thái khi du nhập vào Việt Nam cũng được biến tấu phù hợp với sở thích của mỗi vùng miền, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị ban đầu của nó. Vì vậy, ngoài việc có các nguyên liệu cần thiết cho món ăn như: tôm sú, cá, ngao, mực, bò… món ăn sẽ không thiếu lá chanh, cà chua, húng quế, nấm rơm, ớt tươi, gừng, đường, nước chanh, sả, riềng…
Ở Sài Gòn, món lẩu Thái ngày nay rất phổ biến trong nhiều quán ăn. Tuy nhiên, nếu muốn ăn một món lẩu Thái ngon, đậm chất, bạn có thể đến một quán nhỏ nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận.
5. Lẩu cá thác lác
Cá thác lác ngon dai, có nhiều đạm. Khổ qua có tính giải nhiệt, mát. Vì vậy, nếu kết hợp cả hai với nhau sẽ tạo nên một món lẩu vừa ngon miệng, bổ dưỡng, lại vừa mang tính lành. Trong những ngày khí hậu nóng, hay khi bạn muốn ăn một món mang tính mát, lành, bạn có thể "giải tỏa" bằng món lẩu cá thác lác khổ qua cho cả gia đình, rất có lợi cho sức khỏe.
Món lẩu cá thác lác khổ qua có bán nhiều nơi, tuy nhiên, bạn có thể ghé thưởng thức món ngon này tại quán Ngân Nga trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận, TP HCM. Quán mở cửa từ 15 tới 22h các ngày trong tuần.
6. Lẩu tự chọn
Người Sài Gòn mê lẩu, nên lẩu cũng xuất hiện rất nhiều tại các nhà hàng lớn hay các quán ăn nhỏ như là một món ăn quen thuộc. Hiện trên nhiều con đường của thành phố, hình thức lẩu tự chọn theo sở thích riêng của mỗi người. Nồi lẩu nóng hổi, kết hợp vị cay ngọt của nước dùng cùng rất nhiều loại nguyên liệu tươi ngon đẹp mắt… sẽ mang lại cho bạn cảm giác ngon miệng, thú vị.
Lẩu tự chọn được bày bán hai bên lề đường Nguyễn Tri Phương và lúc nào cũng đông nghẹt khách. Khách đến với quán thường là sinh viên vì giá cả phù hợp, thoải mái lựa chọn. Đa phần những người đến quán đi theo nhóm đông. Những quán ở đây bán tầm 16h đến khuya.
7. Lẩu cá mú
Vị chua ngọt từ nước lẩu, vị thơm từ dứa, khế, cà chua, vị ngọt dai từ cá biển…
Những món ăn từ thịt lợn, gà, vịt trong những ngày tết có lẽ đã làm cho bạn có cảm giác ngán. Còn gì tuyệt vời bằng khi cùng gia đình ngồi thưởng thức bên nồi lẩu cá mú chua ngọt thơm ngon nóng hổi. Đây là món ăn phổ biến của người dân sống ở Hòn Tre (còn gọi là đảo Hải Tặc) tỉnh Kiên Giang. Ở Sài Gòn, khi đến một số nhà hàng lớn, bạn vẫn có thể thưởng thức món ngon mang hương vị từ biển cả này.
8. Lẩu cá bông lau
Thịt cá bông lau có sức quyến rũ lạ kỳ. Hầu như loại cá nào lúc còn tươi sống cũng tanh, nhưng riêng bông lau lại có một mùi thơm lạ lẫm. Nước lẩu dậy lên mùi thơm quyến rũ, khi nếm thử bạn sẽ cảm nhận ngay vị ngọt tự nhiên từ xương và một chút cay cay ngay đầu lưỡi rất thú vị. Tại Sài Gòn,. món lẩu này cũng được bán rất phổ biến trong một số quán ăn.
9. Lẩu chay
Từ những nguyên liệu tươi xanh từ các loại nấm, rau, củ, đậu phụ… lẩu chay sẽ mang đến cho bạn hương vị hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao. Món lẩu chay ngon đa phần nhờ những thành phần phong phú từ các loại nấm. Có rất nhiều loại nấm được sử dụng để tạo thành một nồi lẩu chay như: nấm rơm, nấm đông cô, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm kim châm, nấm đùi gà…
Bạn có thể ghé bất kỳ quán ăn chay nào cũng sẽ tìm được món lẩu chay ngon và bổ dưỡng. Xem "Lẩu chay vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe".

