Ăn mặn tăng huyết áp

I. Ăn mặn – Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch


Bệnh vào từ miệng, đó là câu nói dân dã mà rất đúng. Ăn là nhu cầu đầu tiên và không thể thiếu của mỗi con người, nhưng trên mâm cơm hằng ngày lại tiềm ẩn biết bao nguy cơ gây bệnh nếu không biết cách chế biến đúng hoặc không ăn uống một cách khoa học. Thừa cân – béo phì, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch có thể đến với bất cứ ai với chế độ ăn không hợp lý trong những bữa cơm hằng ngày.


 Ăn mặn có thể dẫn đến tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch. Ảnh minh họa

Muối là một gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hằng ngày, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Bởi với một chế độ ăn mặn (thừa muối), chúng ta có nguy cơ bị tăng huyết áp (THA) và các biến chứng nặng nề của tăng huyết áp như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…


Thế nào được gọi là ăn mặn?


Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 6 gam muối (một thìa cà phê), nếu ăn nhiều hơn thì được gọi là ăn mặn.

Người Việt Nam một số vùng miền có thói quen ăn mặn. Ăn cơm phải có nước mắm, dưa cà… Hay những người dân vùng biển cũng có thói quen ăn mặn, uống nước mắm. Có gia đình lại ăn mặn để tiết kiệm thức ăn.

Trong một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt Nam chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 – 22g mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5g. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3 – 4 lần so với khuyến cáo. Đây cũng là một trong các yếu tố gây tăng tỷ lệ người bị THA và các bệnh lý tim mạch ở nước ta.

Thói quen ăn mặn ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và là một trong những yếu tố nguy cơ gây THA và các bệnh lý tim mạch. Với chế độ ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới THA.

Việc sử dụng quá nhiều muối dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như: giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ. Gây phù chu kỳ, phù trước kỳ kinh, phù vô căn. Tăng co thắt, kích thích cơn suyễn. Liên quan đến ung thư dạ dày. Tăng thải Ca++ qua thận, tăng nguy cơ loãng xương…

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều muối (natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh THA tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh. Chế  độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị  cũng như phòng bệnh THA.


Ăn mặn Tăng huyết áp là gì?


Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (HA tối đa) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.

Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp: Ăn mặn; Hút thuốc lá, thuốc lào; Đái tháo đường; Rối loạn lipid máu; Thừa cân, béo phì; Uống nhiều rượu, bia; Ít vận động thể lực; Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức); Tuổi cao; Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp.

Để giảm hơn 50% lượng muối ăn hằng ngày là một thói quen rất khó đối với người dân vùng biển hoặc những người đang quen ăn mặn.


Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã gợi ý chế độ ăn giảm muối


- Một chế độ ăn tăng cường thêm nhiều loại gia vị khác nhau để tạo cảm giác bớt nhạt nhẽo như cho thêm vị chua, cay, ngọt.

- Riêng mùa hè, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn mùa đông, vì vậy mỗi người cũng cần ăn tăng thêm một chút muối để bổ sung lượng muối bị mất qua mồ hôi.

- Giảm lượng muối tiêu thụ < 6g/ ngày bằng cách: hạn chế sử dụng những thức ăn chế biến sẵn như mỳ ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp… Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

- Muối thường được đề cập trong chế độ ăn hằng ngày là muối ăn sodium chloride (NaCl). Tuy nhiên, có nhiều loại muối khác có cùng gốc sodium (natri) tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như: monosodium glutamate (mỳ chính), sodium citrate, sodium bicarbonate… cũng có tác hại tương tự NaCl khi dùng nhiều.

- Giảm những thức ăn mặn như mắm, tương, dưa, cà… trong bữa cơm hằng ngày ở gia đình; Giảm một số thói quen của người Á Đông như chấm muối, chấm nước mắm… khi không thật sự cần; Bớt dùng bột ngọt…

- Giảm các yếu tố bất lợi trong thực phẩm: rượu, bia, cafein, chất béo bão hòa…

- Tăng cường các yếu tố bảo vệ: thực phẩm giàu K, Mg, Ca, các chất chống ôxy hóa, chất xơ… và những thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ… như: rau cải, cà chua, bầu bí, khóm, mía , cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen… (500 – 600g rau trái, 30-40g đậu đỗ/ngày).

Theo ThS. Phạm Trần Linh (suckhoedoisong.vn)


II.Cao huyết áp – làm sao giảm ăn mặn?


Do bệnh cao huyết áp rất “kỵ” muối natri, nên nhiều người bị chứng bệnh này thấy rất khó chịu khi đột ngột phải thay đổi khẩu vị. Để việc ăn kiêng giảm muối hiệu quả, vừa giúp người bệnh giảm được huyết áp, vừa không ảnh hưởng đến khẩu vị, hãy lưu ý những “mẹo” nhỏ dưới đây:

1. Đọc kỹ bao bì, nhãn mác để lựa chọn những thực phẩm chứa ít muối natri.

2. Hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn có chứa hàm lượng cao muối natri như: xúc xích thập cẩm xông khói, da heo chiên giòn, lạp xưởng, xúc xích bò, heo rắc tiêu, pho mát, khoai tây chiên…

3. Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh thay vì ăn vặt các món mặn.

4. Không nên ăn nhiều bánh quy mặn và các loại hạt, đậu có ướp muối mà hãy thử các loại bánh chứa hàm lượng thấp muối natri hoặc đậu lạt, không ướp muối.

5. Giảm ăn các món dưa muối, hành củ, củ cải muối…

6. Chỉ sử dụng một nửa lượng muối mà bạn thường dùng hàng ngày khi chế biến thức ăn.

7. Dùng trái cây, thực phẩm theo mùa với các loại thảo mộc, gia vị thay vì dùng muối.

8. Không nên dùng nhiều nước canh thịt, nước sốt chua cay. Nếu bạn đã sử dụng đồ gia vị khi nấu thì đừng nên cho thêm muối vào thức ăn.


III. Giảm ăn mặn - Việc cần làm ngay


GiadinhNet - Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 2 giây lại có 1 người chết vì bệnh tim mạch. Trung bình một năm có 17,5 triệu người chết và dự đoán đến năm 2020 sẽ có 25 triệu người chết vì căn bệnh này.

Các nghiên cứu đã chứng minh một trong những nguyên nhân đáng chú ý gây bệnh tim mạch là do thói quen ăn mặn thiếu kiểm soát. Vì vậy, chưa bao giờ việc giảm ăn mặn lại trở nên bức thiết như hiện nay.

Hiểm họa từ bát nước chấm


Thói quen ăn mặn dễ nhận thấy nhất là từ bát nước chấm trong bữa ăn hàng ngày. Với ẩm thực Việt, bát nước chấm đóng vai trò vô cùng quan trọng, đôi khi là trung tâm của cả bữa ăn. Bát nước chấm dùng chung trên mâm cơm, từ xưa đến nay làm khẩu vị đậm đà hơn, món ăn có hương vị đặc trưng hơn và biểu thị tính cộng đồng gắn bó của người Việt. Bát nước chấm Việt cũng vô cùng đa dạng và phong phú, thường mỗi món phải đi kèm với một loại nước chấm riêng phù hợp.
Chính thói quen dùng nước chấm thường xuyên này đã làm chúng ta ăn mặn hơn bình thường một cách đáng kể bởi hầu hết các loại nước chấm đều chứa hàm lượng muối cao để bảo quản sản phẩm. Chưa kể, trong bữa ăn chính của người Việt thường bao gồm cơm, một món gia vị (nước chấm) và ba món ăn cơ bản đủ chất và cân bằng âm dương. Trong ba món cơ bản này, muối đã được nêm trong quá trình chế biến. Vì vậy, việc dùng nước chấm kết hợp với các món ăn chính hàng ngày đã làm chúng ta ăn muối gấp nhiều lần số lượng cho phép.

Và những thói quen xấu khó bỏ


Không chỉ dùng nhiều muối từ nước chấm có trong bữa ăn chính, việc dùng trái cây chấm muối cũng làm chúng ta vô tình nạp muối vào cơ thể. Với một số người, họ sẽ không ăn trái cây, hoa quả nếu không có gia vị muối tôm khoái khẩu hay chén muối ớt đỏ rực. Thậm chí, một số người còn ăn muối không mà không nhận thức được trong bữa ăn mình đã ăn rất nhiều muối so với quy định. Sở thích ăn mặn của người Việt còn được thể hiện rõ nét qua những món ăn vặt “giàu muối” không thể bỏ qua như cá loại khô, bánh snack, bánh mặn... Đặc biệt, do tiết kiệm thời gian, thực phẩm chế biến sẵn đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong mỗi bữa ăn. Ít ai biết được rằng, loại thực phẩm này là một “mỏ muối” vì muối được dùng trong các thực phẩm này rất nhiều để bảo quản thực phẩm được lâu.

Từ những thói quen trên, thật không có gì ngạc nhiên khi công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, người Việt Nam hiện đang dùng muối nhiều gấp 3 lần so với lượng muối cho phép. Người Việt hiện đang sử dụng 18-22g/người/ngày trong khi đó, theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi ngày chúng ta chỉ nên sử dụng 3 - 6g muối. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ cho biết để giữ sức khỏe tốt, một người bình thường không nên ăn quá 6g muối/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê muối).


Ăn mặn có hại ra sao?


Ăn mặn là cội nguồn của nhiều căn bệnh gây tỉ lệ tử vong cao như tim mạch. Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Khoa Dinh dưỡng cộng đồng – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khi ăn mặn, cơ thể chúng ta sẽ “nạp vào” một lượng natri lớn. Khi đó hàm lượng natri trong máu sẽ gia tăng và thận phải làm việc “quá công suất” mới lọc máu được. Khi lượng natri trong máu cao, thận không thể phát huy tối đa khả năng làm việc sẽ gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp và gánh nặng cho hoạt động tim mạch.

Theo WHO, ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn nhiều muối hơn mức cho phép thì tỷ lệ mắc bệnh huyết áp càng cao. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ. Không những vậy, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, ăn mặn còn là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh khác như: suy thận, loãng xương, ung thư dạ dày…


Giảm ăn mặn bằng cách nào?


Đối với người Việt, ăn mặn là sở thích có từ lâu đời. Có thể nói đây là “thói quen cố hữu” khó bỏ, bởi nó làm hài lòng khẩu vị trong mỗi bữa ăn. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, đồng thời vẫn duy trì được cảm giác ngon miệng, cần tập ăn nhạt và thực hiện dần dần, không thể giảm đột ngột (trừ các trường hợp bị các bệnh lý mà bác sĩ chỉ định phải ăn nhạt).

Theo BS Minh Hạnh, chúng ta nên bắt đầu giảm muối trong bữa ăn từng bước một, bằng cách pha loãng nước chấm hoặc chọn nước chấm có công thức giảm muối, nêm thức ăn nhạt hơn thói quen ăn uống bình thường, nên chọn thực phẩm tươi sống để nấu thức ăn thay vì dùng thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế dùng muối. Không trữ các món mặn khô, mắm ở trong nhà. Các bà nội trợ, người “cầm cân nẩy mực” trong chuyện ăn uống của cả nhà nên linh động tìm hiểu các công thức nấu ăn lành mạnh ít muối để bảo vệ sức khỏe gia đình. Cần tập cho trẻ nhỏ thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ để hạn chế các hiểm họa bệnh tật do ăn mặn gây ra.

(Theo giadinh.net.vn)

IV. Bị cao huyết áp cần kiêng ăn gì?

Khi bị cao huyết áp, ngoài thuốc ra, việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Không uống rượu



Uống rượu khiến cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng và làm cho muối canxi cholesterol đọng lại ở thành mạch, tạo ra xơ cứng động mạch. Nếu uống rượu lâu ngày càng dễ dẫn đến xơ cứng động mạch nhanh hơn và huyết áp tăng cao. Vì vậy, người bị cao huyết áp nên tránh uống rượu.


Tránh uống trà quá đặc



Người bị huyết áp cao nên tránh uống trà đặc, nhất là hồng trà đặc vì nó có nhiều chất kiềm, có thể làm cho đại não hưng phấn, bất an, mất ngủ, tim đập loạn nhịp, huyết áp tăng cao. Trái lại, uống chè xanh lại có lợi cho việc điều trị bệnh cao huyết áp.

Không nên ăn thịt chó



Thịt chó có lượng đạm cao, nhiều cholesterol, ky với người cao huyết áp. Theo Đông y, thịt chó ôn thận, trợ dương, làm tăng sự âm suy dương thịnh, dẫn tới cao huyết áp.

Kiêng ăn mặn



Thức ăn mặn chứa nhiều muối. Và trong muối ăn có natri làm tiết ra nhiều dịch tế bào, dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp cao. Do vậy, huyết áp cao nên kiêng ăn mặn.


Hạn chế thực phẩm cay và tinh



Thực phẩm cay và tinh làm cho việc đi ngoài khó khăn, dẫn đến táo bón. Người bệnh huyết áp cao lúc đi ngoài bị táo bón sẽ làm cho huyết áp tăng thêm, có nguy cơ dẫn đến xuất huyết não. Vì vậy, cần tránh ăn thực phẩm cay và tinh.

Bị cao huyết áp kiêng ăn gì?, Sức khỏe, Cao huyet ap kieng gi, cao huyet ap kieng ăn gi, cao huyet ap, uong ruou, thit cho, an man, thuc pham cay, thuc an nhieu nang luong, thit ga
Thịt gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn nhiều sẽ khiến cho cholesterol và huyết áp tăng cao (nguồn ảnh: internet)


Không nên ăn nhiều protein động vật



Người bị huyết áp cao kỵ dùng phủ tạng động vật (như gan, tim, bầu dục…) vì trong quá trình trao đổi, chất này sinh ra độc tố làm huyết áp bất ổn. Với người cao huyết áp, chế độ ăn hàng ngày nên chọn các loại tôm, cá và các loại rau quả tươi.

Kỵ thức ăn có nhiều năng lượng



Thức ăn nhiều năng lượng như đường glucô, đường mía, chocolate và các loại thức ăn nhanh… sẽ dẫn đến béo phì.

Theo thống kê, tỷ lệ người béo phì bị cao huyết áp nhiều hơn người có cân nặng bình thường. Do đó, người cao huyết áp nên hạn chế ăn những thức ăn nhiều năng lượng.


Không nên ăn nhiều mỡ và cholesterol



Ăn nhiều thực phẩm chiên rán, thịt mỡ, phủ tạng động vật có thể dẫn tới máu nhiễm mỡ, khiến động mạch xơ cứng, làm tăng huyết áp.


Hạn chế ăn nhiều thịt gà



Thịt gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn nhiều sẽ khiến cho cholesterol và huyết áp tăng cao. Do đó, không nên cho rằng thịt gà là thứ bổ dưỡng cho mọi người bệnh, nhất là người cao huyết áp. Người cao huyết áp ăn nhiều thịt gà sẽ làm cho bệnh nặng hơn.


(Theo Phụ nữ Việt Nam)