Ăn uống sau khi bị sốt xuất huyết như thế nào để phục hồi sức khỏe?



Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch, đe dọa sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng.
 

THỰC ĐƠN CHO NGƯỜI BỊ SỐT XUẤT HUYẾT


Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao. Do vậy, khi bị sốt xuất huyết cần phải kiểm tra và được chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số món ăn có công dụng hỗ trợ rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, ngoài việc điều trị bằng thuốc (Tây y hay Đông y), người bệnh cần có chế độ, thực đơn ăn uống sao cho giảm sốt (thanh nhiệt), giảm đau (chỉ thống), nâng cao sức đề kháng, chống nôn... là điều rất quan trọng để phục hồi sức khỏe.

Các món canh dưới đây có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống xuất huyết. Chủ vị là hạt lạc xay nát hoặc giã nhỏ, gọi là “nhuyễn lạc”, kết hợp với một số loại rau.

Đối với trường hợp chưa xuất huyết

- Rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu thành canh ăn.

- Gan lợn tươi ép cho ra hết máu, rửa sạch, băm nhỏ 20-30g; rau ngót rửa sạch, vò nát 60-100g; nhuyễn lạc 30-50g. Nấu rau ngót với lạc thật chín rồi cho gan lợn vào đảo đều, đun sôi 5 phút là được.

- Đậu xanh cả vỏ, vỡ đôi 50-60g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

- Rau dền (xanh hay đỏ, hoặc dền cơm) rửa sạch thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau dền vào, đun sôi 10 phút là được.

- Rau mồng tơi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau mồng tơi vào, đun sôi 10 phút.

- Rau sam tươi rửa sạch, thái nhỏ 60-100g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho rau sam vào, đun sôi 10 phút.

- Hoa thiên lý rửa sạch 30-50g, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu chín lạc rồi mới cho hoa thiên lý vào, đun sôi 5 phút.

- Lá non thiên lý 60-100g rửa sạch thái nhỏ, nấu canh cùng nhuyễn lạc.
 
Với bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết:

- Quả mướp ngọt già gọt vỏ 100-150g, xắt khúc 2cm, nhuyễn lạc 30-50g. Nấu 2 thứ với nhau, đến khi lạc thật chín thì vớt mướp ra nghiền, bỏ xơ, lấy nước và hạt. Cho nước, mướp và hạt mướp vào nồi canh đun sôi, đập 1 quả trứng gà vào, quấy cho sôi đều 5 phút là được.

- Ngó sen tươi tước vỏ, rửa sạch, thái mỏng 20-30g, nhuyễn lạc 30-50g, nấu canh ăn.

Chú ý: Cho nước, mắm muối vừa miệng người ăn (hơi nhạt một chút) và đủ ăn một bữa. Kiểm tra kỹ để loại bỏ lạc mốc hoặc chớm mốc trước khi làm nhuyễn lạc. Người có tiền sử dị ứng với lạc thì không dùng các bài thuốc trên.

Bệnh nhân sốt xuất huyết

Dùng nước đậu xanh, bạc hà (vị thuốc bạc hà trong Đông y)

    Đậu xanh 50gr, đãi loại bỏ vỏ,
    Lá bạc hà 30gr,
    Đường trắng 30gr.

Cho đậu xanh, bạc hà vào nồi, đổ 1 lít nước, đun sôi trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước hòa 30gr đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, chỉ khát (làm mất khát);

Nước ngân hoa dưa hấu

    Lấy 200gr vỏ dưa hấu, bỏ vỏ xanh, giữ lại cùi, thái miếng
    30gr kim ngân hoa

Rửa sạch nguyên liệu cho vào nồi, đun sôi cùng 1 lít nước trong 30 phút, gạn bỏ bã, lấy nước hòa cùng 30gr đường kính, uống làm nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt (làm mát) và chỉ huyết (cầm máu);

Nước rau muống cúc hoa

    Rau muống 150gr, nhặt bỏ cuộng già, rửa sạch.
    Cúc hoa 20gr, rửa sạch

Cho rau muống, cúc hoa vào nồi đun sôi với 1,5 lít nước trong 20 phút. Vớt bỏ bã, gạn lấy nước trong. Cho thêm 50gr đường trắng vào nước rau muống, cúc hoa, đun lại cho tan hết đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chống xuất huyết;

Cháo rau cần đại táo

    Rau cần 150gr rửa sạch, cắt khúc ngắn,
    Đại táo 5 quả rửa sạch,
    Gạo tẻ 100gr vo sạch,
    Đường 50gr.

Cho gạo và đại táo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo, cho rau cần vào đun thêm 5 phút bắc ra, cho đường vào khuấy đều dùng ăn bữa sáng, bữa tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, bình can, lương huyết, chỉ huyết, rất tốt với người mắc bệnh sốt xuất huyết.
Cháo bí đao

    Bí đao 150gr, gọt bỏ vỏ xanh, thái khúc.

    Gạo tẻ 100gr vo sạch,

Cho gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo rồi cho bí đao đã thái khúc vào đun thêm 10 phút, rồi cho ít muối đủ ăn hoặc 50gr đường trắng tùy theo khẩu vị. Bắc ra để nguội ăn vào 2 bữa sáng và tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng. Ta nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu, không có màu đen hay đỏ (vì trong trường hợp nếu cháu ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu). Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì… theo ý thích của cháu.

Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Để phòng tránh, nên cho trẻ uống Oresol (chất thường dùng để bù nước trong bệnh tiêu chảy) hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.

Về ăn, cần chọn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không bao giờ được ăn no quá.

Bệnh sốt xuất huyết hiện đang xảy ra rất nhiều trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Ngoài việc điều trị thuốc men, thì theo Đông y, người bệnh cần có chế độ ăn uống thích hợp.Theo y học cổ truyền, sốt xuất huyết thuộc phạm trù "ôn dịch" và do ngoại cảm thấp nhiệt dịch độc.

Tà của giai đoạn phát bệnh ở phế vệ, đồng thời từ khí mà nhập dinh huyết, giai đoạn huyết áp thấp, tà nhiệt bế ở trong làm hao âm, thương dương, giai đoạn tiểu ít dịch độc lan tràn, bức huyết chạy lung tung, ứ huyết thấp nhiệt bế tắc tam tiêu. Giai đoạn tiểu nhiều tà nhiệt thận khí suy. Giai đoạn khôi phục tạng phủ suy tổn, chính khí dần dần được khôi phục.

Chế độ ăn uống và thực đơn phù hợp cùng với thuốc men phù hợp sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chóng phục hồi, đồng thời làm tiêu tan các triệu chứng như sốt cao (phát nhiệt), mệt mỏi (suy nhược), buồn nôn... Dưới đây là một số món ăn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, ngoài việc điều trị bằng thuốc (Tây y hay Đông y), người bệnh cần có chế độ, thực đơn ăn uống sao cho giảm sốt (thanh nhiệt), giảm đau (chỉ thống), nâng cao sức đề kháng, chống nôn... là điều rất quan trọng để phục hồi sức khỏe. Dùng nước đậu xanh, bạc hà (vị thuốc bạc hà trong Đông y) - đậu xanh 50gr, đãi loại bỏ vỏ, lá bạc hà 30gr, đường trắng 30gr. Cho đậu xanh, bạc hà vào nồi, đổ 1 lít nước, đun sôi trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước hòa 30gr đường. Dùng uống nhiều lần trong ngày.Có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, chỉ khát (làm mất khát); nước ngân hoa dưa hấu - lấy 200gr vỏ dưa hấu, bỏ vỏ xanh, giữ lại cùi, thái miếng cho vào cùng 30gr kim ngân hoa đã rửa sạch vào nồi, đun sôi cùng 1 lít nước trong 30 phút, gạn bỏ bã, lấy nước hòa cùng 30gr đường kính, uống làm nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt (làm mát) và chỉ huyết (cầm máu); nước rau muống cúc hoa - rau muống 150gr, nhặt bỏ cuộng già, rửa sạch. Cúc hoa 20gr, rửa sạch, cho rau muống, cúc hoa vào nồi đun sôi với 1,5 lít nước trong 20 phút. Vớt bỏ bã, gạn lấy nước trong. Cho thêm 50gr đường trắng vào nước rau muống, cúc hoa, đun lại cho tan hết đường.

 Dùng uống nhiều lần trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chống xuất huyết; cháo rau cần đại táo - rau cần 150gr rửa sạch, cắt khúc ngắn, đại táo 5 quả rửa sạch, gạo tẻ 100gr vo sạch, đường 50gr. Cho gạo và đại táo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo, cho rau cần vào đun thêm 5 phút bắc ra, cho đường vào khuấy đều dùng ăn bữa sáng, bữa tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, bình can, lương huyết, chỉ huyết, rất tốt với người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Cháo bí đao - bí đao 150gr, gọt bỏ vỏ xanh, thái khúc. Gạo tẻ 100gr vo sạch, cho gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm kỹ thành cháo rồi cho bí đao đã thái khúc vào đun thêm 10 phút, rồi cho ít muối đủ ăn hoặc 50gr đường trắng tùy theo khẩu vị. Bắc ra để nguội ăn vào 2 bữa sáng và tối. Cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân rất tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
 

3 BÀI THUỐC CHỮA SỐT XUẤT HUYẾT
 

Khi bị sốt xuất huyết, theo Lương y Vũ Quốc Trung, bạn có thể sử dụng 3 bài thuốc hiệu quả chữa sốt xuất huyết sau.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra nhiều trong mùa mưa. Dưới đây là cách sử dụng 3 bài thuốc trị sốt xuất huyết. Lưu ý là nên tham khảo thêm người có chuyên môn.

1. Giai đoạn sốt cao xuất huyết (nhiệt độc vào phần vệ, phần khí). Lúc này, người bệnh thường sốt cao, người li bì, mệt mỏi, miệng khô, khát nước, nhức mỏi các khớp xương - cột sống lưng, tiểu tiện ít, có khi đỏ, có máu, đại tiện táo, buồn nôn có thể nôn ra máu do xuất huyết đường tiêu hóa.

Trên da có nhiều nốt xuất huyết. Sắc mặt đỏ, rêu lưỡi vàng. Phương pháp chữa lúc này là, thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết - chỉ huyết, giải độc.
 

Bài thuốc dùng gồm các vị: kim ngân 12g, cỏ nhọ nồi 18g, mã đề 10g, rau má 10g, lá tre (trúc diệp) 10g, cúc hoa 16g, cây cối xay 10g, lá khế 10g, cỏ rễ tranh 10g, sinh địa 10g, chia uống 3 lần trong ngày.

2. Giai đoạn thanh nhiệt, giải nhiệt (giải độc vào phần dinh, phần huyết), lúc này ngoài những triệu chứng nói trên, nếu nhiệt vào lạc có thể gây xuất huyết dưới da (ban chẩn), nếu vào mạch gây chảy máu trong (nôn máu, đi tiêu ra máu).

Phép chữa lúc này là, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết.

Bài thuốc dùng gồm: cỏ nhọ nồi tươi 16g, hạ khô thảo 10g, cối xay sao vàng 8g, rễ cỏ tranh 16g, sài đất 16g, hoa hòe sao vàng 10g, kim ngân hoa 10g, gừng tươi 3 lát.
3. Giai đoạn hồi phục. Lúc này hết xuất huyết, người mệt mỏi ăn uống kém, sốt hâm hấp về chiều, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch nhỏ.

Nếu tỳ khí hư (hoặc tỳ dương hư) thì sẽ có triệu chứng như: mệt mỏi, tay chân lạnh, chán ăn, ra mồi hôi, nước tiểu trong, đại tiện lỏng cho uống bài thuốc.

Lúc này dùng bài thuốc gồm các vị: đảng sâm 12g, trần bì 6g, bạch biển đậu 12g, ý dĩ 10g, nhục đậu khấu 8g, liên nhục 12g, hoài sơn 12g, mạch nha 8g, kê nội kim 8g. 