Stephanie Zubiri, một đầu bếp tài năng và cũng là nhà báo chuyên viết về mảng ẩm thực đến từ Philippines đã chia sẻ trên trang Philstar về những món ăn ngon và các nhà hàng ở Sài Gòn khiến cô mê tít trong chuyến du lịch tới Việt Nam.

Tôi thèm muốn chết để đến Việt Nam và thưởng thức món bún bò mà mình có cơ hội ăn lần đầu ở Paris. 1h sáng tại sân bay khi đến TP HCM, tôi như chảy nước miếng khi nhìn thấy các quán phở đêm vẫn mở cửa và đã sẵn sàng để ăn tất cả.

Tôi không có kế hoạch cụ thể phải đến thăm thú bất kỳ điểm du lịch hấp dẫn nào. Tôi chỉ thích đi bộ lang thang quanh các phố và thưởng thức thật nhiều món ngon.
Stephanie Zubiri tại một khu chợ ở Sài Gòn.

Sau một bữa sáng khá đơn giản vì tôi ngồi ăn ngay trên giường của khách sạn Park Hyatt (quận Lam Sơn, TP. HCM), tôi và các bạn đồng hành đã quyết định tìm kiếm cho mình một bữa trưa. Tôi vạch ra danh sách các món ăn và trong thời gian ngắn, chúng tôi phải cố gắng thưởng thức cả một kho tàng ẩm thực của thành phố.

Chúng tôi tìm đến những quán ăn bình dân, uống thêm ly cà phê cho bữa sáng và ghé thăm điểm đến của những người sành ăn với ly cocktail vào ban đêm. Những ngày sau đó, chúng tôi thưởng thức món thịt nướng ngoài trời, hải sản tẩm ớt và hưởng thụ một bầu không khí rất trong lành.

Chúng tôi tiến thẳng tới chợ Bến Thành (đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM). Khu chợ có đầy rẫy các mặt hàng và tôi muốn mang tất cả chúng về nhà. Từ những đôi đũa màu xanh và trắng tuyệt đẹp được khắc bằng sứ đến cái điếu cày, cà phê, cây ác-ti-sô và các loại thảo mộc. Tôi muốn có một chiếc áo dài truyền thống của người Việt và một bộ quần áo mặc ở nhà.
Bữa ăn tươi ngon với bún chả Cần Giờ và
 bia Sài Gòn chỉ có giá 1.5USD.

Tôi dừng chân tại một quán ăn và thưởng thức món bún thịt nướng chả giò cùng một ly bia Sài Gòn. Bát bún của tôi có đủ tất cả những thứ mà tôi yêu thích: thịt lợn nướng thơm ngon, nem cuốn giòn tan và thêm một chút gia vị. Jonathan - trưởng đoàn du lịch của chúng tôi thì ăn món phở gà. Từ nguyên liệu đến chất lượng và hương vị của bát phở đều sạch sẽ và hấp dẫn.

Bát phở gà nóng hổi, nước dùng trong veo được làm từ xương gà ninh trong thời gian dài nhưng giá chỉ có 1.5USD (khoảng hơn 30.000 đồng). Món tráng miệng của tôi là một cốc nước mía ép với hương vị tươi ngon tuyệt vời và cứ vương vấn trong tôi mãi.
Bát phở gà ngon và sạch khiến trưởng đoàn du lịch của chúng tôi mê mẩn.

Sau một buổi chiều lang thang trong các phòng trưng bày nghệ thuật và uống cà phê, chúng tôi có một bữa sáng bên cạnh hồ bơi với những chiếc phở cuốn ngon tuyệt tại khách sạn Park Hyatt.

Món cua của nhà hàng Lounge Xu (Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM) rất giòn và có vị đậm đà của nước sốt me chua cùng vị đắng của cải xoong. Trong khi tôi thích thú với con cua vỏ mềm to bự mình chưa từng nhìn thấy trước đó thì Jonathan lại say sưa với món rau trộn thịt bò cay.

Món sườn heo sốt cay là tuyệt vời hơn cả. Tôi gần như đã chảy nước mắt vì sung sướng khi uống một thìa nước sốt với rất nhiều hương vị sả, nghệ, nước cốt dừa… Cả tôi và Jonathan không thể ngừng tán thưởng về những món ăn này.

Nhà hàng Temple Club (Tôn Thất Thiệp, quận 1, TP HCM) cũng là một điểm đến tuyệt đẹp và bạn có thể thưởng thức phở cuốn cùng một ly cocktail trước khi ăn tối.
Những chiếc nem cuốn ngon nhất mà Stephanie Zubiri được ăn
và chỉ nhìn thôi cũng thấy nó giòn như thế nào.


