Ăn thịt chó có xui không?



Không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ cũng như những câu chuyện xung quanh món ăn đậm chất "Á châu" này. Bởi đơn giản, mọi người coi việc "thịt chó giải xui" vào dịp cuối tháng hay cuối năm như một "thói quen" và là việc "thường ngày ở huyện".



VĂN HÓA GIẢI XUI BẰNG THỊT CHÓ Ở VIỆT NAM


Thịt chó xưa và nay đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, một món ăn không chỉ mang ý nghĩa về mặt ẩm thực mà còn mang lại những giá trị tinh thần không thể thiếu.

Và mặc dù mang nhiều ý nghĩa đậm chất như thế, nhưng không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ cũng như những câu chuyện xung quanh món ăn đậm chất "Á châu" này. Bởi đơn giản, mọi người coi việc "thịt chó giải xui" vào dịp cuối tháng hay cuối năm như một "thói quen" và là việc "thường ngày ở huyện".

Nhân dịp năm hết Tết đến, chúng ta hãy cùng tìm hiểu để hiểu rõ hơn về món ăn thuộc hạng "ngũ vị hương" này nhé!

"Thịt chó giải xui" cuối năm là nét văn hóa thú vị của người Việt

Thịt chó xuất xứ từ đâu?

Ngược dòng lịch sử đã có rất nhiều những sự tích xung quanh món "cầy tơ", nhưng cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác rằng thịt chó có bắt nguồn từ đâu, bởi năm châu bốn bể đều có những sự tích riêng và cách chế biến thịt chó riêng theo từng phong tục từng vùng miền cũng khác nhau.

Món thịt chó tương truyền xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng 500 năm trước công nguyên và được coi là một trong những món ăn bổ dưỡng trong mùa đông giá lạnh, xua đuổi tà ma và những điều không may. Món "thịt chó" vô cùng phổ biến tại khu vực địa phận Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc, cận kề với biên giới phía bắc Việt Nam.

Ban đầu, món thịt chó chỉ được phục vụ trong nạn đói khi con người cạn kiệt lương thực, nhưng dần về sau vị ngon của món ẩm thực này đã được nhân rộng và trở thành một nét ẩm thực của người dân vùng Đông Nam Á nói chung và đặc biệt là người Việt nói riêng. Một lý do khác để coi việc thịt chó trở thành món ăn vô cùng phổ biến có thể là vì mọi người ăn để nhớ lại quãng thời gian khó khăn đã qua.

Những quan niệm và tín ngưỡng xung quanh việc "ăn thịt chó giải xui"

Trong tiếng Quảng Tây, từ thịt chó được phát âm "gáu" trùng với âm của con số 9, tượng trưng cho sự trường cửu của vạn vật. Người xứ Quảng quan niệm ăn thịt chó sẽ mang lại sự trường cửu, nối dài tuổi thọ cũng như phúc lộc một đời người. Dần dần những quan niệm của người xứ Quảng được du nhập về Việt Nam và trở thành một xu hướng ẩm thực đặc sắc.

Không rõ chính xác khoảng thời gian nào và địa danh nào là nơi đầu tiên xuất hiện món "thịt chó", thế nhưng mỗi khi nhắc đến nó, người ta thường nhớ về làng Nhật Tân ven Hồ Tây như là nơi khởi điểm cho thứ "ẩm thực" dân dã này.

Từ đó, món thịt chó được biết đến rộng rãi như một món ăn giải "xui" và đem lại những điều mới mẻ. Sau một tháng âm lịch hoặc khi kết thúc năm không như ý, người Việt thường tìm đến thịt chó để "đổi vận" và hi vọng sẽ có một thàng mới tốt đẹp, một năm gặp nhiều may mắn hơn.

Về việc bắt nguồn quan niệm "ăn thịt chó giải xui", có lẽ từ xa xưa trong dân gian Việt, chó thường được nhắc đến như hình ảnh của một con vật mang kiếp đen đủi chịu đựng. Chính vì vậy ăn thịt chó là ăn đi những điều xui xẻo, không may mắn đã qua, người ta coi việc ăn thịt chó là vượt qua những giới hạn hay vận đen mà con người mắc phải.

Kể từ đó, thịt chó trở thành một món ăn giải "vận" trong văn hóa ẩm thực Việt. Sau này, nhiều người còn quan niệm "bảy món cầy tơ" là một phương pháp kích thích sinh sản giới tính ở nam giới, nhiều đấng mày râu muốn có "người nối dõi" cũng rất ưa chuộng món ăn này.

