Trẻ con cũng có nhiều lúc nóng giận. Những lúc như thế, bố mẹ nên có cách giải quyết hợp lý như tâm sự cùng trẻ, cho trẻ viết lý do giận dỗi ra giấy…
1. Cho trẻ viết lý do tức giận ra giấy: Khi trẻ tức giận, hãy yêu cầu trẻ viết các lý do khiến mình tức giận ra giấy, rồi xé đi. Cơn giận của bé sẽ theo đó mà biến mất. Cách làm này giúp bé xác định được nguyên nhân cơn nóng giận của mình là do đang giận một ai đó hay do tức giận điều gì. Sau khi xác định được nguyên nhân, bạn có thể đưa ra cho bé hướng giải quyết tốt nhất.
2. Nắm được các biểu hiện trước khi trẻ tức giận: Trước khi cơn tức giận “bùng nổ”, trẻ thường có những biểu hiện như: nắm chặt tay, nghiến chặt răng, bặm môi, cơ thể căng thẳng, nhịp thở nhanh… Khi trẻ có những biểu hiện này, bạn phải nhanh chóng nhận ra rằng trẻ sắp tức giận, hãy cùng trẻ giải quyết vấn đề.
3. Tâm sự cùng con: Cha mẹ hãy thân thiết với con như một người bạn, thường xuyên nói chuyện, lắng nghe trẻ. Lúc đó, trẻ sẽ tin tưởng bạn và sẵn sàng kể cho bạn nghe những bức xúc của mình. Từ đó, bạn có thể cho trẻ lời khuyên kịp thời.
4. Luôn tôn trọng trẻ: Không chỉ có người lớn mà kể cả trẻ con cũng luôn muốn được tôn trọng. Bạn hãy luôn tôn trọng trẻ, ngay cả khi trẻ tức giận. Nếu bạn tôn trọng trẻ, trẻ sẽ lấy bạn làm tấm gương tốt để cư xử bình tĩnh hơn.
5. Hãy là một tấm gương tốt cho con: Trẻ con hay bị tác động bởi những hành động của người lớn. Vì vậy, khi bực bội việc gì, bạn cũng hãy thật kiềm chế, cư xử bình tĩnh. Trẻ nhìn thấy cách cư xử của bạn sẽ hiểu và học theo. Ngược lại, nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình mà la hét hoặc đánh mắng người khác, trẻ cũng sẽ học theo.
6. Đừng quá nuông chiều con: Đừng vì quá thương con mà bạn luôn nuông chiều chúng. Nếu quá nuông chiều trẻ, trẻ sẽ không biết được đâu là giới hạn cho sự đòi hỏi của mình. Vì thế nên khi bị từ chối bé sẽ dễ nổi giận. Vì vậy, ngay khi trẻ còn nhỏ, bạn hãy nói “không” với những đòi hỏi quá đáng của trẻ.
7. Dạy con cách giao tiếp: Hãy luôn dạy bé cách giao tiếp trong đời sống thường ngày. Kể cả khi nóng giận, bé cũng phải biết cách kiềm chế chứ không được thể hiện bằng những lời chửi bậy. Ngoài ra, bạn nên dạy cho trẻ cách suy nghĩ bình tĩnh, không chỉ khi tức giận mà cả khi bực bội, lo lắng, bất an…cũng phải bình tĩnh.
8. Giúp con hòa nhập với tập thể: Đừng để trẻ luôn chơi hoặc học một mình. Hãy để trẻ chơi các trò chơi theo nhóm để trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Khi xảy ra mâu thuẫn, hãy giúp trẻ giải quyết các tình huống thực tế để trẻ không bức xúc và nảy sinh cãi nhau với các bạn. Các tình huống thực tế sẽ là bài học bổ ích cho trẻ.
9. Phạt trẻ khi cần: Nếu trẻ liên tục có những hành vi tức giận thái quá, hãy phạt hoặc răn đe trẻ khi cần thiết. Tuy nhiên, không nên phạt bằng các hình phạt như đánh đập, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Hãy thử dùng hình phạt như không mua quà cho trẻ.
10. Đừng tranh cãi với trẻ khi trẻ nóng giận: Trẻ đang nóng giận thì bạn phải giữ bình tĩnh. Nếu bạn cũng tức giận, trẻ sẽ nghĩ bạn không hiểu trẻ, từ đó xa cách bạn. Đừng cố giải thích đúng sai với trẻ lúc đó mà hãy đợi trẻ “hạ hỏa”.
Theo Tin8