Mẹ là cái nôi đầu tiên cho những đứa trẻ, cũng là giáo viên đầu đời của chúng. Hãy xem các bà mẹ trên thế giới chăm sóc, dạy dỗ con cái như thế nào.
Người Nhật Bản rất coi trọng chế độ ăn uống mỗi ngày, thậm chí một số người còn tính toán liều lượng dinh dưỡng trong những thực phẩm ăn hằng ngày.
Những người mẹ Nhật Bản lo sợ lượng chất dinh dưỡng vào cơ thể trẻ không khoa học. Vì vậy, rất nhiều người muốn tham gia một cuộc thi để nhận chứng chỉ chuyên gia dinh dưỡng.
Theo people.cn, Nhật Bản có khoảng 200 trường đào tạo chuyên gia dinh dưỡng, phân bổ trên khắp các thành phố của cả nước. Không những thế, việc ghi danh vào những trường về dinh dưỡng lại rất đơn giản.
Theo quy định của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, những người học 50 giờ học tại khoa dinh dưỡng của trường đại học, cao đẳng hoặc trường đào tạo nghề và thông qua kỳ thi đều có thể nhận được chứng chỉ chuyên gia dinh dưỡng.
Theo số liệu của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, mỗi năm Nhật Bản có gần 2 triệu người nhận được chứng chỉ chuyên gia dinh dưỡng, trong đó hơn 60% là phụ nữ.
Họ quyết tâm có được chứng chỉ này để các bữa ăn của con cái mình khoa học và dinh dưỡng. Theo khảo sát, nội dung các khóa đào tạo chuyên gia dinh dưỡng rất phong phú.
Các bà mẹ trước tiên phải học các kiến thức về sinh học và hóa học cần thiết, nắm vững các thành phần khác nhau của thực phẩm, học cách dùng tỷ lệ khoa học để kết hợp các món ăn để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho cả gia đình.
Hơn nữa, các bà mẹ còn phải học giáo dục thể chất, học cách lên kế hoạch cung cấp dinh dưỡng cho trẻ trong từng độ tuổi khác nhau, xây dựng công thức nấu ăn lành mạnh để giúp trẻ em thông qua tập thể dục thường xuyên duy trì một thể trạng hợp lý.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng việc gia tăng số lượng các bà nội trợ là chuyên gia dinh dưỡng khiến các bữa ăn của người Nhật trở nên khoa học hơn, đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe người dân.
Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết họ đang phấn đấu để đạt mục tiêu mỗi một gia đình đều có một chuyên gia dinh dưỡng.
Khi trẻ bị ốm, những bà mẹ sẽ rất lo lắng và muốn lập tức đưa em bé đến bệnh viện để khám.
Trong khi những người mẹ ở Đức lại rất bình tĩnh khi đối mặt với tình trạng đau ốm của đứa trẻ, không những không vội vàng đến bệnh viện mà còn tự điều trị cho các bé giống như một người đã trải qua các lớp đào tạo về y học.
Rất nhiều phụ nữ Đức sẽ bỏ việc ở nhà để tập trung vào việc chăm sóc con cái trước khi chúng đi học mẫu giáo.
Khi em bé vừa chào đời, bệnh viện, trung tâm y tế công cộng sẽ cử y tá, giáo viên chăm sóc trẻ đến nhà để truyền lại một loạt phương pháp khi phải đối mặt với những đợt ốm của trẻ.
Ví dụ khi trẻ bị sốt nhẹ có thể làm mát cho em bé bằng nước ấm, buộc khăn ướt vào chân để hạ sốt, cách mặc quần áo thích hợp để đối phó với việc ra mồ hôi ở trẻ.
Ngoài các phương pháp trên, những người mẹ ở Đức sẽ chọn trà thảo dược để giải quyết các vấn đề như đau bụng, ho, ngủ ko ngon giấc ở trẻ.
Các đài truyền hình ở Đức đều có các chương trình đặc biệt liên quan đến sức khỏe trẻ em và nhiều người mẹ đã học được từ đó nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, các tình nguyện viên của trung tâm y tế công cộng cũng sẽ thường xuyên ghé qua hỗ trợ các bà mẹ những kiến thức về y học.
So với các bà mẹ ở các nước khác, người mẹ Mỹ rất linh hoạt trong việc dạy dỗ con cái. Họ gần như không bao giờ ra lệnh cho trẻ làm một việc gì đó, nhưng bằng cách ăn uống, vui chơi, nói chuyện trước khi đi ngủ để dạy cho con nhiều kiến thức trong cuộc sống. Họ giống như các chuyên gia tâm lý của trẻ.
Việc giáo dục trên bàn ăn là một bộ phận quan trọng trong giáo dục trẻ em ở Mỹ. Những người mẹ Mỹ cực kỳ coi trọng những thứ bên ngoài việc “ăn no” của một đứa trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ không chịu ăn đúng giờ, người mẹ sẽ cứng rắn để con đói. Qua cách giáo dục này, người mẹ sẽ dạy những đứa trẻ ý thức chịu trách nhiệm với những gì mình làm.
Đợi khi đứa trẻ lớn hơn một chút, người mẹ sẽ yêu cầu trẻ học các nghi thức trên bàn ăn như không phát ra tiếng ồn khi ăn, ăn từ từ, không để dụng cụ ăn phát ra tiếng động. Họ còn yêu cầu con cái mình làm một số việc gia đình như sắp xếp bàn ăn, thu dọn bát đĩa.
Những việc làm như vậy khiến những đứa trẻ nhận ra rằng chúng là một thành viên trong gia đình, có đóng góp cho gia đình và trân trọng gia đình.
Họ còn giả vờ như không biết các mâu thuẫn của con cái mình với bạn bè của chúng, để chúng tự giải quyết các vấn đề bản thân và nâng cao khả năng giao tiếp với người khác.
Người mẹ chỉ can thiệp khi chúng có những hành động đi quá giới hạn. Ngoài ra, người mẹ sẽ khuyến khích con cái mình chia sẻ đồ chơi, đồ ăn cho bạn bè của chúng.