Tối hôm đó, chúng tôi đã đến muộn, nhà hàng sắp đóng cửa và một nữ phục vụ bàn hỏi: “11h chúng tôi đóng cửa, bây giờ là 10h30, chỉ còn 30 phút, các bạn có chấp nhận ngồi ăn không?”. Với khoảng thời gian có hạn, chúng tôi đã được thưởng thức món thịt lợn nướng ướp gia vị, thịt bò xào sả, cơm trắng thơm ngon, đậu bắp và cà tím nướng cùng bia tươi…

Ngày hôm sau cũng có không ít thú vị khi chúng tôi tới nhà hàng Ngọc Sương (Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM) để thưởng thức hải sản. Với 8 món cho hai người ăn, chúng tôi phải rất cố gắng để thưởng thức tất cả.

Món cá đá với hình thù khá xấu xí nhưng thú vị, nhìn giống như một chú hoàng tử ếch đứng giữa lớp sương mờ và nước tương của món cá như những đám mây tuyệt đẹp. Tôi đã phải thốt lên rằng: “Tôi yêu Sài Gòn” khi thưởng thức những món ăn tuyệt ngon đó.

Chúng tôi kết thúc một ngày với món bánh truyền thống của Philippines. Nhưng trong đầu của tôi luôn tràn ngập hình ảnh của sả, ớt cay xè, những món ăn tuyệt vời và những con người thú vị của Sài Gòn, Việt Nam.
Một món hải sản ở nhà hàng Ngọc Sương.

Trong cảm nhận của tôi, Việt Nam có hai hình ảnh trái ngược nhau: một hình ảnh Việt Nam khó khăn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Một hình ảnh Việt Nam tràn đầy sức sống với phong cách nấu ăn đa dạng, tinh tế và bình dị với hình ảnh cô gái Sài Gòn mặc áo dài và đi xe đạp.

Người dân di chuyển quanh thành phố trên những chiếc xe hai bánh, từ xe thông dụng như Wave Honda đến loại xe sang trọng là Vespa. Bạn có thể nhìn thấy trong đôi mắt của họ, sự thành công của họ phụ thuộc vào một điều duy nhất: họ làm việc chăm chỉ như thế nào.

TP HCM ngày nay gây ấn tượng sâu sắc bởi cuộc sống sôi động và đầy nhiệt huyết. Tinh thần chiến đấu anh dũng của người Nam trong quá khứ vẫn còn đó, nhưng đang tiến lên theo những định hướng đã vạch ra là: phát triển và thịnh vượng.


Chợ đêm sinh viên không chỉ là nơi phục vụ chủ yếu cho đối tượng là sinh viên, mà còn nổi tiếng vì không ít những người bán hàng ở đây sáng sáng vẫn “mài quần” trên ghế các giảng đường đại học.

Là sinh viên, khi đi sắm cho mình những bộ cánh, những chiếc kẹp hay những đôi giày xinh xắn dễ thương thì điều mà chúng ta quan tâm trước tiên là giá cả, mẫu mã rồi mới đến chất lượng.

Để đáp ứng được các tiêu chí trên, nhiều bạn băn khăn không biết mua hàng ở đâu cho phù hợp. Tôi xin giới thiệu một số chợ đêm ở TPHCM có thể mua hàng giá rẻ mà mẫu mã cũng hết sức đa dạng để các bạn sinh viên tham khảo nhé.

Trước tiên phải kể đến chợ đêm ở làng đại học Thủ Đức. Chợ đêm ở đây thuộc dạng tự phát nằm đối diện trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Chợ thường hoạt động sôi nổi từ 19h tới 22h, tuy nhỏ nhưng bạn muốn mua gì cũng có, giá cả lại rất sinh viên. Điều đặc biệt khi bạn ghé chợ này là đa phần người mua và người bán hầu hết đều là các bạn sinh viên.

Những gian hàng đồ handmade cho chính các bạn sinh viên thiết kế. Ảnh: M.N
Những gian hàng đồ handmade cho chính các bạn sinh viên thiết kế. Ảnh: MN

Nhiều bạn muốn kiếm thêm thu nhập và chủ động trong việc làm thêm nên tự bỏ vốn ra kinh doanh, do vậy khi mua hàng ở đây, bạn sẽ thấy một cảm giác rất lịch sự, thân thiện mà không nơi nào có được. Chợ trở thành nơi cho khá nhiều bạn sinh viên bươn chải kiếm sống.

