Bé bị đái dầm

Đái dầm là gì?

Đái dầm là sự rỉ nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ, xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (khoảng 4 đến 5 tuổi). Đa số trẻ em hết đái dầm ban đêm vào tuổi lên ba hay lên bốn. Tuy nhiên, vào tuổi lên năm, cứ mười trẻ trai thì có một trẻ còn đái dầm. Kiểm soát việc tiểu tiện là một quá trình phụ thuộc nhiều yếu tố: nhận thức được cảm giác đầy bàng quang, khả năng trữ nước tiểu của bàng quang, khả năng kiểm soát tự chủ cơ thắt cổ bàng quang, nhu cầu tâm lý kiểm soát việc tiểu tiện và việc trải qua sự huấn luyện.

Đái dầm có thể xuất hiện ngay lúc đầu (đái dầm nguyên phát) hoặc sau một thời gian trên 6 tháng không đái dầm (đái dầm thứ phát). Đa số trẻ đái dầm thường xảy ra lúc ngủ nhưng cũng có thể kết hợp với các triệu chứng khác của bàng quang (đái gấp, đái lắt nhắt, rối loạn chức năng đi đái) vào lúc thức.

Phần lớn các trường hợp đái dầm được cha mẹ để ý khi trẻ đến tuổi đi học, 5 đến 6 tuổi.

Mặc dù chứng đái dầm của trẻ có thể làm cho các bậc cha mẹ bực mình, nhưng đái dầm không phải là một vấn đề nghiêm trọng.

Tại sao trẻ đái dầm?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đái dầm: do di truyền, rối loạn nhận thức lúc ngủ, rối loạn động học bàng quang, tiếu nhiều ban đêm, các yếu tố tâm lý và sự chậm trưởng thành. Chậm trưởng thành có lẽ là khái niệm hợp lý và được chấp nhận nhiều nhất trong các yếu tố ảnh hưởng đến đái dầm.

Một trẻ đái dầm thường có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng cùng lúc.

Trường hợp một đứa trẻ đái dầm trở lại một khi nó đã biết nhịn đái rồi gần như bao giờ cũng là dấu hiệu trẻ căng thẳng và lo âu. Hiện tượng này hay xảy ra tới khi có một sự cố quan trọng ví dụ như trong nhà có thêm trẻ, hoặc trẻ bắt đầu đi học. Một số trẻ em có thể có lý do về thể chất để không nhịn đái được, ví dụ như mắc phải bệnh nhiễm trùng đường tiểu hay dị tật trên đường tiểu. Trong trường hợp chứng đái dầm đi kèm với chứng khát nước gia tăng và đái dắt ban ngày, đó có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Bạn nên làm gì?

- Khuyến khích trẻ không uống nước 2 giờ trước khi đi ngủ.

- Khuyến khích trẻ đi tiểu hoàn toàn trước giờ ngủ.

- Hướng dẫn trẻ tự dọn dẹp giường vào buổi sáng khi đái dầm.

- Lập biểu đồ theo dõi diễn tiến và khen thưởng trẻ mỗi đêm không đái dầm.

- Lót giường ngủ bằng một tấm drap cao su và phủ lên trên đó một tấm drap nhỏ bằng côt-tông, để giặt và phơi mỗi ngày nếu cần.

- Bạn hãy tự xét cách hành xử của mình, có thể vấn đề lại bắt đầu từ bạn, nếu bạn quá thúc ép trẻ, bạn sẽ làm cho trẻ căng thẳng thêm. Hãy dịu dàng và kiên nhẫn.

- Cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ; hoặc nếu trẻ muốn, bạn hãy để cái bô trong phòng trẻ, để trẻ khỏi phải đi tới nhà vệ sinh.

- Huấn luyện trẻ đi tiểu ban đêm: đánh thức trẻ với khoảng thời gian giảm dần trong vài đêm để trẻ tự đi tiểu hoặc giúp trẻ tự thay đồ khi đái dầm.

- Dùng dụng cụ báo động tiểu dầm: dụng cụ nhỏ, được mặc trực tiếp vào quần của trẻ và phát ra báo động bằng âm thanh hoặc rung động khi nước tiểu được cảm nhận ở quần lót. Có thể ngưng mang dụng cụ khi trẻ không đái dầm ít nhất 3 tuần liên tiếp. Tỷ lệ ngưng đái dầm lâu dài là 70%. Hiệu quả nhất khi kết hợp với các phương pháp điều trị hành vi khác hoặc phương pháp dùng thuốc.

- Kiểm tra nước tiểu của trẻ xem có mùi tanh không. Nếu nước tiểu của trẻ có mùi tanh thì đấy có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu.

- Hãy để ý xem trẻ có hay khát nước và đái dắt ban ngày không, đây có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường. hãy cho trẻ đi khám bệnh.

* Phương pháp dùng thuốc không phải là chọn lựa ban đầu trong điều trị đái dầm và hiếm khi được sử dụng trước 8 tuổi.

Bạn không nên làm gì?

- Không nên cáu gắt khi trẻ đái dầm cho dù bạn rất bực mình.

Khi nào trẻ cần được điều trị?

Tỷ lệ đái dầm tự hết khoảng 15% mỗi năm, khoảng 1% trẻ 15 tuổi vẫn còn đái dầm. Quyết định điều trị và chọn lựa phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào tuổi của trẻ, ảnh hưởng của đái dầm tới lòng tự trọng của trẻ và chức năng của gia đình.

Trẻ dưới 8 tuổi: Trấn an, giáo dục trẻ và gia đình về tiểu dầm có tầm quang trọng nhất: đái dầm không phải là lỗi của trẻ, không được trêu chọc trẻ. Các phương pháp điều trị "tác động" và điều trị "hành vi" giúp trẻ thức dậy đi tiểu và khen thưởng là phù hợp nhất với nhóm tuổi này.

(ST)