Phương pháp dạy con bắt đầu vào lớp 1
Phương pháp chữa bệnh hen suyễn cực hiệu quả
Làm sao để khuôn mặt hết béo bằng các phương pháp đơn giản?
Biết bò là một cột mốc bứt phá của trẻ, đánh dấu giai đoạn trẻ phát triển về thể chất và kỹ năng vận động. Một số hoạt động đơn giản trong cuộc sống thường ngày có thể giúp con luyện tập kỹ năng này thuần thục hơn, đồng thời phát triển các kỹ năng khác.
Trí thông minh
Chơi trò nguyên nhân – kết quả: Bạn có thể dạy con khái niệm này bằng cách cho trẻ thấy thả một hình khối vào thùng sẽ phát ra âm thanh như thế nào, khi đẩy bóng sẽ lăn như thế nào và khi gạt cần thì búp bê trong hộp sẽ bật lên ra sao.
Trốn tìm: Chơi trò này bằng cách phủ chăn che mặt để trẻ có thể kéo xuống. Khi đã hiểu về sự tồn tại của sự vật, trẻ sẽ rất phấn khích mỗi khi tìm thấy bạn, vì giờ đây bé đã biết bạn vẫn luôn ở đây – thậm chí khi bé không nhìn thấy.
Kỹ năng vận động
Tạo chướng ngại vật: Chẳng hạn xếp những chiếc gối nhỏ cho trẻ trèo lên hoặc cho con một chiếc thùng lớn để bé có thể bò vào.
Tập cho trẻ đứng chựng: Nếu con bạn có thể tự đứng dậy, hãy đặt đồ chơi trên một chiếc bàn thấp để trẻ tự vươn người đến lấy. Một khi biết trên bàn có đồ chơi, trẻ sẽ cố gắng đứng dậy để nhìn .
Nào ta cùng bước: Đỡ con ở tư thế đứng bằng cách nắm tay trẻ. Bước một hoặc hai bước và khích lệ con bước theo bạn.
Tập cho trẻ tự xúc ăn: Đến giờ ăn, bạn có thể cho con một chiếc thìa có tay cầm bản to và một cốc nước để khuyến khích trẻ tự xúc. Vì kỹ năng tự ăn của con bạn vẫn còn sơ đẳng, thay vì phải “vật lộn” với chiếc thìa, hãy dùng hai chiếc, mẹ và con mỗi người một thìa. Tất nhiên trẻ chủ yếu ăn bằng thìa mẹ xúc, nhưng bé sẽ cảm thấy mình “có quyền hạn” hơn.
Chơi trò đập tay: Trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng phối hợp tay-mắt.
Dọn đường cho trẻ: Cần đảm bảo bạn luôn trong tư thế sẵn sàng đề phòng các trò nghịch phá theo từng độ tuổi của trẻ. Với mỗi kỹ năng mới, trẻ lại có những trò nguy hiểm mới mà bạn không ngờ tới. Chẳng hạn, ngay khi trẻ bắt đầu biết bò, bạn cần lắp cửa ở hai đầu cầu thang. Như thế, trẻ có thể thoải mái bò khắp nhà và bạn không cần lo ngại con ngã cầu thang do bạn lơ đễnh. Giai đoạn này, trẻ chưa đủ lớn để biết đi cầu thang.
Cảm xúc
Vẫy chào tạm biệt khi bạn ra khỏi nhà: Hành động này dạy (và củng cố) một bài học quan trọng cho trẻ: “Mẹ đi rồi mẹ lại về”.
Đón nhận “người bạn nhỏ” của trẻ: Nếu trẻ phải tạm xa bạn, hãy khuyến khích con mang theo chiếc chăn “ghiền” hoặc món đồ chơi yêu thích. Những “người bạn” này sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn hơn.
Nghệ thuật “đánh lạc hướng”: Khi trẻ nổi cáu vì bị mẹ cấm đoán điều gì, bạn hãy cố gắng ”đánh lạc hướng” thay vì xung đột với trẻ. Hãy đưa trẻ đi sang phòng khác, đổi đồ chơi hoặc cùng con chuyển sang một hoạt động mới để trẻ nguôi quên.
Theo sát thời khóa biểu: Lên giờ giấc ăn, ngủ, chơi cho trẻ và đảm bảo theo đúng giờ đó mỗi ngày. Thói quen này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn. Ngày trong tuần lẫn cuối tuần đều theo cùng thời khóa biểu này.
Kỹ năng giao tiếp
Đóng vai người dẫn chuyện: Khi cùng con đi dạo ngoài trời, bạn hãy chỉ vào mọi vật xung quanh và diễn tả cho con nghe bạn thấy gì, đang làm gì, đi đâu… Giờ đây trẻ đã hiểu nhiều những gì bạn nói qua ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và ngữ cảnh.
Đối thoại cùng trẻ: Khi trẻ bi bô một chuỗi dài nghe có vẻ như từ ngữ và câu, bạn hãy chờ đến khi con ngừng nói và đáp lại một câu. Cách này dạy trẻ biết cuộc hội thoại qua lại là như thế nào.
Tạo một thư viện mini: Đặt một thùng đựng sách thiếu nhi trên sàn để trẻ có thể lấy và tự xem bất cứ lúc nào.
Cân nhắc dạy trẻ một vài dấu hiệu cơ bản: Khoảng 8 hoặc 9 tháng tuổi, nhiều trẻ có thể bắt đầu hiểu và sử dụng hình thức ngôn ngữ ký hiệu của mình. Đây là cách để trẻ thể hiện mong muốn và có thể bớt buồn bực, không khóc lóc nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn cố bắt trẻ nhớ các dấu hiệu này, bé sẽ thêm buồn bực.