Nếu vị âm bất túc, có các triệu chứng: chán ăn, miệng khát, môi khô, tiểu tiện ít, táo bón, chất lưỡi đỏ, thì dùng bài thuốc gồm các vị: nhân sâm 10g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, sa sâm 12g.

Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống trong ngày. Cách sắc: nước thứ nhất, cho 3 chén nước vào nồi cùng các vị thuốc, nấu còn 1 chén, cho nước thuốc ra; nước hai tiếp tục cho 2 chén nước vào, nấu còn lại nửa chén. Hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày. 

 

TỰ ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT: NHIỀU NGUY CƠ TỬ VONG

 

Sốt xuất huyết có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác. Vì vậy nhiều người chủ quan tự mua thuốc uống. Theo các chuyên gia y tế, có một số loại thuốc không thể uống nếu bị sốt xuất huyết vì chúng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Không uống thuốc bừa bãi
Nạn nhân xấu số của việc tự ý điều trị sốt xuất huyết trong đợt cao điểm của dịch sốt xuất huyết năm nay là em Nguyễn Văn Đỉnh, sinh viên năm thứ 3, Khoa Xây dựng Dân dụng (Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng). Theo chẩn đoán của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), nguyên nhân cái chết của Đỉnh là do sốt xuất huyết.
Bạn bè của Đỉnh cho biết, trước khi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện, Đỉnh bị sốt và tự mua thuốc ở hiệu thuốc về uống. Sau đó Đỉnh có biểu hiện xỉu dần và người lạnh. Lúc này bạn bè ở khu trọ mới đưa Đỉnh vào bệnh viện nhưng không thể cứu chữa. Đỉnh đã tử vong 15 phút sau đó. 
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác nên nhiều người chủ quan tự ý mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, nếu bị sốt xuất huyết mà uống một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Phó Trưởng khoa virus ký sinh trùng, Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, khi bị sốt xuất huyết mà uống thuốc Aspirin sẽ làm cho bệnh nhân bị chảy máu nặng, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết đã có triệu chứng xuất huyết và dễ có biểu hiện rối loạn đông máu, thuốc Aspirin làm máu khó đông nên dẫn đến tình trạng chảy máu nặng không cầm ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn vì sốt cao có thể gây ra co giật và lượng nước ở trong cơ thể trẻ em nhiều nên dễ mất nước khi sốt cao dẫn đến trụy tim mạch (hạ huyết áp). Mặt khác, do trẻ không thể biết được về tình hình diễn biến bệnh nên nếu người lớn không chăm sóc và theo dõi chặt chẽ dễ có nhiều biến loạn khác.
Bệnh nhân sốt xuất huyết ngày một tăng cao. (Ảnh: C.H)

Muỗi truyền bệnh đốt vào ban ngày

Rất nhiều bạn đọc gọi điện đến Báo GĐ&XH thắc mắc tại sao trọng điểm của dịch sốt xuất huyết năm nay lại chỉ tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM mà không rơi vào vùng sâu vùng xa, là nơi điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt, người dân thiếu thông tin, điều kiện phòng chống dịch kém.
Hiện cả nước có trên 58.000 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó có hơn 40 bệnh nhân đã tử vong. Riêng TPHCM đã có gần 7.000 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Hà Nội, thống kê của Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, trong 1 tháng qua có hơn 1.000 ca sốt xuất huyết nhập viện.

Theo GS.TS Đặng Đức Phú, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, sống gần người, trong nhà hoặc ngay cạnh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Loại muỗi này thường sống ở nước sạch, ở những thùng chứa nước, các hốc, hõm có nước mưa đọng lại. Vì vậy, các bể chứa nước trong nhà phải được đậy kín và thau rửa thường xuyên. Đối với những vật dụng có thể chứa nước thì phải úp xuống để nước không đọng lại được.

Với những gia đình có người đang bị sốt xuất huyết, không nhất thiết phải cách ly người ốm vì như trên đã nói, bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh chỉ lây từ người bệnh sang người khỏe thông qua muỗi. Vì vậy, khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết thì phải thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như phải nằm màn, bôi kem chống muỗi hoặc dùng hương diệt muỗi...).

