Ăn dặm kiểu Nhật Bản

I. Phương pháp ăn dặm của Nhật

Trẻ sơ sinh không cần học tự bé cũng biết bú sữa mẹ hoặc bú sữa bình bởi đó là bản năng của bé. Nhưng khi đến tuổi ăn dặm, đối với thức ăn khác ngoài sữa, bé cần được tập ăn. Đã từ lâu, người Nhật nuôi con ăn dặm theo một phương pháp khoa học khá đơn giản và dễ thực hiện.

Trẻ em Nhật Bản trên toàn quốc đều được mẹ chúng tập ăn theo phương pháp này. Nhật Bản là quốc gia châu Á, lương thực chủ yếu của người Nhật là lúa gạo, thức ăn của họ cũng được chế biến từ cá, thịt, trứng, rau, củ, quả … Do đó, có thể nói phương pháp ăn dặm của Nhật dễ áp dụng với người Việt Nam.


Quá trình tập ăn của bé bắt đầu khi bé được 5 tháng tuổi và kết thúc khi bé 15 tháng tuổi. Việc tập ăn cho bé được thực hiện từng bước từng bước (step-by-step) suốt quá trình ăn dặm. Bé sẽ được tập ăn thức ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần trong khoảng thời gian hợp lý. Mỗi giai đoạn tập ăn không quá dài nên bé không bị chán khi phải ăn một chế độ ăn quá lâu. Chính điều đơn giản này giúp bé duy trì sở thích ăn uống và ăn ngon miệng.


 Hình ảnh minh họa về độ thô của cháo, cà rốt, cá


Trong quá trình ăn dặm, ngoài việc tập ăn thức ăn, bé còn được học kỹ năng nhai thức ăn. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp bé biết ăn thức ăn thô đồng thời tiêu hóa tốt thức ăn. Ngoài ra, bé còn được học kỹ năng bốc thức ăn bằng tay, ghim thức ăn bằng nĩa, xúc thức ăn bằng muỗng. Tất cả những kỹ năng đó sẽ giúp bé sớm biết ăn một cách độc lập. Khi được tự mình bốc, ghim, xúc thức ăn, được tự thưởng thức món ăn, được tự cảm nhận mùi vị của món ăn, bé sẽ cảm thấy rất thú vị với bữa ăn của mình.


Bé tập ăn qua bốn giai đoạn


Vì được tập ăn từng bước từng bước một cách khoa học nên bé có thể ăn được nhiều loại thức ăn từ cá, gà, bò, heo, trứng, tôm cho đến các loại rau, củ, quả. Bé được tập ăn cháo trắng với thức ăn riêng nên bé biết phân biệt mùi vị của từng loại thực phẩm. Từ đó bé biết mình thích món nào và không thích món nào một cách rõ ràng. Lên 1 tuổi, bé bắt đầu được tập ăn cơm nát rồi ăn cơm. 15 tháng tuổi, bé ăn được cơm và thức ăn gần như người lớn. 18 tháng tuổi bé có thể tự mình xử lý một phần suất ăn. Vai trò của người mẹ lúc này chỉ là hỗ trợ thêm đôi chút. Do đó, các bà mẹ Nhật không quá vất vả trong việc ăn uống của con.


Giai đoạn 1 (5~6 tháng tuổi)


Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn. Ban đầu nên cho bé ăn từ ít đến nhiều: 2 ngày đầu tiên cho bé ăn 1 muỗng (15 ml), 3 ngày tiếp theo 2 muỗng (30 ml), 3 ngày tiếp theo 3 muỗng (45 ml) , 7 ngày tiếp theo 4 muỗng (60 ml) … Từ khi bắt đầu ăn dặm, bé được tập ngồi vào ghế ăn nên dần dần bé có thói quen ngồi ghế ăn rất nghiêm túc và vui vẻ.


