Bé Peyton được đưa đến bệnh viện vào hôm 31/7 trong tình trạng ngộ độc nghiêm trọng và phải nằm máy thở. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, bé vẫn đã qua đời vào ngày thứ 4 vừa qua. Các nhân viên y tế đã báo cho cảnh sát vào cuộc điều tra sau khi tìm thấy lượng muối cao vượt mức cho phép trong cơ thể bé Peyton.
Bé Peyton Martines mới 17 tháng tuổi đã không may tử vong vì ngộ độc muối.
Theo kết quả điều tra của cảnh sát, bà mẹ 23 tuổi đã cho con gái mình ăn một thìa café muối. Martines kể lại sau khi cho con gái ăn muối một lúc, cô đi ngủ và đột nhiên nghe tiếng khóc thét của con: “Khi đó Peyton có biểu hiện nóng và lên cơn co giật. Tôi đã gọi cấp cứu ngay lập tức sau đó”. Được biết bà mẹ trẻ này đang sống ly thân, vì muốn thu hút sự chú ý của chồng nên đã
cho con ăn muối như vậy. Với tội danh này, Martines đang bị tòa án buộc tội giết người và bà mẹ trẻ đang phải đối mặt với bản án 20 năm tù.
Bà mẹ 23 tuổi đang có nguy cơ đối mặt với 20 năm tù vì tội danh này.
Theo Trung tâm Kiểm soát chất độc quốc gia Mỹ, chính chất sodium được tìm thấy trong các loại muối và nước tương được xem là nguyên nhân gây ra sự co giật, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong nếu một người ăn quá nhiều.
Đây không phải là vụ ngộ độc muối đầu tiên
Các trường hợp ngộ độc muối được Trung tâm Kiểm soát chất độc quốc gia Mỹ đưa ra bao gồm một người uống quá nhiều nước biển, thanh thiếu niên uống 1 lít nước tương hay trẻ sơ sinh bị cho ăn quá nhiều muối vì nhầm lẫn với đường.
Ở Việt Nam năm ngoái cũng đã từng xảy ra 1 trường hợp ngộ độc muối nhưng không phải dạng muối hạt mà ở một dạng khác là nước điện giải oresol. Bé Nguyễn Văn Nam (3 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bị sốt nhẹ kèm nôn, tiêu chảy cấp. Nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên để chống mất nước cho con, gia đình đã cho bé uống oresol liên tục. Dù vậy bé vẫn khát nước dữ dội, quấy khóc, tiếp tục nôn và tiêu chảy trầm trọng. Nam được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, môi khô nẻ và có những cơn co giật. Kết quả điện giải đồ cho thấy Nam bị ngộ độc muối do uống oresol sai tỷ lệ.
Tác hại của việc dùng quá liều lượng muối cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh
Đa số người Việt đều có thói quen ăn mặn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, và đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là trẻ sơ sinh. Hệ thống các cơ quan trong cơ thể của trẻ dưới 1 tuổi vẫn còn non nớt và thận là một trong những cơ quan yếu ớt nhất. Thận của bé không thể chuyển hóa được một hàm lượng muối quá lớn đưa vào. Vì thế, cho trẻ hấp thụ quá nhiều muối sẽ làm tổn thương thận của bé. Nếu cho trẻ ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong giống như trường hợp em bé ở trên.
Ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm cũng có thể gây tổn thương não cho bé.
Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.
Không dừng lại ở đó, ăn nhiều muối ngay từ nhỏ cũng góp phần hình thành nên thói quen ăn mặn khó bỏ sau này của trẻ. Hậu quả là trẻ sẽ phải đối mặt với các vấn đề về huyết áp, tim mạch, thận và trẻ dễ phát triển béo phì vì ăn mặn trong tương lai.
Cho trẻ ăn muối như thế nào cho đúng cách?
Các chuyên gia khuyến cáo rằng việc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi ăn muối cần hết sức cẩn trọng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có nhu cầu về muối, tuy nhiên lượng muối này cực ít và hầu hết đã có đủ trong sữa mẹ, sữa công thức và các thực phẩm trẻ ăn hàng ngày. Do đó, mẹ không cần phải cho thêm bất cứ thìa muối, giọt mắm nào trong bát cháo hoặc bột ăn dặm của con.
Đối với trẻ em từ 7 - 12 tháng tuổi, các bác sĩ khuyến cáo là chỉ nên cho dùng tối đa 1g muối mỗi ngày, bé 1 - 3 tuổi là 2g và từ 4 - 6 tuổi là 3g.
Bố mẹ nên nắm rõ cách dùng và lượng dùng muối phù hợp cho trẻ.
Đừng thêm muối vào thức ăn của trẻ mà hãy thay thế bằng các loại gia vị khác như thêm nước cốt chanh, tỏi, dấm hoặc các loại thảo mộc. Dùng một lượng ít nước tương, mù tạt, dưa chua và sốt mayonnaise trong pha chế, nấu ăn nếu có thể.
Các bậc phụ huynh cũng cần thận trọng khi cho con sử dụng đồ ăn có nhiều muối như đồ ăn được chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, các loại snack, bim bim mặn… Hãy chú ý, một trong những nguồn thực phẩm hàng ngày trẻ hấp thụ có nồng độ muối cao là bánh mì, thịt chế biến và pho mát.