Những dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng

Thông thường, bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7-10 ngày. Biểu hiện xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cách tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc có mảng bầm tím; chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiêu ra máu; kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
Bệnh diễn biến tự khỏi, các thuốc sử dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết chủ yếu để điều trị hạ sốt, bù nước và điện giải, chống chảy máu, chống suy tuần hoàn (nếu có). Tuy nhiên, cần đưa đến bệnh viện ngay khi người bệnh có một trong những dấu hiệu như: Chân tay lạnh và mạch nhanh, yếu; Nằm li bì, bỏ ăn uống; Đau bụng vùng gan, kèm nôn ói; Chảy máu mũi, máu răng; Nôn ra máu hoặc tiêu phân đen.
Với trẻ em, TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khuyến cáo, nếu bệnh nhi bị sốt từ ngày thứ 3 trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân cần đưa đến bệnh viện thử máu để tìm bệnh sốt xuất huyết.
 

Những hiểu nhầm thường gặp khi bị sốt xuất huyết

 

Dùng thuốc hạ sốt quá nhiều hoặc truyền đạm hay vitamin vì thấy người mất nước là những sai lầm thường gặp với các bệnh nhân sốt xuất huyết, dễ gây biến chứng, hoặc khiến bệnh nặng hơn.

Các bệnh viện tại Hà Nội đang quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết. Đặc biệt có nhiều người nhập viện muộn với các biến chứng: chảy máu nội tạng, sốc, trụy mạch... Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia khuyến cáo bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau để tránh bệnh biến chứng nặng.

1. Không có thuốc điều trị đặc hiệu

Sốt xuất huyết là bệnh do virus, diễn biến bệnh là quá trình tự nhiên giữa cơ thể với virus. Có người nhẹ, có người nặng, nhưng không thể đoán trước được trường hợp nào sẽ diễn tiến nặng.

Việc điều trị, tác động chỉ mang tính chất hỗ trợ. Rối loạn đến đâu điều trị đến đấy để qua giai đoạn nguy hiểm, không thể chặn trước được. Diễn tiến bệnh tối đa là một tuần, có người kéo dài hơn.

2. Không thể hạ ngay cơn sốt

Tâm lý của nhiều người đang khỏe mạnh, tự dưng sốt, người mệt mỏi khi đến bác sĩ thì yêu cầu chữa hết sốt ngay. Đây là quan niệm sai lầm, đặc biệt là với bệnh sốt xuất huyết vì sốt do virus nên nhiệt độ hạ rồi quay lại ngay.

Thực tế, sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể. Virus gây bệnh đã kích thích cơ thể gây sốt nhưng chính những cơn sốt như thế có tác dụng khống chế virus, làm virus không phát triển.

Nhiều người vì muốn hạ sốt nên đã dùng thuốc hạ sốt nhiều lần (4-5 lần một ngày) dẫn đến lạm dụng thuốc. Hậu quả là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể yếu, hồi phục kém, thậm chí gây ảnh hưởng đến tế bào gan. Nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết đã làm tăng men gan nhưng khi uống nhiều lần thuốc hạ sốt thì càng làm suy gan nặng nề hơn.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không cần hạ sốt. Với những bệnh sốt cao quá, cần phải can thiệp vì có thể dẫn đến co giật. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà áp dụng cách nào. Ca nhẹ có thể chỉ cần nằm nơi thoáng mát, chườm đá, nặng hơn thì phải hạ nhiệt, dùng thuốc an thần, tránh cơn co giật.

3. Ba ngày đầu bị sốt bệnh nhân không nên truyền dịch

Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch: sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người thường nghĩ đến truyền dịch nhưng điều này là không nên. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nên nếu truyền dịch người bệnh hay bị sốc.

Vì thế, giải pháp tốt nhất là nếu người bệnh còn ăn uống được thì bù bằng nước hoa quả, nước thường, nước rau, oresol.... Trường hợp không ăn uống được, nôn và muốn truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không truyền dung dịch đạm, hay có pha vitamin vì rất hay bị sốc.