Gạo là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé và không gây dị ứng. Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, tuần đầu tiên chỉ cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới (không nêm gia vị), đặc biệt người Nhật không tập cho bé ăn vị ngọt từ đường khi bắt đầu ăn dặm, từ tuần thứ hai trở đi có thể cho bé ăn thêm một chút rau, củ, quả. Rau bina (còn gọi là rau chân vịt hay cải bó xôi) là loại rau xanh giàu vitamin và dễ tiêu hóa nên người Nhật thường dùng để chế biến món ăn dặm cho bé (chỉ dùng phần lá, bỏ cuống). Giai đoạn này cho bé ăn cháo dạng bột tỉ lệ 1:10 (5 ml gạo + 50 ml nước).


Điều quan trọng là thức ăn cho bé phải trơn và ngon. Thức ăn của bé được nghiền thành bột, sau đó thêm bột gạo vào để tạo độ trơn thích hợp để bé dễ nuốt. Đối với những bé nhạy cảm, nếu bé không ăn, không nên ép bé ăn mà hãy ngừng khoảng 2~3 ngày rồi chế biến thức ăn trơn hơn và thử cho bé ăn lại. Giai đoạn này chủ yếu là tập cho bé nuốt thức ăn dạng bột, làm quen với các vị thức ăn khác ngoài sữa và làm quen với việc ăn bằng muỗng.


Muối không tốt cho thận của bé, vì vậy giai đoạn này không cần nêm muối. Đối với bé ở giai đoạn này, vị nước dashi và nước rau luộc là đủ. Nước dashi là loại nước dùng được nấu từ rong biển và cá ngừ khô bào mỏng, nước rau luộc được nấu từ 3 loại rau trộn lẫn (hành tây, cà rốt, bắp cải) luộc lấy nước. Hai loại nước dùng này có vị ngọt tự nhiên và giàu vitamin. Nếu áp dụng trong điều kiện ở Việt Nam thì có thể thay nước dashi bằng nước luộc thịt gà cũng có vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra, những loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác và hải sản như tôm, cua, bạch tuộc, các loại ốc, mì sợi lúa mạch đen, thịt, sữa bò là những loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho bé. Do đó ở giai đoạn này nên tránh cho bé ăn những thực phẩm trên.


Giai đoạn 2 (7 - 8 tháng tuổi)


Đây là giai đoạn bé biết nhai trệu trạo, bé có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn, nên những món hấp có độ mềm như cháo không cần nghiền nhuyễn bé cũng có thể ăn được. Giai đoạn này nên tăng chủng loại thực phẩm để bé làm quen với nhiều vị thức ăn khác nhau. Thức ăn của bé chỉ cần nghiền nhỏ (không cần nghiền thành bột) và cho thêm bột gạo tạo độ trơn để bé dễ nuốt.


Có thể cho bé ăn thịt nạc hoặc các loại cá có thịt màu đỏ. Nên thêm từng ít một để đa dạng thực đơn cho bé. Những loại rau mềm như rau bina chỉ cần nấu mềm đi một nửa là vừa. Có thể cho bé ăn mì sợi nấu mềm như cháo 1:7, cắt nhỏ sao cho bé có thể bốc ăn bằng tay. Bé rất thích nuốt mì hoặc thức ăn dạng sợi dài 2~3 cm (nui, bánh canh, phở, bún). Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7 (10 ml gạo + 70 ml nước).


Giai đoạn 3 (9 - 11 tháng tuổi)


Ở giai đoạn này, cho bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính. Bé đã có thể nhai tốt thức ăn bằng lợi. Vì vậy, thức ăn được nấu mềm sao cho bé có thể nhai bằng lợi (độ mềm như chuối là vừa). Có thể tập cho bé ăn những món ăn cứng hơn một chút. Thức ăn của bé được cắt to khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2 ~ 3 cm để bé có thể tự bốc ăn hoặc cầm nĩa ghim thức ăn cho vào miệng.


Bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Có thể cho bé ăn cả phần cuống rau bina (cắt nhỏ). Bé có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng. Tuy nhiên, nên cho bé ăn trứng chín hoàn toàn. Bé có thể ăn hầu hết các món cá nấu chín. Nên cho bé ăn thêm gan gà, các loại thịt có màu đỏ, đậu quả, đậu hũ để bổ sung chất sắt. Giai đoạn này cho bé ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5 (20 ml gạo + 100 ml nước).


Giai đoạn 4 (12 - 15 tháng tuổi)


Bé ăn mỗi ngày 3 bữa chính cùng thời gian với bữa ăn của người lớn. Giai đoạn này bé có thể ăn được thức ăn to và cứng hơn giai đoạn trước. Có thể cho bé ăn cơm nát rồi đến cơm. Ngoài ra, tập cho bé tự ăn bằng muỗng và nĩa. 

Bé ngồi ghế ăn


Mục tiêu của giai đoạn này là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến việc ngừng cho bé uống sữa bột. Lúc này, bé có thể ăn gần như người lớn, vì vậy nên cho bé ăn cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, thức ăn của bé vẫn được nêm nhạt. Lượng muối nêm cho bé bằng 1/4 muỗng nhỏ (1 muỗng nhỏ bằng 2,5 g).


Để tập cho bé biết tự ăn, nên chế biến các món mà bé có thể tự bốc ăn như các món làm từ bánh mì lát hoặc cơm nắm. Nên tạo thức ăn có hình dạng và màu sắc bắt mắt để bé thích ăn hơn.


Cách nấu cháo từ gạo

 Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày

Bảng lượng thức ăn cho mỗi bữa


Bài này nhằm giới thiệu đến những người mẹ có con sắp đến tuổi ăn dặm và những người mẹ đang nuôi con ăn dặm phần nội dung chính về “phương pháp ăn dặm của Nhật”. Mong rằng với phương pháp này, các mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức trong chuyện ăn uống của con, và các bé sẽ cảm thấy việc ăn là niềm vui chứ không phải cực hình với những món ăn ngon, đa dạng, bổ dưỡng.


(Nguồn: Vnexpress)

II. Độ thô thức ăn từng tháng tuổi theo cách ăn dặm kiểu Nhật

Giúp mẹ chế biến thức ăn có độ thô, cứng mềm phù hợp với sự phát triển của con. Mẹ không phải "xay sinh tố" thức ăn, con vẫn măm một cách ngon lành!






Luôn tươi cười với con


Key word (chìa khóa thành công) của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là lúc nào con ăn, mẹ luôn nhìn con với gương mặt vui vẻ và kiên trì với con: “Chúng ta ăn nhé!”


Trong một ngày, mẹ nên chọn thời điểm lúc nào con khỏe mạnh, vui tươi, tỉnh táo nhất, mẹ hãy cho con ăn. Nên cho ăn vào một khoảng thời gian cố định trong ngày.


Bắt đầu cho con tập ăn, mẹ dùng thìa chạm nhẹ nhẹ vào môi dưới của con. Để con tự động mở miệng, ngậm miệng và nhai. Con sẽ thích thú hơn vì có sự chủ động. Nếu con chưa nuốt được hết thức ăn, bị vương ra ngoài, mẹ lại lấy thìa gạt vào cho con ăn. Phải kiên trì và siêu vui vẻ với con!


Độ thô của thức ăn


Giai đoạn từ  4 – 5 tháng: tập cho con ăn, tiền ăn dặm.


Mẹ cho con ăn cháo tỷ lệ 1: 10 (1g gạo – 100ml nước). Ngày đầu cho con ăn thử là một thìa. Ngày thứ 2 tăng lên 2 thìa. Ban đầu chỉ cho con ăn cháo trắng, xay rau nhỏ mịn trộn vào cháo cho con.