Một nét văn hóa

Một năm với những điều không suôn sẻ kéo dài, gây chán nản và thường khó quên với cánh mày râu, họ thường xuyên bị ám ảnh và lo lắng bởi những điều chẳng đáng có "không may mắc phải". Chính vì thế nên quan niệm ăn thịt chó giải xui càng ngày càng trở thành phổ biến ở khu vực miền Bắc. Ban đầu chỉ là thú vui, đến thói quen rồi trở thành một nét văn hóa đặc sắc.

Bắt đầu từ những trường hợp hy hữu chưa được kiểm chứng mà chỉ nghe qua lời kể, khi người Việt ăn thịt chó ở làng Nhật Tân và gặp nhiều may mắn, được thăng quan tiến chức trong năm mới, từ đó "một đồn mười, mười đồn trăm", thói quen ăn thịt chó dần dần được nhân rộng trong văn hóa người Việt.

Nhưng nếu chỉ mãi nói về những điều "may mắn" hay thuận lợi mơ hồ mà khi ăn thịt chó giải xui con người nhận được thì cũng sẽ là thiếu sót, không đủ bởi chính sự ấn tượng hương vị những món được chế biến từ thịt chó mang lại mới quan trọng, mới khiến mọi người "say mê" món ẩm thực này.

Một điều thú vị đặc biệt là có nhiều người dân xa xưa quan niệm rằng 7 món thịt chó của văn hóa Việt tượng trưng cho 7 cửa ải của địa ngục và khi qua đời con người ta sẽ bị cho vào vạc dầu lên chảo lửa v.v... Việc vượt qua 7 tầng địa ngục khổ ải trở thành một kỳ tích đem tới cánh cửa ánh sáng cho con người, trải qua một năm không mấy thuận lợi, tất nhiên ai cũng muốn đi nốt quãng đường còn lại băng qua những đen đủi, xui xẻo còn sót lại, chính vì thế không có gì khó hiểu khi thịt chó trở thành món ăn được ưa thích mỗi dịp cuối năm đến.

Thói quen dân dã và những quan điểm thời hiện đại

Và mặc dù "thói quen" đã có từ rất lâu đời, món "ẩm thực" rất được ưa chuộng mỗi đợt năm hết, Tết đến này lại gặp nhiều sự phản đối ở thời điểm hiện tại, khi cuộc sống con người trở nên ngày càng được "thỏa mãn" nhiều hơn bởi những điều hay ho, thú vị khác, những món "ẩm thực" mới lạ khác, và nhận thức của mỗi người trước việc "ăn thịt" con vật cũng khác, nhất là đối với loài vật trung thành, thân thiện với con người như vậy.

Không phải ngẫu nhiên, chó được trở thành loài vật nuôi đáng tin cậy nhất của loài người trong hàng nghìn năm qua. Với bản tính gan dạ và trung thành những chú chó luôn là "người bạn" đồng hành cùng con người vượt qua không biết bao sự thăng trầm. Và đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chó còn được coi như là một loài vật linh thiêng được cử đến để giúp sức, hỗ trợ và bảo vệ cho loài người.

Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng chó là loài vật có xúc cảm đặc biệt với con người, thường xuyên gần gũi, an ủi con người khi họ lâm vào trạng thái không vui hay buồn tủi. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Deborah Custance, đại học London, chó thường có những biểu hiện tình cảm với chủ khi được thuần hóa trong môi trường của loài người.

Một trong những chú chó nổi tiếng nhất trên thế giới Hachiko, đã từng được lấy hình tượng để dựng thành phim vô cùng cảm động, đã tưởng nhớ tới chủ nhân của mình là ông Ueno tận 10 năm kể từ khi ông qua đời, hàng ngày chú chó vẫn đến sân ga quen thuộc và chờ đợi người chủ của mình mặc dù mưa lạnh bão tuyết.

Lời kết

Thật khó để có thể đứng nghiêng về một phía nào trong cuộc tranh cãi giữa việc tiếp tục giữ thói quen, nét văn hóa "ăn thịt chó giải xui" và việc đứng lên kêu gọi chấm dứt "ăn thịt chó", bảo vệ và chăm sóc chúng như người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống, điều này chắc cũng vẫn sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa để có thể đi đến hồi kết.

Có chăng sự thay đổi lớn nhất sẽ là chúng ta cần nâng cao ý thức, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ loài động vật này nhiều hơn. Điều đó vẫn phụ thuộc vào mỗi người trong chúng ta.

Ăn uống kiêng kị, sùng và tín là một trong số những đặc điểm của một bộ phận người Việt. Không biết từ bao giờ người ta có thói quen: đầu tháng ăn cầu may, cuối tháng ăn giải xui...

Về việc ăn uống kiêng khem theo tín ngưỡng thì ở đâu cũng có. Ở Việt Nam, đa số mọi người có kiểu kiêng đầu tháng: đầu tháng kiêng ăn thịt vịt, thịt chó, thịt mèo. Nếu muốn ăn, nhậu những món này, mọi người sẽ chờ đến qua ngày rằm âm lịch.
Mấy năm gần đây, khi phú quý sinh lễ nghĩa, việc đầu tháng ăn cầu may, cuối tháng ăn giải xui lại càng trở nên sính ở các thành phố lớn. Những người công chức, làm ăn nhỏ thì đầu tháng sẽ đi ăn tiết canh lấy “đỏ” cho cả tháng. Những người có điều kiện hơn sẽ đi ăn thịt lợn rừng. Bây giờ có cả thịt hươu ăn đầu tháng với ý nghĩa cầu may.

Thịt hươu đang là mốt ăn cầu may của những người có tiền.
Ông Trần Tuấn Thanh, giám đốc một công ty du lịch tại Hải Phòng cho biết: “Theo quan niệm của giới làm ăn thì ăn thịt hươu vào những ngày đặc biệt trong tháng sẽ mang lại may mắn trong công việc và cuộc sống vì thịt hươu tượng trưng cho sự trung thành, sự dũng cảm và sự hồi sinh. Chúng tôi thường ăn thịt hươu vào ngày mùng một và rằm của tháng âm lịch”.
Nếu muốn thấy sự đối lập trong việc ăn uống cầu may – giải xui, hãy đến những quán thịt chó sẽ thấy rõ ràng nhất: đầu tháng (trước mùng 10 âm lịch) quán đóng cửa im ỉm; ngoài mùng 10 âm lịch, lác đác quán phục vụ khách; ngoài 20 âm lịch, quán lúc nào cũng đông như trẩy hội. Nhất là những ngày 29 – 30 âm lịch, người ta nô nức rủ nhau đi ăn, đi nhậu giải đen. Đôi khi đi ăn giải đen chỉ là phong trào, còn việc người ta có gặp đen đủi trong tháng hay không cũng chẳng ai để ý.
Việc ăn cầu may hay ăn giải xui thường gắn với việc nhậu nhẹt. Vào nhà hàng ăn những món như lẩu, hải sản người ta có thể nhậu ít, nhưng đã ăn tiết canh hoặc thịt chó, thịt mèo thì phải nhậu nhiều. “Ăn những đồ đó mà không mạnh rượu đưa đi thì có thể bị đau bụng hoặc nhanh ngán”, đó là lời giải thích của chủ nhà hàng thịt chó.

Quán thịt chó chỉ đông khách vào cuối tháng. Ảnh minh họa.
Dù sao đi chăng nữa, việc cầu may, giải xui là việc trong yếu tố tâm linh, khó giải thích ở con người. Nhưng tiết canh, rượu khó lòng nói là tốt. Ít nhất, chúng ta cũng thấy rõ tác hại chứ không phải tác dụng khi dùng đồ ăn và đồ uống này.
Nói là ăn cầu may và giải xui thuộc về yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, đó chỉ là thói quen của những người buôn bán, làm ăn và một số đối tượng sùng tín khác. Còn những người lao động bình thường, họ ăn thịt chó cả đầu tháng, thậm chí đầu năm cũng không sao. Rất nhiều người không động đến tiết canh vì sợ giun sán và dịch tả.



TRANH LUẬN VỀ VIỆC CÓ NÊN ĂN THỊT CHÓ HAY KHÔNG



Sau khi bài "Một câu hỏi về thịt chó" giới thiệu trên Thư Thăng Long, chúng tôi nhận được hàng trăm thư phản hồi của bạn đọc. Hầu hết các ý kiến đều thể hiện chính kiến của cá nhân mình một cách nghiêm túc.

Các ý kiến phản hồi tập trung vào 3 vấn đề cơ bản sau:

1. Thịt chó là một món ăn đặc biệt của người Việt, cho nên không cần bỏ ăn thịt chó mà chỉ cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh thực phẩm.

2. Chó là một con vật nuôi đặc biệt trong những gia đình người Việt. Một con vật có tình, có nghĩa với con người và cũng là vật nuôi được con người giành nhiều tình cảm nhất. Vì vậy không nên giết chó làm thịt.