Dạo một vòng chợ bạn sẽ bị hàng hóa ở đâycuốn hút ngay vì hàng hóa vừa rẻ lại vừa đẹp. Những mặt hàng handmade do các bạn sinh viên tự tay làm bán cũng không kém phần xinh xắn vậy nên các bạn nhớ kiểm soát túi tiền của mình nhé.

Đi dạo một vòng nếu mệt và đói thì hãy dừng chân thưởng thức những món ăn đặc sản của làng đại học. Bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, ốc, tàu hủ đá, kem xôi…là các món không thể bỏ qua nếu bạn đã ghé qua đây. Tin chắc rằng, bạn sẽ thấy thật sự bất ngờ vì sự đa dạng của ẩm thực nơi này, giá cả cực rẻ lại ngon, rất phù hợp với túi tiền sinh viên.

Trải dọc trên đường Nguyễn Bá Luật quận Thủ Đức, gần trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và trường Cao đẳng Xây dựng là chợ đêm Bắc Ninh.

Tuy không được nổi tiếng như các chợ đêm khác ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng chợ đêm Bắc Ninh lại là một nơi thu hút rất đông các bạn sinh viên đến mua hàng. Chợ nằm ở vị trí thuận lợi, gần các trường đại học nên hàng hóa ở đây cũng đa dạng, phong phú không kém gì các phiên chợ khác.

Khoảng tầm từ 19h tối, chợ đã bắt đầu nhộn nhịp, người mua kẻ bán chen kín nhau hết cả lối đi.

Đến chợ, điều mà bạn ngạc nhiên là người đi mua chỉ toàn là chị em phụ nữ, có thể vì thế mà người ta hay gọi ví von chợ này là “chợ con gái”.

Cũng như các chợ đêm sinh viên khác, hàng hóa ở chợ Bắc Ninh chất lượng không cao. Có thể vì thế mà giá cả ở đây khá mềm phù hợp với đa số sinh viên và công nhân, người bán cũng rất dễ tính thuận bán vừa mua.

Khi đến chợ mua hàng, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái. Tuy nhiên, chợ đêm Bắc Ninh có đặc điểm là không rộng lắm mà người mua đông đúc nên thường không còn chỗ giữ xe. Do vậy trước khi đi dạo chợ bạn phải tìm cho mình một nơi gửi xe gần đó rồi hẵng ghé thăm các gian hàng.

Còn chợ đêm Hạnh Thông Tây nằm trên đường Quang Trung, Quận GòVấp là một địa điểm khá nổi tiếng mà nhiều người biết. Khách hàng quen thuộc của chợ chủ yếu là công nhân và sinh viên.

Ngay từ 6h tối, chợ đã bắt đầu hoạt động sôi nổi. Hàng hóa bày la liệt từ đầu chợ đến cuối chợ, chỉ mới nhìn qua thôi là đã thấy hấp dẫn. Hàng hóa ở đây đa dạng từ quần áo, túi xách cho tới các phụ kiện, tramg sức…tất cả đều rẻ lại hợp thời trang, vừa túi tiền.

Một điều không kém phần quan trọng làm nên sự đông đúc, nhộn nhịp của phiên chợ này chính là thái độ lịch sự, hòa đồng, vui vẻ của người bán hàng.

Bạn sẽ rất thoải mái và vui vẻ khi mua hàng ở đây, người bán hàng dễ chịu lại rất vui nhộn, hài hước. Những tiếng rao của người bán hàng như làm nên đặc trưng rất quen thuộc, không thể nhầm lẫn với nơi nào được.

Đi chợ Hạnh Thông Tây, bạn nên đi sớm vì chợ rất rộng mà hàng hóa lại đa dạng. Nếu đi sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian đảo qua một vòng hết khu chợ để lựa chọn được món hàng thích hợp cho mình.

Nếu bạn là một tín đồ của mua sắm, muốn có những mặt hàng sở hữu phong cách cho riêng mình vừa rẻ, vừa đẹp thì hãy ghé thăm những phiên chợ đêm sinh viên tôi vừa nêu ở trên nhé.

Ẩm thực vỉa hè Sài Gòn có đặc điểm thường quy tụ về một nơi, một xóm, một phố, một phường đông vui.

