Tìm hiểu thông tin về nơi sắp đến:
Trước mỗi chuyến đi, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về địa phương, đất nước mình sắp đến để có kế hoạch chi tiết. Cụ thể, bạn sẽ nghỉ ngơi tại đâu, di chuyển ra sao, ăn uống các bữa chính và phụ như thế nào, giá cả tại đó đắt đỏ hay rẻ hơn so với nơi bạn đang sinh sống… Từ đó, bạn sẽ chủ động hơn trong chuyến đi và không gặp phải phiền toái ngoài mong muốn. Hiện nay, nhiều diễn đàn với chủ đề về du lịch đều có thông tin hữu ích. Đây là cách bạn trở thành người du lịch thông minh, tránh những điểm thường làm giá, chặt chém khách hàng.
Chỉ với một số mẹo đơn giản, chuyến du lịch của bạn sẽ giảm được những rủi ro đáng kể bởi nạn "chặt chém".
Thuộc số điện thoại đường dây nóng:
Phần lớn du khách khi bị chặt chém thường ngậm bồ hòn làm ngọt, hoặc tức giận về nhà đăng lên Facebook "xả" bởi không muốn đôi co, cãi nhau tại nơi xa lạ. Để tránh tình trạng này, bạn nên ghi lại số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi bạn tới. Họ sẽ giúp bạn giải quyết nếu có tranh chấp, xô xát, đồng thời bảo vệ an toàn cho bạn.
Chọn quán ăn đông khách là người địa phương:
Trong những ngày lễ, dịch vụ ăn uống tại một số nhà hàng, quán ăn ở cụm du lịch thường có giá khá cao. Vì vậy, không cần phải vào những địa chỉ sang trọng, bạn có thể ngồi ở quán ăn bình dân, vừa bớt tốn kém vừa là cơ hội để bạn trải nghiệm cảm giác ăn uống như những người dân bản xứ. Đặc biệt, nếu muốn thưởng thức hương vị đặc sản ở nơi mình đến, bạn nên lựa chọn những quán ăn có đông dân địa phương, cũng như quán được nhiều người đánh giá cao với các món đặc trưng.
Chọn món trên thực đơn có giá niêm yết:
Khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, bạn nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết trước. Với những nơi không ghi rõ giá, bạn nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều. Ngoài ra, khi gọi món ăn bạn cũng nên chọn các món phù hợp với nơi mình đến, ví dụ như nếu đi du lịch biển thì nên gọi các món hải sản, chứ đừng gọi các món đặc sản rừng,…
Đặc biệt, các bạn không nên quá tin tưởng vào hóa đơn của nhà hàng bởi sai sót luôn có thể xảy ra. Chủ hàng tại các điểm du lịch thường có chiêu trò khác nhau để bàn ăn của bạn tăng thêm vài món, dù bạn không gọi. Vì vậy, bạn nên kiểm tra lại hóa đơn trước khi thanh toán.
Đặt phòng khách sạn sớm:
Các website thường có ưu đãi đối với khách đặt phòng sớm. Do đó, đặt sớm khoảng 60 ngày rất lý tưởng để chọn được phòng nghỉ giá rẻ và chất lượng tốt. Nếu đặt quá muộn, đặc biệt sát với ngày nghỉ lễ, bạn sẽ phải trả phí cao hơn nhiều lần. Bạn cũng lưu ý tìm hiểu thật kỹ thông tin khách sạn, đừng để các bức ảnh đẹp đánh lừa, thay vào đó đừng ngần ngại hỏi các nhân viên tư vấn những gì bạn còn chưa rõ về phòng nghỉ như: phụ thu, nước uống miễn phí hay khách sạn có gần những địa điểm vui chơi nổi tiếng không…
Đặt phòng khách sạn qua các công ty nội địa:
Đừng nghĩ rằng bạn sẽ luôn săn được phòng giá rẻ khi đặt trên những website quốc tế như agoda, booking, bởi điều này sẽ là sai lầm khi bạn đặt khách sạn nội địa, đặc biệt là những chuỗi hệ thống khách sạn lớn như Vinpearl, Six Senses, Victoria, Mường Thanh… Vì các công ty đặt phòng khách sạn ở Việt Nam đều có những hợp đồng riêng biệt với từng khách sạn cho những mức giá ưu đãi đặc biệt khác nhau. Do đó, đừng bất ngờ khi đặt qua website book phòng khách sạn trong nước, giá có thể rẻ hơn đến 25% – 50%.
Không ngại mặc cả:
Điều cần thiết khác khi bạn đi du lịch là không ngại mặc cả. Thông thường các du khách là nam giới có thể ngại trả giá nên họ thường mua sản phẩm đắt hơn và người bán cũng không tiếc ra giá cao. Còn phụ nữ nên lưu ý để có thể đưa ra giá phù hợp và có thể sở hữu món đồ ưng ý.
Ở một số nơi, bạn phải trả giá giảm 50 - 70% so với giá người bán, nhưng có nơi chỉ cần giảm 10 - 20%,… Nếu bạn không tinh ý sẽ rất dễ bị mua món hàng với giá “trên trời” và rơi vào cảm giác đang bị lừa.