Tìm hiểu về bệnh sốt phát ban ở trẻ em
Trẻ bị sốt phát ban phải làm gì để trẻ hết bệnh, mau khỏe
Trẻ bị sốt phát ban phải làm gì?
Bệnh sất phát ban là gì?
Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn. Hầu hết trẻ em đều có ít nhất 1 lần mắc bệnh này, bệnh được biểu hiện bằng sốt và nổi nhiều chấm đỏ rải rác toàn thân (phát ban).
Nguyên nhân:
Bệnh do nhiều loại siêu vi trùng gây ra, nhưng có hai nguyên nhân chính gây bệnh sốt phát ban là siêu vi sởi và siêu vi gây bệnh rubella.
Bệnh sốt phát ban lây theo đường hô hấp do người lành hít phải các chất có siêu vi trùng gây bệnh khi người bệnh ho hay hắt hơi.
Biểu hiện của bệnh:
Sốt phát ban do sởi thường biểu hiệu bằng:
- Sốt cao.
- Ho.
- Sổ mũi.
- Mắt đỏ vài ngày sau đó phát ban toàn thân.
- Trước khi phát ban trẻ thường bứt rứt quấy khóc nhiều và sau khi ra ban trẻ sẽ giảm sốt và giảm quấy.
Phát ban do rubella :
- Thường kèm sốt nhẹ hay không sốt và ban xuất hiện rất nhanh, có thể một ngày đã nổi khắp cơ thể.
- Đa số trẻ có kèm theo tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng .
Bệnh sốt phát ban có nguy hiểm không?
Ban đỏ hay sởi chỉ nguy hiểm khi có biến chứng, các biến chứng thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nặng hơn là viêm não. Ban đào hay rubella thì rất lành tính ở trẻ em, rất hiếm gặp biến chứng.
Bạn có thể làm gì?
- Bệnh sốt phát ban có thể điều trị tại nhà bằng cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu có sốt, thuốc giảm ho, cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.
- Bạn hãy mang trẻ đến bệnh viện khi trẻ sốt cao không hạ, thở mệt, tiêu phân có máu, chảy mủ tai, co giật hôn mê vì lúc này trẻ đã có biến chứng.
- Nên cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, ăn thành nhiều bữa, ăn thức ăn dễ tiêu.
Cách phòng ngừa:
- Cần cách ly trẻ bệnh (nhưng cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban).
Tiêm phòng: Tiêm vắcxin phòng bệnh sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng Rubella chung với quai bị và sởi trong cùng một lần khi trẻ được 12 tháng tuổi.
Những việc bạn không nên làm:
Không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên không nên để trẻ bị lạnh. Kiêng ăn sẽ làm cho trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng.