Bạn đã sẵn sàng đón "cục cưng" chào đời?

Sắm đồ sơ sinh

Các ông bố, bà mẹ trẻ tương lai sẽ choáng ngợp khi bước vào một cửa hàng đồ sơ sinh. Nhìn món đồ nào cũng yêu yêu, xinh xinh và muốn mua liền. Tuy giá mỗi món đồ không cao nhưng tổng số tiền bạn phải chi sẽ không nhỏ. Vì vậy để tránh mua phải những thứ không thật cần thiết, hoặc mua quá nhiều, bà mẹ trẻ cần lên danh sách, số lượng những đồ dùng thật cần thiết cho con. Nếu có thể tận dụng được đồ dùng “thừa kế” từ bạn bè, cô dì chú bác thì càng hay vì đồ sơ sinh rất tốn, lại phải thay liên tục, hầu như mỗi tháng bạn sẽ phải đổi size quần áo cho con 1 lần.

Các cửa hàng đồ sơ sinh đều có danh sách đồ dùng cần mua cho bé, bởi vậy bạn có thể xin danh sách đó tham khảo, rồi có thể lọc bớt, giành tiền mua những đồ dùng không cần thiết đó để mua sữa, bỉm cho con. Các đồ dùng không thể thiếu cho bé đó là: áo, quần sơ sinh, tã, khăn quấn, bao chân, bao tay, băng rốn, mũ, khăn sữa, chăn…

Với các bà mẹ được chỉ định sinh mổ thì cần chuẩn bị sẵn một hộp sữa công thức và bình sữa vì sau khi mổ mẹ thường về sữa rất chậm.

Ghi lại khoảnh khắc bé chào đời

Bố mẹ nhớ mang theo một chiếc máy quay hoặc một chiếc máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc bé chào đời nhé. Không gì ý nghĩa và ấn tượng khi có một video bé chào đời được ghi lại từ khi mẹ vào phòng chờ sinh, quá trình mẹ vất vả chờ cơn co để lên bàn đẻ, rồi khoảnh khắc bố đón bé từ tay bác sỹ chúc mừng mẹ tròn con vuông, hình ảnh đầu tiên bé bú mẹ và cảnh cả gia đình đón bé về nhà. Bởi vậy, bố đừng bỏ lỡ ghi lại được những giây phút hạnh phúc khi bé chào đời nhé.

Chăm sóc sức khoẻ cho bé


Một số kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh cần lưu ý đó là:

- Mẹ cần để ý đến hiện tượng vàng da sinh lý ở bé. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4, sau đó giảm dần. Vàng da nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Nếu sau 2 tuần da bé vẫn còn vàng thì có thể sẽ được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng từ đèn phát ra tia cực tím còn gọi là đèn bili-lamp trong một vài ngày.

- Làm sạch các chất “gây” ở da bé để tránh bé bị viêm da bằng cách tắm cho bé hàng hàng bằng nước muối thật loãng hoặc sữa tắm với công thức dịu nhẹ cho bé.

- Chăm sóc rốn cho bé đến khi rốn rụng. Khi tắm tránh làm ướt rốn và sau khi tắm xong phải thay ngay băng rốn vô khuẩn cho trẻ. Không nên băng kín rốn vì băng kín rốn sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn.

- Điều kiện môi trường cho bé: Bé cần được giữ ấm, phòng nằm phải ấm (28 - 30oC), thoáng, không có gió lùa. Tắm nắng cho bé vào sáng sớm mỗi ngày khoảng 15-20 phút.

- Tiêm phòng cho bé

Chế độ dinh dưỡng cho bé

Bé cần được bú mẹ ngay sau khi sinh vì sữa non có nhiều chất bổ dưỡng, kháng thể, giúp bé chống lại bệnh tật. Ngoài ra, mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú hoàn toàn và bú đêm đến 6 tháng tuổi. Tuổi cai sữa cho trẻ tốt nhất là 24 tháng tuổi. Nếu bé ngủ quên thì mẹ nên đánh thức bé để cho bú sau mỗi 3 tiếng. Khi bé bú mẹ lưu ý, cho bé bú hết bầu sữa bên này mới chuyển sang bên kia, không cho bú mỗi bên ít một vì trẻ sẽ không nhận được sữa cuối là sữa nhiều dưỡng chất giúp bé tăng cân. Mẹ cũng không nên vắt bỏ sữa đầu vì sữa đầu tuy loãng nhưng lại có nhiều kháng thể giúp bé tăng sức đề kháng. Mẹ cần cho bé ngậm hết quầng đen của núm vú để trẻ bú dễ dàng và mẹ tránh bị đau tức đầu ngực.

Khi bé 5 tháng tuổi thì bắt đầu tập ăn dặm với bột ngọt, ngày 1-2 bữa. Khi bé 6 tháng tuổi thì ăn dặm bột mặn ngày 2-3 bữa với đủ 4 nhóm dinh dưỡng: tinh bột, đạm, rau quả, dầu ăn.