Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đó là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol (LDL), triglyceride trong cơ thể. Cách điều trị đơn giản và hiệu quả nhất là điều chỉnh ngay trong bữa ăn hằng ngày với những nguyên tắc sau đây.
1. Chọn những thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol thấp: Đây là nguyên tắc đầu tiên và thiết yếu đối với người bệnh mỡ máu cao. Các thực phẩm chứa ít cholesterol là rau xanh, nấm hương, bí đỏ, các sản phẩm được làm từ đậu, lạc, thịt nạc…
2. Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo no: Đây là những chất rất dễ làm tắc động mạch. Theo đó, bạn nên hạn chế mỡ động vật và sữa. Nếu dùng sữa chỉ nên dùng loại sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1-2%. Nên dùng dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu olive thay cho mỡ lợn.
3. Không nên ăn quá 255g/tuần lượng thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như bò, ngựa, trâu, cừu có chứa nhiều cholesterol, nếu bạn lạm dụng nó sẽ làm gia tăng bệnh. Thay vào đó là ăn thịt nạc, gia cầm bỏ da, đặc biệt sử dụng cá nhiều hơn thịt để thu nhận acid béo hệ Omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Những loại cá rất tốt như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu…
4. Ăn hoa quả tốt hơn dùng nước ép trái cây: Một số người có thói quen dùng nước ép hoa quả thay cho việc ăn trực tiếp các loại quả này. Tuy nhiên, đối với bệnh mỡ máu cao thì ăn hoa quả trực tiếp, đặc biệt những hoa quả ít ngọt như táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi… sẽ giúp tăng lượng chất xơ trong bữa ăn. Đây là những chất xơ dưới dạng hòa tan. Những thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan sẽ làm giảm lượng chất béo và cholesterol được hấp thụ vào cơ thể, không chỉ vậy còn giúp hệ tiêu hóa được cải thiện.
5. Không nên ăn tối quá muộn: Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hoá và sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch. Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường vận động để giảm cân nếu béo phì, không nên hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)
Theo Kiến Thức