Bé sơ sinh

 

Hoạt động của các bé sơ sinh không phải chỉ giới hạn ở một số phản xạ thụ động và những cử động tình cờ. Ngay từ khi mới sinh, bé đã biết nhìn, nghe, ngửi và nắm; thật thế, với một bé mới sinh sau vài tiếng đồng hồ đã có thể nhận mặt người và biết mùi mẹ, phản ứng với tiếng động to bất thình lình hoặc tiếng nói êm ái, nhẹ nhàng. Tất cả các bé đều đáp ứng rất nhạy với sự sờ mó và phản ứng xúc giác đã hiện diện từ lúc bé mới sinh. Bé sơ sinh là một con người có khả năng tiếp thu cao và đầy đủ tiềm năng.

Vẻ ngoài của bé sơ sinh

Khi mới sinh, nhiều bé có vẻ nhem nhuốc và sần sùi làm cha mẹ lo lắng những thực ra bé hoàn toàn bình thường. Ví dụ như đầu bé không cân đối; có u nần; mắt sưng và dính chặt; mí mắt sụp; mắt lé; da nhăn nheo và đầy lông, đỏ hỏn và bóng nhờn; da tay chân khô và tróc; da có đốm hoặc vùng mất màu; da vàng; ở cả trai lẫn gái đều có bộ phận sinh dục qua to không cân xứng. Tất cả những điều đó đều sẽ biến mất sau vài tuần lễ.

Tuy nhiên đôi khi cũng có những vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ như nhiễm trùng đòi hỏi phải điều trị.

Đặc điểm của bé sơ sinh

Tất cả các bé sơ sinh đều có những sự khác biệt về vẻ ngoài, phần nhiều là do quá trình sinh nở và do chuyển môi trường nước, vô trùng ra không khí. Dù cha mẹ có thể lo sợ vì những sự không hoàn hảo đó, nhưng sau vài tuần lễ thì hầu hết đều biến mất.

Hành vi của bé sơ sinh

Trong thời kỳ sơ sinh, hành vi của bé là biểu hiện của sự đấu tranh để tồn tại; điều này nhằm chắc chắn rằng các nhu cầu cơ bản về thực phẩm, sự sạch sẽ, ấm áp và sự yêu thương, kích thích và bảo vệ được đáp ứng. Một số phản xạ tìm vú và mút quan hệ với việc cho bú. Những phản xạ khác, như phản xạ giật mình là dấu vết của quá khứ sơ khai và sẽ biến mất sau vài tuần. Tất cả những phản xạ sẽ được thay bằng những cử động và hoạt động có ý thức và được kiểm soát khi cơ bắp và hệ não của bé trưởng thành.

Khi mới sinh ra, bé giao tiếp bằng tiếng khóc. Sau vài tuần lễ đầu đời, bạn sẽ bắt đầu phân biệt được nhiều loại tiếng khóc của bé ví dụ như khóc vì đói, vì đau hay vì mệt.

Dần dần kiểu tính tình của bé sẽ lộ ra, và em bé sẽ trở thành một cá nhân có cá tính rõ rệt.

Phản xạ di động

Phản xạ bước đi

Nếu bạn giữ bé thẳng đứng, bàn chân bé chạm nền cứng thì bé có vẻ như bước đi. Khả năng này sớm biến mất.

Phản xạ đặt

Nếu bạn để cẳng chân bé chạm vào bờ bàn, bàn chân bé sẽ tự động nhấc lên. Giống như phản xạ bước đi, phản xạ này cũng sẽ mau chóng biến mất.

Phản xạ sinh tồn

Phản xạ nắm

Nếu bạn lấy ngón tay của mình sờ vào lòng bàn tay bé, bé sẽ nắm tay lại. Bé nắm rất chặt đến nỗi bạn có thể nhấc được bé lên. Khả năng này, sớm mất đi, có lẽ cũng là dầu vết của quá khứ tiến hóa của chúng ta.

Phản xạ giật mình

Khi bé giật mình hoặc cảm thấy sắp ngã, bé có phản ứng rất mạnh. Hai cánh tay bung ra như tìm chỗ níu, bàn tay mở rộng, đầu ngả ra sau. Phản xạ này đôi khi cho biết là bạn bế bé không đúng cách.

Phản xạ tìm kiếm và bú

Nếu bạn đụng nhẹ hoặc sờ vào má bé, bé sẽ quay về phía bạn và mở miệng ra. Đặt ngón tay, núm vú hay vú giả vào miệng bé sẽ bú. Hành vi này là sự phối hợp của nhiều phản xạ cơ bản cho phép bé bú.

Kích thích bé sơ sinh

Những kích thích nghe và nhìn rất thiết yếu đối với sự phát triển bình thường của thính giác và thị giác. Tiếp xúc bằng mắt giữa mẹ và con cho bé ý nghĩa của sự giao tiếp đầu tiên; ngay cả trong những ngày đầu tiên khi mới sinh ra bé đã có những cử chỉ bắt chước như thè lưỡi, mở miệng, cử động đầu. Hãy nói chuyện với con mỗi khi có dịp và bạn sẽ được bé ậm ừ hay cười đáp lại.

Bé sơ sinh có thể thấy rõ các vật cách mắt bé từ 20 đến 25 cm. Từ rất nhỏ, bé đã có thể phân biệt được sự sắp xếp các đường nét và hình dạng khác nhau. Bé sơ sinh thích màu sáng, rõ và các sọc, các hình góc hơn là các dạng hình cong. Cần tăng việc kích thích thị giác của bé như thế bằng hình ảnh và đồ chơi đặt ở đúng tầm quan sát của bé. Tiếp xúc cơ thể cũng là điều thiết yếu để giúp bé phát triển khỏe mạnh. Bé sơ sinh quen với tiếng động và cảm thấy tiếng đập trái tim và sự chuyển động khi bạn bước đi. Các bé được cha mẹ đeo trên người bằng đai, được bồng bế sẽ ít cáu giận hơn so với các bé không được cha mẹ bồng bế gần gũi thân thiết.

Giao tiếp sớm

Bé không thể cưỡng lại được khuôn mặt của bạn và tiếp xúc bằng mắt với bé là một phần thiết yếu trong tiến trình vun đắp tình yêu thương với con, giống như sự kích thích là điều thiết yếu cho sự phát triển khỏe mạnh về thể chất và cảm xúc của bé. Nói chuyện và hát cho bé nghe sẽ tạo ra một loại đáp ứng như lắc đầu, thè lưỡi, và bé có thể ngừng bú hay ngừng khóc nếu bạn nói với bé bằng giọng dịu dàng. Sự tiếp xúc cơ thể khi bồng bế làm tăng mối ràng buộc yêu thương giữa bạn và bé.

Một môi trường có tính kích thích

Dù bé của bạn có ngủ cả ngày, những khoảng thời gian bé thức cũng cho bạn nhiều cơ hội để kích thích bé. Mộ vật di động treo ở tầm mắt bé là một cách kích thích thị giác rất tốt. Trong cũi hay xe đầy của bé, bạn có thể để hình các khuôn mặt người hay những hình trừu tượng cắt trong tạp chí cho bé nhìn. Đồ chơi phát ra tiếng nhạc có thể làm cho bé an tâm khi bé không nhìn thấy bạn. Những kích thích này giúp cho não và hệ thần kinh sớm phát triển.

(St)

Cho em hoi be it an lam the nao a.
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận