Tràng hoa quấn cổ là gì? Những nguy cơ khi bé bị tràng hoa cuấn cổ. Làm sao phát hiện bé bị tràng hoa cuấn cổ? Cách phòng ngừa và biện pháp xử lý
Theo nghiên cứu, tình trạng tràng hoa quấn cổ chiếm tỷ lệ tới 30% các trường hợp mang thai, do thời gian trong bụng mẹ, thai nhi cử động và "nhào lộn" nhiều, khiến dây rốn bị quấn và tháo liên tục.
Làm thế nào để phát hiện bé bị tràng hoa quấn cổ?
Các trường hợp dây rốn quấn quanh cổ được phát hiện nhờ siêu âm, hiện tượng này thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Khi siêu âm, bác sỹ có thể biết được thai nhi bị dây rốn quấn bao nhiêu vòng và tình hình của em bé như thế nào.
Thai máy bất thường có thể cũng là dấu hiệu của tràng hoa quấn cổ, do thai nhi bị dây rốn quấn chặt gây thiếu oxy, khó thở, thai sẽ đạp nhiều và mạnh. Những trường hợp dây rốn dài hơn thai nhi, thai nhỏ, nước ối nhiều thì xác suất thai nhi bị tràng hoa quấn cổ cũng cao.
Tràng hoa quấn cổ có nguy hiểm không?
Dây rốn chính là bộ phận truyền oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi để nuôi dưỡng bé, đồng thời nhận những chất đào thải của thai nhi ra ngoài nhau thai, nếu dây rốn hoạt động tốt thì thai nhi sẽ nhận được đủ dưỡng chất để phát triển trong suốt thai kỳ. Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở. Bởi thế, bé sơ sinh có nguy cơ nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ.
Nguy cơ có thể gặp khi vượt cạn, người mẹ chuyển dạ, dây rốn quấn có thể khiến thai nhi bị treo trên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài. Hoặc khi thai nhi lọt lòng, dây rốn bị căng, làm máu không thể dẫn từ mẹ sang con, bé có thể tử vong trong lúc chuyển dạ.
Ngoài ra, bé sau khi chào đời, nếu được các bác sỹ xử lý kịp thời, tràng hoa quấn cổ sẽ không gây nguy hiểm gì. Nhưng nếu dây rốn quấn nhiều vòng và quá chặt bé có thể bị thiếu oxy, dẫn đến suy hô hấp...
Bé có thể tự tháo tràng hoa quấn cổ?
Một số trường hợp thai nhi từ tuần 18 - 25, trong quá trình cử động và vặn mình, dây rốn quấn cổ có thể trở về bình thường mà không cần can thiệp gì từ bên ngoài.
Một số trường hợp khác, khi thai nhi đã lớn và cử động nhiều, phức tạp có thể khiến dây rốn quấn thêm một vài vòng nữa. Bởi vậy, các mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi thai máy, khi thai nhi máy bất thường, đột ngột đạp mạnh hoặc quá yếu, cần đến bệnh viện khám và kiểm tra ngay.
Từ tuần 18 - 25, thai nhi có thể cử động và tự thoát được khỏi tràng hoa quấn cổ
Bé bị tràng hoa quấn cổ, nên sinh thường hay sinh mổ?
Việc sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào mức độ quấn chặt hay lỏng của dây rốn. Tùy vào trường hợp cụ thể, các bác sỹ sẽ chỉ định có nên sinh mổ không. Đối với trường hợp thai nhi khỏe, mẹ khỏe, tràng hoa quấn cổ ít (1 vòng), bác sỹ có thể chỉ định sinh thường, và kết quả các em bé sinh ra thường đều khỏe mạnh. Đối với một số trường hợp dây rốn quấn quanh cổ thai nhi nhiều, thai to, mẹ yếu, bác sỹ sẽ chỉ định sinh mổ để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé.
Những điều mẹ bầu cần lưu ý khi bé có tràng hoa quấn cổ
- Khi đi khám thai, phát hiện bé có tràng hoa quấn cổ, mẹ cần theo dõi kỹ các cử động, tình trạng sức khỏe của bé để kịp thời xử lý những bất thường. Cử động thai hàng ngày của bé rất quan trọng, nếu mẹ thấy thai nhi máy mạnh đột ngột, hoặc yếu hơn hẳn bình thường cần chủ động đi khám và kiểm tra ngay.
- Đặc biệt, vào những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu cần thường xuyên đi khám để kịp thời nắm bắt được tình trạng sức khỏe của thai nhi để có hướng giải quyết phù hợp.
- Ngày xưa có quan niệm, những em bé có tràng hoa quấn cổ, có thể chữa bằng mẹo, đó là người mẹ bò xung quanh giường theo chiều ngược kim đồng hồ, dây rốn sẽ bị tuột ra, hoặc xoa bụng thật nhiều để kích thích thai nhi cử động và tự tháo thoát khỏi dây rốn. Tuy nhiên, những việc làm trên chưa có căn cứ khoa học, có thể không mang lại tác động tích cực. Thậm chí việc xoa bụng nhiều, còn kích thích tử cung co bóp dẫn tới nguy cơ bị sinh non. Bởi vậy, mẹ bầu cần chú ý và cũng không nên quá lo lắng.
Tràng hoa quấn cổ, có nên lo lắng?
Không ít các bà mẹ lo lắng với hiện tượng tràng hoa quấn cổ. Tuy nhiên nếu biết “chung sống hòa bình” với nó, mẹ bầu vẫn hoàn toàn có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh.
1. Rối bời vì tràng hoa quấn cổ
Lan ở Từ Liêm, Hà Nội mang thai ở tháng thứ 5. Là cháu đích tôn của dòng họ, bé của chị được cả gia đình quan tâm, chăm sóc. Đặc biệt là mẹ chồng. Có cảm giác bà không bao giờ rời mắt khỏi cháu.
Ngoài việc đưa ra những thực đơn hàng ngày nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của bà, mọi hoạt động đi đứng, nằm, ngồi của chị đều được bà giám sát. Lần đầu làm mẹ, Lan vẫn còn bỡ ngỡ nên chị tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bà.
Thế mà vẫn có hôm chị gặp sự cố. Hôm đó thấy người hơi mỏi mệt, Lan thấy cần phải tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng. Nhưng chỉ vừa thực hiện được vài động tác giơ tay cao quá đầu thì mẹ chồng chị từ đâu sầm sầm chạy vào. Bà lắc đầu bảo chị vô tâm quá. Mang thai là phải tránh tuyệt đối việc với tay cao quá đầu. Bởi như vậy sẽ dễ làm tràng hoa quấn cổ đứa trẻ, rất nguy hiểm.
Nghe thấy vậy Lan cũng cuống lên. Chị liếc trộm mẹ chồng và thấy may mắn vì vài lần chị đã làm thế nhưng không bị bắt gặp. Nhưng đồng thời, chị cũng chột dạ, không biết chuyện này thực hư ra sao.
Còn chị Linh ở Thạch Thành, Thanh Hóa mấy hôm nay cũng rối bời. Những tháng đầu tiên, chị mang thai bình thường. Nhưng đến tháng thứ 7, khi đi siêu âm lại, bác sĩ thông báo thai bị tràng hoa quấn cổ. Bác sĩ trấn an chị rằng hiện tượng này không hiếm và cũng không quá nguy hiểm. Nhưng tốt nhất nên đến bệnh viện sinh thay vì sinh ở trạm xá. Vì trong quá trình sinh, nếu có bất kỳ biến cố nào xảy ra, các bác sĩ ở đây sẽ kịp thời can thiệp.
Mang tin này thông báo với cả nhà, chị nhận được thông điệp từ nhà chồng: không phải đi đâu hết. Mấy ông bác sĩ nhìn gì cũng ra bệnh, mà nhìn bệnh gì cũng thấy nguy hiểm. Còn ngày xưa, thế hệ ông bà sinh con, rất nhiều trẻ bị tràng hoa quấn cổ, nhưng chỉ sinh ở nhà, chứ đừng nói trạm xá, mà vẫn khỏe mạnh bình thường.
2. Tràng hoa quấn cổ là gì?
Tràng hoa quấn cố là cách gọi văn hoa của hiện tượng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một hoặc nhiều vòng, do khi nằm trong tử cung của mẹ, bé thường xuyên cử động, xoay chuyển làm vướng đầu vào dây rốn.
Khi bị tràng hoa quấn cổ, thai sẽ có một số cử động bất thường như là một dấu hiệu cảnh báo cho mẹ. Khi vòng quấn chặt, gây thiếu ôxy, khó thở, bé sẽ đạp nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ duy nhất siêu âm mới có thể phát hiện chính xác hiện tượng này.
3. Nguy cơ khi tràng hoa quấn cổ
Dây rốn là mối liên hệ, trao đổi chất duy nhất giữa mẹ và bé. Đa phần, khi bị tràng hoa quấn cổ, bé vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên khi bị quấn chặt, việc vận chuyển máu, không khí, dưỡng chất để nuôi dưỡng thai sẽ khó khăn.
Vì vậy, có thể dẫn đến việc trẻ sinh ra thiếu máu, nhẹ cân, thậm chí có trường hợp nặng thai chết trong tử cung. Khi mẹ chuyển dạ, dây rốn quấn quanh cổ có thể sẽ khiến bé bị treo lên cao, khó chui ra ngoài.
Một số trường hợp, đa phần là khi thai được 18-25 tuần bị tràng hoa quấn cổ rồi một thời gian sau trở lại bình thường. Tuy nhiên cũng có khi thai càng lớn càng bị quấn thêm nhiều vòng và không có cách nào gỡ ra. Nguy cơ suy thai sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Trường hợp này thai phụ phải đến khám định kỳ và theo sát cử động của thai. Nếu có bất kỳ điều gì bất thường phải đến bệnh viện ngay.
4. Phương pháp sinh thích hợp
Nhiều người nghĩ sinh mổ là giải pháp hợp lý nhất cho hiện tượng này. Tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy. Sinh mổ nhiều khi sẽ mang tới những nguy cơ cho cả mẹ lẫn con.
Thông thường, khi nhận thấy thai nhi vẫn khỏe mạnh và vòng quấn quanh cổ ít, bác sĩ sẽ vẫn chỉ định sinh thường. Và hầu hết các trường hợp này trẻ đều khỏe mạnh.
Tuy nhiên, một điều thai phụ cần chú ý là nên đến bệnh viện, nơi được trang bị cơ sở vật chất tốt cũng như bác sĩ có tay nghề, thay vì đến các cơ sở nhỏ, thiếu trang thiết bị cần thiết, đề phòng khi có những biến cố không mong muốn, bác sĩ sẽ kịp thời can thiệp.
Đa số các trường hợp trẻ bị tràng hoa quấn cổ vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, với những trẻ bị dây rốn quấn quá chặt gây thiếu ô xi, thiếu máu, trong quá trình nuôi nấng, cần quan tâm hơn về sức khỏe của bé. Khi có những dấu hiệu bất thường như tim đập mạnh, chân tay run thì nên đưa bé đi gặp bác sĩ.
Trong khi mang thai, thai phụ cần chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp, sinh hoạt điều độ. Ngoài ra cần chăm sóc thai trước sinh thích hợp với những không gian không quá ồn ào và bản nhạc không quá mạnh nhằm tránh kích thích thai nhi, giảm khả năng bị tràng hoa quấn cổ.
(ST)