10 điều chưa biết về thuốc tránh thai khẩn cấp

Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp không còn là điều xa lạ với phụ nữ hiện nay. Tác dụng và cách dùng có lẽ chị em đều đã nằm lòng, tuy nhiên có những điều không phải ai cũng biết. Hãy cùng PhunuNet khám phá 10 điều về thuốc tránh thai cấp tốc khá thú vị dưới đây nhé!

1. Có tới 50% số phụ nữ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp bị buồn nôn và nôn. Như vậy, hiệu quả của thuốc sẽ bị giảm, chưa kể các tác dụng phụ khác như kinh nguyệt không đều, rong huyết, đau đầu, chóng mặt...

2. Tất cả các loại thuốc tránh thai khẩn cấp này đều không có tác dụng 100%. Thông thường trong vòng 24 giờ đầu hiệu quả là 95%. Từ 25 tới 48 giờ hiệu quả 85% và từ 49 tới 72 giờ giảm xuống 58%

3. Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục về lâu dài sẽ gây hạn chế sự phát triển và rụng trứng, khi ngừng thuốc thì buồng trứng cần một khoảng thời gian tương đối dài để hồi phục. Dùng quá liều còn khiến teo niêm mạc tử cung, trứng không làm tổ được dẫn tới vô sinh.

4. Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể giữ nước nên khiến nhiều chị em phụ nữ sau khi sử dụng có hiện tượng căng tức ngực. Tùy theo mức độ giữ nước và cơ địa của mỗi người mà thời gian căng tức ngực này có kéo dài hay không. Nhưng sau một khoảng thời gian nhất định thì hiện tượng này sẽ tự khỏi.

5. Thuốc tránh khai cấp tốc gây rối loạn kinh nguyệt. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ khác nhau cũng không giống nhau. Có người sẽ bị chậm kinh hoặc mất kinh trong một khoảng thời gian, có những chị em phụ nữ lại bị rong kinh, rong huyết, có người thì ra máu ngoài kinh nguyệt…

6. Thuốc uống tránh thai khẩn cấp không phải là giải pháp duy nhất. Ngoài các viên thuốc uống tránh thai khẩn cấp, bạn còn có thể cấy vòng tránh thai (IUD) khẩn cấp. Đây là một dụng cụ chuyên dụng nhỏ, bằng chất dẻo và đồng, có thể cấy vào tử cung của người phụ nữ tới 5 ngày sau khi "quan hệ" không an toàn.

7. Tránh thai khẩn cấp không phải nạo phá thai. Trong thực tế, các viên thuốc tránh thai khẩn cấp ngăn cản việc giải phóng hay thụ tinh trứng, hoặc ngăn cản trứng đã được thụ tinh bám vào tử cung. Do đó không thể coi là nạo hay phá thai. Các nghiên cứu y khoa và các cơ quan luật pháp đã nêu rõ rằng, đây là một cách phòng ngừa nguy cơ "dính bầu" và không được coi là nạo, phá thai.

8. Một số đối tượng không nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Nếu chị em nào thuộc nhóm những đối tượng sau đây thì nên lưu ý, hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp: Mẫn cảm với bất cứ thành phần của thuốc, Mang thai hoặc nghi mang thai, Chảy máu âm đạo bất thường không chẩn đoán được nguyên nhân, các bệnh về gan và tim mạch.

9. Hiệu quả của thuốc không liên quan đến trọng lượng cơ thể. Nhiều người cho rằng, những người nặng cân, béo phì khi dùng thuốc sẽ đạt hiệu quả thấp hơn so với những người có trọng lượng khỏe mạnh. Nhưng thực tế hiệu quả của thuốc đối với phụ nữ ở các trọng lượng là như nhau.

10. Uống thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn có bầu. Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp không thể đảm bảo 100% không dính bầu. Nếu chẳng may bị mang thai khi đã dùng thuốc, bạn cũng không nên quá lo lắng mà hãy đi khám sớm để được các bác sĩ tư vấn thêm về cách giữ gìn sức khỏe.