3. Việc giết chó ăn thịt không liên quan gì đến tính nhân văn hay văn hoá mà chỉ là một món ăn mà thôi. Cho nên ăn hay không ăn thịt chó là tuỳ thuộc vào ý thích và quan niệm của từng cá nhân.

Thịt chó không ngon tới mức “không ăn là chết”... Nguồn ảnh: Vietbao


Việc bàn về thịt chó không chỉ là về thịt chó. Bởi “lời ăn tiếng nói” cũng là thể hiện trí tuệ và tâm hồn con người. Qua vấn đề này, chúng ta gián tiếp bàn về những vấn đề của xã hội và con người Việt Nam. Trong đó là việc ứng xử của người Việt đối với một thói quen hay nói rộng hơn một tập tục đã ăn sâu vào đời sống của người Việt. Có những thói quen hay tập tục chúng ta cần lưu giữ và phát triển và cũng có những thói quen hay tập tục đến một lúc nào đó chúng ta nên từ bỏ. Bởi có những thói quen, những tập tục làm đậm tính dân tộc và cũng có những thói quen, những tập tục cản trở sự phát triển một xã hội văn hoá, văn minh.

Vì có quá nhiều thư phản hồi của bạn đọc, cho nên Thư Thăng Long sẽ chọn lọc giới thiệu một số ý kiến phản hồi của bạn đọc như là một “Diễn đàn nhỏ”.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Họ tên: Nguyễn Phước Lộc
Dia chi: TP HCM
E-mail:

Con chó và con Người
Cám ơn tác giả về bài viết khá hay và thực tế. Tôi cũng muốn nói lên vài suy nghĩ của mình. Chúng ta ai cũng biết Chó là loài vật mà đa số các dân tộc xem là bạn từ xưa tới giờ. Bởi vì Chó là một loài vật thông minh, trung thành. Nhất là ở nông thôn, chó là 1 người bạn không thể thiếu. Nó giúp chủ giữ nhà, chống trộm. Nó tiễn chủ ra đồng và đón chủ về nhà. Nó còn biết ai là người thân dù họ đi xa về hay lâu mới tới 1 lần. Ai đó nếu yêu quý chó đều nhận ra rằng Chó nó có cảm xúc vui buồn cả giận dỗi nữa. Trong nhiều trường hợp, Chó còn cứu mạng chủ nữa. Vâng, theo tôi nó là một con vật thông minh nhất, gần gũi nhất với con người, một người bạn thật sự. Bạn của bạn có thể phản bội bạn nhưng chó thì không bao giờ.

Thế tại sao lại ăn thịt chó? Ngon à, bổ à, món nhậu khoái khẩu à… có nhiều lý do lắm và bây giờ người ta còn cho rằng ăn thịt chó là 1 nét văn hóa của người Việt Nam nữa. Dù không xem Chó là một người bạn nhưng chúng giúp ta giữ nhà, chống trộm thì cũng là có công với chúng ta rồi. Con người lại giết Chó để ăn, mà không phải ăn để no mà là ăn để nhậu, để thưởng thức, để giải trí. Khi ăn phải cắt tiết để làm tiết canh mới ngon. Nhìn những giọt máu đỏ chảy vào cái ca hứng đầy máu đỏ với vẻ mặt thèm thuồng, “ngon tuyệt”. Chỉ nghĩ đến đây tôi đã thấy xấu hổ, đau lòng. Con người quả là nhân nghĩa thật, rộng lượng thật, khoan dung thật và còn có lòng từ bi bác ái nữa. Đi chùa lạy Phật hoài đấy chứ. Nhưng mày là con chó, vì thịt mày ngon lắm, thịt mày nhậu với rượu thì tuyệt cú mèo nên mày phải chết để tao ăn thịt thôi. Khủng khiếp với cái suy nghĩ ấy quá. Bởi vậy con người ta bây giờ có thể ăn bất cứ thứ gì từ sắt, thép, xi măng, nhựa đường hay tiền ủng hộ lũ lụt, tiền hổ trợ người nghèo… với suy nghĩ tiền này là tiền nhân nghĩa, tiền thuế của nhân dân nó giúp đỡ những người nghèo, nó xây dựng xã hội nhưng vì nó là quyền lực là sự sung xướng, là giàu sang nên ta phải chiếm đoạt và chiếm đoạt bằng mọi giá thôi. Có nhiều tiền thì thật là tuyệt. Đừng đồng nhất việc ăn thịt chó với ăn thịt heo, bò, gà. Heo, bò, gà được con người nuôi để ăn như lương thực hàng nghìn năm rồi và chúng ta cũng không cần phải thêm thịt gì vào khẩu phần ăn nữa đâu. Chúng ta ăn thịt heo như con sư tử ăn 1 con nai. Đó là để tồn tại, là quy luật sinh tồn của tự nhiên. Khi con sư tử đã no thì nó cũng không cần ăn thêm thịt con sơn dương hay con gì khác vì thịt của chúng ngon đâu. Chúng ta ăn thịt chó ý nghĩa hoàn toàn khác nhau không được đồng nhất 2 việc đó.  Tôi phản đối việc ăn thịt chó, cũng như ăn thịt những con thú rừng mà hiện nay rất phổ biến. Hãy xây dựng con người Việt Nam đẹp hơn tốt hơn với truyền thống văn hóa của mình. Đó là một dân tộc nhân nhĩa, giàu nhân văn, từ bi bác ái, văn minh, cần cù… Như lời Phật dạy: “Ông trời có đức hiếu sinh”. Mong rằng ai ăn thịt chó thử suy nghĩ lại mình đi nhé. Tôi không nói bạn là người xấu nhưng có lẽ bạn chưa suy nghĩ thấu đáo hành động của mình thôi. Mà tôi biết người ta ăn thịt chó đa phần để nhậu thôi mấy bác thích nhậu ạ.

