Những đứa bé với bộ não đang trong thời kỳ phát triển và hoàn thiện, vô cũng nhạy cảm với môi trường xung quanh sẽ bị tác động bởi thiết bị công nghệ.
1. Tác động tới quan hệ với bố mẹ và người khác: Trẻ em khi bị các thiết bị công nghệ thu hút, chúng sẽ dễ dàng bị cuốn vào mà chưa nhận thức được tác hại mà nó mang lại.
Thời gian đáng ra là để xây dựng mối quan hệ với bố mẹ sẽ bị thay thế bởi những thiết bị này, còn bố mẹ do bận bịu nên cũng để mặc chúng vì họ nghĩ để chúng ngoan ngoãn ôm chiếc Smartphone còn hơn là chạy lung tung bên ngoài. Quan hệ bạn bè, thầy cô, ông bà,... cũng sẽ bị hạn chế khi trẻ cứ ôm khư khư chiếc điện thoại máy máy tính. Quan hệ thực bị thay thế bởi mạng xã hội, thay vì gặp nhau nói chuyện trẻ lại nhắn tin gọi điện.
2. Cản trở sự sáng tạo và học tập: Bộ não của trẻ em rất khác với người lớn, chúng tư duy bằng trí tưởng tượng nhiều hơn. Óc tưởng tượng ngây thơ sẽ bị hạn chế khi chúng sử dụng các thiết bị công nghệ vì chúng chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động.
Chúng không cần tưởng tượng nhiều khi mà cả một thế giới đa màu sắc đã ở ngay tầm tay. Những trò game đẹp mắt nhưng vô bổ lấy đi quãng thời gian phát triển trí tuệ của trẻ. Trẻ cũng sẽ lười biếng, bỏ bê học hành hơn.
Khả năng chú ý, tập trung, tư duy sẽ bị tác động lâu dài bởi các thiết bị công nghệ gây ức chế trong học tập.
3. Nghiện máy tính bảng, smartphone... sẽ gây tổn thương vĩnh viễn lên não trẻ: Một số nghiên cứu đã cho thấy sự chậm phát triển nhận thức ở trẻ nhỏ có liên quan tới việc tiếp xúc lâu dài với những thiết bị giải trí điện tử. TS Aric Sigman, một thành viên của Hội Tâm lý học Anh và Hội Y học Hoàng gia Anh, cho rằng thiết bị công nghệ có thể vô tình gây ra những tổn thương vĩnh viễn trên não bộ đang phát triển của trẻ nhỏ.
Ông giải thích:
"Khả năng tập trung, sự chú ý, cảm nhận thái độ người khác và giao tiếp với họ, xây dựng vốn từ vựng lớn - tất cả những khả năng đó sẽ bị ảnh hưởng".
4. Những ảnh hưởng tiêu cực: Chính sự thông minh và tiện lợi mà các thiết bị công nghệ mang lại sẽ làm trẻ lười biếng, không cần tư duy và xử lý thông tin quá nhiều. Smartphone sẽ thay chúng suy nghĩ, và vì thế, nhận thức của trẻ sẽ không được phát triển.
Trẻ dễ dàng tìm kiếm lời giải trên mạng, copy bài giải trên mạng mà không cần động não. Lười vận động, vui chơi dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Ngoài ra trẻ còn dễ nổi nóng và ức chế khi thiếu các thiết bị công nghệ, chúng nổi cáu với chính bố mẹ mình và có thể xuất hiện dấu hiệu của hành vi bạo lực.
Thật đáng buồn nếu một ngày nào đó đứa trẻ của ban tìm cách "vuốt" một bức ảnh, một cuốn sách,... như màn hình cảm ứng, hành động tưởng chừng đáng yêu ấy lại phản ánh thứ sâu xa đang hình thành trong bộ não bé.
Bộ não của chúng đã không còn phân biệt được "thế giới ảo và thật". Một hậu quả nghiêm trọng do tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ.
5. Ảnh hưởng về sức khỏe: Giấc ngủ còn mang lại sức khỏe và phát triển thể chất cho bé. Khi "nghiện" các thiết bị công nghệ, chúng sẽ ngủ muộn và ít hơn.
Thêm vào đó, các nghiên cứu gần đây cho thấy ánh sáng xanh phát ra từ những thiết bị kỹ thuật cũng có bước sóng ngắn gây ức chế melatonin trong máu dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
Nếu mất ngủ kéo dài sẽ gây ra các triệu chứng tâm lý như lo lắng, bồn chồn, dễ bốc đồng, nổi nóng, không nghe lời người khác đôi khi là cả trầm cảm.
Đó là chưa kể các tác động tới võng mạc khiến trẻ dễ bị các tật về mắt, béo phì, đau vai gáy, cổ tay...
Vào 5/2011, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại điện thoại di động (và các thiết bị không dây khác) vào nhóm thiết bị có nguy cơ loại 2B (có thể gây ung thư) do bức xạ phóng ra.
Chúng ta nên làm gì? Để hệ thần kinh phát triển bình thường trong giai đoạn này, trẻ nhỏ cần tới kích thích cụ thể từ môi trường bên ngoài, thế giới thực chứ không phải thế giới ảo trong smartphone hay iPad.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo cho phụ huynh nên cấm hoàn toàn và không cho phép các em dưới 2 tuổi sử dụng thiết bị công nghệ, đồng thời cũng giữ thời lượng sử dụng thiết bị điện tử dưới 2 giờ/ngày cho tất cả các lứa tuổi khác.