Phố bún mắm

Đường Nguyễn Nhữ Lãm, quận Tân Phú, có đoạn chỉ dài khoảng 200 m nhưng trên 100 hàng quán, trong đó hơn 20 quán bán bún mắm. Vì vậy, con đường này còn được gọi con đường bún mắm.

Bạn có thể chọn xuất xứ như bún mắm Sóc Trăng, Châu Đốc, Trà Vinh… và cả bún mắm Sài Gòn. Điểm cộng cho khu vực ẩm thực tại đây là ngồi ở quán này có thể gọi món ăn ở quán khác. Ngoài ra, trên đoạn đường này còn có các món khác như chè, cháo, hủ tíu mì Tàu, mì Quảng, mì Italia, bò bít tết, phở, bánh cuốn, cơm tấm, cơm gà, cháo vịt… Các quán bán từ 5h sáng đến 12h khuya.

Phố bún mắm Nguyễn Nhữ Lãm.
Phố bún mắm Nguyễn Nhữ Lãm.

Đường cơm gà xối mỡ

Đường Ba Đình, phường 10, quận 8 cũng được thực khách gọi là “con đường cơm gà xối mỡ”. Bắt đầu từ đoạn cầu Nguyễn Tri Phương rẽ vô đường Ba Đình chỉ vài chục mét nhưng có khoảng 6 quán bán cơm gà. Thực tế chỉ có khoảng hai, ba thương hiệu nhưng “bành trướng” ra các nhà kế bên. Cơm gà xối mỡ ở đây giòn, thơm, giá cả bình dân.

Ngoài ra, trên đường Hậu Giang, phường 2, quận 6, cũng có 4 quán bán cơm gà xối mỡ chất lượng, giá bình dân. Nước xốt ở đây ngọt ngọt, mặn mặn - lạ miệng. Cao cấp hơn là khu vực đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, với 5-7 quán, có thêm các món gà ác tiềm, gà hấp…

Đường cơm gà xối mỡ nhộn nhịp nhất từ khoảng chiều tà cho đến tối.

Đổi vị với món Bắc

Khu trung tâm quận 1, ở góc đường Nguyễn Huệ - Hải Triều có một dãy quán ăn chính tông gốc Bắc đã hơn 20 năm. Tuy tạo thành dãy nhưng chỉ có hai quán Cấm Chỉ và phở Hà. Thực đơn của Cấm Chỉ phong phú với các món phở, miến, món nhậu, xôi… Đặc trưng nhất vẫn là món trứng non và ngọc kê. Trên bàn thường dọn kèm lạc rang húng lìu, bánh quảy nhỏ và ớt khô, nước mắm, tương đen, tương ớt. Quán mở cửa từ 3h30 chiều đến 5h sáng hôm sau.

Phố tiềm

Con đường ăn uống Phan Xích Long mà nhiều người quen gọi là đường 41 ở quận 11, khá đông đúc với khoảng 20 quán san sát nhau. Con đường bán đủ món từ hủ tíu, bún mắm, cháo, sinh tố… Phong phú nhất vẫn là các món tiềm, súp bong bóng cá, cháo đầu cá, cháo thập cẩm, cháo hải sản… nấu theo kiểu người Hoa. Món nổi tiếng hàng chục năm nay ở đường 41 là gà ác tiềm thuốc bắc, ngầu pín tiềm, súp bong bóng cá. Cứ tối đến, cả đoạn đường sáng trưng, tiếng mời khách lẫn với tiếng xào nấu xôn xao.

Đại lộ ẩm thực

Chạy dọc đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường 8 và phường 9 quận 10, chắc chắn bạn sẽ thấy choáng vì độ phủ và đa dạng của quán xá nơi đây. Nói đến phở, có khoảng 5-6 thương hiệu như phở 24h, phở 5 Sao, phở Hùng, phở Quỳnh, phở Tương Lai… Các quán bán đặc sản miền biển, lẩu xiên, lẩu nướng… có hơn chục căn.

Đồ ngọt nổi tiếng lâu nay trên đoạn đường này là chè Thái, chè lạnh có khoảng 4 tiệm với quy mô khá hoành tráng, chè nóng cũng có 2 quán. Gần chục cửa hàng bán yến sào, chè yến các loại. Cửa hàng bán thức ăn nhanh KFC, pizza Domino, cơm gà, bánh cuốn, bánh canh ghẹ, bánh mì. Rồi nào là trà sữa, yogurt, kem… có hơn 10 tiệm. Ngoài ra, tại góc đường Nguyễn Tri Phương - Vĩnh Viễn còn có 2 quán bán hủ tiếu Nam Vang.