Độ thô của thức ăn: mềm, mịn, không gợn


Giai đoạn từ  5 – 6 tháng tuổi: Con đã có thể ngậm và nuốt ực. Hàm của con lúc này đã nhai đều và dẻo hơn. Lượng thức ăn, mẹ tăng lên cho con từng ngày một.


Mẹ cho con ăn cháo tỉ lệ 1: 7

Thức ăn chính: rau nghiền và đậu phụ nghiền.

Độ thô của thức ăn: lấy sữa chua trắng làm chuẩn. Con ăn cháo và thức ăn sền sệt như súp.


Các mẹ không phải băn khoăn vì sợ con ăn đậu và rau không đủ dinh dưỡng. Độ đạm trong đậu phụ bằng độ đạm trong thịt, mà con lại dễ hấp thu hơn.


Giai đoạn 7 – 8 tháng: con đã bắt đầu ăn nhai. Hàm của con có thể nhau và điêu luyện hơn. Bé có thể luyện nhai từ từ, nuốt thức ăn. Lúc này, cho con ăn, mẹ tập cho con ý thức tự cầm thìa xúc. Mẹ nên đợi con nhai hết, nuốt xong mới tiếp tục đút miếng cho thứ hai.

Mẹ cho con ăn cháo tỉ lệ: 1: 5, 1:6


Độ thô của thức ăn: lấy độ mềm của đậu phụ non làm chuẩn.


Một ngày, con có thể ăn 1 bát cháo, chia làm 2 bữa. Lúc này, rau luộc mềm, mẹ nghiền cho con ăn. Không cần phải xay, không cần đánh nhuyễn, tập cho con tập nhai một cách nghiêm túc.


Giai đoạn 9 – 11 tháng tuổi: con đã nhai thành thục hơn và mẹ cho con nếm hầu hết các món ăn của bố mẹ. Tránh món nào nhiều dầu mỡ, cay, nóng.


Mẹ cho con ăn cháo tỉ lệ: 1:3, 1:4

Độ thô của thức ăn: như ruột bánh mỳ.


Giai đoạn từ 12 tháng tuổi trở lên: Con đã có thể cắn và nhai. Lúc này, con có thể tự ăn cơm nát, tự cầm thìa và xúc ăn, uống nước trực tiếp từ cốc.


Độ thô của thức ăn: gần giống của bố mẹ. Con cũng có thể cắn và nhai gần giống như người lớn. Tuy nhiên, chưa thể bằng được 100%.


Tập cho con cùng bữa với bố mẹ.

Lưu ý: con có thể ăn bốc và làm bẩn nhà, bẩn mặt, bẩn quần áo,... mẹ vẫn cố tươi cười khuyến khích con tập ăn.

Giai đoạn này, mẹ có thể bắt đầu nêm nếm gia vị mặn nhạt cho con, chỉ một chút thôi. Không nên cho con ăn món có quá nhiều dầu mỡ.


III. Chọn thức ăn hợp với tháng tuổi con trong ăn dặm kiểu Nhật


Giúp mẹ chọn thức ăn phù hợp với tuổi của bé khi ăn dặm, kể cả mẹ không áp dụng ăn dặm kiểu Nhật. Mẹ không còn lo bé bị dị ứng thức ăn, "Tào tháo đuổi" hay táo bón.






Mẹ lưu ý từng đặc điểm của từng giai đoạn nhé
5-6 tháng
Muối không tốt cho thận của bé, vì vậy giai đoạn này không cần nêm muối. Lượng muối cho bé ăn chỉ bằng 1/4 lượng muối cho người lớn. Đối với bé ở giai đoạn này, vị nước dashi và nước rau luộc là đủ.
Những loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác như tôm cua, bạch tuộc, các loại ốc, soba (mì sợi lúa mạch đen), thịt, sữa bò dễ gây dị ứng cho bé. Ở giai đoạn này nên tránh cho bé ăn những thực phẩm trên.

Đối với những bé nhạy cảm, nếu bé không chịu ăn, không nên ép bé ăn. Hãy ngừng khoảng 2 ~ 3 ngày rồi chế biến thức ăn mềm hơn và thử cho bé ăn lại.
7-8 tháng
Giai đoạn này có thể cho bé ăn thịt nạc hoặc cá thịt đỏ. Nên cho thêm từng ít một để đa dạng thực đơn cho bé. Cho bé ăn nhiều loại rau xanh. Những loại rau mềm như rau chân vịt, bé mới chỉ ăn được phần lá.
9-11 tháng

Giai đoạn này, bé có thể ăn được hầu hết các loại rau. Có thể cho bé ăn cả phần cuống rau chân vịt (cắt nhỏ). Bé có thể ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng. Tuy nhiên, nên cho bé ăn trứng chín hoàn toàn.
Bé có thể ăn hầu hết các món cá, trừ món cá sống, gỏi cá. Nên cho bé ăn thêm gan gà, các loại thịt có màu đỏ, đậu quả, đậu hũ để bổ sung chất sắt.
12 tháng trở lên

Mục tiêu của giai đoạn này là cho bé ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để hướng đến việc thôi cho bé uống sữa. Sang giai đoạn này, bé có thể ăn gần như người lớn, vì vậy nên cho bé ăn cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm.
Cần chú ý ở giai đoạn này thức ăn của bé vẫn được nêm nhạt. Lượng muối nêm cho bé bằng 1/4 muỗng nhỏ (1 muỗng nhỏ bằng 2,5 g).

Từ 12 tháng trở lên, mẹ mới nên cho bé ăn t hịt. Nếu cho bé ăn sớm, bé cũng khó hấp thu chất đạm
Trong phương pháp ăn dặm, người Nhật chia các nhóm thức ăn thành 3 "màu": vàng, xanh, đỏ, tượng trưng cho 3 nhóm dinh dưỡng: tinh bột, chất xơ, chất đạm.
"Bảng" các loại thức ăn dưới đây giúp mẹ dễ chọn các loại thức ăn phù hợp với tuổi của bé trong thời kỳ ăn dặm, kể cả mẹ không áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Từ giờ, mẹ không còn lo bé  bị dị ứng thức ăn, "Tào tháo đuổi" hay táo bón nữa nhé!

Độ tuổi của bé
Vàng
Xanh
Đỏ
5 – 6 tháng
cơm, cháo loãng, chuối, khoai tây, khoai lang
táo, cà rốt, cà chua, su hào, rau chân vịt, dâu, súp lơ, bắp cải, ớt đỏ
½ lòng đỏ trứng luộc, sữa chua không đường, bột đậu nành, fomai, bơ, cá cơm, cá trắng, đậu phụ, sữa đậu nành
7 – 8 tháng
tất cả các món của giai đoạn trước và thêm khoai sọ, bún, bánh phở, ngũ cốc ăn sáng, ngô nghiền, yến mạch
tất cả các món của giai đoạn trước và thêm
hành, dưa chuột, đậu bắp, ớt xanh, măng tây, xà lách.
tất cả các món của giai đoạn trước và thêm
đậu đỏ, cá hồi, cá ngừ, trứng, đậu phụ, nội tạng (gan gà), trứng chim cút (từ 8 tháng trở lên)
9 – 11 tháng
tất cả các món của giai đoạn trước  thêm
bánh quy, mỳ Ý
tất cả các món của giai đoạn trước và thêm
nấm, tảo biển, rong biển khô
tất cả các món của giai đoạn trước và thêm
mực, cá, sò điệp, thịt bò, hào, thịt xay, đỗ
12 tháng trở lên
tất cả các món của giai đoạn trước
tất cả các món của giai đoạn trước 
tất cả các món của giai đoạn trước  và thêm tôm, thịt lợn, mực nguyên con, cá ngừ, bạch tuộc, nạc mỡ lẫn lộn,





(Nguồn: Afamily.vn)