Trong quá trình truyền, phải theo dõi sát khi thấy người bệnh rét run, nhiệt độ tăng thì phải bỏ truyền dịch ngay. Nếu không khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Giai đoạn này, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà.

4. Từ ngày thứ 4 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh

Bệnh nhân xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như: tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi... Vì thế khi thấy bệnh nhân nằm vật vã, sốt li bì, chướng bụng, khó thở, đi tiểu ít, chảy máu bất thường cần đưa đi khám bác sĩ.

Đây là giai đoạn tăng thấm, bệnh nhân dễ bị thoát dịch qua màng bụng. Các bác sĩ có thể quyết định truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể và phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời bất thường.

5. Khi bệnh đã hồi phục thì không nên truyền dịch

Ngay cả khi đã xuất viện, bệnh nhân cũng phải mất 7-10 ngày để hồi phục lại. Dù đã khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn có triệu chứng mệt mỏi, đứng lên hoa mắt chóng mặt. Vì thế nhiều người muốn truyền dịch để mau chóng khỏe.

Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thừa nước, truyền dịch vào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây phù phổi, cấp cứu không kịp có thể tử vong.

Nói chung, khi bị sốt cao, bệnh nhân cần đi khám để biết chính xác xem có bị sốt xuất huyết không. Nếu nhẹ có thể tự điều trị ở nhà và theo dõi thêm. Đặc biệt sau 3 ngày đầu bị sốt, nếu người vẫn mệt, nằm li bì, sốt cao... thì bệnh nhân cần nhập viện cấp cứu ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
 

Cách chăm sóc và phòng bệnh sốt xuất huyết

 

Nếu đang có dịch sốt xuất huyết xảy ra, khi người bệnh bắt đầu có biểu hiện sốt cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi. Trong giai đoạn này về chăm sóc cần lưu ý:

- Khi bệnh nhân sốt cao trên 38º5C: cần dùng thuốc hạ sốt. Nên dùng thuốc paracetamol, theo chỉ định của thầy thuốc. Cứ mỗi 4-6 giờ cần cặp lại nhiệt độ một lần, nếu còn sốt cao lại tiếp tục cho người bệnh uống thuốc hạ nhiệt, nhưng trong một ngày không uống quá 4 lần vì có thể gây độc với gan. Đặc biệt chú ý không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết. Ngoài ra, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật gây cản trở cho việc hạ sốt và chườm mát cho người bệnh nhân.

- Cho người bệnh uống đủ nước: do tình trạng sốt và nôn nhiều thường dẫn đến thiếu nước và chất điện giải. Cần khuyến khích người bệnh uống nhiều nước có chất điện giải như oresol, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối. Gói oresol có bán sẵn trên thị trường và cần chú ý đọc kỹ về hướng dẫn cách pha dung dịch trên mỗi gói thuốc. Nếu bệnh nhân có nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ và nhiều lần.

- Trong suốt giai đoạn có sốt, đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt, cần theo dõi sát người bệnh và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy cơ bệnh diễn biến nặng như đã đề cập ở phần trên, để đưa người bệnh nhập viện điều trị kịp thời.

- Về chế độ ăn: Cần cho bệnh nhân ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ.

- Nghỉ ngơi: Trong giai đoạn có sốt người bệnh cần được nghỉ nghơi hoàn toàn, hạn chế đi lại. Tốt nhất nên tạo điều kiện cho người bệnh nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi hết sốt 1 - 2 ngày.

- Cần cho người bệnh nhập viện để được chăm sóc chặt chẽ những trường hợp có cơ địa đặc biệt, ví dụ như phụ nữ mang thai, trẻ dưới 1 tuổi, người béo phì, người cao tuổi; có các bệnh mạn tính kèm theo như tiểu đường, các bệnh về phổi, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận. Những trường hợp người bệnh không uống được, hoặc nôn quá nhiều trong nhiều giờ liền, cũng cần nhập viện để được sự hỗ trợ của y tế. Những trường hợp sống độc thân, hoặc nhà quá xa cơ sở y tế thì việc nhập viện để được sự hỗ trợ của cán bộ y tế cũng là cần thiết.

(st)