Phố của họ nhà… lẩu

Món lẩu hiện nay vô cùng phong phú với đủ cách nấu, đủ loại nguyên liệu đang hội tụ về đất Sài Gòn. Nếu mỗi ngày bạn đi ăn một món lẩu khác nhau ở thành phố này thì phải mất hơn nửa tháng mới tạm gọi là điểm danh đủ mặt họ nhà lẩu. Từ món lẩu dê tên tuổi, lẩu bò ngon mà rẻ, lẩu đầu cá, lẩu cá kèo dân dã, lẩu hải sản phong phú, lẩu mắm đậm đà; cho đến lẩu chua đủ cung bậc, chua của me, chua của lá giang, của mẻ, của khế... Còn nếu chọn một món lẩu nào đó như lẩu dê chẳng hạn, thì đi ăn cả tháng trời chưa chắc đã hết các quán bán món này.

Một số khu vực bán lẩu ở thành phố: quận 1: khu Nguyễn Công Trứ, lẩu dê. Quận 3: khu Ngô Thời Nhiệm - Trương Định, lẩu bò, lẩu dê. Khu Bà Huyện Thanh Quan - Sư Thiện Chiếu, lẩu cá kèo. Quận 5: khu Huỳnh Mẫn Đạt - lẩu dê, lẩu thập cẩm. Khu Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi, lẩu đầu cá.

Phố ốc sầm uất

Nói đến ăn vỉa hè không thể thiếu món ốc, vì nó là món ăn đặc trưng “quán cóc” thứ thiệt của Sài Gòn. Đa số quán ốc mở cửa từ chiều đến tối khuya, ban đầu như để dành cho dân nhậu. Rồi tiếng lành đồn xa, quý bà quý cô, khách văn phòng… bắt đầu ghé đến; giới trẻ cũng thích lể ốc vừa rẻ ngon vừa vui. Và món ốc trở thành “cao thủ” ăn vặt Sài Gòn.

Ốc có nhiều cách chế biến như hấp, luộc, nướng, xốc, um với bơ, tỏi, me, ớt, sa tế… Hầu hết các gia vị chấm làm ngon. Ngoài ốc, quán còn kèm cua, ghẹ, hột vịt lộn, khô mực, khô cá khoai…

Hiện những phố ốc nổi tiếng ở Sài Gòn với mức độ sầm uất phải kể đến là dãy quán hai bên đường Thành Thái, quận 10, bán từ trưa cho đến khuya, đèn đuốc sáng choang. Ít ồn ào hơn là phố ốc trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 và hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc, quận 3. Có tiếng từ lâu có xóm ốc hẻm 391-393 Trần Hưng Đạo, quận 1. Và hàng trăm quán ốc vỉa hè đúng nghĩa có mặt khắp Sài Gòn để phục vụ khách ăn rong...

Quen thuộc mì Ý

 Mì Ý với cà tím xào cay.

Mì Ý chay

 

 Món mì đen Squid Ink với xốt hải sản đặc trưng của phố cổ Venice

Mì Ý là món ăn quen thuộc đến mức chỉ trong 0,19 giây, bạn sẽ có khoảng 10.300.000 kết quả trên Google với hàng triệu công thức chế biến và hàng ngàn khúc biến tấu khác nhau.

Khi mới du nhập, mì Ý thuộc dạng xa xỉ phẩm, chỉ một số nhà hàng lớn kinh doanh mặt hàng này. Sau đó, do nhu cầu hội nhập, món ăn này dần được “bình dân hóa”. Đến nay, không ít bà nội trợ luôn “thủ” sẵn nguyên liệu chế biến món ăn này trong bếp để thỉnh thoảng đổi bữa cho gia đình.

Cách chế biến mì Ý khá đơn giản. Mì Ý mua về, luộc trong nước sôi khoảng 4-5 phút, trút ra rổ, cho thêm ít dầu để sợi mì bóng và không dính vào nhau. Phần sốt được chế biến đơn giản hay cầu kỳ tùy sở thích nhưng cơ bản nhất là phô mai, tỏi, hành tím, cà chua… Ngoài hai nguyên liệu chính thịt bò xay nhuyễn, hải sản thường thấy, bạn có thể biến tấu với đùi gà, các loại nấm, rau, củ. Một đĩa mì Ý ngon hội tụ đủ các yếu tố béo của phô mai, trơn mềm của mì, tươi ngọt thịt hay hải sản.

Dẻo mềm mì Nhật

Tạo hình hấp dẫn của mì udon
Soba với sợi mì màu xanh quyến rũ.
Kim chi ramen.

Mì Nhật có khá nhiều loại như ramen, soba, udon… Mỗi loại mì có một vị cách chế biến và vị ngon khác nhau.

Sợi mì Udon được làm từ bột mì và thường ăn kèm với nước dùng nấu từ hải sản và các loại thịt. Song cách thưởng thức loại mì này ngon nhất là ăn cùng thịt bò thái mềm, các loại hải sản tẩm bột chiên giòn và trứng luộc để bên trên.

Sợi mì soba được làm từ bột mạch và bột mì, sau đó được nhào kĩ và cắt thành sợi nhỏ. Mì soba thường được ăn kèm nước sốt cà, bắp cải xào hải sản hay sốt mayonaise béo thơm. Một món ăn được nhiều người biết đến của loại mì này là món mì soba lạnh được nấu với nước dùng thịt và hải sản tươi.

Lưu ý nhỏ là khác với món mì nóng (mì dùng chung với nước súp), mì lạnh thường khiến người ta “rùng mình” với cách thưởng thức “ăn sẽ gặp Tào Tháo”. Song nếu bỏ qua cảm giác ấy, mì lạnh mang đến cho người dùng một cảm giác hoàn toàn khác hẳn với độ thanh, mát đúng nghĩa.

Chua cay mì Hàn Quốc

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, mì Hàn Quốc thu hút thực khách nhờ sự phong phú của màu sắc, kích thước vượt trội, độ bóng mịn... hứa hẹn một bữa ăn lý thú.

Mì Hàn Quốc có khá nhiều loại, mì bò cay, mì kim chi, mì hải sản, mì trộn, mì xào… Mỗi món có một hương vị riêng, cách thưởng thức riêng, song nếu ai từng thưởng thức qua một lần một trong số các món mì này không thể quên vị chua, cay của kim chi trong nước dùng và phần ăn kèm. Nổi bật nhất là mì Jajang với nước sốt chunjang được làm từ đậu tương đen xào cùng với thịt, rau củ cắt nhỏ và một chút hải sản.

Sài Gòn những ngày cuối tháng 11, vẫn nắng nồng nàn, vẫn gay gắt mỗi buổi sáng chiều, nhưng lạ lẫm chếnh choáng gió hanh hao lúc tắt nắng. Trong khí trời ấy, những kẻ lang thang mỗi lần qua con đường Tôn Đức Thắng đoạn giao Nguyễn Hữu Cảnh thật khó mà cưỡng lại mùi thơm nồng ấm, hấp dẫn đầy quyến rũ của những quán bò lá lốt, mỡ chài nơi đây. 
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 2
Ngoài bò nướng lá lốt, ở đây còn có bò cuốn mỡ chài cũng rất được ưa thích.

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 3
Thịt bò được nướng trên bếp than hồng tỏa mùi làm dậy hương thơm cả một góc phố
Nguyên một dãy quán đối diện Saigon Trade Center, bán chỉ một loại hàng ăn, cứ tầm 4 giờ chiều là “nổi lửa” ngay vỉa hè, và có nhân viên chào đón khách nhiệt tình. Quán không có tên như các nhà hàng sang trọng mà chỉ có chung một loại biển ghi tên món và giá tiền: 20.000 đồng/phần. 
Món bò cuốn lá lốt này được chế biến khá đơn giản: thịt bò rửa sạch, vắt ráo, xắt mỏng, bằm củ hành, tỏi, sả, các loại gia vị khác trộn đều và ướp với thịt. Lá lốt đem rửa sạch, bỏ thịt bò vào lá và hột tiêu gói lại. Đem để lên vỉ, nướng trên than hồng, cho lá ngoài vừa chín, xong gắp ra dĩa, múc mỡ thoa đều lên lần nữa hay bơ cũng được. 

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 4
Cái khó là làm như thế nào để lá lốt không quá chín, khô queo hay cháy lá, vì thế tính lượng thịt, căn lửa vừa phải là rất quan trọng. 

