Trong thời kì bão giá ai cũng mong tiết kiệm được khoản này khoản khác, đặc biết trong chuyện ăn uống. Tuy nhiên không phải ai muốn cũng làm được. Hãy cùng tham khảo 1 số bí quyết dưới đây, đảm bảo bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá trong vấn đề ăn uống đấy nhé!
Trữ sẵn đồ khô:
Các loại củ và thực phẩm khô có thể để được lâu như hành, tỏi, gừng, măng khô, mục nhĩ, nấm hương…thì nên mua mỗi lần từ 0,5-1kg để dùng dần. Mua theo kg sẽ dôi và giá rẻ hơn mua lẻ. Tuy nhiên chỉ nên mua đủ dùng trong khoảng 1 tháng trở lại, vừa không tốn quá nhiều diện tích bảo quản, vừa tránh hư hỏng vì để quá lâu.
Đẩy mạnh những món tự làm:
Các món phụ có thể để được cả tuần và dễ làm như muối vừng, lạc, ruốc, lạc rang muối, dưa, cà,…thì nên tranh thủ buổi tối hoặc cuối tuần tự làm tại nhà để sẵn đó dùng dần.
Ngoài ra, các chị khéo tay cũng có thể tự làm chân giò muối, giò xào, giá đỗ tại nhà. Vừa ngon, đảm bảo vệ sinh, lại tiết kiệm.
Sơ chế đồ tươi rồi bảo quản trong tủ đá:
Thay vì mua vài lạng thịt gà, bạn nên mua cả con, về sơ chế sạch rồi chia làm nhiều phần (mỗi phần một bữa) để tủ đông ăn dần. Mua cả con giá thành rẻ hơn và chế biến được nhiều món.
Tận dụng thức ăn thừa: Sau bữa ăn có thể còn thừa lại một chút rau hoặc một ít thịt. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng lại những đồ đó để nấu mỳ cho bữa sáng cả nhà, hoặc có thể chế thành món cơm rang rất hứu ích. Bạn chỉ cần thêm một chút gia vị như hành, tỏi, ớt, ... theo khẩu vị ăn của mỗi người là sẽ có một món ăn ngon.
Giảm lượng thịt mỗi bữa ăn:
Nhu cầu ăn của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng một bữa ăn của bạn chỉ nên có khoảng 90g thịt đã nấu chín. Nếu khẩu phần ăn của bạn chia ra làm 4 phần thì thịt chỉ nên chiếm ¼, tinh bột chiếm ¼ và ½ còn lại là rau. Ăn lượng thịt vừa đủ sẽ tốt cho sức khỏe cũng như tiết kiệm chi phí cho bữa ăn của bạn.
Giữ thực phẩm thừa luôn tươi:
Những chiếc hộp kín có thể giữ được thức ăn được tươi ngon như vừa chế biến xong. Vì vậy, hãy chắc chắn bạn luôn có những chiếc hộp kín để cất những thức ăn thừa sau bữa cơm gia đình và dùng lại vào ngày hôm sau.
Chuẩn bị cặp lồng cơm trưa:
Chỉ cần bạn chịu khó một chút, chuẩn bị những đồ ăn thừa từ tối hôm trước để chế biến thành bữa trưa mang tới văn phòng là bạn có thể tiết kiệm được một chút rồi. Mang cơm đến văn phòng vừa tiện lợi, đảm bảo vệ sinh lại còn tiết kiệm nữa.
Nấu một lần ăn hai lần:
Với một số món bạn có thể nấu nhiều lên và ăn một phần vào hôm nay và phần còn lại để vào ngăn đá tủ lạnh, sau đó vài ngày bạn vẫn có thể dùng lại. Việc làm này giúp tiết kiệm công sức nấu nướng đồng thời sử dụng tối đa các nguyên liệu đã mua cũng như tiết kiệm cả chi phí gas hay điện nữa. Đây là một trong những mẹo nấu ăn ngon mà rẻ đã được không ít chị em áp dụng và rất thành công đấy!
Tìm các nguyên liệu tương đồng để thay thế một vài món đắt tiền trong công thức nấu ăn.
Thực tế có nhiều loại thực phẩm mang hương vị khá giống nhau và bạn hoàn toàn có thể thay thế một nguyên liệu xa lạ, đắt tiền bằng một thực phẩm quen thuộc hơn.
Mua thực phẩm đúng mùa:
Sản phẩm trái mùa thường có giá rất đắt, thậm chí có nguy cơ chứa chất bảo quản, vậy nên nên xem xét đi chợ theo phương pháp mùa nào mua thức ấy để đảm bảo có nguồn thực phẩm tươi ngon và giá rẻ.
Nắm rõ và sử dụng mọi thực phẩm có sẵn trong nhà:
Thường xuyên kiểm tra thực phẩm còn lại trong tủ lạnh để lên kế hoạch sử dụng hợp lý trước khi chúng bị hỏng. Nếu có thể, liệt kê những thực phẩm đó vào một mảnh giấy nhớ dán trước cửa tủ lạnh, để các thành viên còn lại trong gia đình đều biết, tránh mua thêm đồ gây lãng phí.
Đi chợ đầu mối vào cuối tuần:
Ai cũng biết chợ đầu mối tiết kiệm hơn chợ lẻ rất nhiều. Nếu sắp xếp được thời gian, bạn nên dành một buổi sáng thứ bảy hoặc chủ nhật đi chợ đầu mối mua đồ khô và các loại rau củ dùng cho cả tuần. Các loại rau ăn trước rồi đến các loại củ để tránh bị hỏng. Đồ tươi thì sơ chế rồi đóng thành các túi vừa ăn cho ngăn đá.
Nên đi chợ đầu mối vào cuối tuần vì như vậy bạn mới có thời gian sơ chế món ăn.