Họ tên: Nguyễn thị Hồng Hạnh
Dia chi: TP.HCM
E-mail:

Thịt chó có là 1 phần tính cách Việt?
Không biết căn cứ vào đâu mà người ta bảo là: "Bỏ thịt chó là đánh mất một tính cách người Việt"? Vì có một điều rõ ràng rằng đâu phải người Việt nào cũng ăn thịt chó! Nếu chịu khó để ý, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vùng người dân địa phương không ăn cũng không bán thịt chó. Do vậy xin mạn phép nói rằng: Người Việt thì không nhất thiết phải ăn thịt chó!

Họ Tên: Người Việt Nam
Dia chi: Hà Nội
E-mail:

Ăn thịt chó là vấn đề cá nhân
Theo tôi thì vấn đề thịt chó vẫn là vấn đề của cá nhân mà thôi. Có những người thích và không thích chó. Những người đã gần gũi, yêu thương, quý mến chó như tôi đây chẳng hạn thì đều có chung một ý nghĩ là không thể ăn thịt chó, còn những người khác thì họ không quan tâm, và thịt chó, theo tôi thấy như nhiều người nói là một món ngon thì với họ không thể bỏ qua. Đó là những ý kiến khác nhau, nhưng mỗi người đều có một suy nghĩ, tính cách riêng, không ai có quyền quyết định họ nên hay không nên làm gì.
Nguồn ảnh: Vietbao

Thịt chó, tôi cũng không hiểu biết nên không thấy có gì đặc biệt nhưng rõ ràng đã trở thành một món ăn không thể thiếu của nhiều người, nói là nét văn hóa c��a người Việt Nam thì cũng không đúng nhưng với nhiều người, xét theo khía cạnh nào đó thì có thể nói như vậy. Điều đó có nghĩa là bàn về vấn đề này, quyết định cuối cùng tuỳ thuộc vào từng người, đều do suy nghĩ của các bạn mà thôi, chẳng ai có thể trách móc các bạn được.

Lấy một ví dụ điển hình là có nhiều nước theo những phong tục, tôn giáo kì lạ, trong đó có nước không ăn thịt lợn. Và bạn sẽ nghĩ sao, tôi thì tôi thấy thế là quá vớ vẩn, thừa hơi. Thịt lợn rõ ràng là loại thực phẩm không thể thiếu đối với chúng ta. Nhưng với họ đó lại là một con vật thiêng liêng phải tôn thờ. Đây là một ví dụ quá điển hình, nó chẳng khác gì việc ăn thịt chó ở Việt Nam cả. Rõ ràng mỗi người có suy nghĩ dẫn tới hành động khác nhau, vì vậy, có ăn thịt chó hay không là tùy thuộc từng người và cũng chẳng có gì là to tát nếu không có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay.

Còn với tôi, chó vẫn mãi mãi là người bạn, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của tôi cũng như những người xung quanh tôi vậy. Đó là lý do tôi không ăn thịt chó. Nhưng điều đó với bạn thì lại là quyết định của bạn, hãy làm những gì mình thích và cho là đúng, miễn là điều đó không ảnh hưởng theo nghĩa tiêu cực đến mọi người. Trên đây là những suy nghĩ rất cá nhân của tôi, nếu có gì không đúng xin mọi người lượng thứ.

họ tên: Dũng
Dia chi: HN
E-mail:

Không nên ăn thịt chó!
Một vấn đề thường có nhiều khía cạnh. Nếu chỉ đứng trên một khía cạnh để quan sát và phán xét thì e rằng thiếu khách quan. Và còn tệ hơn là việc đứng trên một khía cạnh này để phân tích nhưng lại phán xét trên một khía cạnh khác! Nên phân biệt rành rọt từng khía cạnh, chứ mỗi người một lý lẽ, rồi thấy ai cũng có lý cả, cuối cùng chẳng thể kết luận được điều gì!

Theo nội dung bài viết thì ở đây có 2 câu hỏi: thứ 1 là "không ăn thịt chó có ảnh hưởng gì không?", thứ 2 là "chúng ta có nên ăn thịt chó hay không?".

Với câu hỏi thứ 1: ảnh hưởng là ảnh hưởng đến cái gì? Sức khỏe, thói quen, lối sống, tâm lý, thời gian, tiền bạc, v.v... Vậy thì kiểu gì cũng phải có ảnh hưởng chứ, khác nhau ở chỗ ảnh hưởng với mức độ thế nào, và ảnh hưởng đến cái gì mà thôi. Đấy là ảnh hưởng trên mỗi cá nhân. Rồi trên toàn xã hội là ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, văn hóa, thậm chí quan hệ ngoại giao, và nhiều thứ "vĩ mô" khác nữa, v.v... Chung chung quá, mơ hồ quá! Nên theo tôi, câu hỏi như vậy là vô cùng! Trả lời thế nào cũng thấy hợp lý!

Quan trọng là câu hỏi thứ 2: có nên ăn thịt chó hay không? Có nhiều khía cạnh nhưng tôi xin nói đến 2 khía cạnh được bạn đọc đề cập nhiều nhất: vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và vấn đề nhân văn (vâng, chính xác là Nhân văn đấy, xin đừng coi đó là một từ cao siêu mà không dám dùng!)

Trên khía cạnh VSATTP, thì vấn đề này không chỉ của riêng món thịt chó. Vì khâu quản lý VSATTP kém nên chẳng biết chỗ nào chó "sạch" chỗ nào chó "bẩn", ăn cũng sợ mà không ăn cũng tiếc. Và đấy là tình trạng chung của các loại thực phẩm. Vậy thì biết chọn loại thực phẩm nào nên và loại nào không nên ăn đây? Chẳng ai trả lời được! Còn nếu đã biết gần như chỗ nào loại thực phẩm đó cũng "bẩn" thì tốt nhất là đừng nên ăn.

Trên khía cạnh nhân văn, thì tôi cho là KHÔNG NÊN! Có nhiều độc giả cho rằng, chó thì cũng như các con vật khác như lợn, bò, gà,... Ăn thịt lợn thì được, cớ sao không được ăn thịt chó? Chưa cần phân tích cao siêu gì cả, cứ theo phản ứng tự nhiên của chúng ta thì sẽ thấy ngay là tại sao không nên ăn. Xin hỏi các quí vị có ý như ở trên là quí vị có bao giờ đem chó nhà mình ra thịt không? Hay chỉ khoái thịt chó nhà người khác? Mà nếu quí vị có đem chó nhà mình ra thịt thì đúng là quí vị chỉ coi chó như lợn, bò, gà thật. Nhưng như thế thì quí vị không đại diện cho người VN được, vì người VN đa số không nuôi chó để giết thịt!

Còn bây giờ đến phần phân tích "cao siêu". Không thể nói chó cũng như lợn, bò, gà,... được, vì sự khác nhau ở điểm căn bản là trí khôn và mức độ thân thuộc với con người. Không hiểu sao một số người vẫn cố tình muốn chối bỏ một lý do rõ ràng hiển nhiên đến như vậy mà trẻ con cũng còn hiểu, để rồi viện vào một số lý lẽ này nọ để biện minh, và cho rằng như vậy mới là khách quan! Thử nghĩ xem loài người chẳng phải cũng là động vật hay sao, cứ theo cái lý lẽ thẳng tuột như các vị thì ăn lợn, bò, gà được sao không ăn... người được!?

Có bạn cho rằng: "Yêu chó và ăn thịt chó không liên quan". Nhưng thực ra bạn yêu chó nhà mình chứ có yêu chó nhà hàng xóm, chó lạ ngoài đường đâu! Và bạn yêu chó nhà mình thì bạn có muốn ăn nó không? Đây không chỉ là là vấn đề yêu hay không yêu, bạn hay không phải bạn.

Tôi rất đồng tình với độc giả Chi Mai, và xin nhắc lại câu nói của bạn để bổ sung cho ý kiến của mình: "Con gà, con heo, con cá,…là những vật “dưỡng nhơn”. Chúng không có tình cảm, không có trí khôn, không có lòng trung thành. Vậy mà ở các nước phát triển, họ còn tìm những phương thức để “sát sinh một cách nhân đạo”. Họ cần phải làm điều đó để làm gì?".

Thực ra tôi thấy không phải ai đi ăn thịt chó cũng đều là người thích thịt chó, muốn ăn thịt chó. Cũng như khi người ta uống rượu không có nghĩa là thích uống rượu. Nhưng dường như người ta đang xem 1 người VN mà không thích thịt chó, không ăn thịt chó là lập dị, là không hòa đồng, là có vấn đề. Cho nên đành tặc lưỡi "ừ thì ăn, cũng chẳng chết ai", còn hơn là bị bạn bè nhìn với ánh mắt lạ lẫm!

Điều cuối cùng, chẳng có cái gì là không thể thay đổi. Hãy xem phần còn lại của thế giới nhìn nhận như thế nào, và tại sao họ lại nhìn nhận như vậy. Chứ đừng dựa vào mấy chữ "quốc hồn quốc túy", "truyền thống", rồi "văn hóa ẩm thực", rồi "một nét tính cách",... để giữ khư khư lấy nó, mà nói đi nói lại cũng chỉ vì nó... ngon!

Họ tên: Nguyen Dong
Dia chi: Son Tay, HN
E-mail:

Không ăn thịt chó...

Thật là quá khái quát khi nói “Bỏ thịt chó là đánh mất một tính cách người Việt”. Như vậy có nghĩa là “ăn thịt chó” là thuộc nội hàm của “tính cách người Việt”. Nhưng có một điều có thể khẳng định không ở đâu việc ăn thịt chó lại phổ biến như ở Việt Nam và người Việt đã mang thói quen này đến mọi nơi mà mình sinh sống. “Nếu người Việt không ăn thịt chó nữa thì có ảnh hưởng gì không? ” Với tôi, người Việt bỏ đi một món thịt chó cũng không làm sao. Xét cho cùng ăn là để tồn tại, để có năng lượng để sống và làm việc. Còn về mặt thưởng thức, ẩm thực chúng ta có thể chế biến và ăn nhiều món ăn ngon từ các nguyên liệu khác, không phải là là thịt chó.
Nguồn ảnh: ongvove.files.wordpress.com

Chó là động vật rất tình cảm, chúng có thể buồn vui cùng cảm xúc của chủ. Tôi nghĩ nhiều người sẽ không ăn thịt chó khi đã nuôi chó hay chứng kiến cảnh họ làm thịt chó. Tôi còn nhớ y nguyên cảm xúc khi con Mi nhà tôi mừng quấn khi tôi về nhà chơi cuối tuần khi còn là sinh viên. Giờ con Mi nó đã không còn nữa,… cả nhà đã rất buồn,… Mẹ tôi đã làm một bài thơ về nó:

Nhớ thương Mi

Nhớ năm xưa nhỏ nhoi ngơ ngác
Mi về đây nhà cửa đơn sơ
Ao vườn trống trải cõi bờ
Tường bao chẳng có, lơ thơ bờ rào
Chủ vất vả Mi nào có sướng
Suốt ngày đêm trông trước giữ sau
Ngăn kẻ xấu rình mò vụng trộm
Ngày trông ao, trông cá, trông vườn
Đêm đêm lại trèo lên gác
Từ trên cao Mi trông cả ba nhà
Như lính gác trung thành, tận tụy
Hơn trục năm trời gắn bó với ta
Bao thăng trầm gian nan vất vả
Mi cùng ta bảo vệ trông nom
Tường cao rào kín nhàn hơn trước
Thương mày thương quá Mi ơi
Sướng không được ở lại rời tao đi

Họ tên: Nguyễn Sơn
Dia chi: Hà Nội
E-mail:

Tại sao lại ăn thịt chó?
Tôi không thể hiểu tại sao người Việt lại bị mang tiếng là thích ăn thịt chó--một con vật nuôi thân thiết với người như vậy?

Người xưa có câu: "Miếng thịt là miếng nhục" để nói rằng việc ăn uống cần hết sức cẩn trọng. Chẳng lẽ ngày nay, chỉ vì miếng nhục ấy mà người ta có thể làm thịt ngay con vật nuôi gắn bó với họ? Thật quá đáng!

Tôi cũng không tin rằng đa số người Việt Nam thích ăn thịt chó. Chỉ là vì quán nhậu thịt chó mọc lên khá nhiều nên người ta có cảm giác như vậy. Nhưng đâu phải nhiều người thích tới quán nhậu.

Vậy mà để cả dân Việt mang tiếng thích giết con vật nuôi tình cảm nhất để ăn thịt.

Họ tên: LE NGUYEN HOANG
Dia chi: QUANG NAM
E-mail:

Bài diễn văn hay nhất về chó 1000 năm qua.
Diễn văn của luật sư George Graham Vest tại phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Safire báo New York Times bình chọn là hay nhất trong các bài diễn văn trên thế giới trong 1000 năm qua.

Thưa quý ngài hội thẩm!

Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù chống lại chúng ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi cũng có thể sẽ là một lũ vô ơn.

Những người gần gũi, thân thiết nhất mà người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được rồi sẽ mất đi, thậm chí còn luôn mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất.

Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại dột. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt, có thể sẽ là những kẻ ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta.

Nó luôn ở bên cạnh ta trong những lúc phú quý cũng như bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh dù gió đông giá rét hay bão tuyết vùi lấp, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn cho nó.

Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta phải hứng chịu khi va chạm với cuộc đời bạo tàn này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt thì vẫn còn chú chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận hắt ta ngoài rìa xã hội, không bạn bè, không nơi ở thì chú chó trunng thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống lại kẻ thù...

Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng gia quyến đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, vẫn còn bên nấm mồ của ta - chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã đi vào cõi hư vô!

Họ tên: Nguyễn Việt Anh
Dia chi: Kyoto, Japan
E-mail:

Phản đối ăn thịt chó
Trước kia tôi cũng đã từng ăn thịt chó, chủ yếu là muốn góp vui cùng mọi người. Giờ thì tôi không ăn nữa. Và thú thực là tôi cảm thấy rất ghê sợ khi nhìn người ta giết, ăn thịt chó, thấy thương những con chó đáng yêu bị giết quá. Đọc trên diễn đàn này thấy có nhiều bạn phản đối ăn thịt chó. Giá như chúng ta phát động một phong trào không ăn thịt chó thì tốt biết mấy.

Họ tên: Thúy quỳnh
Dia chi: hoàng hoa thám - ba đình - hà nội
E-mail:

Không nên giết chó
Chó là người bạn trung thành với chúng ta, là người bạn gần gũi, luôn ở bên cạnh tôi. Trước đây, có lần phải ở nhà một mình trong mấy ngày. Một mình trong căn nhà thấy thật cô đơn và lạnh lẽo, đêm tối thì sợ. Nhưng rất may cho tôi lúc đó luôn có con vật nuôi bên cạnh, nó luôn bên tôi ngay cả trong khi tôi ngủ. chính vì thế, mà trông những ngày đó tôi không bao giờ cô đơn. Rồi những lúc học tập bị stress vui choi rồi tâm sự với nó cảm giác dường như mệt mỏi tan biến hết. nhưng giờ con chó đó không còn nữa chỉ vì bị người ta câu trộm.  Tôi nghĩ rằng những ai còn ăn thịt chó thì nên từ bỏ, hãy một lần thử nuôi chó mà xem, bạn sẽ khám phá những điều chưa biết về nó. Có khi đôi lúc bạn phải cảm ơn nó. Hãy nói không với thịt chó

Chó là con vật thông minh nhất, gần gũi nhất với con người, một người bạn thật sự. Nguồn ảnh: Gettyimages




Những quán thịt chó ngon ở Hà Nội
Những món ăn kinh dị nhất Việt Nam
Thực phẩm tốt cho tinh trùng
Bí quyết làm món giả cầy ngon
Kiêng kị trong chế biến thực phẩm
Các thức ăn kỵ nhau bạn nên biết để tránh
Món ăn trị bệnh yếu sinh lý





(st)
Xui là ở mình mà ra thôi,món gì cam thấy ngon miệng, tốt cho sức khỏe con người thì ta nên ăn để có sức khỏe làm việc và suy nghĩ sáng suốt hơn là điều rất tốt
hơn 1 tháng trước - Thích (1)
Gửi hỏi đáp - bình luận