Trong khi ngồi chờ, khứu giác của chúng ta được đánh thức bởi mùi thơm của thịt bò hòa chung với lá lốt trên lửa, mùi khói ấm từ than lan trong gió, khiến ta ngây ngất. Để rồi khi từng dĩa rau được bưng ra, những chén nước chấm được mang đến cùng bò lá lốt vừa nướng xong để ngay trước mặt thì không thể chờ đợi hay kìm lòng mà ngắm thêm được, tất cả những gì thực khách muốn đó là ăn ngay và luôn.
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 5
Các loại rau ăn kèm rất phong phú như: xà lách, húng quế, diếp cá, chuối chát, dưa leo, khế... cùng chén mắm nêm thơm ngon
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 6
Ở đây, rau ăn kèm thoải mái, có gọi thêm cũng không tính thêm tiền.

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 7
Mỗi một dĩa (một phần) này là 20.000 đồng.

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 8
Sau khi vừa nướng xong, bò còn được rắc đậu phộng...

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 9
.... sốt và mỡ hành lên làm món ăn càng hấp dẫn hơn.
Có nơi ăn món này với bánh hỏi nhưng thường ở đây ăn kèm với bún, bánh tráng, các loại rau xà lách, diếp cá, húng quế.. thêm một ít chuối chát, dưa leo, khế thái lát mỏng và dĩ nhiên không thể thiếu chén mắm nêm. 
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 10
Thiếu mắm nêm, món bò nướng lá lốt sẽ mất hẳn cái đặc trưng.
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 11
Nếu thích thực khách có thể thêm ớt để tăng vị cho món ăn. 
Như đa số các món cuốn bánh tráng khác, cuốn đẹp hay không còn ở sự khéo léo và điêu luyện của người ăn. 
Lấy một lát bánh tráng mỏng, cho lên trên lát xà lách, một ít bún tươi, vài cọng rau các loại, thêm một lát chuối chát, dưa leo, khế sau cùng là một cuốn bò lá lốt, cuốn tròn lại chấm vào mắm nêm và thưởng thức.
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 12
Cần chú ý lượng rau, bún... đồng đều để cuốn không quá to hay quá nhỏ, vừa miệng ăn.
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 13
Khi cuốn làm sao để không quá chặt, cuốn sẽ rách, không quá lỏng, cuốn sẽ bị rời.

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 14
Việc còn lại là cầm cuốn chấm vào bát nắm nêm đậm đà.

Món ăn hấp dẫn với vị ngon của thịt bò nướng lá lốt, vị béo của đậu phộng hòa chung cái vị chát của chuối xanh, vị chua của khế, cái thanh thanh của nhiều loại rau giòn mát, cùng hương thơm đặc trưng của mắm nêm cay cay làm cho món ăn thêm đậm đà và ngon miệng. 
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 15
Thưởng thực các vị hòa lẫn, đánh thức ngũ vị của chúng ta.

Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 16
Món này không kén người ăn.
Trong khi cuốn, bạn bè có thể cùng chia sẻ những câu chuyện cười, uống cốc nước mía mát lạnh làm tròn vị thêm cho món ăn từ bao năm vẫn là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn người dân Sài Gòn dù cho có nhiều e ngại vấn đề về vệ sinh và an toàn như đa số các món ăn đường phố khác. 
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 17
Đây là địa chỉ quen thuộc và yêu thích của bao thế hệ học sinh, sinh viên cũng như người đã đi làm vì không gian thoáng đãng, thoải mái, vì giá cả phải chăng, vì những ưu đãi mà không phải ở đâu cũng có, đó là không mất tiền xe, rau ăn thoải mái. Vừa có thể thưởng thức món ngon, lại vừa ngắm phố phường lúc lên đèn rất đẹp. 
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 18
Con đường Tôn Đức Thắng dưới ánh đèn vàng ấm rất đẹp vào buổi tối.
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 19
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 20
Quán có đủ thành phần, các đôi tình nhân, gia đình, bạn bè...
Khách đi xe đến, tấp vào lề và bước vào chỗ ngồi bất kỳ  trên vỉa hè rộng thoáng này và được phục vụ nhanh chóng cho đến tận 22h30.  Điều đặc biệt là ở đây đưa thẻ xe theo nhóm, nhóm 2 người cũng 1 thẻ xe, nhóm 7 xe, hơn chục người cũng một thẻ xe. Và xe sẽ được nhân viên quán đắt vào hẻm, đến khi ăn uống xong xuôi, bạn sẽ tự vào lấy. 
Đêm Sài Gòn thơm ấm bò nướng lá lốt Tôn Đức Thắng 21

Bánh cóng ở Sài Gòn

Chè Sài Gòn

Cách làm bánh cay thơm ngon đặc sản Sài Gòn

Cách làm bún mắm miền Tây

(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý